3 điều cần biết về sỏi bàng quang, sỏi niệu đạo

Đều thuộc hệ tiết niệu, tuy nhiên sỏi bàng quang có nhiều đặc điểm riêng. Vì loại sỏi này thường gặp ở nam giới và liên quan đến sự ứ đọng nước tiểu do chướng ngại ở cổ bàng quang hay niệu đạo. Còn sỏi niệu đạo phần lớn là từ bàng quang và phần tiết niệu trên chạy xuống rồi dừng lại ở niệu đạo. Cùng tìm hiểu chi tiết về sỏi bàng quang, sỏi niệu đạo thông qua bài viết sau.

Bạn đang đọc: 3 điều cần biết về sỏi bàng quang, sỏi niệu đạo

1. Triệu chứng của sỏi bàng quang, sỏi niệu đạo

1.1 Triệu chứng của sỏi bàng quang

– Đau buốt vùng hạ vị: Đau dội lên khi đái gần cuối bãi, cơn đau lan xuống tầng sinh môn ra đầu dương vật, vùng hậu môn. Khi đái xong, cảm giác buốt tăng lên bội phần.

– Đái rắt, đái buốt, đái tắc: Bệnh nhân mót đái thường xuyên, đái rất nhiều lần. Tuy nhiên mỗi lần chỉ được một ít, đái buốt,  thỉnh thoảng bị tắc đái càng đái rắt lại càng buốt nhiều, càng buốt bao nhiêu lại càng đái rắt bấy nhiêu

– Đái ra máu cuối bãi: Đái máu cuối bãi cũng hay xảy ra, thường đái ra máu mỗi khi di chuyển mạnh.

– Nếu có nhiễm khuẩn thì còn kèm theo các triệu chứng viêm bàng quang; đái khó; đái dắt; đái buốt; đái đục.

1.2 Triệu chứng của sỏi niệu đạo

Sỏi niệu đạo thường có những triệu chứng báo hiệu khó đái, đái buốt, đái ra mái đầu bãi.

– Bệnh nhân thường khó đi tiểu, bị tắc nghẽn đường tiểu đột ngột, có khi hoàn toàn không đi tiểu được.

– Bệnh nhân có thể tiểu ra máu nếu cố gắng rặn

– Khi cố gắng đi tiểu mà không được, bệnh nhân sẽ gặp cơn đau quặn vùng hạ vị

– Nếu sỏi có mặt ở túi thừa niệu đạo, bệnh nhân sẽ không gặp vấn đề về tiểu tiện, vẫn đi tiểu được. Nhưng khi đó sẽ gặp các triệu chứng như viêm niêu đạo, tiểu đục…

3 điều cần biết về sỏi bàng quang, sỏi niệu đạo

Sỏi bàng quang, sỏi niệu đạo thường gây bí tiểu.

2. Các phương pháp chẩn đoán sỏi bàng quang, sỏi niệu đạo

2.1 Chẩn đoán sỏi bàng quang

– Khám lâm sàng: Bệnh nhân khai là đái buốt, đái rắt, hoặc đái ra máu cuối bãi, có lúc tắc đái.

– Xét nghiệm: Nước tiểu chứa nhiều hồng cầu, bạch cầu và albumin và nhiều vi khuẩn có nhiễm khuẩn.

– Xquang: Chụp Xquang không chuẩn bị có thể thấy phần lớn các sỏi bàng quang đồng thời cũng thấy được cả sỏi niệu quản và sỏi thận. Chụp cắt lớp dựng hình ít khi phải sử dụng trừ trường hợp sỏi không cản quang (urat). Hoặc để tìm nguyên nhân gây sỏi bàng quang (u bàng quang, u tuyến tiền liệt) và để biết chức năng của 2 thận do sỏi gây ra.

– Soi bàng quang là phương pháp chẩn đoán chắc chắn trong trường hợp siêu âm và chụp hệ tiết niệu không rõ sỏi.

2.2 Chẩn đoán sỏi niệu đạo

Sỏi niệu đạo không khó để nhận biết vì có thể cảm nhận được khi sờ hoặc thăm trực tràng.

Chụp phim toàn bộ hệ tiết niệu lấy cả niệu đạo là cần thiết. Vì phương pháp này không những phát hiện sỏi niệu đạo mà còn giúp phát hiện sỏi ở thận và niệu quản.

Tìm hiểu thêm: Nhận biết và ứng phó với sỏi tiết niệu gây đau quặn thận

3 điều cần biết về sỏi bàng quang, sỏi niệu đạo

Sỏi bàng quang, sỏi niệu đạo cần được xét nghiệm để xác định bệnh

3. Cách điều trị sỏi bàng quang, sỏi niệu đạo

3.1 Điều trị sỏi bàng quang

Điều trị sỏi bàng quang dễ dàng và đơn giản nếu bệnh được phát hiện sớm.

