Nội soi sau phúc mạc lấy sỏi niệu quản là phương pháp phẫu thuật phổ biến với nhiều ưu thế vượt trội so với phương pháp mổ mở truyền thống. Phương pháp này được chỉ định trong một số trường hợp nhất định, bệnh nhân cần thăm khám với bác sĩ chuyên khoa để có tư vấn cụ thể.
Bạn đang đọc: Nội soi sau phúc mạc lấy sỏi niệu quản chỉ định cho trường hợp nào?
1. Thế nào là nội soi sau phúc mạc lấy sỏi niệu quản?
Sỏi niệu quản là hiện tượng những viên sỏi được hình thành và nằm trong lòng niệu quản khiến dòng nước tiểu từ thận xuống bàng quang bị tắc nghẽn. Thận bị ứ đọng nước tiểu lâu ngày làm chức năng thận bị suy giảm và làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người bệnh.
Điều trị sỏi nội quản có nhiều phương pháp khác nhau phụ thuộc vào kích thước và biểu hiện của các triệu chứng. Với những trường hợp được chỉ định can thiệp điều trị bằng ngoại khoa, thì phẫu thuật nội soi sau phúc mạc cũng là một trong những phương pháp được áp dụng khá phổ biến.
Nội soi sau phúc mạc lấy sỏi niệu quản là phương pháp can thiệp xâm lấn tối thiểu. Sỏi được lấy ra ngoài cơ thể qua đường sau phúc mạc thông qua lỗ Trocar (vết mổ nhỏ để đưa dụng cụ phẫu thuật vào bên trong).
2. Chỉ định và chống chỉ định
2.1. Chỉ định nội soi sau phúc mạc lấy sỏi niệu quản:
Nội soi sau phúc mạc lấy sỏi niệu quản được chỉ định trong các trường hợp nhất định. Đó là:
Phẫu thuật nội soi sau phúc mạc lấy sỏi niệu quản được chỉ định trong một số trường hợp nhất định
- Sỏi niệu quản 1/3 trên, sỏi bể thận có kích thước lớn hơn 10mm, tỷ lệ thành công khi điều trị nội khoa thấp.
- Sỏi bể thận đơn thuần. Sỏi bể thận có kèm theo sỏi nhỏ ở các đài thận. Sỏi bể thận trung gian hoặc sỏi bể thận ngoài xoang.
- Sỏi có kích thước lớn, đường kích trên 20mm, không có chỉ định tán sỏi qua da hoặc tán sỏi ngoài cơ thể.
- Người bệnh không có tiền sử phẫu thuật sau phúc mạc sỏi niệu quản.
- Phẫu thuật nội soi lấy sỏi sau thất bại của các phương pháp điều trị không xâm lấn.
- Chức năng thận của người bệnh còn hoạt động tốt hoặc bị suy giảm ở mức trung bình.
- Người bệnh không có bệnh lý chống chỉ định gây mê và bệnh lý rối loạn đông máu.
2.2. Chống chỉ định nội soi sau phúc mạc lấy sỏi niệu quản:
- Người bệnh có tiền sử can thiệp vào khoang sau phúc mạc cùng bên có sỏi bằng phương pháp phẫu thuật mở hoặc phẫu thuật nội soi.
- Người bệnh có các bệnh lý chống chỉ định gây mê.
- Người bệnh bị rối loạn đông máu
- Người bệnh có sỏi bể thận nằm ở vị trí trong xoang.
- Người bệnh có tiền sử phẫu thuật lấy sỏi niệu quản, sỏi bể thận, sỏi thận và tạo hình bể thận – niệu quản.
- Người bệnh bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu, nhiễm khuẩn ở thành bụng chưa được điều trị dứt điểm.
- Người mắc bệnh béo phì và phụ nữ có thai.
3. Thực hiện phẫu thuật nội soi lấy sỏi niệu quản sau phúc mạc
3.1. Chuẩn bị:
- Xét nghiệm chức năng đông – cầm máu kết hợp với các xét nghiệm lâm sàng khác định hướng các xét nghiệm cần thiết tiếp theo để xác định các bất thường (nếu có).
- Giải thích các nguy cơ có thể xảy ra nếu không phẫu thuật hoặc trong và sau phẫu thuật.
- Các dụng cụ cần thiết cho cuộc phẫu thuật: Bộ nội soi ổ bụng tổng quát, dao điện đơn cực.
3.2. Thực hiện:
- Người bệnh nằm nghiêng 90 độ sao cho vùng hông lưng bên có sỏi ở trên cao, hông lưng dưới được độn gối. Gây mê nội khí quản.
- Tạo khoang sau phúc mạc: rạch da khoảng 8-10mm ngang trên đường nách dưới đầu xương sườn 12. Bác sĩ bóc tách lớp cân cơ và đi tới lớp cân cơ thắt lưng. Sau đó rạch một lỗ nhỏ ở lớp cân để đi vào khoang sau phúc mạc. Đưa bóng vào khoang, đặt máy soi quan sát, bóc tách để tạo khoảng rộng hơn.
- Đặt Trocar: có thể đặt 3-5 Trocar tùy theo mỗi ca phẫu thuật.
- Phẫu tích lấy sỏi: sau khi xác định chính xác vị trí có sỏi, bác sĩ tiến hành mở dọc đoạn niệu quản ngay phía đầu trên viên sỏi để lấy sỏi ra ngoài cơ thể thông qua lỗ Trocar 10mm.
