Hiện nay có nhiều cách thức điều trị sỏi thận, trong đó mổ nội soi lấy sỏi thận thường được chỉ định cho các trường hợp sỏi có kích thước lớn với ưu điểm: ít đau, hầu như không để lại sẹo, làm sạch sỏi nhanh. Vậy người bệnh cần lưu ý những vấn đề gì khi được chỉ định phương pháp điều trị này. Tham khảo bài viết dưới đây.
Bạn đang đọc: Những điều cần lưu ý khi chỉ định mổ nội soi lấy sỏi thận
1. Mổ nội soi lấy sỏi thận là gì?
Phẫu thuật nội soi lấy sỏi thận là cách thức lấy sỏi trong nhu mô thận với mức độ xâm lấn tối thiểu. Phương pháp này được tiến hành bằng cách sử dụng ống nội soi được gắn camera vào bên trong cơ thể thông qua những vết rạch (cắt) da rất nhỏ. Mọi thao tác diễn ra bên trong cơ thể được điều khiển thông qua màn hình video bên ngoài.
Mổ nội soi lấy sỏi thận thường được chỉ định cho các trường hợp sỏi có kích thước lớn.
2. Những ưu điểm của mổ nội soi sỏi thận
So với phương pháp phẫu thuật mổ mở, mổ nội soi lấy sỏi thận có nhiều ưu điểm vượt trội:
- Vết mổ nhỏ và ngắn dưới 5mm giúp giảm đau. Sẹo rất nhỏ, hầu như không đáng kể nên đảm bảo tính thẩm mỹ.
- Người bệnh không bị mất máu nhiều, làm giảm nguy cơ phải truyền thêm máu.
- Nguy cơ nhiễm trùng sau phẫu thuật thấp hơn so với mổ mở.
- Thời gian nằm viện ngắn, thời gian hồi phục nhanh chóng. Người bệnh có thể sớm trở lại cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Khoảng 3 ngày sau mổ nội soi là người bệnh có thể về nhà nếu sức khỏe đã ổn định.
3. Những trường hợp được chỉ định mổ nội soi lấy sỏi
Không phải tất cả bệnh nhân bị sỏi thận đều phải tiến hành mổ nội soi. Việc can thiệp nội soi lấy sỏi được chỉ định trong các trường hợp sau:
- Sỏi thận có triệu chứng: đau âm ỉ kéo dài vùng thắt lưng. Những cơn đau quặn thận sau lan xuống hố chậu kèm theo hiện tượng chướng bụng, buồn nôn. Tiểu gắt, tiểu buốt, nước tiểu đục hoặc tiểu ra máu. Hoặc người bệnh bị sốt cao 38-39 độ C…
- Sỏi thận không triệu chứng có kích thước từ 1-2 cm.
- Sỏi thận kích thước từ trên 2 cm.
Tất cả các trường hợp trên đều được xác định thông qua biểu hiện của các triệu chứng, khám bệnh lâm sàng kết hợp với các loại xét nghiệm cần thiết như xét nghiệm nước tiểu, siêu âm ổ bụng, chụp X-quang… Mục đích để đánh giá chính xác vị trí và kích thước của sỏi thận trước khi can thiệp.
Mổ nội soi không được chỉ định trong các trường hợp: thận ứ mủ, áp xe thận, suy thận hoặc sốc nhiễm trùng…. Thay vào đó, người bệnh sẽ được đặt ống thông niệu quản, dẫn lưu bể thận qua da cấp cứu hoặc mổ mở lấy sỏi.
Tìm hiểu thêm: Những lợi ích của tán sỏi nội soi ống mềm bằng laser
Người bệnh có kích thước sỏi trên 20 mm có thể được chỉ định mổ nội soi lấy sỏi thận
4. Phẫu thuật nội soi lấy sỏi thận được tiến hành theo các bước nào?
4.1. Các bước chuẩn bị mổ nội soi lấy sỏi thận
- Sau khi xác định đạt đủ các điều kiện bắt buộc để mổ nội soi, người bệnh được được thăm khám và làm các xét nghiệm tiền hậu phẫu.
- Người bệnh được yêu cầu không ăn và uống trước thời gian phẫu thuật khoảng 6 giờ.
- Người bệnh được hướng dẫn vệ sinh cơ thể bằng dung dịch sát trùng, thay trang phục phù hợp và năm trên bàn mổ với tư thế thích hợp, đặt thông tiểu lưu.
- Tiến hành gây mê toàn thân. Người bệnh nhanh chóng rơi vào giấc ngủ và thở máy qua nội khí quản.
4.2. Quá trình mổ nội soi lấy sỏi thận
- Sau khi xác định người bệnh được gây mê hoàn toàn, bác sĩ điều trị tiến hành rạch một đường nhỏ dưới rốn để đưa ống nội soi có gắn camera với mục đích thu và dẫn truyền hình ảnh lên màn hình bên ngoài.
- Tiếp tục tạo thêm các đường rạch nhỏ khác để đưa dụng cụ nội soi vào ổ bụng. Sau đó tiếp cận như mô thận và bóc tách lấy sỏi.
- Đặt một stent niệu quản để đảm bảo đường thoát cho các mảnh vụn của sỏi hoặc các sỏi kết hợp khác được ra ngoài.
- Quá trình nội soi kết thúc, các nhu mô thận được đóng lại. Các ống nội soi được rút ra lần lượt. Các vết mổ được khâu lại bằng chỉ tự tiêu hoặc chỉ không tự tiêu, băng vết thương.
