Tất cả các ảnh hưởng tại ruột đều có thể là tác nhân gây đau đại tràng. Nhận biết chính xác các triệu chứng bệnh sẽ giúp bạn có hướng điều trị phù hợp, hiệu quả, tiết kiệm thời gian và chi phí.
Bạn đang đọc: Đau đại tràng: Nguyên nhân, biểu hiện và giải pháp
1. Khái quát về chứng đau đại tràng
Đại tràng (còn được gọi là ruột già) là bộ phận nằm gần cuối ống tiêu hóa, nối tiếp ruột non với hậu môn. Sau quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng tại ruột non, những chất cặn bã sẽ được đẩy xuống đại tràng. Tại đây, đại tràng làm nhiệm vụ hấp thu nước, chất điện giải, tổng hợp vitamin, đồng thời tạo phân và đưa ra khỏi cơ thể.
Do cấu tạo và chức năng của đại tràng, đây cũng là bộ phận dễ bị tổn thương nhất trong hệ tiêu hóa. Đại tràng bị tổn thương thường gây ra những cơn đau tại vùng bụng dưới, khiến hoạt động tiêu hóa bị rối loạn, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Đau đại tràng là chứng bệnh thường gặp, khi được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ không có gì nguy hiểm. Tuy nhiên cũng do tính phổ biến của bệnh nên không ít người đã chủ quan không thăm khám, bỏ sót những tác nhân gây bệnh khó lường khiến tình trạng bệnh trở nặng, biến chứng nghiêm trọng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Xuất huyết tiêu hóa – biến chứng nguy hiểm do đau đại tràng không được điều trị
2. Người bệnh bị đau đại tràng do đâu?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các cơn đau đại tràng ở người bệnh. Trong đó, các tác nhân phổ biến hơn cả có thể kể đến:
– Do bị viêm ruột hoại tử
– Đau đại tràng do dị ứng (chỉ xảy ra ở trẻ sơ sinh)
– Do viêm đại tràng giả mạc sau khi dùng kháng sinh
– Do viêm đại tràng mạn tính
– Nhiễm khuẩn Salmonella – một loại vi khuẩn phổ biến gây tiêu chảy.
– Nhiễm trùng Shigella – tác nhân gây viêm dạ dày ruột và bệnh lỵ trực khuẩn.
– Nhiễm vi khuẩn Campylobacter – một loại vi khuẩn gây ra ngộ độc thực phẩm.
– Nhiễm trùng Yersinia enterocolitica – loại vi khuẩn này gây tiêu chảy nghiêm trọng và có thể gây nhiễm trùng máu.
– Tác nhân giun gây đau đại tràng
– Ban xuất huyết Henoch-Schönlein (viêm mao mạch dị ứng) gây viêm và chảy máu trong các mạch máu nhỏ ở ruột.
3. Biểu hiện lâm sàng của chứng đau đại tràng
3.1. Người bệnh đau do bị viêm ruột hoại tử
Khi ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể chỉ cảm thấy đau bụng âm ỉ, rối loạn tiêu hóa. Bệnh trở nặng có thể xuất hiện tình trạng viêm phúc mạc, thủng ruột, rối loạn đông máu và tử vong. Cần lưu ý, bệnh có thể tiến triển nhanh chóng nên người bệnh cần khi nghi ngờ triệu chứng cần đến bệnh viện ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
3.2. Đau do dị ứng (xảy ra ở trẻ sơ sinh)
Hầu hết các trường hợp được ghi nhận chỉ xảy ra ở trẻ em sơ sinh bú sữa mẹ hoàn toàn. Các cơn đau do dị ứng thường đi kèm với đi tiêu phân nhầy và máu, nôn mửa. Các triệu chứng có thể kéo dài từ khi trẻ được 1 tuần – 3 tháng tuổi.
3.3 Viêm đại tràng giả mạc gây đau
Tùy theo mức độ mà bệnh biểu hiện các triệu chứng khác nhau. Người bệnh có thể bị đau bụng (âm ỉ hoặc đau quặn từng cơn), tiêu chảy phân nhầy hoặc dính máu, một số trường hợp kèm theo sốt từ 38 -39 độ. Các dấu hiệu thường bắt đầu sau khi người bệnh sử dụng kháng sinh từ 1-7 ngày.
