Bệnh sỏi tiết niệu là bệnh lý phổ biến do nhiều yếu tố về ăn uống, sinh hoạt, địa lý… Nắm được những thông tin cần biết về bệnh này sẽ giúp người bệnh chủ động trong việc điều trị, sớm chấm dứt bệnh.
Bạn đang đọc: Bệnh sỏi tiết niệu: thông tin chung cần biết
1. Sỏi tiết niệu có mấy loại?
Để phân loại bệnh sỏi tiết niệu, bạn đọc cần hiểu khái niệm về sỏi tiết niệu. Sỏi đường tiết niệu thực chất là những lắng cặn bị kết tinh lại thành hòn. Sỏi thường được hình thành tại thận, di chuyển và rơi xuống các bộ phận khác trong hệ tiết niệu. Số ít sỏi được hình thành ngay tại niệu quản và bàng quang. Sỏi di chuyển và cọ xát gây đau, tổn thương cho cả vùng tiết niệu.
Phân loại sỏi tiết niệu thường theo vị trí và thành phần sỏi.
Dựa trên thành phần sỏi, người ta phân loại như sau:
Cách phân loại theo tính chất sỏi bao gồm:
– Sỏi oxalat canxi: Đây là loại sỏi chiếm tỉ lệ nhiều nhất tại Việt Nam. Khoảng 80% người mắc sỏi là có sỏi loại này.
– Sỏi phosphat canxi: Ít phổ biến hơn, dễ vỡ hơn so với loại sỏi khác.
– Sỏi urat: Ít xuất hiện, thường xuất hiện ở những người có bệnh nền như tăng axit uric trong máu, bệnh gout…
– Sỏi struvite: Loại sỏi có màu vàng nhạt, xuất hiện đồng thời với bệnh nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
Sỏi tiết niệu có thể được phân loại theo vị trí và tính chất sỏi
Cách phân loại dựa vào vị trí sỏi sẽ là:
– Sỏi thận: Là loại sỏi phổ biến nhất được hình thành ở thận. Sỏi có thể nằm ở bể thận, đài bể thận…
– Sỏi niệu quản: Đa phần các viên sỏi niệu quản đều tự thận rơi xuống. Chỉ một số ít mới được hình thành tại niệu quản. Có 3 vị trí của sỏi niệu quản là sỏi ⅓ trên, ⅓ giữa, ⅓ dưới.
– Sỏi bàng quang: Sỏi có thể được hình thành tại bàng quang hoặc do sỏi từ thận và niệu quản rơi xuống.
– Sỏi niệu đạo: Là sỏi tiết niệu bị kẹt tại niệu đạo trong quá trình theo dòng nước ra ngoài.
Phân loại sỏi sẽ giúp cho bác sĩ lên phác đồ điều trị hiệu quả và nhanh chón hơn.
2. Bệnh sỏi tiết niệu điều trị thế nào
Điều trị sỏi dựa vào vị trí, kích thước, tính chất sỏi để có phác đồ phù hợp. Sau khi thực hiện các thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng, người bệnh sẽ được chỉ định các biện pháp phù hợp để loại bỏ sỏi ra ngoài.
2.1. Bệnh sỏi tiết niệu điều trị nội khoa
Sỏi có kích thước nhỏ, thường là dưới 5mm thường được chỉ định dùng thuốc kết hợp thay đổi lối sống, sinh hoạt ăn uống. Mục đích của phương pháp điều trị này là có thể đẩy sỏi ra ngoài theo đường tự nhiên mà không cần can thiệp dao kéo.
– Chỉ định thuốc gồm: Thuốc giảm đau khi sỏi tác động gây đau, thuốc giãn cơ để làm hệ tiết niệu thông thoáng hỗ trợ đẩy sỏi, thuốc chống viêm đường tiết niệu… Từ đó, sỏi có thể nhanh chóng ra ngoài theo đường tiểu.