- Bệnh nhân được chuyển sang phòng hồi sức, rút ống thở và chờ hồi tỉnh sau phẫu thuật.
5. Các nguy cơ có thể gặp phải sau phẫu thuật nội soi
Mặc dù có có nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với phương pháp mổ mở truyền thống, phẫu thuật nội soi vẫn còn tiềm ẩn các nguy cơ có thể gặp phải. Đó là:
- Những biến chứng do gây mê trước khi mổ xuất hiện kéo dài vài ngày đến vài tuần.
- Chảy máu vết mổ hoặc thoát bị tại vết rạch. Hoặc có trường hợp máu bị tụ trong ổ bụng, lồng ngực.
- Tổn thương các mạch máu hoặc cách tạng xung quanh như dạ dày, ruột, bàng quang, niệu quản…
- Vết mổ bị nhiễm trùng
Vì vậy người bệnh cần được theo dõi sát trong khoảng thời gian hậu phẫu nhằm phát hiện sớm các biến chứng để can thiệp và xử lý kịp thời.
6. Những lưu ý khi điều trị mổ nội soi sỏi thận
Sau khi người bệnh được phẫu thuật nội soi lấy sỏi, cần lưu ý:
6.1. Chăm sóc vết mổ:
- Rửa vết mổ tại nhà nhẹ nhàng.
- Có thể cho vết mổ tiếp xúc với không khí để nhanh se mặt.
- Mặc quần áo rộng rãi, thoải mái để tránh gây kích ứng vết mổ.
6.2. Chế độ dinh dưỡng:
- Uống nhiều nước và không nhịn tiểu: Người bệnh cần cung cấp đủ nước mỗi ngày cho cơ thể, từ 2-3 lít nước. Đi tiểu ngay khi cơ thể có nhu cầu và tuyệt đối không được nhịn tiểu.
- Bổ sung các thực phẩm giúp lợi tiểu như rau cần tây, nước cam, nước ngô non luộc hoặc nước râu ngô, nước đậu đen… Mục đích để bài tiết các mảnh sỏi vụn, các nhân sỏi nhỏ, dịch máu, cặn máu… ra ngoài cơ thể.
- Ăn thức ăn dễ tiêu hóa (rau lang, khoai lang, mồng tơi…) giúp người bệnh nhanh hấp thụ để hồi phục sức khỏe; giúp nhanh làm liền các tổn thương niêm mạc và thành niệu quản
- Thực hiện chế độ ăn hạn chế chất tạo sỏi: Hạn chế ăn hải sản và các đồ uống chứa chất kích thích.
- Tăng cường các thực phẩm có chất kháng khuẩn (như tỏi, gừng, hành…) để chống lại nhiễm khuẩn ngược dòng.
>>>>>Xem thêm: Tán sỏi ngược dòng bằng laser và những thông tin cần biết
Chế độ dinh dưỡng khoa học sau khi điều trị mổ nội soi lấy sỏi thận giúp người bệnh nhanh hồi phục sức khỏe
6.3. Vận động sau khi mổ nội soi lấy sỏi thận
- Vận động nhẹ nhàng, tránh các hoạt động mạnh và mang vác vật nặng. Đi bộ lài tập phù hợp nhất cho người bệnh lúc này
- Người bệnh không lái xe khi đến lần tái khám đầu tiên sau khi mổ.
6.4. Trường hợp nên liên lạc với bác sĩ:
- Khi gặp các triệu chứng bất thường như sốt cao, nhịp tim tăng cao, khó thở đột ngột… Vết mổ bị sưng đỏ quá mức hoặc bị chảy dịch, hở miệng…
- Tái khám sau khoảng 2 tuần theo đúng lịch hẹn của bác sĩ.
Mổ nội soi lấy sỏi thận là một trong những phương pháp điều trị được áp dụng khá phổ biến. Phương pháp có những ưu điểm nhất định tuy nhiên vẫn còn tiềm ẩn những rủi ro mà người bệnh không thể chủ quan. Vì vậy, mổ nội soi lấy sỏi nên được thực hiện tại một bệnh viện lớn, uy tín với đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm cùng với hệ thống máy móc hiện đại để mang lại hiệu quả tối ưu.
Bên cạnh đó người bệnh nên chủ động thăm khám sớm khi phát hiện có sỏi thận. Sỏi càng điều trị sớm thì càng đơn giản và nhẹ nhàng. Hiện tại đã có các phương pháp tán sỏi công nghệ cao rất ít xâm lấn, giúp làm sạch sỏi êm ái, thậm chí không cần mổ như tán sỏi ngoài cơ thể. Các trường hợp sỏi thận có kích thước lớn cũng có thể điều trị hiệu quả bằng tán sỏi nội soi qua da đường hầm nhỏ. Theo đó bác sĩ chỉ cần tạo 1 vết rạch siêu nhỏ (5mm) để tái lập đường hầm tiếp cận vơi sỏi và tán vỡ nó bằng nguồn năng lượng laser.
Do đó tuyệt đối đừng bỏ qua giai đoạn điều trị thuận lợi nhất khi sỏi còn nhỏ. Càng để kéo dài sỏi sẽ càng lớn, không chỉ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm mà không thể áp dụng các phương pháp điều trị ít xâm lấn, người bệnh sẽ phải chịu đau đớn, cần nhiều thời gian để phục hồi hơn.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.