Viêm đại tràng là bệnh lý đường tiêu hóa rất khó để điều trị dứt điểm, đồng thời dễ tái phát. Bệnh gây nhiều triệu chứng khó chịu, làm suy giảm chất lượng cuộc sống và tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm. Cùng tìm hiểu các triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị bệnh viêm đại tràng mãn tính, cũng như cách phòng bệnh hiệu quả.
Bạn đang đọc: Bệnh viêm đại tràng mãn tính: Triệu chứng và điều trị
1. Bệnh viêm đại tràng mãn tính và biểu hiện của bệnh
Tình trạng viêm đại tràng kéo dài không được điều trị có thể tiến triển sang giai đoạn mãn tính. Lúc này tình trạng viêm đã ở mức độ nặng, gây ra những tổn thương khu trú hoặc lan tỏa tại niêm mạc đại tràng. Người bệnh đối mặt với nhiều nguy cơ như loét đại tràng, xuất huyết đại tràng, áp-xe, thủng và thậm chí là ung thư đại tràng.
Viêm đại tràng mãn tính ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh, với nhiều triệu chứng đặc trưng, bao gồm:
1.1. Triệu chứng lâm sàng
Người bệnh có thể gặp phải những biểu hiện lâm sàng như sau:
– Đau bụng kéo dài, âm ỉ hoặc đau quặn từng cơn, bụng căng tức khó chịu. Cơn đau xuất hiện ở một vị trí nhất định dọc theo khung đại tràng và hai hố chậu.
– Rối loạn về phân: Chủ yếu là đi ngoài nhiều lần trong ngày, phân lỏng, mót rặn, phân có lẫn máu, có nhầy hoặc không kèm nhầy. Ngoài ra, người bệnh có thể bị táo bón, có nhầy bọc quanh phân, hoặc tiêu chảy xen kẽ với táo bón.
Khi bác sĩ thăm khám lâm sàng có thể phát hiện những dấu hiệu gồm:
– Sờ thấy vùng đại tràng sigma hoặc manh tràng căng, óc ách. Bụng có thể hơi chướng, không đau hoặc đau nhẹ.
– Bác sĩ có thể thăm khám trực tràng để loại trừ trường hợp khối u trực tràng. Quá trình kiểm tra trực tràng có thể thấy máu, nhầy hoặc mủ theo ngón tay.
– Toàn thể trạng: Một số người bệnh có biểu hiện suy nhược, mệt mỏi, chán ăn, ăn uống kém, gầy sút, thiếu sức sống.
Đau bụng dọc theo khung đại tràng và hai hố chậu là một trong các triệu chứng điển hình của viêm đại tràng mãn tính
1.2. Triệu chứng cận lâm sàng của bệnh viêm đại tràng mãn tính
Khi tiến hành các xét nghiệm cận lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh hoặc thăm dò chức năng, bác sĩ có thể phát hiện được nhiều dấu hiệu cụ thể hơn về tổn thương. Một số xét nghiệm được ứng dụng phổ biến gồm:
– Xét nghiệm phân: Bác sĩ có thể phát hiện thấy máu, mủ trong phân, tuy nhiên đây không phải là biểu hiện đặc hiệu của viêm đại tràng mãn tính. Đồng thời, trong phân người bệnh có thể tìm thấy Albumin hòa tan. Đây là dấu hiệu rất có giá trị, cho thấy tình trạng viêm tại niêm mạc đại tràng.
– Nội soi tiêu hóa (Nội soi trực tràng hoặc nội soi đại tràng bằng ống mềm): Nhờ camera đầu ống nội soi, bác sĩ sẽ xác định vị trí tổn thương, quan sát được niêm mạc của đại tràng xung huyết, đỏ, có những vết viêm rõ rệt, dễ chảy máu,… Qua nội soi, bác sĩ có thể tiến hành sinh thiết niêm mạc để chẩn đoán chính xác tính chất của bệnh, hoặc tìm sự có mặt của các vi khuẩn và ký sinh trùng.
– Chụp X-quang khung đại tràng: Cho thấy các rối loạn về co bóp của đại tràng, khẩu kính đại tràng hẹp lại, các rãnh ngang biến mất. Các bờ đại tàng thẳng hoặc hình răng cưa, các mặt đại tràng không rõ. Trường hợp viêm đại tràng nặng (đặc biệt là viêm loét), chụp X-quang sẽ thu được các biểu hiện rõ rệt hơn như: các bờ mờ, hình ảnh đường viền kép, niêm mạc hình vân, hình tổ ong,…
2. Nguyên nhân gây bệnh viêm đại tràng mãn tính
2.1. Nguyên nhân bệnh viêm đại tràng lan tỏa
– Do nhiễm khuẩn: Các loại vi khuẩn như lỵ, trực khuẩn (Shiga, Flexner…), Salmonella, thương hàn, Escherichia coli tụ cầu, liên cầu, các vi khuẩn khác.
– Do ký sinh trùng: Nguyên nhân hàng đầu là Amip, ngoài ra một số ký sinh trùng khác được xem là nguyên nhân gây bệnh gồm: Lamblia, giun tóc, Balantidium coli, Chilomastix mesnili, Trichomonas intestinalis.
– Do nhiễm độc: Ngộ độc thức ăn, nhiễm độc thủy ngân, thạch tín,…
– Bên cạnh đó, một số trường hợp viêm đại tràng mãn tính không xác định rõ nguyên nhân.
