Ở Việt Nam, có khoảng từ 5-12% dân số mắc bệnh sỏi tiết niệu. Sỏi tiết niệu có nhiều loại. Các loại sỏi tiết niệu khác nhau đều có nguyên nhân hình thành và phương pháp điều trị không giống nhau.
Bạn đang đọc: Các loại sỏi tiết niệu thường gặp và phương pháp điều trị
1. Sỏi tiết niệu là gì?
Sỏi tiết niệu là những khối rắn hình thành trong đường tiết niệu. Chúng có thể xuất hiện ở bất kỳ bộ phần nào của hệ tiết niệu. Sỏi đường tiết niệu phần lớn hình thành bắt đầu từ thận, sau đó được di chuyển đến các vị trí khác như niệu quản, bàng quang và niệu đạo.
Bệnh lý sỏi tiết niệu thường gặp nhất ở nam giới, đặc biệt là những người nằm trong độ tuổi trung niên.
2. Các loại sỏi tiết niệu thường gặp
Sỏi tiết niệu được cấu tạo từ những thành phần khác nhau, trong đó các loại sỏi tiết niệu thường gặp nhất là:
Các loại sỏi tiết niệu phân theo thành phần hóa học
2.1. Sỏi canxi:
- Đây là loại sỏi tiết niệu phổ biến nhất, bao gồm sỏi oxalat canxi màu đen, sỏi phosphat canxi màu vàng nhạt hoặc trắng bẩn và sỏi cacbonat canxi màu trắng.
- Sỏi canxi được hình thành khi nước tiểu bị bão hòa quá mức về muối canxi do tăng hấp thu canxi ở ruột hoặc tăng tái hấp thu canxi ở ống thận.Bên cạnh đó sỏi còn được hình thành do giảm citrat niệu khi nước tiểu quá bão hòa về Oxalat.
2.2. Sỏi acid uric:
- Sỏi hình thành do nước tiểu quá bão hòa acid uric. Sỏi có màu gạch cua và hay tái phát.
- Bệnh thường gặp trên những người bị tăng acid uric máu, người bệnh gout hoặc một số trường hợp di truyền.
2.3. Sỏi struvite:
- Sỏi struvite hay còn có tên gọi khác là sỏi san hô, sỏi nhiễm trùng. Sỏi được hình thành chủ yếu do nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
- Sỏi có màu vàng trắng, thường bắt gặp ở nữ giới bị viêm đường tiết niệu.
2.4. Sỏi cystin:
- Đây là loại sỏi thường liên quan đến yếu tố di truyền. Sỏi được hình thành do cystine bị đào thải nhiều qua thận nhưng ít hòa tan nên bị đọng lại thành sỏi.
- Sỏi cystin là loại sỏi không cản quang, nhẵn và có màu vàng nhạt. Đây là loại sỏi có tỉ lệ mắc thấp nhưng lại hay tái phát.
3. Những nguyên nhân của bệnh sỏi tiết niệu
Quá trình hình thành sỏi đường tiết niệu phức tạp do nhiều yếu tố tác động tạo thành:
- Uống ít nước hoặc mất nước thường xuyên làm cho nước tiểu bị cô đặc dễ hình thành sỏi.
- Chế độ ăn mất cân bằng. Ăn quá nhiều đường , muối, các thực phẩm chứa nhiều chất đạm và thực phẩm giàu canxi.
- Tác dụng phụ của thuốc tây (thuốc lợi tiểu., chống co giật,…) và các loại thực phẩm chức năng chứa canxi.
- Ảnh hưởng bởi chủng tộc (người da trắng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người châu phi), độ tuổi, giới tính và tiền sử gia đình có người bị bệnh sỏi tiết niệu.
- Môi trường sống và làm việc khói bụi, nóng bức và nhiều căng thẳng,
- Ảnh hưởng từ các bệnh lý khác như nhiễm khuẩn đường tiết niệu, dạ dày, viêm ruột…
4. Triệu chứng sỏi tiết niệu thường gặp
Người bị bệnh sỏi tiết niệu có những triệu chứng cơ bản sau:
- Đau vùng hố thắt lưng: Người bệnh sẽ có những cơn đau quặn ở vùng hông tới lưng. Cơn đau xảy ra đột ngột và kéo dào và tăng mạnh khi vận động.
- Bất thường khi đi tiểu: Tiểu lắt nhắt, tiểu gắt buốt, tiểu ra máu, tiểu ra sỏi. Nước tiểu đổi màu sang vàng đậm hoặc nâu sẫm hoặc có thể ứ mủ…,có mùi hôi khó chịu.
- Đau nhức ở cơ quan sinh dục do sỏi cọ xát vào niệu đạo.
- Một số triệu chứng khác như sốt, ớn lạnh, buồn nôn và nôn…
Tìm hiểu thêm: Các phương pháp tán sỏi đường tiết niệu phổ biến hiện nay
Cơn đau buốt ở hông sau lưng cùng tình trạng tiểu tiểu buốt, tiểu ra máu kéo là biểu hiện của sỏi tiết niệu
5. Mức độ nguy hiểm của các loại sỏi tiết niệu
Bệnh sỏi tiết niệu có thể được chữa khỏi hoàn toàn. Nhưng nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách, sỏi tiết niệu có thể bị tăng lên về kích thước, số lượng và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, đó là:
- Tắc nghẽn đường tiểu làm ứ nước tiểu gây viêm nhiễm. Lâu dần sẽ gây giãn đài bể thận, làm suy giảm chức năng của thận.
