Sỏi bàng quang hình thành do sự tích tụ của các chất khoáng có trong nước tiểu. Siêu âm sỏi bàng quang là một trong những phương pháp giúp xác định vị trí và kích thước sỏi cũng như đánh giá các cơ quan khác của hệ tiết niệu để từ đó có phương pháp điều trị phù hợp, ngăn chặn kịp thời các biến chứng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người bệnh.
Bạn đang đọc: Tìm hiểu về phương pháp siêu âm sỏi bàng quang
1. Tìm hiểu về siêu âm sỏi bàng quang
1.1. Siêu âm sỏi bàng quang là gì?
Siêu âm giúp bác sĩ quan sát cấu trúc các cơ quan sinh dục – tiết niệu mà người bệnh không bị phơi nhiễm với các bức xạ ion hóa như chụp CT. Kỹ thuật này sử dụng sóng siêu âm để cung cấp hình ảnh của bàng quang và các cơ quan xung quanh, có thể xác định sự tắc nghẽn của dòng tiểu và xác định vị trí có sỏi. Đây là kỹ thuật đơn giản có chi phí thấp. Tuy nhiên, khả năng quan sát còn phụ thuộc vào kỹ năng của người siêu âm. Để có thể quan sát tốt thì bàng quang cần căng đầy nước tiểu.
Từ hình ảnh siêu âm có thể đánh giá được thể tích của bàng quang (thể tích nước tiểu tồn lại sau khi đi tiểu, nghi ngờ bí tiểu do tắc nghẽn ở cổ bàng quang), sỏi bàng quang và một số bất thường khác như tình trạng dày thành, các tổn thương polyp, u và túi thừa bàng quang.
Hình ảnh viên sỏi khi được quan sát bằng phương pháp siêu âm sỏi bàng quang
1.2. Cần chuẩn bị gì khi thực hiện siêu âm sỏi bàng quang?
Siêu âm bàng quang rất đơn giản, nhanh chóng và không gây đau hay khó chịu. Như đã đề cập ở phần trên để có quan sát rõ bàng quang khi siêu âm, người bệnh nên uống nhiều nước và nhịn tiểu để bàng quang căng lên. Người bệnh cũng nên mặc quần áo rộng rãi và thoải mái.
Trong quá trình siêu âm, người bệnh sẽ được yêu cầu nằm ngừa lên bàn khám. Bác sĩ sẽ bôi một chất gel lên vùng bụng dưới rồi dùng đầu dò siêu âm tì sát vào vùng da và di chuyển đầu dò quét lên những vùng cần kiểm tra. Kết thúc siêu âm, người bệnh ngồi dậy lau sạch lớp gel (trong suốt và dễ lau chùi) và chỉnh trang lại quần áo.
2. Các phương pháp khác chẩn đoán sỏi bàng quang
Ngoài siêu âm, các bác sĩ có thể chỉ định thực hiện thêm một hoặc nhiều các phương pháp xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh sau đây:
2.1 Chụp CT
Chụp CT là kỹ thuật nhanh nhất để xác định vị trí của sỏi bàng quang cũng như sỏi trong hệ tiết niệu. Kỹ thuật này cho phép quan sát những hình ảnh chi tiết về thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo giúp xác định chính xác vị trí có sỏi và đánh giá liệu nó có gây tắc đường dẫn niệu hay không. Một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu chụp CT với thuốc cản quang để quan sát rõ đường bài xuất.
2.2 Soi bàng quang
Bác sĩ sử dụng ống nội soi nhỏ từ niệu đạo đến bàng quang để tìm sỏi, xác định số lượng, hình dáng, kích thước và màu sắc sỏi.
2.3 Xét nghiệm nước tiểu
Nếu sỏi bàng quang đã làm tổn thương niêm mạc hoặc gây ra biến chứng thì sẽ xuất hiện hồng cầu, bạch cầu trong nước tiểu.
3. Sỏi bàng quang là gì và nguy hiểm như thế nào?
Bàng quang là cơ quan chứa nước tiểu do thận bài tiết ra trước khi được thải ra ngoài qua niệu đạo. Sau khi đi tiểu, bàng quang sẽ trở về trạng thái rỗng. Tuy nhiên, khi cơ thể có những bất thường sẽ khiến nước tiểu không bị đẩy hết ra ngoài sẽ kết tinh lại hình thành các tinh thể và lớn dần lên tạo thành sỏi.
Sỏi bàng quang có kích thước nhỏ có thể tự thoát ra ngoài theo nước tiểu mà không cần điều trị. Nhưng khi sỏi có kích thước lớn, không tự thoát ra ngoài được thì cần điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật. Nếu không điều trị, sỏi bằng quang cơ thể dẫn đến nhiễm trùng và các biến chứng nguy hiểm khác.
Tìm hiểu thêm: Tán sỏi bằng laser – Công nghệ đột phá điều trị sỏi tiết niệu
Sỏi bàng quang có thể được hình thành từ bàng quang hoặc do sỏi thận, niệu quản rơi xuống bàng quang.
