Tán sỏi niệu quản qua da là phương pháp hiện đại, đang được áp dụng và đem đến hiệu quả trong điều trị sỏi niệu quản cũng như sỏi tiết niệu. Tán sỏi qua da ít xâm lấn, phục hồi nhanh, sỏi được tán vụn và lấy hết ra ngoài.
Bạn đang đọc: Tán sỏi niệu quản qua da – ít xâm lấn, hiệu quả cao
1.Tán sỏi niệu quản qua da là gì?
Sỏi thường được hình thành từ muối và các chất khoáng có trong nước tiểu kết tinh lại. Tuy nhiên mắc sỏi niệu quản chủ yếu là do sỏi từ thận rơi xuống và mắc kẹt trong ống niệu quản. Niệu quản có 2 nhánh. Vì vậy sỏi có thể xuất hiện tạo thành sỏi niệu quản phải hoặc sỏi niệu quản trái.
Trong các phương pháp điều trị sỏi niệu quản lớn trước đây, người bệnh thường phải chịu một cuộc mổ hở đau đớn, thời gian nằm viện dài. Ngày nay, các phương pháp điều trị sỏi tiết niệu ít xâm lấn ngày càng chiếm ưu thế. Đặc biệt, phương pháp tán sỏi niệu quản qua da là một bước tiến mới trong điều trị sỏi niệu quản đang dần thay thế phương pháp mổ hở.
Với phương pháp này, bác sĩ sẽ tạo một đường hầm nhỏ qua da để đưa máy nội soi vào. Sau đó sử dụng laser để phá vỡ sỏi thành những mảnh nhỏ và đưa chúng ra ngoài.
Tán sỏi niệu quản qua da là giải pháp hiệu quả thay thế mổ mở truyền thống
2. Chỉ định của phương pháp
Tán sỏi niệu quản qua da là phương pháp hiện đại trong điều trị sỏi. Nhưng phương pháp nào cũng chỉ mang lại hiệu quả cao khi được chỉ định đúng người, đúng trường hợp. Những trường hợp được chỉ định tán sỏi qua da bao gồm:
- Sỏi thận có kích thước > 1.5cm
- Sỏi niệu quản 1/3 trên và có kích thước > 1.5cm
Tán sỏi niệu quản qua da không được áp dụng trong các trường hợp:
- Bệnh nhân có rối loạn đông máu hay có những bất thường về mạch máu quanh thận có nguy cơ chảy máu nặng
- Bệnh nhân bị tăng huyết áp, đái tháo đường chưa điều trị ổn định
- bệnh nhân đang bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu
- Người bệnh có chống chỉ định với gây mê toàn thân.
3. Quy trình tán sỏi niệu quản qua da
Trước khi thực hiện tán sỏi qua da, bệnh nhân sẽ được làm một số xét nghiệm để đảm bảo chức năng tim, phổi, thận còn hoạt động bình thường. Bệnh nhân không được ăn trước 6 giờ và uống nước, trà, cà phê… trong vòng 2 giờ trước khi phẫu thuật.
Người bệnh được tiến hành gây mê toàn thân và chuyển về tư thế nằm sấp. Bác sĩ sử dụng một kim nhỏ chọc dò từ vùng hông lưng của bệnh nhân. Từ vị trí chọc kim, rạch da chỉ khoảng 0.5mm tạo thành đường hầm nhỏ đủ để đưa dụng cụ nội soi vào. Xác định chính xác vị trí sỏi niệu quản, sử dụng tia laser để tán vỡ sỏi và gắp hết các mảnh sỏi ra ngoài. Sau khi tán bác sĩ sẽ đặt ống thông nhỏ trong đường tiết niệu để ngăn tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu và tránh tắc nghẽn đường tiểu.
Tìm hiểu thêm: Suy thận không nên ăn gì? cần kiêng khem một số thực phẩm
Hình ảnh đội ngũ bác sĩ tại Bệnh viện DDKQT Thu Cúc đang thực hiện tán sỏi niệu quản qua da cho người bệnh.
4. Ưu và nhược điểm của phương pháp
4.1 Ưu điểm của phương pháp tán sỏi niệu quản qua da
Tán sỏi qua da được đánh giá là “tiêu chuẩn vàng” trong điều trị sỏi tiết niệu nói chung và sỏi niệu quản nói riêng bởi những ưu điểm vượt trội sau đây:
- Ít đau: với phương pháp mổ mở trước đây, bệnh nhân phải chịu một đường mổ dài ở thành bụng để tiếp cận vị trí có sỏi. Trong khi đó với phương pháp này, bác sĩ chỉ cần rạch một đường rất nhỏ (5mm) sau lưng. Do đó, người bệnh không phải chịu nhiều đau đớn và hầu như không để lại sẹo.
