Tán sỏi ngoài cơ thể là một trong những phương pháp được sử dụng phổ biến để điều trị sỏi thận, sỏi niệu quản. Phương pháp này không gây xâm lấn, được đánh giá là an toàn, tỷ lệ biến chứng rất thấp. Ưu thế của tán sỏi ngoài cơ thể là không cần mổ, không cần nằm viện, có thể về nhà ngay sau đó. Tìm hiểu chi tiết về phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể công nghệ cao trong bài viết sau.
Bạn đang đọc: Tán sỏi ngoài cơ thể là như thế nào, có nguy hiểm không?
Tán sỏi ngoài cơ thể là phương pháp điều trị sỏi thận, sỏi tiết niệu hiện đại nhất hiện nay.
1. Khái niệm tán sỏi ngoài cơ thể
1.1. Tán sỏi ngoài cơ thể là gì?
Sỏi thận, sỏi niệu quản nói chung thực chất là những khoáng chất lắng đọng và kết tinh trong nước tiểu tạo thành. Sỏi kích thước nhỏ có thể tự trôi ra ngoài theo đường tiểu. Tuy nhiên khi sỏi lớn dần, bắt đầu gây tắc nghẽn, kéo theo nhiều triệu chứng khó chịu thì phải can thiệp ngoại khoa mới có thể loại bỏ.
Tán sỏi ngoài cơ thể là một trong những phương pháp điều trị ngoại khoa thường được chỉ định. Phương pháp này sử dụng sóng xung kích điện từ để phá vỡ sỏi thành mảnh nhỏ.
Thuật ngữ “ngoài cơ thể” ám chỉ đến nguồn của sóng xung kích. Cụ thể trong quá trình tán sỏi ngoài cơ thể sẽ sử dụng một loại máy đặc biệt được gọi là máy phát sóng xung kích. Sóng này sẽ truyền qua cơ thể, hội tụ tại viên sỏi và phá vỡ nó.
1.2. Lợi ích khi tán sỏi ngoài cơ thể
Tán sỏi ngoài cơ thể đã nhanh chóng trở thành phương pháp điều trị được lựa chọn cho những trường hợp sỏi thận, sỏi niệu quản kích thước lớn nhằm thay thế cho mổ mở trước đây. Nguyên nhân là do phương pháp này không xâm lấn nghĩa là không cần mổ. Nhờ đó người bệnh không phải chịu đau, an toàn và dễ phục hồi hơn nhưng đồng thời vẫn loại bỏ được sỏi.
Tán sỏi ngoài cơ thể được chỉ định cho sỏi thận
2. Chuẩn bị trước khi thực hiện tán sỏi ngoài cơ thể
Trước khi tán sỏi ngoài cơ thể, người bệnh cần thăm khám với bác sĩ chuyên khoa và thực hiện một số xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh. Mục đích là để xác định xem bệnh nhân có đủ điều kiện để thực hiện tán sỏi hay không.
Người bệnh nên cung cấp thông tin cho bác sĩ về các loại thuốc (kê đơn hoặc không kê đơn hay thực phẩm chức năng) hiện đang sử dụng. Một số loại thuốc, chẳng hạn như aspirin (Bufferin), ibuprofen (Advil) và warfarin (Coumadin) hoặc các chất làm loãng máu khác, có thể cản trở khả năng đông máu. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn tạm thời ngừng sử dụng những loại thuốc này trước khi tiến hành tán sỏi.
Trong quá trình tán sỏi người bệnh sẽ được giảm đau hoặc tiền mê tùy theo trường hợp cụ thể. Do đó nên sắp xếp người thân đi cùng để được hỗ trợ sau khi điều trị xong sẽ di chuyển về nhà nhằm đảm bảo an toàn.
Tìm hiểu thêm: Những nguyên nhân gây viêm đường tiết niệu
Một ca tán sỏi ngoài cơ thể điều trị sỏi thận tại Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc.