4. Triệu chứng sỏi bàng quang
Sỏi bàng quang có kích thước nhỏ có thể tự ra khỏi cơ thể theo nước tiểu và không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Sỏi bàng quang lớn có thể kích thích bàng quang và gây đau dữ dội, chảy máu và khó đi tiểu. Các dấu hiệu và triệu chứng bao gồm:
– Thay đổi màu sắc nước tiểu: Nước tiểu đục hoặc sẫm màu, hoặc có thể thấy máu trong nước tiểu.
– Thường xuyên đi tiểu: Cảm thấy luôn cần đi tiểu, ngay cả khi bạn vừa mới đi tiểu.
– Đau: cảm thấy đau hoặc rát khi đi tiểu. Bạn có thể thấy đau bụng và với nam giới đôi khi cảm thấy đau ở dương vật hoặc tinh hoàn.
– Tiểu ngắt quãng, tiểu khó, tiểu không tự chủ
– Nhiễm trùng đường tiết niệu: Sỏi bàng quang có thể dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu (UTIs). Các triệu chứng của nhiễm trùng tiểu bao gồm đi tiểu thường xuyên, đau đớn cũng như nước tiểu đục, có mùi.
5. Điều trị sỏi bàng quang
5.1 Điều trị nội khoa
Với sỏi bằng quang có kích thước nhỏ có thể điều trị bằng thuốc kháng sinh, chống viêm, giảm đau và giãn cơ trơn để đẩy sỏi ra ngoài theo niệu đạo.
Lưu ý: thông tin về các loại thuốc điều trị nêu trên chỉ mang tính tham khảo. Người bệnh cần thăm khám với bác sĩ chuyên khoa để có chỉ định cụ thể. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc về sử dụng.
5.2 Điều trị ngoại khoa
– Phương pháp nội soi ngược dòng tán sỏi bằng laser: Bác sĩ đưa ông nội soi qua niệu đạo, đến bàng quang và tiếp cận vị trí có sỏi. Viên sỏi sẽ được phá vỡ bằng năng lượng laser. Sau đó những mảnh sỏi sẽ được lấy ra ngoài bằng rọ gắp sỏi hoặc đẩy ra ngoài theo nước tiểu.
– Mổ nội soi lấy sỏi: Bác sĩ rạch 3 đường nhỏ trên phần bụng dưới và đưa ống nội soi vào bằng quang. Sỏi sẽ được lấy ra qua ống nội soi. Phương pháp này thích hợp với những trường hợp sỏi có kích thước dưới 3cm, không đái ra được hoặc đã thất bại với phương pháp tán sỏi.
– Mổ hở lấy sỏi: Phương pháp được chỉ định với sỏi bàng quang có kích thước lớn trên 3cm, sỏi rắn. Hoặc sỏi bàng quang có kèm hẹp niệu đạo, u tuyến tiền liệt túi thừa bàng quang thì phẫu thuật vừa lấy sỏi vừa giải quyết nguyên nhân gây ra sỏi.
>>>>>Xem thêm: Những điều cần biết về tán sỏi nội soi ngược dòng
Tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser là phương pháp hiện đại, ít xâm lấn mang lại hiệu quả cao trong điều trị sỏi bàng quang
6. Biện pháp phòng bệnh sỏi bàng quang
Vì sỏi bàng quang do nhiều nguyên nhân và bệnh lý gây ra nên không có cách nào cụ thể để phòng ngừa tình trạng này. Khi người bệnh phát hiện những dấu hiệu bất thường của đường tiết niệu cần thăm khám và điều trị sớm để loại trừ nguyên nhân gây sỏi, làm giảm nguy cơ hình thành sỏi bàng quang.
– Uống nhiều nước mỗi ngày cũng là một biện pháp tốt để phòng ngừa sỏi bàng quang. Nước giúp làm loãng nồng độ kháng chất trong bàng quang, tránh kết tụ tạo thành sỏi.
– Bổ sung nhiều các thực phẩm giàu chất xơ như trái cây, rau quả, đậu phụ và ngũ cốc nguyên hạt. Hạt chế các thức ăn nhiều muối, đường, dầu mỡ,..
– Hạn chế bổ sung protein có nguồn gốc từ động vật như gan, thịt đỏ,… Thay vào đó là bổ sung đạm từ cá và thực vật.
– Tránh sử dụng rượu bia, nước có ga, thuốc lá và các chất kích thích khác.
Sỏi bàng quang có thể được chẩn đoán bằng nhiều phương pháp khác nhau. Trong đó, siêu âm sỏi bàng quang là kỹ thuật đơn giản và có chi phí thấp được áp dụng khá phổ biến. Cùng với đó, việc điều trị sỏi bàng quang hiện nay đã dễ dàng hơn rất nhiều bằng các phương pháp tán sỏi hiện đại. Do đó người bệnh khi nghi ngờ mình có sỏi cần thăm khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.