- Nhiễm khuẩn đường tiết niệu: Sự di chuyển của sỏi, nhất là những sỏi có gai nhọn sẽ cọ xát vào đường tiết niệu khiến niêm mạc bị rách, gây chảy máu. Đây là cơ hội cho vi khuẩn gây hại tấn công kiến đường tiết niệu bị viêm nhiễm.
- Viêm khe thận, suy thận, vỡ thận: Sỏi tiết niệu mắc vào các khe thận sẽ gây viêm và làm xơ hóa thận. Nếu sỏi gây nhiễm khuẩn nặng có thể dẫn đến suy thận. Hoặc khi thận bị ứ mủ nhiều làm giãn to đài bể thận thì có thể phải cắt bỏ thận.
6. Phương pháp điều trị
Chính những biến chứng nguy hiểm của sỏi tiết niệu dẫn đến có nhiều trường hợp cần phải can thiệp cấp cứu để lấy sỏi ngay. Tuy nhiên cũng có trường hợp có thể trì hoãn và can thiệp lấy sỏi chủ động theo chỉ định của bác sĩ. Hoặc có nhiều trường hợp không cần can thiệp. Vì vậy, khi phát hiện ra sỏi tiết niệu, người bệnh cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.
6.1. Điều trị nội khoa các loại sỏi tiết niệu:
- Đối với những sỏi có kích thước nhỏ hơn 5mm khi chức năng thận vẫn còn hoạt động tốt, sỏi chưa gây biến chứng, người bệnh được chỉ định dùng thuốc giãn cơ trơn, tăng cường vận động và uống nhiều nước.
- Đối với trường hợp sỏi kích thước lớn gây ảnh hưởng đến thận. Người bệnh không thể điều trị bằng các phương pháp phẫu thuật do mắc các bệnh lý nền như suy tim, lao phổi, ung thư giai đoạn cuối… Lúc này, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ trơn niệu quản và thuốc làm mòn sỏi.
>>>>>Xem thêm: Ăn gì khi bị viêm đường tiết niệu?
Dùng thuốc là giải pháp tạm thời, kiểm soát triệu chứng bệnh
6.2. Điều trị ngoại khoa các loại sỏi tiết niệu:
Khi sỏi có kích thước lớn, không thể tự đào thải qua đường tiết niệu. Bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp phẫu thuật để tiến hành loại bỏ sỏi.
- Tán sỏi ngoài cơ thể: Áp dụng với sỏi có kích thước dưới 15mm, chức năng thận tốt, lưu thông niệu quản tốt. Đây là phương pháp sử dụng năng lượng thủy lực điện trường phá vỡ sỏi. Sỏi sẽ được đào thải qua đường tiểu.
- Tán sỏi nội soi ngược dòng: Sỏi nhỏ hơn 15mm. Sử dụng một ống thông từ niệu đạo đến vị trí của sỏi. Sau đó dùng năng lượng từ laser, sóng siêu âm hoặc thủy lực để tán sỏi nhỏ rồi rút ra ngoài.
- Tán sỏi qua da: Áp dụng đối với các loại sỏi san hô, sỏi thận hay sỏi 1/3 trên niệu quản có kèm dị dạng đường tiết niệu. Phương pháp được thực hiện nhờ một máy nội soi đưa qua đường hầm nhỏ từ da vào trong thận và tiến hành tán sỏi, hút sỏi ra ngoài.
- Mổ nội soi sau phúc mạc: được thực hiện khi điều trị bằng các phương pháp trên bị thất bại hoặc không đủ điều kiện để thực hiện những biện pháp ít xâm lấn khác.
- Mổ mở lấy sỏi: Được chỉ định khi kích thước sỏi quá lớn.
7. Phòng tránh sỏi tiết niệu
Sỏi tiết niệu là một bệnh lý thường gặp. Các biện pháp giúp phòng tránh bệnh sỏi tiết niệu là:
- Uống đủ nước mỗi ngày, ít nhất 1,5-2l nước.
- Cân bằng thực phẩm chứa canxi và oxalat.
- Ăn nhạt hơn để hạn chế làm tăng nồng độ canxi có trong nước tiểu. Tăng cường ăn rau xanh giúp bổ sung chất xơ. Ăn nhiều các loại hoa quả có chứa nhiều citrat như chanh, bưởi, cam nhằm ngăn chặn việc hình thành sỏi. Cắt giảm các loại thịt hoặc các loại thực phẩm chứa nhiều đạm động vật, nhiều chất béo bão hòa.
- Tích cực luyện tập thể dục thể thao kết hợp với các động tác vận động nhẹ nhàng.
- Tuyệt đối không được nhịn tiểu để tránh làm ứ đọng các chất cặn trong hệ tiết niệu.
Qua bài viết trên, bạn đã có thể hiểu rõ hơn về sỏi tiết niệu và các loại sỏi tiết niệu thường gặp cũng như phương pháp điều trị bệnh hiệu quả. Mặc dù bệnh có thể điều trị khỏi nhưng mỗi người nên chủ động phòng tránh sỏi và kiểm tra sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện sỏi sớm để tránh gây những biến chứng nặng nề.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.