Bệnh sỏi bàng quang là tình trạng sỏi xuất hiện ở bàng quang, gây ra triệu chứng khó chịu và ảnh hưởng đến sức khỏe. Đây là một trong những loại sỏi đường tiết niệu phổ biến nhất. Điều trị sỏi bàng quang bao gồm dùng thuốc và tán sỏi công nghệ cao. Tìm hiểu về bệnh lý này qua một số thông tin trong bài viết sau.
Bạn đang đọc: Ai dễ mắc bệnh sỏi bàng quang và cách điều trị như thế nào?
Hình ảnh một viên sỏi bàng quang với kích thước tương đối lớn.
1. Bệnh sỏi bàng quang là gì?
Bệnh sỏi bàng quang là thuật ngữ dùng để nói về tình trạng trong bàng quang có sỏi. Sỏi bàng quang hình thành khi các khoáng chất trong nước tiểu kết tinh và kết tụ với nhau thành tinh thể. Sỏi bàng quang có thể gây nhiễm trùng, chảy máu và các vấn đề nghiêm trọng ở đường tiết niệu nếu không được điều trị sớm.
2. Ai dễ mắc bệnh sỏi bàng quang?
– Bất kỳ ai cũng có thể bị bệnh sỏi bàng quang nhưng nam giới trên 50 tuổi là đối tượng có nguy cơ cao nhất. Nguyên nhân là do thống kê có khoảng 50% nam giới trong độ tuổi trung niên mắc chứng tăng sản lành tính tuyến tiền liệt (u xơ tiền liệt tuyến). Bệnh này khiến cho tuyến tiền liệt (một cơ quan nằm bên dưới bàng quang ở đàn ông) to ra. Tuyến tiền liệt phì đại làm việc bài tiết nước tiểu trở nên khó khăn. Sỏi có thể hình thành do nước tiểu đọng lại trong bàng quang quá lâu.
– Những người gặp phải các tổn thương về dây thần kinh như chấn thương cột sống cũng có nguy cơ mắc sỏi bàng quang.
– Ngoài ra người đã từng thực hiện các phẫu thuật ở bàng quang (như tạo hình bàng quang) cũng dễ tạo sỏi hơn bình thường.
– Người bị sỏi thận: ít gặp hơn nhiều trường hợp sỏi bàng quang thực chất là sỏi thận rơi xuống bị kẹt lại, không thể trôi ra ngoài theo đường tiểu.
3. Các triệu chứng bệnh sỏi bàng quang cần biết
Sỏi bàng quang khi kích thước còn nhỏ hầu như không có biểu hiện nào đáng kể. Sỏi bắt đầu gây ra các triệu chứng khó chịu khi chúng lớn dần lên dẫn tới kích thích bàng quang. Các dấu hiệu của bệnh sỏi bàng quang thường gặp bao gồm:
– Màu sắc nước tiểu thay đổi: nước tiểu trở nên đục, sẫm màu và thậm chí có lẫn máu.
– Thường xuyên có cảm giác buồn tiểu: người bệnh nhận thấy mình có nhu cầu đi vệ sinh nhiều hơn bình thường, ngay cả khi vừa mới đi tiểu xong.
– Cảm thấy đau hoặc nóng rát mỗi khi tiểu tiện.
– Đau ở vùng bụng dưới, một số trường hợp còn cảm thấy đau ở dương vật hoặc tinh hoàn.
– Tiểu ngập ngừng, ngắt quãng.
– Nhiễm trùng đường tiết niệu: sỏi bàng quang có thể dẫn tới nhiễm trùng đường tiết niệu. Các triệu chứng của nhiễm trùng đường tiết niệu bao gồm tiểu nhiều, nước tiểu đục và có mùi.
Tìm hiểu thêm: Các phương pháp điều trị sỏi thận hiệu quả nhất
Bệnh sỏi bàng quang thường gặp ở nam giới từ 50 tuổi trở lên.
4. Hai biến chứng bệnh sỏi bàng quang
Bệnh sỏi bàng quang càng để kéo dài càng gây nguy hiểm cho sức khỏe. Hai biến chứng chính của căn bệnh này nếu không điều trị là:
– Rối loạn chức năng bàng quang mạn tính: tiểu đau và rất khó chịu. Đôi khi sỏi bàng quang có thể gây tắc nghẽn hoàn toàn khiến cơ thể không thể bài tiết nước tiểu.
