Tán sỏi ngược dòng bằng laser hay còn gọi là tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser được đánh giá là một cuộc cách mạng trong điều trị sỏi niệu quản. Phương pháp này có ưu điểm là làm sạch sỏi theo đường “tự nhiên” nên không có vết mổ, không để lại sẹo, ít đau, 24h có thể ra viện. Vậy tán sỏi niệu quản nội soi ngược dòng bằng laser được chỉ định trong những trường hợp nào, liệu có tồn tại rủi ro nào không? Hãy cùng tìm hiểu những thông tin bổ ích nhất về ở bài viết dưới đây.
Bạn đang đọc: Giải đáp tán sỏi ngược dòng bằng laser có an toàn không?
1. Tổng quan về sỏi niệu quản
Sỏi niệu quản xếp thứ 2 sau sỏi thận về mức độ phổ biến. Loại sỏi này thường được gọi là “nhỏ nhưng có võ” vì niệu quản là con đường duy nhất đưa nước tiểu từ thận xuống bàng quang. Nếu con đường ấy bị tắc bởi sỏi, thận sẽ không thể đào thải những chất dư thừa ra ngoài gây ra tình trạng thận ứ nước, nhiễm trùng, thận hư,…
Nếu kích thước sỏi nhỏ, người bệnh có thể chỉ cần điều trị nội khoa với một số loại thuốc phù hợp kết hợp với điều chỉnh chế độ ăn uống khoa học. Tuy nhiên, nếu kích thước sỏi lớn, bác sĩ thường sẽ có chỉ định can thiệp để loại bỏ sỏi kịp thời, tránh để xảy ra các biến chứng đáng tiếc.
Hiện nay, phương pháp tán sỏi niệu quản nội soi ngược dòng bằng laser đang được áp dụng rất phổ biến. Phương pháp này có ưu điểm là không để lại sẹo, an toàn, làm sạch sỏi nhanh, tiết kiệm thời gian và tiền bạc.
2. Tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser là gì?
Tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser giúp làm sạch sỏi nhanh chóng, ít đau, không có vết mổ.
Tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser hiểu đơn giản là phương pháp làm sach sỏi theo đường “tự nhiên” (đi ngược từ lỗ tiểu lên niệu quản) kết hợp với nguồn năng lượng từ tia laser để làm vỡ sỏi thành vụn nhỏ rồi hút bỏ ra ngoài. Nhờ đó sau tán bệnh nhân rất ít đau, phục hồi nhanh, 3 – 6 tiếng sau tán có thể ăn nhẹ. Đặc biệt, sẽ rất tiết kiệm được thời gian bởi sau 24 giờ bệnh nhân có thể xuất viện. Vì người bệnh không phải mổ, nên cũng không để lại sẹo, đảm bảo tính thẩm mỹ.
3. Chỉ định tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser
3.1. Ai có thể tán sỏi ngược dòng bằng laser?
– Người bệnh có sỏi niệu quản nằm ở 1/3 giữa, 1/3 dưới.
– Khi sỏi bị tắc không thể di chuyển xuống vị trí thấp hơn của niệu quản để đi ra ngoài.
– Thực hiện để lấy các mảnh sỏi nhỏ còn sót lại khi thực hiện các phương pháp khác như tán sỏi qua da, tán sỏi ngoài cơ thể.
Người bệnh khi phát hiện có các triệu chứng của sỏi niệu quản cần thăm khám cụ thể với bác sĩ để được chẩn đoán chính xác và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.
3.2. Các trường hợp không thể tán sỏi bằng laser
– Những bệnh nhân nam hẹp niệu đạo không thể thực hiện được phương pháp này.
– Không áp dụng với những bệnh nhân bị nhiễm trùng đường tiết niệu nặng chưa điều trị khỏi hoàn toàn.