Tán sỏi nội soi bằng laser:

Ngày nay nhờ có laser công suất cao và ống kính nội soi  nhỏ  hiện đại sỏi bàng quang được điều trị chủ yếu bằng phương pháp tán sỏi nội soi ngược dòng. Kể cả sỏi kích thước lớn và rắn cũng có thể thực hiện tán sỏi với điều kiện niệu đạo và cổ bàng quang không chít hẹp.

Phương pháp qua nội soi đồng thời cũng xử trí một số nguyên nhân như u xơ tuyến tiền liệt, xơ cứng cổ bàng quang, dị vật ở bàng quang.

Mổ bàng quang lấy sỏi:

Chỉ định khi sỏi quá to đóng khuôn bàng quang, có nhiễm khuẩn tiết niệu . Mổ còn giải quyết được nguyên nhân gây ra sỏi (túi thừa bàng quang, hẹp niệu đạo, u xơ tuyến tiền liệt to). Mổ bàng quang lấy sỏi là phẫu thuật đơn giản, ít tốn thời gian, nhưng thời gian hậu phẫu kéo dài.

3 điều cần biết về sỏi bàng quang, sỏi niệu đạo

>>>>>Xem thêm: Điểm mặt những thói quen ăn uống dễ gây sỏi thận

Tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser giúp loại bỏ sỏi bàng quang nhanh chóng, không vết mổ, ít đau, có thể ra viện sau 24h.

3.2 Điều trị sỏi niệu đạo

Tùy thuộc vào vị trí của sỏi niệu đạo để có các phương pháp điều trị thích hợp.

– Nếu sỏi ở vị trí niệu đạo trước: Sẽ tiến hành gắp sỏi niệu đạo thông qua miệng sáo.

– Nếu sỏi ở niệu đạo sau và bị đẩy ngược lại vào bàng quang: xử lý như chữa sỏi bàng quang.

– Một trường hợp hay gặp là sỏi bị kẹt ở niệu đạo, sỏi ở túi thừa hay bệnh nhân bị hẹp niệu đạo, không thể đẩy vào bàng quang cũng không gắp ra được. Để xử lý bác sĩ sẽ chỉ định tiến hành phẫu thuật để lấy sỏi ra ngoài.

3.3. Phòng chống tái phát sỏi

Bệnh nhân mắc sỏi bàng quang, sỏi niệu đạo sau khi chữa khỏi cần chú ý chế độ sinh hoạt và ăn uống ngăn ngừa tái phát. Cần nghe theo chỉ định và lời khuyên của bác sĩ. Sỏi tiết niệu nói chung nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn tới nhiều biến chứng như nhiễm trùng tiết niệu, thận ứ nước, thận giãn, suy thận… Hiện tại đã có nhiều phương pháp điều trị sỏi rất nhẹ nhàng, ít xâm lấn, hạn chế tối đa đau đớn và tổn thương. Do đó người bệnh không nên chần chừ, khi phát hiện có sỏi hãy chủ động can thiệp sớm.

4. Lưu ý về chế độ ăn uống, sinh hoạt

Bên cạnh việc điều trị tích cực nếu bị sỏi, chúng ta cũng nên duy trì một chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh để giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc bệnh. Cụ thể:

– Nên uống nhiều nước mỗi ngày

– Ăn nhạt, tránh tiêu thụ quá nhiều muối

– Tăng cường rau xanh, trái cây tươi giàu chất xơ

– Cắt giảm caffeine bằng cách hạn chế tiêu thụ các sản phẩm như cà phê, trà, thuốc lá

– Tránh tiêu thụ các thực phẩm giàu oxalate như sô cô la, cây đại hoàng, dâu tây… Vì oxalate tích tụ quá nhiều có thể dẫn tới sự hình thành của sỏi oxalat canxi

– Ăn có kiểm soát các loại đạm động vật bao gồm thịt, trứng, cá…Do chúng giàu purin, chất này có thể chuyển hóa thành axit uric trong nước tiểu và tạo sỏi; giữ căn nặng ở mức hợp lý vì béo phì làm tăng nguy cơ tạo sỏi.

– Dành thời gian để luyện tập thể dục, thể thao và không nên nhịn tiểu, đi vệ sinh ngay khi có nhu cầu.

Bài viết tham vấn chuyên môn từ Bác sĩ CKII Phạm Huy Huyên – Phó giám đốc Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *