Mổ sỏi đường tiết niệu là phương pháp điều trị can thiệp ngoại khoa giúp loại bỏ sỏi nhanh chóng và ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm xảy ra. Mỗi phương pháp mổ sỏi tiết niệu đều có những ưu – nhược điểm và được chỉ định trong những trường hợp nhất định.
Bạn đang đọc: Tổng hợp 3 phương pháp mổ sỏi đường tiết niệu hiện nay
1. Tổng quan về bệnh sỏi tiết niệu
Sỏi đường tiết niệu là những tinh thể rắn được hình thành trong hệ tiết niệu do sự lắng đọng lâu ngày của các khoáng chất trong nước tiểu kết tinh lại. Sỏi đường tiết niệu có thể nhỏ hoặc lớn đến vài chục milimet. Chúng có thể nằm ở các vị trí khác nhau như thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Tuy nhiên, phần lớn sỏi đường tiết niệu được hình thành tại thận. Sau đó sỏi theo dòng nước tiểu di chuyển tới các vị trí khác tạo thành sỏi niệu quản, sỏi bàng quang…
Dựa theo thành phần hóa học, sỏi đường tiết niệu bao gồm:
– Sỏi calci: chiếm khoảng 80% các ca sỏi đường niệu, bao gồm calcium oxalate (monohydrate và dihydrate), calcium phosphate, calcium oxalate and phosphate.
– Sỏi struvite (magnesium ammonium phosphate) chiếm khoảng 10%.
– Sỏi uric acid chiếm khoảng 8%.
– Sỏi cystin chiếm 1%.
– Các loại khác chiếm 1%, bao gồm triamterene, xanthine, matrix
Phần lớn sỏi đường tiết niệu được hình thành tại thận
2. Khi nào cần mổ lấy sỏi tiết niệu?
Mổ sỏi đường tiết niệu thường được chỉ định khi sỏi có kích thước lớn và xuất hiện nhiều biến chứng, người bệnh không thể điều trị hiệu quả bằng các phương pháp tán sỏi ít xâm lấn. Cụ thể:
– Sỏi có kích thước lớn trên 15mm nằm trong thận hoặc niệu quản vị trí ⅓ trên sát vùng bể thận.
– Sỏi tiết niệu thuộc loại khó phá vỡ như sỏi cystin, sỏi san hô.
– Sỏi tiết niệu biến chứng gây nhiễm trùng đường tiết niệu tái đi tái lại nhiều lần.
– Sỏi tiết niệu biến chứng gây tổn thương mô thận, thận ứ nước, thận nhiễm mủ hoặc suy thận.
– Người bệnh bị hẹp niệu quản hoặc niệu quản gấp khúc; dị dạng hệ tiết niệu không đặt được máy nội soi tán sỏi.
Các căn cứ để chỉ định mổ lấy sỏi tiết niệu bên trên được xác định thông qua thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng (như siêu âm ổ bụng, xét nghiệm nước tiểu, chụp X-quang,…) nhằm đánh giá chính xác số lượng, kích thước và vị trí của sỏi đường tiết niệu trước khi can thiệp.
3. Các phương pháp mổ sỏi tiết niệu
Căn cứ vào tình trạng bệnh lý (vị trí trí, kích thước, thể trạng sức khỏe) của người bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ phương pháp mổ lấy sỏi tiết niệu phù hợp.
3.1. Mổ sỏi đường tiết niệu bằng phương pháp tán sỏi qua da
Tán sỏi qua da là kỹ thuật mổ sỏi đường tiết niệu thông qua một đường hầm nhỏ kích thước khoảng 5mm. Đường hầm này chạy từ ngoài da từ vùng lưng hoặc hông lưng đi vào trong thận hoặc vị trí có sỏi. Sau đó đưa máy nội soi qua đường hầm và sử dụng năng lượng laser phá vỡ sỏi và các vụn sỏi ra ngoài.
Phương pháp được chỉ định khi:
– Sỏi bể thận và đài thận hoặc sỏi niệu quản vị trí ⅓ trên, kích thước trên 15mm.
