Sỏi thận là căn bệnh thường gặp và hay tái phát do có sự kết tinh của các thành phần trong nước tiểu thuộc đường tiết niệu. Sỏi gây tắc đường tiết niệu, nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ gây nên các biến chứng nguy hiểm như: nhiễm khuẩn tiết niệu, ứ nước thận, suy thận và thận mất chức năng gây nguy hại cho sức khỏe và tính mạng người bệnh.
Bạn đang đọc: Tổng quan về 5 phương pháp điều trị sỏi thận phổ biến hiện nay
1. Triệu chứng của sỏi thận
Sỏi thận có rất nhiều dấu hiệu khác nhau, có khi diễn biến âm thầm dù sỏi đã lớn. Bạn sẽ không cảm nhận được sự đau đớn cho đến khi vận động mạnh. Hoặc sỏi kẹt ở niệu quản sẽ bị đau quặn thận, đau dữ đội, đau xuất phát từ thắt lưng rồi theo niệu quản lan xuống vùng bẹn, vùng sinh dục. Một số triệu chứng khác cần biết như:
– Đái rắt, đái buốt, nước tiểu đỏ, có thể có chướng bụng và buồn nôn do sỏi kích thích phúc mạc
– Đái máu kèm theo cơn đau, xuất hiện lúc vận động mạnh, triệu chứng giảm lúc nằm nghỉ.
– Đái có màu đục khi bị nhiễm khuẩn. Bệnh nhân có thể sốt cao, rét run, đau vùng thắt lưng, biểu hiện của viêm thận bể thận.
– Bệnh nhân có thể bị phù nề, buồn nôn, cảm giác không ngon miệng, có biểu hiện này bệnh nhân đã suy thận nặng.
– Thậm chí, vô niệu (không đi tiểu được) xảy ra khi sỏi làm tắc đường tiết niệu của thận duy nhất đang hoạt động.
Sỏi thận là bệnh lý thường gặp và có nhiều triệu chứng khác nhau
2. Một số phương pháp chẩn đoán sỏi thận
2.1. Khám lâm sàng
Bác sĩ sẽ hỏi tiền sử bệnh nhân đã từng mắc sỏi hay chưa. Tình trạng này có thể phát hiện qua việc bệnh nhân đái ra sỏi, bệnh nhân có nhiều cơn đau quặn thận, đái ra máu, đái đục.
2.2. Xét nghiệm sinh hóa
Một số xét nghiệm sinh hóa được thực hiện đó là:
– Xét nghiệm ure, creatinin máu, calci, phosphat, acid uric trong máu.
– Tìm tế bào (hồng cầu, bạch cầu) và vi khuẩn trong nước tiểu, đồng thời kiểm tra pH nước tiểu.
– Tìm tinh thể trong nước tiểu.
2.3. Chẩn đoán hình ảnh
– Bệnh nhân sẽ được chụp phim ở hệ tiết niệu. Kết quả phim chụp giúp phát hiện ra sỏi, vị trí sỏi, các dấu hiệu kích thích đường tiêu hóa như bóng hơi trong dạ dày hoặc đường ruột.
– Tiến hành siêu âm ổ bụng cho phép phát hiện sỏi cản quang và không cản quang cũng như hình ảnh giãn đài bể thận và kích thước sỏi .
– Chụp cắt lớp dựng hình hệ tiết niệu để chẩn đoán chính xác kích thước, vị trí sỏi, đánh giá chức năng thận, mức độ ứ nước thận và đường bài xuất.
2.4. Chẩn đoán phân biệt
– Phân biệt trong phòng cấp cứu để loại trừ viêm ruột thừa, viêm túi mật cấp, viêm tụy cấp, viêm phần phụ. Trong các trường hợp khác, cần loại trừ u đài bể thận, u niệu quản, các sỏi túi mật, sỏi tụy, các hạch vôi hóa vùng khung xương chậu.
Tìm hiểu thêm: Nội soi tán sỏi và những điều bạn cần biết
Sỏi thận có nhiều phương pháp chẩn đoán khác nhau.
3. Chi tiết về 5 phương pháp điều trị sỏi thận
Người bệnh có sỏi thận có thể sử dụng phương pháp điều trị nội khoa hoặc ngoại khoa tùy vào tình trạng và kích thước sỏi thận. Cụ thể với các trường hợp sỏi còn nhỏ,bác sĩ có thể chỉ định điều chỉnh lối sống kết hợp với dùng thuốc. Điều trị ngoại khoa nhằm lấy sỏi thận kích thước lớn, không thể ra ngoài theo đường tự nhiên… và giải quyết những biến chứng sỏi thận và niệu quản gây ra, mục đích là cứu vãn chức năng thận và trong một số trường hợp cứu tính mệnh bệnh nhân như vô niệu, nhiễm khuẩn huyết.