– Điều quan trọng nhất trong điều trị nội khoa là việc uống thật nhiều nước để đẩy sỏi ra ngoài. Đồng thời, sỏi cũng hạn chế bị lắng cặn và kết tinh khi cơ thể uống đủ nước. Lượng nước uống ở mỗi người là khác nhau. Trong giai đoạn điều trị nội khoa, người bệnh cần chủ động uống nhiều hơn lượng nước thường ngày.
– Cần có chế độ ăn uống theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Loại bỏ các thực phẩm chứa oxalat, ăn nhiều rau hơn, hạn chế đồ chiên rán…
– Cần nghỉ ngơi đúng giờ, tránh căng thẳng. Vận động với những bài tập nhẹ nhàng hằng ngày.
Tìm hiểu thêm: Các bệnh lý thường gặp về thận
Bệnh sỏi tiết niệu có thể kết hợp điều trị bằng thuốc và cải thiện ăn uống, sinh hoạt
2.2. Bệnh sỏi tiết niệu điều trị bằng thuốc không hiệu quả
Khi sỏi đã gây ra những triệu chứng nặng nề và có kích thước lớn thì việc điều trị bằng thuốc đã không còn hiệu quả. Một số biến chứng có thể xảy ra đó là: chảy máu, tắc nghẽn, suy thận, thậm chí là hỏng thận… Sỏi khi đó cũng không thể tự ra ngoài theo đường tiểu. Khi đó bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị ngoại khoa. Trước đây thường là can thiệp mổ để lấy sỏi ra ngoài. Hiện nay, những giải pháp tán sỏi công nghệ cao đang được ưu tiên áp dụng:
– Tán sỏi ngoài cơ thể: An toàn, nhẹ nhàng bậc nhất. Sử dụng sóng xung kích tác động từ bên ngoài để làm vỡ sỏi mà không cần can thiệp dao kéo. Mảnh vụn sỏi sẽ được loại bỏ ra ngoài theo đường tiểu.
– Tán sỏi qua da đường hầm nhỏ: Được cho là giải pháp thay thế mổ mở hiệu quả. Với những viên sỏi to, rắn, lâu năm, thay vì phải mổ mở đau đớn và để lại sẹo dài, bác sĩ sẽ có chỉ định tán sỏi qua da. Năng lượng laser sẽ được dùng để tác động làm vỡ sỏi, theo 1 đường hầm nhỏ qua da lưng để đưa vào. Đường hầm nhỏ này chỉ cần vết rạch da tầm 5mm nên ít đau, chóng lành và an toàn hơn rất nhiều.
– Tán sỏi nội soi ngược dòng: Được áp dụng hiệu quả cho sỏi bàng quang mọi kích thước. Cũng dùng năng lượng laser để tán vỡ sỏi, tuy nhiên phương pháp này đi vào theo lối niệu đạo, ngược dòng lên trên để tiếp cận sỏi. Bệnh nhân hoàn toàn không có vết mổ, không sẹo và chóng hồi phục.
Trường hợp sỏi quá lớn, quá rắn, cơ địa người bệnh không thích hợp tán sỏi thì có thể áp dụng mổ phanh hoặc mổ nội soi lấy sỏi. Tuy nhiên, hiện nay, ít sử dụng những phương pháp này.
>>>>>Xem thêm: Bị sỏi bàng quang nên ăn gì và không nên ăn gì – Giải đáp
Bệnh sỏi tiết niệu điều trị hiệu quả bằng các giải pháp tán sỏi công nghệ cao
Bệnh sỏi tiết niệu tuy không phải là bệnh lý cấp tính nhưng lại gây nhiều nguy hiểm nếu không được phát hiện kịp thời. Do đó, cần nắm được giai đoạn vàng để điều trị sỏi hiệu quả. Cần tuân thủ điều trị, nghe theo bác sĩ trong cách điều trị lẫn chăm sóc, chế độ ăn uống. Tìm đến các địa chỉ chữa bệnh uy tín, nhiều kinh nghiệm để có phác đồ điều trị cụ thể, hiệu quả và nhanh chóng nhất.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.