- Hiệu quả cao: với tán sỏi qua da, người bệnh không lo sót sỏi vì phương pháp này cho phép kiểm tra toàn bộ sỏi ở bể thận và niệu quản.
- Hạn chế tối đa các biến chứng trong và sau mổ so với mổ hở: mất máu, nhiễm trùng..
- Tiết kiệm thời gian và chi phí: do phẫu thuật ít xâm lấn nên bệnh nhân phục hồi nhanh, không phải nằm viện lâu, sớm quay trở lại cuộc sống hàng ngày.
- Chức năng thận được bảo tồn tối đa.
4.2 Các biến chứng có thể xảy ra khi tán sỏi niệu quản qua da
Mặc dù phương pháp này được chứng minh là rất an toàn. Nhưng cũng như các phương thức phẫu thuật khác, vẫn sẽ không tránh khỏi khả năng xảy ra những biến chứng:
- Chảy máu: xảy ra ở khoảng 1,5 – 2% số trường hợp tán sỏi. Khi sỏi lớn, phải thực hiện nhiều lần dẫn đến tổn thương niêm mạc và mô xung quanh.
- Nước tiểu có lẫn máu, kéo dài 1-2 tuần sau tán
- Tụ dịch sau phẫu thuật: sau tán sỏi có thể có dịch rò rỉ từ niệu quản gây tụ dịch bên trong bụng bệnh nhân. Nếu tụ dịch nhiều, cần phải dẫn lưu.
- Tổn thương các cơ quan xung quanh; màng bụng, màng phổi, đại tràng…
- Do đó, để hạn chế các biến chứng sau phẫu thuật, người bệnh cần lựa chọn cơ sở uy tín, có đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao và máy móc đáp ứng để thực hiện tốt phương pháp này.
>>>>>Xem thêm: Sỏi bàng quang và cách điều trị phổ biến
Sau khi tán sỏi niệu quản qua da, bệnh nhân cần điều chỉnh chế độ sinh hoạt và ăn uống hợp lý
5. Chăm sóc bệnh nhân sau khi tán sỏi
Để người bệnh nhanh hồi phục và hạn chế các biến chứng có thể xảy ra, người bệnh cần lưu ý một số điểm sau:
- Sau khi tán sỏi, bệnh nhân có thể gặp tình trạng nước tiểu lẫn ít máu kéo dài từ 1 -2 tuần. Để cải thiện tình trạng này, người bệnh nên uống nhiều nước mỗi ngày (2-3 lít), có thể thay nước lọc bằng nước ép hoặc nước trái cây.
- Không nên sử dụng đồ uống có chất kích thích như rượu, bia, cà phê, trà,..
- Bệnh nhân có thể cảm thấy đau tại khu vực tán sỏi. Sử dụng thuốc giảm đau sẽ giúp cải thiện tình trạng này.
- Chế độ ăn uống lành mạnh: tăng cường bổ sung vitamin và khoáng chất từ trái cây, rau củ và thực phẩm giàu chất xơ.
- Tránh vận động mạnh hay nâng kéo vật nặng trong vòng 4 tuần.
- Kiểm tra và thay băng vết thương hàng ngày. Khi vết thương đã khô và lành có thể tháo băng.
- Khi có bất kỳ triệu chứng bất thường nào: chảy máu dai dẳng, sốt, đau dữ dội, khó tiểu,..cần liên hệ với bác sĩ và thăm khám ngay lập tức.
- Tái khám sau 4-6 tuần để kiểm tra đã hết sỏi hay chưa và đảm bảo nước tiểu được dẫn lưu bình thường.
Với những ưu điểm nổi bật: không cần mổ, ít đau, không tổn thương thận, hết sỏi, thời gian phục hồi nhanh… tán sỏi niệu quản qua da được đánh giá là phương pháp tối ưu trong điều trị sỏi niệu quản. Để hạn chế các biến chứng có thể xảy ra, người bệnh nên lựa chọn bác sĩ và bệnh viện uy tín để tiến hành thực hiện tán sỏi.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.