3.1 Điều trị nội khoa : Đối với sỏi kích thước
Điều trị nội khoa bao gồm các biện pháp phòng bệnh và sử dụng các thuốc để tránh sỏi tái phát
– Bệnh nhân cần uống nước đầy đủ, uống 1,5 -2 lít nước hàng ngày.
– Điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu đặc biệt với nữ giới hoặc trường hợp có dị tật bẩm sinh, bàng quang thần kinh ở trẻ nhỏ.
– Tổ chức cuộc sống lành mạnh, tập thể dục thể thao hàng ngày nâng cao thể trạng.
– Để tránh tái phát sỏi, cần có chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lý, không ăn chế độ quá giàu chất đạm, quá giàu chất canxi, tập thói quen ăn nhạt và sử dụng một số thuốc riêng biệt.
Điều trị nội khoa với 4 loại sỏi phổ biến
Đối với sỏi calci: Cần hạn chế thức ăn chứa nhiều calci, trong các bệnh cảnh do cường calci niệu do tăng hấp thụ ở ruột. Tuy nhiên trong các trường hợp cường calci niệu khác, có thể dùng 800mg/mỗi ngày, để hạn chế tái hấp thụ oxalat ở ruột. Ngoài ra, không nên ăn nhiều thức ăn mặn, chứa nhiều protein và oxalat. Các thuốc lợi tiểu (hydrrocholorothiazid) có tác dụng hạn chế bài tiết calci trong cường calci niệu không rõ nguyên nhân.
Đối với sỏi amino magie-phosphat: Cần điều chỉnh pH nước tiểu để tránh kiềm. Sử dụng các kháng sinh tác động đến trực khuẩn gram âm (quinolon, aminosid).
Đối với sỏi acid uric: Bệnh nhân cần hạn chế các thức ăn chứa nhiều purin và protein. Thuốc được dùng là allopurinol nhằm hạn chế bài tiết acid uric qua nước tiểu.
Đối với sỏi cystin: Bệnh nhân cần tăng cường lợi tiểu (uống 2-3 lít nước mỗi ngày), điều chỉnh pH nước tiểu xấp xỉ 7. Thuốc được dùng là D-penicillamin.
Lưu ý: các thông tin về thuốc điều trị nêu trên chỉ mang tính tham khảo. Người bệnh cần thăm khám với bác sĩ chuyên khoa để được chỉ định cụ thể, tuyệt đối không tự ý mua thuốc về sử dụng.
3.2. Tán sỏi ngoài cơ thể (Extracorporeal Shock Ware Lithotripsy, ESWL)
Đây là phương pháp điều trị ít sang chấn nhất, an toàn, hiệu quả, chi phí thấp, tán xong về nhà ngay sinh hoạt bình thường .
– Nguyên lý: Dưới tác dụng của sóng xung kích làm vỡ viên sỏi thành những mảnh nhỏ và tự đào thải ra ngoài theo đường tự nhiên trong vài ba tuần
– Chỉ định tán sỏi ngoài cơ thể đối với sỏi thận kích thước dưới 15mm, chức năng thận phải tốt, đường bài xuất thông thoáng không bị hẹp hoặc bị dị dạng. Sau khi điều trị, bệnh nhân có thể đái ra máu nhẹ, có cơn đau dọc theo niệu quản.
– Các loại sỏi cystin, calci oxalat monohydrat (whewwellit) rất rắn và khó tán, sỏi ở đài thận và ở niệu quản sau khi vỡ vụn phải đợi một thời gian mới thoát ra hết được, có khi sau vài ba tháng.
3.3. Tán sỏi qua da (Percutaneous Nephrolithotomy, PNL)
Đây là phương pháp điều trị sỏi thận kích thước lớn hiện đại nhất, hiệu quả nhất hiện nay.
– Bệnh nhân chỉ có 1 vết trích rất nhỏ (5mm), ít đau đớn, thời gian nằm viện ngắn. Đây thực sự là cuộc cách mạng trong điều trị sỏi thận, hoàn toàn thay thế cho mổ mở, mang lại nhiều lợi ích lớn cho người bệnh. Bác sĩ tạo 1 đường hầm nhỏ bằng cái đũa ở góc xương sườn 12 qua đài giữa hoặc đài dưới ,dưới hướng dẫn của siêu âm vào tiếp cận sỏi và tán trực tiếp bằng laser thành những mảnh nhỏ và lấy ra ngoài.