3.4. Đau do viêm mạn tính
Viêm đại tràng mãn tính diễn biến âm thầm hơn, thường biểu hiện dưới các cơn đau quặn bụng và hết đau sau khi người bệnh đi đại tiện. Các dấu hiệu khác có thể bao gồm: tiêu chảy, táo bón, mệt mỏi, suy dinh dưỡng, thiếu máu, đau khớp…
3.5. Đau đại tràng do nhiễm Salmonella
Bệnh thường bùng phát do người bệnh ăn thực phẩm sống, chưa được tiệt trùng, xảy ra nhiều vào mùa hè và mùa thu. Một số dấu hiệu điển hình bao gồm: đau quặn bụng và buồn nôn, tiêu chảy, ớn lanh, sốt cao…
Tìm hiểu thêm: Tỷ lệ người mắc bệnh dạ dày tại Việt Nam
Nhiễm samollela từ thực phẩm
3.6. Do nhiễm trùng Shigella
Bệnh gây viêm dạ dày ruột nhẹ và bệnh lỵ trực khuẩn. Triệu chứng viêm dạ dày ruột bao gồm: tiêu chảy, đau bụng, nôn mửa, sốt, ớn lạnh và đau người. Trường hợp mắc lỵ trực khuẩn, người bệnh có thể bị tiêu chảy liên tục, nặng có thể từ 20-40 lần/ngày, đau thốn vùng trực tràng hay đau quặn dọc khung đại tràng. Các triệu chứng ngoài đại tràng có thể kể đến như: sốt cao, co giật…
3.7. Do vi khuẩn Campylobacter gây bệnh
Đặc trưng bởi sự khởi phát đột ngột của các cơn đau bụng dữ dội, sau đó là tiêu chảy phân nước. Người bệnh có thể bị đi ngoài từ 2-20 lần/ngày. Đối với người lớn có thể sốt cao lên đến 40 độ C. Trước khi bùng phát, thời gian ủ bệnh từ khoảng 1 – 3 ngày.
3.8. Nhiễm trùng Yersinia enterocolitica
Đa số bệnh nhân có biểu hiện đau bụng dữ dội, dễ nhầm lẫn với viêm ruột thừa. Tiêu chảy nghiêm trọng cũng là một triệu chứng đặc trưng của bệnh. Một số trường hợp có thể có phản ứng sốt, phát ban da.
3.9. Tác nhân giun
Khi bị nhiễm giun sán gây ra loạn khuẩn và viêm đại tràng cấp, người bệnh thường có triệu chứng tiêu chảy ra máu, đau bụng và sốt.
3.10. Viêm mao mạch dị ứng (Henoch-Schönlein)
Đau đại tràng do ban xuất huyết Henoch-Schönlein thường xảy ra trước khi phát ban xuất hiện. Bên cạnh đau bụng, người bệnh có thể cảm thấy buồn nôn, nôn, đi ngoài phân máu. Triệu chứng ngoài đại tràng gồm sưng, đau khớp, phát ban xuất huyết tại lưng, mông, chi trên…
3. Phương pháp điều trị
3.1 Điều trị đau đại tràng nhờ thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt
Sử dụng các thực phẩm tốt cho đường ruột như bánh mỳ, ngũ cốc, trái cây, rau củ, sữa chua… Đồng thời hạn chế tối đa các loại thức ăn nhiều dầu mỡ, chua, cay, thức ăn khó tiêu hóa. Đặc biệt, người bệnh cần chú ý tới vệ sinh an toàn thực phẩm
Thực hiện ăn chín, uống sôi, tránh ăn các thực phẩm còn sống, có nguồn gốc không đảm bảo, bị ôi thiu…
Hạn chế tối đa các tác nhân gây kích thích đường tiêu hóa như bia rượu, caffein, nước uống có gas, thuốc lá…
Tập thói quen duy trì vận động nhẹ nhàng (đi bộ, đạp xe, yoga…) hàng ngày.
>>>>>Xem thêm: 10+ Mẹo chữa đại tràng co thắt bạn cần biết
Ăn chín, uống sôi, cân đối thực phẩm nạp vào cơ thể để hỗ trợ điều trị bệnh đau đại tràng
3.2 Can thiệp y tế khi bị đau đại tràng
Đau đại tràng thường có nguy cơ tái phát cao. Bệnh gây ra nhiều khó chịu, mệt mỏi cho người bệnh. Do đó, ngay khi phát hiện bất kỳ bất thường nào tại đại tràng, người bệnh cần đến cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị chính xác.
Một số loại thuốc có thể được sử dụng cho người bị đau đại tràng như: thuốc chống viêm, chống co thắt, thuốc kháng sinh giúp hạn chế tác hại của vi khuẩn đường ruột, thuốc chặn tiêu chảy,… Trường hợp sử dụng thuốc điều trị đau đại tràng không đem lại hiệu quả, bác sĩ có thể cân nhắc chỉ định bệnh nhân thực hiện phẫu thuật.
Đau đại tràng xuất phát từ nhiều nguyên nhân, tương ứng với các biểu hiện tại đại tràng và ngoài đại tràng khác nhau. Đây là bệnh lý thường gặp nhưng luôn tiềm ẩn khả năng biến chứng nguy hiểm. Người bệnh cần có kế hoạch thăm khám tiêu hóa sớm nhất có thể và kết hợp với xây dựng lối sống lành mạnh để cải thiện tình trạng, đảm bảo sức khỏe hệ tiêu hóa.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.