Mổ lấy sỏi thận qua da thực chất là tên gọi khác của tán sỏi nội soi qua da đường hầm nhỏ. Người bệnh cần lưu ý rằng, với phương pháp này, vết mổ ở trên da chỉ là vết rạch rất nhỏ, gần như không để lại sẹo chứ không giống với phương pháp mổ mở truyền thống.
Bạn đang đọc: Mổ lấy sỏi thận qua da và những điều cần biết
1. Khái niệm mổ lấy sỏi thận qua da (tán sỏi qua da)
Mổ lấy sỏi thận qua da (ở đây là bằng phương pháp nội soi) là một ứng dụng công nghệ cao trong điều trị sỏi thận, sỏi tiết niệu. Phương pháp này sử dụng năng lượng laser được đưa vào cùng dụng cụ nội soi qua 1 vết trích rất nhỏ trên lưng. Vết mổ tầm 5mm, thông qua dụng cụ nong để đưa dụng cụ vào tán vỡ sỏi và hút vụn sỏi ra ngoài.
Quy trình được thực hiện như sau:
– Bệnh nhân được gây mê toàn thân và đặt ở tư thế nằm sấp
– Thông qua sự kiểm soát của siêu âm, bác sĩ dùng 1 đầu kim đặc biệt chọc dò từ vùng lưng để đặt dây dẫn vào thận.
– Dùng dụng cụ nong để nong rộng đường hầm đưa máy nội soi vào để tán sỏi qua da. Vết trích trên lưng có kích thước rất nhỏ, chỉ 5mm – 1cm.
– Sỏi được tán vụn thông qua nguồn năng lượng laser từ máy tán. Sau khi tán hết, các mảnh vụn sẽ được bơm hút hoặc gắp ra ngoài.
– Sau khi xác định hút hết mảnh vụn sỏi, bác sĩ sẽ tiến hành đặt ống dẫn lưu thận vào bể thận.
– Bệnh nhân được chuyển về phòng bệnh, nghỉ ngơi và theo dõi sức khỏe tại bệnh viện trong vòng 3 – 5 ngày.
Thời gian tán sỏi qua da trung bình là từ 45 – 60 phút, được rút ngắn hơn nhiều so với mổ mở truyền thống.
2. Chỉ định và chống chỉ định
Mổ lấy sỏi thận qua da được đánh giá là có thể thay thế mổ mở truyền thống và có thể áp dụng cho sỏi to, sỏi rắn lâu năm. Cụ thể, những trường hợp có thể tán sỏi qua da là:
– Sỏi thận với kích thước từ 1.5cm trở lên, bao gồm các loại sỏi lâu năm, sỏi san hô phức tạp
– Sỏi niệu quản vị trí ⅓ trên sát bể thận, kích thước lớn hơn 1.5cm
– Những loại sỏi thông thường có chỉ định mổ mở hầu hết đều có thể tán sỏi qua da.
– Những viên sỏi đã tán sỏi ngoài cơ thể nhưng thất bại
Hầu hết sỏi thận đều có thể được tán sỏi qua da. Ngoại trừ một số trường hợp sau:
– Bệnh nhân có rối loạn đông máu, hoặc đang điều trị bệnh đông máu.
– Bệnh nhân có nguy cơ chảy máu hoặc gặp những bất thường về mạch máu trong thận.
– Bệnh nhân bị sỏi thận kèm cao huyết áp thì cần lưu ý hỏi ý kiến bác sĩ trước khi tán sỏi.
3. Ưu và nhược điểm
3.1. Ưu điểm của phương pháp mổ lấy sỏi thận qua da
– Tán sỏi qua da được đánh giá là nhẹ nhàng, ít đau, rút ngắn thời gian nằm viện so với mổ mở truyền thống. Bệnh nhân nhanh chóng trở lại làm việc sau khoảng 1 tuần.
– Tránh được vết sẹo lớn, từ đó cũng tránh được đau đớn và một số biến chứng do vết thương hở gây ra.
– Có thể hạn chế tình trạng sót sỏi: Đây là một ưu điểm nổi bật của phương pháp tán sỏi qua da. Nhờ dụng cụ nội soi, bác sĩ có thể kiểm tra được toàn bộ đài bể thận và niệu quản. Từ đó kiểm soát tốt tình trang sót sỏi ở trong thận của bệnh nhân.
– Bảo tồn chức năng thận hiệu quả. Tán sỏi được cho là giải pháp công nghệ cao ít gây tổn hại cho thận. Trong khi đó, nếu mổ mở, có thể làm ảnh hưởng đến thận bởi đường rạch trên nhu mô thận.
– Điều trị được cả sỏi lớn, sỏi san hô, sỏi lâu năm, là phương pháp điều trị ít xâm lấn, an toàn.
Do đó, phương pháp này ngày càng được ứng dụng rộng rãi tại các bệnh viện uy tín vớ đầy đủ máy móc, cơ sở vật chất hiện đại.
3.2. Nhược điểm của phương pháp mổ lấy sỏi thận qua da
Mặc dù rất an toàn và hiệu quả, tán sỏi qua da có thể gây ra 1 số biến chứng như:
– Chảy máu: Chảy máu là một biến chứng có thể xảy ra khi tán sỏi, do thận là một cơ quan chứa nhiều máu. Tuy nhiên, biến chứng này có thể kiểm soát được dựa vào chuyên môn và kinh nghiệm của bác sĩ chủ trị. Tán sỏi qua da đòi hỏi sự tỉ mỉ, thao tác chính xác đến từng mm.
– Nhiễm khuẩn huyết là biến chứng hiếm khi xảy ra, tuy nhiên nó khá nguy hiểm nếu không được kiểm soát kịp thời.
– Tán sỏi qua da có mức chi phí cao hơn so với mổ mở truyền thống. Người bệnh cần tìm đúng các cơ sở uy tín áp dụng bảo hiểm đầy đủ, có chính sách hỗ trợ để giảm thiểu chi phí.
4. Chăm sóc sau mổ lấy sỏi thận qua da
Bệnh nhân sau tán sỏi qua da sẽ được lưu lại bệnh viện để nghỉ ngơi theo dõi sức khỏe. Đồng thời được quan sát đài bể thận, kiểm tra ống dẫn lưu thận, xác định không sót sỏi và tình trạng ổn định để rút ống dẫn lưu.
Bệnh nhân ăn nhẹ trong thời gian nằm viện, lưu viện trong khoảng thời gian từ 3 – 5 ngày. Sau khi xuất viện, bệnh nhân duy trì chế độ ăn phù hợp, vận động nhẹ nhàng tránh tác động vào nơi vừa tán. Chú ý uống nhiều nước để phòng ngừa tái phát sỏi.
Nhìn chung, mổ lấy sỏi thận qua da có nhiều ưu điểm vượt trội, là một bước tiến mới trong điều trị sỏi thận, sỏi tiết niệu. Bệnh nhân mắc sỏi thận, sỏi tiết niệu không cần quá lo lắng mà nên đi thăm khám sớm. Khi sỏi còn nhỏ thì việc điều trị sẽ rất đơn giản và nhẹ nhàng. Tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ là chìa khóa vàng để thoát khỏi sỏi đồng thời ngăn chặn sỏi thận tái phát.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
>>>>>Xem thêm: Tìm hiểu về bệnh viêm đường tiết niệu