3. Quy trình một ca tán sỏi ngoài cơ thể
– Tán sỏi ngoài cơ thể thông thường sẽ diễn ra trong khoảng 45 phút. Người bệnh không phải nằm viện, có thể về nhà ngay sau tán. Điều này có nghĩa là người bệnh chỉ mất khoảng nửa buổi cho toàn bộ quá trình điều trị, về nhà ngay trong ngày.
– Trước khi bắt đầu tán sỏi ngoài cơ thể, bệnh nhân được hỗ trợ thay đồ bệnh viện. Điều dưỡng sẽ tiến hành tiêm thuốc giảm đau hoặc tiền mê rồi hướng dẫn người bệnh nằm lên bàn tán sỏi. Sau đó bôi gel vào phần thắt lưng hông ở vị trí có sỏi, đưa phần này kề sát với bóng nước của nguồn phát sóng xung kích.
– Tiếp đến bác sĩ ở bên ngoài phòng điều khiển sẽ bắt đầu định vị sỏi bằng Xquang. Hình ảnh viên sỏi được thể hiện ở màn hình siêu âm. Bác sĩ bắt đầu khởi động phát sóng xung kích với cường độ phù hợp.
– Bệnh nhân nằm yên, thả lỏng, thở đều và làm theo các hướng dẫn của bác sĩ. Trong suốt quá trình tán sỏi ngoài cơ thể, bác sĩ và điều dưỡng viên liên tục theo dõi, nếu có bất cứ bất thường gì sẽ xử lý ngay.
– Lúc này các sóng xung kích năng lượng cao sẽ đi qua cơ thể cho đến khi tiếp cận được với sỏi. Sóng sẽ phá vỡ sỏi thành những mảnh rất nhỏ có thể dễ dàng trôi theo đường tiểu ra ngoài.
– Kết thúc điều trị, người bệnh ở lại theo dõi khoảng 30 phút. Sau đó bác sĩ sẽ tiến hành khám để kiểm tra tình trạng sức khỏe đã ổn định hay chưa, kê đơn thuốc và hẹn lịch tái khám.
4. Tán sỏi ngoài cơ thể có rủi ro không?
Tán sỏi ngoài cơ thể an toàn, sóng xung kích điện từ chỉ tác động đến sỏi, không ảnh hưởng đến các cơ quan xung quanh. Tuy nhiên như bất cứ thủ thuật y tế nào, tán sỏi ngoài cơ thể vẫn có một số rủi ro nhất định như chảy máu trong, nhiễm trùng, tăng huyết áp, suy thận…
Để hạn chế tối đa các nguy cơ này, người bệnh nên lựa chọn cơ sở điều trị uy tín. Đội ngũ bác sĩ giỏi, trang thiết bị y tế hiện đại và chế độ chăm sóc tốt sẽ giúp nâng cao hiệu quả tán sỏi, giảm thiểu rủi ro.
>>>>>Xem thêm: Tán sỏi thận: Các phương pháp điều trị phổ biến hiện nay
Sau tán sỏi ngoài cơ thể, người bệnh nên uống nhiều nước để hỗ trợ đào thải vụn sỏi.
5. Chăm sóc sau tán sỏi ngoài cơ thể
Bệnh nhân sau khi tán sỏi ngoài cơ thể nên dành thời gian nghỉ ngơi, tránh vận động mạnh. Đặc biệt tăng cường uống nhiều nước để hỗ trợ đẩy các mảnh vụn sỏi ra ngoài. Tái khám theo đúng lịch với bác sĩ để kiểm tra xem còn sót sỏi hay không.
Một số trường hợp sau tán nước tiểu có màu hồng nhạt tuy nhiên sẽ thuyên giảm dần. Tùy theo tình trạng cụ thể, người bệnh có thể sẽ phải tán thêm một vài lần nếu sỏi rắn.
Hy vọng những thông tin trong bài đã giúp bạn hiểu hơn về phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể. Nên thăm khám và trao đổi chi tiết với bác sĩ để tìm ra cách điều trị sỏi phù hợp nhất với tình trạng bản thân. Sỏi thận, sỏi niệu quản đều cho kết quả điều trị tốt với tán sỏi ngoài cơ thể.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.