– Người bệnh có sỏi thận đã tán sỏi ngoài cơ thể thất bại hoặc chống chỉ định tán sỏi ngoài cơ thể.
Tán sỏi qua da chống chỉ định tuyệt đối với các trường hợp:
– Người bệnh có các rối loạn về đông máu chưa được điều trị ổn định.
– Người bệnh có nhiễm khuẩn niệu, lao niệu chưa ổn định.
– Phụ nữ đang mang thai.
– Người bệnh thuộc nhóm nguy cơ cao: già yếu, nhiều bệnh kết hợp.
– Cần thận trọng với người bệnh có sỏi thận trên thận dị dạng, dị dạng cột sống, hẹp đài bể thận.
Tán sỏi qua da đường hầm nhỏ giúp giải quyết được những sỏi phức tạp mà tán sỏi ngoài cơ thể hay tán sỏi qua nội soi niệu quản chưa xử lý được. Thời gian thực hiện nhanh chóng, trung bình khoảng 60 phút. Vết sẹo rất nhỏ nên ít ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Hạn chế tối đa tình trạng sót sỏi hoặc tái phát sỏi. Người bệnh nằm viện khoảng 3 ngày và hoàn toàn có thể nhanh chóng hồi phục sức khỏe.
3.2. Mổ sỏi đường tiết niệu bằng phương pháp mổ nội soi (laparoscopy)
Mổ nội soi là kỹ thuật sử dụng ống nội soi qua phúc mạc hay sau phúc mạc để lấy sỏi. Tuy nhiên hiện nay nội soi hông lưng sau phúc mạc thường được các bác sĩ ưu tiên lựa chọn để tránh đi vào ổ bụng.
Phương pháp chỉ áp dụng khi:
– Người bệnh có sỏi bể thận hoặc sỏi niệu quản đoạn trên.
– Người bệnh có sỏi thận đã điều trị bằng tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi qua da, hoặc nội soi niệu quản ngược dòng thất bại.
– Người bệnh có sỏi thận trên thận không bình thường về giải phẫu như hẹp khúc nối bể thận niệu quản cần phải phẫu thuật tạo hình…
– Người bệnh có sỏi thận thuộc loại khó phá vỡ như sỏi cystin.
Mổ nội soi lấy sỏi không áp dụng với:
– Người bệnh rối loạn đông máu chưa điều trị ổn định.
– Người bệnh nhiễm khuẩn niệu hoặc nhiễm khuẩn cấp tính các cơ quan khác chưa điều trị ổn định.
Đây là can thiệp ngoại khoa an toàn, ít xâm lấn và hiệu quả. Vết mổ nhỏ và ngắn giúp người bệnh không phải chịu đau đớn nhiều; không bị mất máu nhiều làm giảm nguy cơ phải truyền thêm máu và nguy cơ nhiễm trùng sau mổ. Thời gian nằm viện từ 3-5 ngày. Thời gian hồi phục sức khỏe nhanh và có thể sớm trở lại với cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên với sự phát triển của nội soi niệu quản với ống soi mềm, chỉ định của phương pháp này ngày càng thu hẹp.
Tìm hiểu thêm: Những phương pháp điều trị sỏi thận hiệu quả hiện nay
Mổ sỏi đường tiết niệu bằng phương pháp nội soi an toàn, ít xâm lấn và hiệu quả cao
3.3. Mổ sỏi đường tiết niệu bằng phương pháp mổ hở:
Mổ mở lấy sỏi là phương pháp điều trị cuối cùng khi người bệnh không áp dụng được phương pháp tán sỏi qua da, tán sỏi bằng ống mềm hay mổ nội soi lấy sỏi.. Hoặc khi người bệnh gặp các biến chứng do sỏi thận gây ứ nước tại thận, thận nhiễm mủ, sốc nhiễm trùng hay suy thận.