– Nhiễm trùng đường tiết niệu mạn tính.
5. Lời khuyên cho người bệnh sỏi bàng quang
5.1. Nên làm gì khi phát hiện có bệnh sỏi bàng quang?
– Hãy khám ngay với bác sĩ chuyên khoa tiết niệu để được chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh và tư vấn cách điều trị hiệu quả.
– Nhìn chung sỏi bàng quang hoàn toàn có thể xử lý triệt để, nhanh chóng và an toàn. Do đó không nên quá lo lắng, mất bình tĩnh.
– Tuy nhiên cũng không tự ý mua thuốc về uống hoặc sử dụng các loại thuốc nam, thuốc lá không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm chứng khoa học dễ khiến bệnh tồi tệ hơn.
5.2. Tại bệnh viện sỏi bàng quang được chẩn đoán như thế nào?
– Bác sĩ sẽ tìm hiểu triệu chứng, hỏi về tiền sử bệnh, sau đó chỉ định thực hiện một số xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh để đưa ra kết luận.
– Xét nghiệm nước tiểu: giúp tìm kiếm xem trong nước tiểu của người bệnh có lẫn máu, vi khuẩn và các chất khoáng kết tinh tạo sỏi hay không.
– Chụp CT, chụp X quang, siêu âm: các phương pháp chẩn đoán hình ảnh này cho phép bác sĩ có thể quan sát chi tiết bên trong bàng quang để xác định kích thước, vị trí và hình dạng của viên sỏi.
– Nội soi bàng quang: bác sĩ sẽ sử dụng ống nội soi (có gắn camera và nguồn sáng) để quan sát bên trong bàng quang và kiểm tra sỏi.
>>>>>Xem thêm: Viêm đường tiết niệu uống nước râu ngô có khỏi không?
Thăm khám với bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn cách điều trị sỏi bàng quang hiệu quả.
6. Điều trị bệnh sỏi bàng quang
6.1. Sỏi nhỏ
Các trường hợp sỏi bàng quang kích thước còn nhỏ, bệnh nhân thường được khuyên uống nhiều nước mỗi ngày để hỗ trợ đẩy sỏi ra ngoài theo đường tiểu.
6.2. Sỏi lớn
Sỏi bàng quang quá lớn hoàn toàn không thể trôi ra ngoài một cách tự nhiên. Để có thể loai bỏ sỏi, các bác sĩ thường chỉ định tán sỏi công nghệ cao hoặc mổ lấy sỏi.
Hiện tại tán sỏi đang được ưa chuộng hơn nhờ ưu điểm: không có vết mổ, ít đau, thời gian phục hồi nhanh, 24h có thể ra viện, an toàn. Cụ thể người bệnh sẽ được tiến hành tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser để điều trị sỏi bàng quang.
Đây là phương pháp làm sạch sỏi ít xâm lấn, bác sĩ sẽ đưa ống nội soi đi ngược từ niệu đạo lên bàng quang để tìm kiếm viên sỏi. Sau đó sử dụng năng lượng từ tia laser để bắn vỡ sỏi thành vụn nhỏ rồi hút sạch ra ngoài.
Hiệu quả điều trị sỏi bàng quang bằng phương pháp tán sỏi nội soi ngược dòng là rất cao. Sỏi được loại bỏ nhanh, không có vết mổ, không để lại sẹo, tỷ lệ biến chứng thấp.
Cuối cùng là phương pháp mổ mở lấy sỏi bàng quang. Cách điều trị này được áp dụng trong trường hợp sỏi bàng quang có kích thước quá lớn, không thể thực hiện tán sỏi. Mổ mở lấy sỏi tuy nhanh nhưng thường để lại sẹo dài, gây đau đớn và bệnh nhân cần khá nhiều thời gian để phục hồi sức khỏe.
Hy vọng những thông tin trong bài đã giúp bạn hiểu hơn về bệnh sỏi bàng quang, đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh, triệu chứng cũng như cách điều trị để bảo vệ sức khỏe.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.