Bệnh viêm ruột thừa có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, mọi đối tượng. Bệnh thường xuất hiện điển hình với những cơn đau dữ dội ở phần bụng bên phải và lan sang các vị trí lân cận. Đây là tình trạng khẩn cấp và cần được điều trị kịp thời nhằm tránh xảy ra nhiễm trùng lan rộng. Mọi người cần trang bị những kiến thức cơ bản về bệnh lý này nhằm dễ dàng phát hiện bệnh.
Bạn đang đọc: Bệnh viêm ruột thừa và các kiến thức cần biết
1. Khái niệm viêm ruột thừa là gì ?
Bệnh viêm ruột thừa là tình trạng phần ruột thừa bị sưng viêm do tắc nghẽn, nhiễm khuẩn,…Ruột thừa là một ống mỏng nối với ruột già và nằm ở phần bụng dưới bên phải. Đối với trẻ em cơ quan là một phần trong hoạt động của hệ miễn dịch giúp cơ thể chống lại bệnh tật. Ở người trưởng thành ruột thừa đã ngưng nhiệm vụ. Các chuyên gia vẫn đang tiếp tục nghiên cứu về chức năng của ruột thừa. Độ tuổi phổ biến nhất bị viêm ruột thừa là từ 10 tuổi đến khoảng 30 tuổi.
Viêm ruột thừa là bệnh lý nguy hiểm ở hệ tiêu hóa
2. Phân loại viêm ruột thừa
Bệnh viêm ruột thừa có nhiều loại khác nhau. Dựa trên một số tính chất bệnh được chia thành các loại như:
2.1 Phân loại dựa trên các nguyên nhân
– Viêm ruột thừa do nhiễm trùng
– Viêm ruột thừa do xơ hóa: Các vết sẹo từ các cuộc phẫu thuật để lại gây tắc nghẽn trong ruột
– Viêm ruột thừa do chất thải: Xuất hiện khối phân cứng chặn lối ra của ruột thừa
– Viêm ruột thừa tân sinh: Ung thư biểu mô tuyến, u nhầy làm tăng tiết dịch dẫn tới viêm, tắc nghẽn ruột
– Viêm ruột do ký sinh trùng
– Viêm ruột thừa do sỏi tắc nghẽn ở bên trong
2.2 Phân biệt bệnh viêm ruột thừa dựa trên mức độ thủng
– Viêm ruột thừa không thủng: Tình trạng viêm chỉ xảy ra ở bên trong ruột
– Viêm ruột thừa thủng: Thành ruột thừa bị tổn thương do áp lực và viêm làm các chất bên trong ruột rò rỉ vào khoang phúc mạc. Tỷ lệ người mắc bệnh thường có xu hướng gia tăng theo độ tuổi.
2.3 Dựa trên thời gian tiến triển các triệu chứng của bệnh viêm ruột thừa
– Viêm ruột thừa cấp: Các triệu chứng thường xảy ra và kéo dài trong khoảng 48 tiếng
– Viêm ruột thừa mạn tính: Các triệu chứng tồn tại trong nhiều ngày, nhiều tuần hoặc tái phát nhiều lần
Bệnh viêm ruột thừa có thể do sỏi gây tắc nghẽn
3. Dấu hiệu viêm ruột thừa
Dấu hiệu đặc trưng nhất của viêm ruột thừa cấp mà ai cũng mắc phải là đau bụng dữ dội. Khi ruột thừa bị sưng viêm sẽ khiến thành bụng liền kề bị kích thích. Điều này dẫn tới việc xuất hiện cơn đau tại vùng hạ sườn phải. Triệu chứng này thường khó nhận thấy ở trẻ em dưới 3 tuổi.
Cơn đau ban đầu xuất hiện âm ỉ quanh rốn, sau đó chuyển sang vùng hạ sườn phải. Khi sờ vào vùng bụng sẽ thấy mềm hoặc căng cứng, có cảm giác đau
Bên cạnh đó người bệnh còn thường xuất hiện dấu hiệu buồn nôn và nôn do ruột bị kích thích.
Dấu hiệu sốt sẽ biểu hiện mức độ khác nhau ở mỗi người. Có những trường hợp sốt nhẹ và đôi khi xuất hiện sốt cao do cơ thể bị viêm nhiễm nặng.
4. Phương pháp giúp chẩn đoán viêm ruột thừa phổ biến
Để chẩn đoán bệnh, đầu tiên bác sĩ sẽ xem tiền sử bệnh, các triệu chứng điển hình sau đó tiến hành kiểm tra vùng bụng.