– Sau đó đặt đặt sonde JJ dẫn lưu bể thận – niệu quản và dẫn lưu thận để vài ba ngày sẽ rút , sonde jj trung bình để 2 tuần sẽ rút nếu .
3.4. Tán sỏi qua nội soi niệu quản (Intraureteral Lithotrisy, IL)
Đây là phương pháp điều trị sỏi niệu quản ít sang chấn nhất, hiệu quả, thời gian nằm viện ngắn (1 ngày ), bệnh nhân phục hồi sức khỏe nhanh, sớm trở lại sinh hoạt bình thường.
– Sử dụng máy nội soi niệu quản bán cứng hay mềm đưa qua niệu đạo, bàng quang lên niệu quản tiếp cận sỏi, tán bằng laser thành những mảnh nhỏ và lấy ra ngoài bằng rọ Dormia hoặc bơm rửa.
– Sau khi lấy hết sỏi, có thể đặt sonde JJ để lưu thông nước tiểu. Sỏi ở đoạn khung chậu thuận tiện nhất để tán sỏi nội soi. Ngày nay ở những cơ sở chuyên khoa sâu có đủ các kĩ thuật (tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi nội soi, tán sỏi qua da, tán sỏi ống mềm) thì sỏi niệu quản ở các vị trí (1/3 trên, 1/3 giữa, 1/3 dưới thậm chí cả ở bể thận) đều được chỉ định tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser rất hiệu quả tránh được cuộc mổ và các biến chứng do phẫu thuật gây nên như: dò nước tiểu ,hẹp niệu quản… Kết quả thành công trên 90%.
>>>>>Xem thêm: Điều trị sỏi kẹt niệu đạo như thế nào?
Sỏi thận có thể được chữa trị bằng những phương pháp tán sỏi công nghệ cao
3.5. Phẫu thuật mổ mở
Ngày nay các phẫu thuật mổ mở kinh điển ít được áp dụng tỉ lệ chỉ còn khoảng 5-10% áp dụng cho các trường hợp sỏi thận có biến chứng nặng (ứ nước, ứ mủ nặng, suy thận nặng) hoặc sỏi quá to không thể tán sỏi qua da được.
– Lấy sỏi qua rạch bể thận ít gây tổn thương ở nhu mô thận và với phương pháp mở rộng bể thận và rạch bể thận trong xoang (Gil Vernet) có thể lấy sỏi to trong thận.
– Rạch nhu mô thận để lấy sỏi ở đài bể thận có khi cần thiết, nhưng có nguy cơ chảy máu. Rạch nhu mô thận mở rộng lấy sỏi san hô lớn và nhiều viên là một phẫu thuật lớn, cần được tiến hành dưới hạ thể nhiệt tại chỗ và cầm máu tỉ mỉ.
– Cắt thận bán phần khi sỏi cư trú ở một cực, thường là cực dưới, và phần nhu mô tại chỗ không còn tác dụng.
– Một khi thận ứ mủ mất hết chức năng, cần phải cắt bỏ thận toàn bộ. Trong những trường hợp này, phẫu thuật thường khó khăn vì bao thận dày và dính vào trong các cơ quan trong ổ bụng và các mạch máu lớn.
– Các phẫu thuật tạo hình tiết niệu có mục đích loại trừ các nguyên nhân gây tắc làm ứ trệ dòng nước tiểu từ các đài bể thận đến niệu đạo. Các phẫu thuật tạo hình thông dụng nhất là tạo hình khúc nối bể thận – niệu quản, làm rộng các đoạn niệu quản, cắm niệu quản vào bàng quang, dùng một đoạn ruột thay thế niệu quản, v.v…
4. Kết luận
Mong rằng những thông tin về sỏi thận ở trên sẽ giúp bạn chủ động hơn trong việc điều trị sỏi thận. Nếu bạn có những dấu hiệu đau bụng âm ỉ hay quặn thận, tình trạng đi tiểu có vấn đề… cần đến bệnh viện để xác định tình trạng và được chỉ định các phương pháp điều trị hiệu quả.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi bác sĩ CKII Phạm Huy Huyên – Phó Chủ tịch Hội thận tiết niệu miền Bắc.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.