Nội soi tán sỏi là bao gồm các phương pháp can thiệp ngoại khoa làm sạch sỏi tiết niệu hiện đại, an toàn, xâm lấn tối thiểu và hạn chế nguy cơ tái phát sỏi. Vậy cụ thể các phương pháp này được thực hiện như thế nào, chúng có ưu – nhược điểm gì và trường hợp nào có thể áp dụng điều trị? Mời các bạn theo dõi thông tin trong bài viết dưới đây để tìm câu trả lời.
Bạn đang đọc: Tìm hiểu về công nghệ nội soi tán sỏi tiết niệu
1. Sỏi tiết niệu và các phương pháp nội soi tán sỏi
Sỏi tiết niệu được kết tinh từ những khoáng chất khó tan (canxi, oxalat, urat…) trong nước tiểu. Phần lớn sỏi được hình thành tại thận. Sau đó theo dòng chảy của nước tiểu di chuyển đến các vị trí thấp hơn của đường niệu như niệu quản, bàng quang và niệu đạo.
Phương pháp điều trị sỏi đường niệu thường căn cứ vào kích thước của sỏi.
Với sỏi kích thước nhỏ, chỉ định ưu tiên là điều trị nội khoa kết hợp với việc điều chỉnh chế độ ăn uống và lối sống. Tuy nhiên phần lớn người bệnh đều bị tái phát lại sỏi sau vài năm ngưng điều trị. Hơn nữa, việc uống thuốc trong thời gian dài có thể làm tăng áp lực giải độc cho gan. Đặc biệt các loại thuốc từ lá, rễ, củ, quả…theo truyền miệng dân gian chưa được kiểm chứng khoa học rõ ràng, trong quá trình sao tẩm bảo quản có thể chưa một số chất độc hại, làm cho tình trạng sỏi không thuyên giảm mà còn trở nặng hơn.
Với sỏi có kích thước lớn gây biến chứng, điều trị can thiệp ngoại khoa là chỉ định bắt buộc. Trước đây, việc mổ mở làm sạch sỏi là lựa chọn duy nhất, gây nhiều đau đớn và mất rất nhiều thời gian để phục hồi sức khỏe. Hiện nay với sự phát triển vượt bậc của y học, các phương pháp nội soi lấy sỏi công nghệ cao đã và đang được áp dụng trong điều trị sỏi tiết niệu với các ưu điểm: an toàn, xâm lấn tối thiểu, không đau và làm sạch sỏi nhanh chóng. Các phương này bao gồm: nội soi ngược dòng tán sỏi, tán sỏi qua da đường hầm nhỏ, nội soi ống mềm tán sỏi. Mỗi phương pháp được áp dụng cho sỏi tiết niệu ở kích thước và vị trí nhất định.
Bản chất của các phương pháp nội soi tán sỏi là sử dụng nguồn năng lượng laser để tán vụn sỏi thành nhiều mảnh nhỏ
2. Các phương pháp nội soi lấy sỏi hiện nay
2.1. Tán sỏi qua da đường hầm nhỏ bằng laser
Nội soi lấy sỏi qua da đường hầm nhỏ giúp làm sạch sỏi to và phức tạp hiệu quả, ít đau, an toàn, thay thế hoàn toàn cho mổ mở lấy sỏi.
Với phương pháp này, bác sĩ sẽ tạo một đường hầm nhỏ, khoảng 0.5 – 10mm chạy từ bên ngoài (da) vào vị trí có sỏi. Sau đó đưa máy nội soi qua đường hầm để vào tìm sỏi. Máy nội soi được đưa qua đường hầm vào tìm sỏi. Sau đó tiếp tục sử dụng nguồn năng lượng laser để tán vỡ sỏi thành những mảnh nhỏ rồi hút bỏ ra ngoài theo đường hầm.
Phương pháp này được chỉ định trong các trường hợp:
- Sỏi thận có kích thước trên 15mm
- Sỏi niệu quản vị trí 1/3 trên và kích thước trên 15mm..
Tán sỏi qua da đường hầm nhỏ là phương pháp xâm lấn tối thiểu nhất. Người bệnh sẽ cảm thấy ít đau, ít chảy máu và hầu như không để lại sẹo. Thời gian nằm viện ngắn chỉ khoảng 3 ngày người bệnh có thể ra viện và sớm trở lại sinh hoạt và làm việc bình thường.
Tán sỏi nội soi qua da đường hầm nhỏ không chỉ định cho người bệnh bị mắc các các biến chứng đi kèm như nhiễm khuẩn đường niệu, nhiễm khuẩn thành bụng, suy giảm chức năng thận và phụ nữ trong giai đoạn thai kỳ…
2.2. Nội soi ngược dòng tán sỏi bằng laser
Tìm hiểu thêm: Sỏi tiết niệu bệnh học – những vấn đề bạn cần biết
Nội soi tán sỏi ngược dòng bằng laser giúp làm sạch sỏi theo đường “tự nhiên”, không cần mổ mở, ít đau, nhanh phục hồi.
Tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser là phương pháp sử dụng ống soi niệu quản, đi ngược từ vùng niệu đạo đến bàng quang hoặc niệu quản để tiếp cận trực tiếp viên sỏi. Sau đó sử dụng năng lượng laser để “bắn phá” viên sỏi thành nhiều mảnh vụn nhỏ. Tiến hành bơm rửa và gắp hết các vụn sỏi ra ngoài bằng dụng cụ chuyên biệt.
Phương pháp áp dụng tại các trường hợp:
- Sỏi niệu quản mọi kích thước ở vị trí ⅓ dưới và ⅓ giữa.
- Sỏi bàng quang kích thước trên 10mm hoặc dưới 10mm nhưng không thể xuống vị trí thấp hơn của niệu đạo để thoát ra ngoài.
- Những mảnh sỏi sót khi thực hiện tán sỏi ngoài cơ thể hoặc tán sỏi qua da đường hầm nhỏ.
Thực hiện phương pháp tán sỏi nội soi ngược dòng, người bệnh không có bất kỳ vết mổ nào trên cơ thể nên không phải chịu đau đớn như khi mổ mở. Thời gian nằm viện ngắn và có thể ra viện trong luôn 1 ngày. Người bệnh sớm trở lại sinh hoạt và làm việc bình thường.
Phương pháp này không được chỉ định khi người bệnh bị nhiễm trùng đường tiết niệu đang điều trị hoặc điều trị chưa dứt điểm. người bệnh có niệu quản hẹp hay gấp khúc không đặt được máy nội soi. Hoặc người bệnh suy giảm chức năng thận.
3.3. Tán sỏi nội soi ống mềm bằng laser
Tán sỏi nội soi ống mềm bằng laser kỹ thuật làm sạch sỏi bằng cách đưa ống nội soi mềm qua đường dẫn tiểu lên niệu quản – bể thận, vào thận. Sau đó dùng nguồn năng lượng từ tia laser để tán vụn sỏi thành nhiều mảnh nhỏ rồi bút bỏ ra ngoài.
Phương pháp này áp dụng để điều trị người bệnh có sỏi thận kích thước dưới 25mm. Phẫu thuật không có vết mổ, không đau và không để lại sẹo do đi qua đường tự nhiên của cơ thể (lỗ tiểu). Đây là phương pháp điều trị giúp bảo tồn tối đa chức năng thận. Người bệnh phục hồi sức khỏe nhanh chóng và có thể xuất viện sau 2 ngày.
Phương pháp này cũng không được chỉ định trên những người bệnh bị hẹp niệu quản, niệu quản gấp khúc hay đang bị viêm nhiễm đường niệu.
3. Những biến chứng sau tán sỏi nội soi
Mặc dù có nhiều ưu điểm vượt trội nhưng tán sỏi nội soi điều trị sỏi tiết niệu vẫn còn tiềm ẩn vài biến chứng sau:
- Nguy cơ tổn thương niệu quản bàng quang; thủng niệu quản, bàng quang do đốt laser nhầm vị trí hay bị lan.
- Sốt, tiểu ra máu sau khi thực hiện tán sỏi.
- Chảy máu, nhiễm trùng sau mổ khi tán sỏi qua da đường hầm nhỏ.
- Không đặt được máy nội soi để tiếp cận vị trí có sỏi, buộc phải chuyển sang mổ hở.
4. Chăm sóc người bệnh sau khi tán sỏi tiết niệu
Chế độ ăn uống và sinh hoạt sau tán sỏi nội soi có vai trò quan trọng trong việc giúp người bệnh nhanh bình phục và hạn chế khả năng tái phát sỏi. Gia đình và người bệnh cần lưu ý một vài vấn đề sau:
Uống đủ nước mỗi ngày giúp thanh lọc cơ thể, những chất cặn hay vụn sỏi còn sót lại sau khi nội soi lấy sỏi sẽ được đào thải ra ngoài cơ thể.
>>>>>Xem thêm: Viêm đường tiết niệu do sỏi phải điều trị như thế nào?
Uống nhiều nước sau nội soi tán sỏi để tống xuất những vụn sỏi sót lại ra ngoài
- Ăn những loại thức ăn tốt cho tiêu hóa giúp có thể hấp thu nhanh dường chất đồng thời không gây áp lực lên ổ bụng khi người bệnh đi vệ sinh.
- Không nhịn tiểu để tránh gây áp lực cho bàng quang, ngăn chặn tình trạng trào ngược bàng quang – niệu quản, và hạn chế nguy có tái phát sỏi.
- Hạn chế sử dụng những thực phẩm giàu oxalat để tránh việc hình thành và kết tinh của sỏi.
- Tuân thủ chế độ ăn nhạt và giảm lượng muối trong các bữa ăn. Bởi ăn mặn có thể gây gánh nặng cho thận, tăng lượng oxalat trong nước tiểu.
- Tập thể dục theo thường xuyên với các bài tập nhẹ nhàng, vừa sức giúp nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.
Nội soi tán sỏi là kỹ thuật nội soi lấy sỏi tiết hiệu hiện đại, không xâm lấn hoặc xâm lấn tối thiểu. Tuy nhiên hiệu quả của phương pháp này phụ thuộc lớn vào kinh nghiệm của bác sĩ cũng như sự đồng bộ của hệ thống máy móc hiện đại. Do đó người bệnh cần đến các bệnh viện uy tín để thực hiện.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.