Phương pháp này có thể thực hiện theo đường phía trước qua phúc mạc hoặc theo đường bên sau phúc mạc vào thận. Sau đó lấy sỏi qua bể thận hoặc nhu mô thận.
Đây là phương pháp gần như phá hủy hoàn toàn chức năng thận. Thời gian nằm viện từ 7-10 ngày hoặc có lâu hơn. Nguy cơ xảy ra các biến chứng trong và sau mổ lớn. Người bệnh mất khoảng thời gian rất dài mới có thể hồi phục sức khỏe.
4. Vì sao cần phải phẫu thuật mổ lấy sỏi tiết niệu?
Sỏi đường tiết niệu kích thước lớn sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm:
– Tắc đường tiểu: Khi sỏi nằm kẹt tại vùng đài thận, bể thận, niệu quản hoặc niệu đạo sẽ gây bế tắc đường tiểu, thậm chí gây bí tiểu. Khi này, hệ niệu sẽ phản ứng bằng cách co bóp mạnh nhằm đẩy sỏi ra khỏi vị trí tắc nghẽn. Người bệnh sẽ cảm nhận được các cơn đau quặn thận như đau dữ dội ở vùng bụng sườn, xương sườn và ở hông, lưng. Nguy hiểm hơn, tắc nghẽn đường tiểu trong thời gian dài sẽ dẫn đến tình trạng thận ứ nước, niệu quản ứ nước gây giãn đài – bể thận.
– Nhiễm trùng đường niệu: Nếu sỏi tồn tại quá lâu trong hệ tiết niệu sẽ càng thu hút vi khuẩn tấn công kết hợp với tình trạng ứ đọng nước tiểu dẫn đến nhiễm trùng.
– Suy thận cấp và mãn tính: tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu hay tắc đường tiểu kéo dài có thể hủy hoại dần chủ mô thận. Lâu dần chức năng thận ngày càng suy giảm dẫn đến mất dần và không có khả năng phục hồi.
– Vỡ thận: Tuy là một biến chứng hiếm gặp nhưng có thể xảy ra khi thận ứ nước to và vách thận mỏng.
>>>>>Xem thêm: Viêm niệu đạo có lây không? nước tiểu có mủ
Suy thận là biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh sỏi tiết niệu nếu không được can thiệp kịp thời.
5. Chăm sóc người bệnh sau phẫu thuật mổ sỏi tiết niệu tại nhà
Cách chăm sóc sau người bệnh sau mổ sỏi đường tiết niệu phẫu biệt quan trọng. Bởi điều này sẽ quyết định thời gian hồi phục cũng như các các biến chứng sau phẫu thuật. Do đó, người bệnh cần lưu ý:
– Vệ sinh vết mổ sạch sẽ theo đúng hướng dẫn của nhân viên y tế để giảm nguy cơ nhiễm trùng vết mổ.
– Uống nhiều nước là yêu cầu bắt buộc để giúp bài tiết và nâng cao khả năng hoạt động của đường tiết niệu.
– Ăn nhiều những thực phẩm giàu chất xơ như rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt…để cải thiện nhu động ruột và hạn chế tình trạng táo bón sau phẫu thuật.
– Bổ sung các loại thực phẩm giàu canxi như tôm cá biển nạc, cua… để giảm lượng Oxalat hấp thụ nhiều hơn ở ruột.
– Không ăn những thực phẩm cứng, khó tiêu gây khó khăn đến việc tiêu hóa và làm ảnh hưởng khả năng phục hồi của thận. Không ăn những thực phẩm đông lạnh, đồ ăn cay nóng, đồ lên men…khiến vết mổ lâu lành, lên mủ và nhiễm trùng từ bên trong.
– Không nên dùng những loại đồ uống chứa cồn, gas và chất kích thích khác.
Trên đây là những thông tin về các phương pháp mổ sỏi đường tiết niệu. Hy vọng bài viết đã phần nào giúp ích được cho người bệnh hiểu hơn về bệnh, đặc biệt là lựa chọn được phương pháp điều trị phù hợp nhất.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.