Tìm hiểu thêm: Polyp loạn sản đại tràng và hướng xử lý đúng cách
Viêm đại tràng mãn tính có thể bắt nguồn từ nguyên nhân nhiễm khuẩn, ký sinh trùng, nhiễm độc,…
2.2. Nguyên nhân bệnh viêm đại tràng mãn tính cục bộ
Viêm đại tràng cục bộ có thể bắt nguồn từ viêm manh tràng, viêm đại tràng sigma, bệnh Crohn đại tràng. Nguyên nhân của những bệnh lý này hiện nay vẫn chưa được xác định cụ thể. Các yếu tố nguy cơ gây bệnh có thể kể đến như: chế độ ăn uống không hợp lý, rối loạn vi khuẩn đường ruột,… Bệnh viêm manh tràng và bệnh Crohn có thể còn liên quan đến yếu tố di truyền.
3. Điều trị bệnh viêm đại tràng mãn tính như thế nào?
Ở giai đoạn mãn tính, viêm đại tràng rất khó điều trị dứt điểm. Các phương pháp điều trị có thể tạm thời làm giảm triệu chứng bệnh mà không thể chữa khỏi hoàn toàn. Bệnh dễ dàng tái phát nhiều lần khiến việc điều trị càng trở nên khó khăn.
Chính vì vậy, nguyên tắc chung trong điều trị viêm đại tràng mãn tính cần đảm bảo điều trị nội khoa toàn diện, kết hợp điều chỉnh chế độ sinh hoạt – ăn uống phù hợp. Theo đó, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ bao gồm thuốc nội khoa kết hợp với chế độ sinh hoạt – ăn uống, căn cứ vào tình trạng bệnh và thể trạng của từng người bệnh.
Thuốc được sử dụng trong điều trị viêm đại tràng mãn tính thường là các loại thuốc loại trừ nguyên nhân gây bệnh, phục hồi tổn thương và ngăn ngừa tái phát bệnh. Cụ thể:
– Thuốc điều trị nguyên nhân: Salmonella, Shigella, amip, các ký sinh trùng khác,…
– Thuốc chống tiêu chảy: Bismuth, than thực vật, kaolin,… Đồng thời người bệnh cần giảm chất xơ trong chế độ ăn, không ăn rau sống, cần bỏ vỏ trái cây tươi,…
– Thuốc chống táo bón: dầu parafin,… Người bệnh cần kết hợp chế độ ăn giảm chất béo, ăn nhiều bữa nhỏ, bổ sung đủ chất xơ.
– Nhóm thuốc giảm đau, chống co bóp đại tràng.
Người bệnh cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ, không tự ý sử dụng các loại thuốc kể trên. Đồng thời, người bệnh cần kiêng các thức ăn lên men, thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn có nhiều cellulose. Thêm vào đó, việc tăng cường vận động, kiểm soát căng thẳng cũng cần được chú trọng.
4. Biện pháp hiệu quả phòng bệnh viêm đại tràng mãn tính
Dưới đây là một số lưu ý giúp phòng tránh bệnh hiệu quả mà bạn có thể tham khảo:
4.1. Chế độ sinh hoạt lành mạnh
– Đảm bảo tinh thần vui vẻ, thoải mái; nghỉ ngơi điều độ; tránh căng thẳng, lo âu, kiểm soát stress, nhằm tránh tình trạng rối loạn nhu động ruột.
– Tăng cường vận động thể dục – thể thao, từ đó tăng cường sức khỏe và sức đề kháng, hỗ trợ hoạt động tiêu hóa.
>>>>>Xem thêm: Trào ngược dạ dày có uống được nước chanh không
Chế độ sinh hoạt lành mạnh và ăn uống khoa học giúp phòng ngừa viêm đại tràng mãn tính
4.2. Đảm bảo chế độ ăn khoa học
– Bổ sung các thực phẩm tốt cho đại tràng như: cá, khoai tây, gạo, sữa đậu nành,… Tăng cường rau xanh, trái cây (đặc biệt là các loại quả giàu kali như chuối, đu đủ).
– Hạn chế các loại thực phẩm tái sống như nem chua, rau sống, gỏi, tiết canh nhằm phòng tránh nhiễm khuẩn đường ruột.
– Ăn các loại thực phẩm dễ tiêu, chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày. Buổi tối nên ăn ít để giảm gánh nặng cho đường ruột.
– Hạn chế các loại thực phẩm nhiều dầu mỡ, sữa, các chất kích thích đường ruột như rượu bia, cà phê, thuốc lá.
– Không chỉ xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, mỗi người cần đảm bảo chế độ ăn đầy đủ thành phần dinh dưỡng (đảm bảo 1g chất đạm, 30 – 35 Kcal cho mỗi 1kg cân nặng mỗi ngày). Đồng thời cần tăng cung cấp nước, vitamin, muối khoáng, giảm lượng chất béo.
– Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, đặc biệt là các loại thuốc kháng viêm, giảm đau.
Trên đây là các thông tin cơ bản về bệnh viêm đại tràng mãn tính, gồm triệu chứng, nguyên nhân, cách điều trị và phòng tránh bệnh. Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu hơn về bệnh lý đại tràng này để có những điều chỉnh trong sinh hoạt – ăn uống, phòng bệnh hiệu quả.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.