- Đặt ống thông niệu quản (stent JJ) sau đó khâu chỗ mở lấy sỏi bằng chỉ tiêu. Mục đích của việc đặt ống thông để tạo điều kiện cho quá trình khâu thuận lợi và không làm hẹp niệu quản. Đảm bảo cho việc lưu thông nước tiểu sau hậu phẫu và tránh bị rò rỉ nước tiểu.
- Bác sĩ kiểm tra lại hiện trường mổ, cầm máu kĩ, lau hút rửa dịch nước tiểu, máu cục.
- Rút các ống trocar, đặt ống dẫn lưu hố thận, rút các ống Trocar và khâu cố định các chân Trocar.
Tìm hiểu thêm: Quy trình tán sỏi thận ngoài cơ thể tiến hành như thế nào?
Mổ nội soi sau phúc mạc lấy sỏi là kỹ thuật khó, cần thực hiện tại các cơ sở y tế uy tín.
3.3. Chăm sóc, theo dõi sau mổ:
- Người bệnh được chỉ định dùng thuốc kháng sinh tĩnh mạch, giảm đau, giảm viêm, chống phù nề…
- Theo dõi số lượng và màu sắc dịch ra theo ống dẫn lưu. Thông thường ống dẫn lưu được rút ra sau 24-48 giờ và 2-3 ngày đối với stent JJ.
- Theo dõi những biến chứng có thể xảy ra: chảy máu, rò nước tiểu…
- Người bệnh ra viện sau 5-7 ngày phẫu thuật. Tái khám lần đầu 2-4 tuần để rút stent JJ và khám lại lần 2 sau 3-6 tháng.
4. Những biến chứng có thể gặp phải
4.1. Trong quá trình phẫu thuật:
- Rách phúc mạc: do chọc Trocar hoặc do phẫu tích. Trong trường hợp vết rách rộng, không xử lý được sẽ mở rộng ra và chuyển thành nội soi qua phúc mạc.
- Rách màng phổi: nguyên nhân do Trocar cao sát bờ sườn hoặc phẫu tích làm cơ hoành bị chọc thủng. Có thể chuyển sang mổ mở nếu mổ nội soi không thực hiện được.
- Chảy máu: do clip kẹp mạch máu bị tuột hoặc phẫu làm tổn thương tĩnh mạch chủ dưới, động – tĩnh mạch thận, tĩnh mạch sinh dục. Nếu không thực hiện được bằng nội soi, có thể chuyển sang mổ mở để cầm máu.
- Tổn thương các tạng khác: như tá tràng, ruột non, đại tràng do phẫu tích hoặc chọc Trocar gây ra. Trường hợp này cũng chuyển sang mổ mở để điều trị tổn thương.
- Một số yếu tố khó khăn về mặt kỹ thuật. Hoặc người bệnh mạch thận bất thường, sỏi bể thận di chuyển vào đài thận, viêm xơ dính bể thận hoặc tình trạng chảy máu không cầm được… cần chuyển sang mổ mở.
>>>>>Xem thêm: Cặn thận gây sỏi thận như thế nào? Biện pháp phòng tránh
Theo dõi sát bệnh nhân trong và sau phẫu thuật nội soi sau phúc mạc lấy sỏi niệu quản nhằm phát hiện những biến chứng có thể ra để có biện pháp can thiệp kịp thời
4.2. Sau phẫu thuật:
- Người bệnh bị chảy máu sau phúc mạc nhiều, không cầm được: Cần thực hiện phẫu thuật lại ngay lập tức.
- Tụ dịch hoặc tồn dư áp xe sau phúc mạc: Cần xác định được vị trí chính xác vị trí của ổ tụ dịch, kích thước của ổ tụ dịch hoặc áp xe. Nếu ổ tụ dịch hoặc áp xe có kích thước lớn, phải thực hiện chích dẫn lưu hoặc mổ mở.
- Rò rỉ nước tiểu: đây là biến chứng rất ít khi gặp phải. Để xử trí tình trạng này, người bệnh phải lưu ống thông niệu đạo và điều trị nội khoa khoảng từ 1-2 tuần. Nếu tình trạng không được cải thiện cần phải thực hiện can thiệp lại.
Để tránh gặp phải các rủi ro nêu trên, người bệnh nên lựa chọn điều trị tại các cơ sở y tế uy tín, có đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, đầy đủ các thiết bị y tế hiện đại và chế độ chăm sóc hậu phẫu chu đáo.
5. Lưu ý cho người bệnh sỏi niệu quản
Khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc sỏi nên thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt, đừng vì sợ đau, sợ mổ mà chần chừ, “nuôi” sỏi kéo dài. Hiện nay đã có các phương pháp tán sỏi công nghệ cao giúp làm sạch sỏi êm ái, ít xâm lấn, thậm chí không cần mổ như tán sỏi ngoài cơ thể. Càng điều trị sớm thì càng đơn giản, người bệnh không phải mổ mà vẫn có thể loại bỏ sỏi hiệu quả, ít đau đớn, tiết kiệm thời gian và tiền bạc.
Hy vọng một số thông tin trong bài viết đã cung cấp tới bạn đọc những hiểu biết cơ bản nhất về phương pháp mổ nội soi sau phúc mạc lấy sỏi niệu quản, các đối tượng có thể áp dụng điều trị cũng như quy trình thực hiện.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.