– Một số người mắc một số bệnh lý liên quan đến máu như: rối loạn đông máu, tan máu,..cũng không thể thực hiện được phương pháp này
– Thận ứ nước độ III, IV
– Người bệnh bị tổn thương niệu quản ( rất hiếm trường hợp mắc phải )
Tìm hiểu thêm: Viêm đường tiết niệu ở người cao tuổi
Cận cảnh một ca tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser tại Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc.
4. Quy trình tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser
Đầu tiên, bệnh nhân cần được chụp X-quang, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính,…để có thể xác định chính xác vị trí, kích thước của sỏi niệu quản. Ngoài ra, bệnh nhân sẽ được thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng khác để kiểm tra xem đường tiết niệu có nhiễm khuẩn hay không.
Sau khi xác định người bệnh có đủ điều kiện để thực hiện tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser, quá trình tán sỏi sẽ được thực hiện tại phòng mổ. Trước hết bác sĩ sẽ tiến hành gây tê tủy sống cho người bệnh. Tiếp theo, ống nội soi sẽ được đưa ngược từ lỗ tiểu lên niệu đạo, niệu quản rồi tiếp cận với viên sỏi. Qua màn hình gắn với camera ở ống nội soi, bác sĩ sẽ bắt đầu bắn vỡ sỏi bằng năng lượng laser thành những mảnh vụn nhỏ. Cuối cùng sỏi sẽ được hút bỏ ra ngoài. Kết thúc tán sỏi, bệnh nhân sẽ được đặt vào hệ tiết niệu một ống thông mềm với 2 đầu ống cuộn tròn trong bể thận và bàng quang. Và sau 2 tuần sẽ được rút ra.
Thông thường một ca tán sỏi sẽ kéo dài từ 30 phút tới 1 giờ đồng hồ. Bệnh nhân sẽ được ở lại viện khoảng 12-24 tiếng để theo dõi thêm. Sau đó, người bệnh sẽ được xuất viện về nhà, sinh hoạt và làm việc bình thường.
5. Tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser có an toàn không?
Nhìn chung tán sỏi ngược dòng bằng laser được đánh giá là an toàn. Đặc biệt là phương pháp này không gây tổn thương đến đường tiết niệu, giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng, chảy máu. Tia laser chỉ tác động đến sỏi, không ảnh hưởng tới các cơ quan lân cận. Vì tán theo đường “tự nhiên” nên không có vết mổ, người bệnh nhờ đó mà giảm bớt đau đớn.
Tuy nhiên để hạn chế tối đa nguy cơ gặp phải các rủi ro không mong muốn, người bệnh nên lựa chọn điều trị tại các cơ sở y tế uy tín, có đội ngũ bác sĩ giỏi, trang thiết bị y tế hiện đại và đầy đủ, chế độ chăm sóc sau điều trị tốt.
>>>>>Xem thêm: “Đánh bay” sỏi tiết niệu với phương pháp tán sỏi laser ngược dòng
Người bệnh nên lựa chọn điều trị tại các cơ sở y tế uy tín, thăm khám cụ thể với bác sĩ chuyên khoa.
6. Chế độ chăm sóc sau khi tán sỏi ngược dòng bằng laser
Sau khi hoàn thành tán sỏi, người bệnh sẽ được bác sĩ hướng dẫn về chế độ ăn uống và sinh hoạt. Cụ thể:
– Nên uống nhiều nước mỗi ngày.
– Ăn các loại thức ăn mềm, dễ tiêu hóa.
– Không ăn mặn, hạn chế các loại thực phẩm giàu chất béo, dầu mỡ.
– Tránh xa rượu bia và các loại thực phẩm có chứa oxalat dễ tạo sỏi như sô cô la, đậu bắp, tỏi tây, rau bina, củ cải, trà, cà phê…
– Vận động nhẹ nhàng, không làm việc nặng.
– Thông báo ngay cho bác sĩ nếu có các dấu hiệu bất thường như đau, sốt, tiểu máu…
Hy vọng một số thông tin nêu trên đã giúp các bạn hiểu hơn về phương pháp tán sỏi ngược dòng bằng laser để có sự lựa chọn điều trị tốt nhất cho bản thân.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.