– Đánh giá cơn đau: Bác sĩ ấn nhẹ lên vùng bị đau xem phản ứng của người bệnh. Nếu người bệnh đau nhiều hơn cho thấy phúc mạc lân cận cũng đã bị viêm
– Kiểm tra độ cứng của bụng: Trường hợp này người bệnh thường có xu hướng gồng cơ bụng để phản ứng với áp lực lên vùng ruột thừa
– Kiểm tra trực tràng dưới: Bác sĩ sẽ kiểm tra bằng ngón tay đã đeo găng bôi trơn để đưa vào trực tràng
– Khám vùng chậu để kiểm tra các vấn đề phụ khoa ( nếu có) ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ
Bên cạnh các phương pháp khám lâm sàng, bệnh nhân sẽ thực hiện một số xét nghiệm
– Xét nghiệm máu: Giúp phát hiện tình trạng nhiễm trùng thông qua bạch cầu
– Xét nghiệm nước tiểu: Nhằm xác định nguyên nhân gây đau do nhiễm trùng đường tiết niệu hay sỏi thận
– Chụp X- quang, chụp CT để xác định vị trí viêm ruột thừa
Tìm hiểu thêm: Cảnh báo bệnh lý qua triệu chứng ợ nóng
Chụp X-quang giúp xác định tình trạng bệnh
5. Biến chứng của của viêm ruột thừa
Viêm ruột thừa nếu không được xử lý kịp thời sẽ gây ra biến chứng vô cùng nguy hiểm
– Vỡ ruột thừa: Ruột thừa bị vỡ sẽ gây nhiễm trùng khắp vùng bụng dẫn tới viêm phúc mạc. Tình trạng này cần phẫu thuật ngay để cắt bỏ phần tổn thương và làm sạch khoang bụng
– Áp xe: Khi này xuất hiện túi mủ trong bụng. Bác sĩ sẽ thực hiện dẫn lưu áp xe bằng cách đặt một ống nối từ thành bụng vào vùng tổn thương. Ống dẫn lưu được đặt trong hai tuần. Người bệnh sẽ được dùng thêm kháng sinh để tránh nhiễm trùng. Sau đó bác sĩ sẽ chỉ định cắt bỏ phần ruột thừa
6. Điều trị viêm ruột thừa
Căn cứ vào mức độ nghiêm trọng thực tế bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định điều trị. Bệnh nhân cần tuân thủ theo yêu cầu của bác sĩ để bệnh được nhanh chóng chữa trị.
6.1 Phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa bị viêm
Đối với viêm ruột thừa thì phương pháp phẫu thuật luôn được ưu tiên hàng đầu. Bệnh nhân có thể mổ nội soi chỉ với vết rạch nhỏ trên bụng. Kỹ thuật mổ nội soi ít gây đau đớn, để lại sẹo nhỏ và thời gian phục hồi nhanh chóng.
Trường hợp ruột thừa đã bị vỡ người bệnh buộc phải mổ hở để cắt ruột thừa và làm sạch khoang bụng. Sau phẫu thuật bệnh nhân cần ở lại bệnh viện thêm vài ngày để chăm sóc và theo dõi.
6.2 Dẫn lưu áp xe
Trường hợp ruột thừa bị vỡ và hình thành áp xe thì cần thực hiện dẫn lưu áp xe. Sau khoảng 2 tuần khi đã dẫn lưu hết mủ bệnh nhân sẽ được tiến hành cắt bỏ ruột thừa.
6.3 Cách chăm sóc bệnh nhân sau khi mổ ruột thừa
Thời gian phục hồi sau phẫu thuật vô cùng quan trọng. Người bệnh cần được chăm sóc đúng cách để tổn thương mau lành.
– Sau khi phẫu thuật cần tránh vận động quá sức trong 3-5 ngày đối với mổ nội soi và 10 đến 14 ngày khi mổ hở
– Nên đặt một chiếc gối lên bụng và ấn nhẹ trước khi ho, di chuyển hoặc cười để giảm đau
– Nếu thuốc giảm đau không hiệu quả cần trao đổi với bác sĩ để tránh làm chậm quá trình lành của vết thương
– Sau thời gian nghỉ ngơi được chỉ định bệnh nhân nên vận động nhẹ nhàng bằng các bài đi bộ ngắn
– Khi cơ thể dần hồi phục sẽ thường có cảm giác buồn ngủ, bạn hãy nghỉ ngơi theo nhu cầu
– Vài ngày đầu sau phẫu thuật bệnh nhân sẽ thấy đau và các dấu hiệu bầm tím. Bạn không nên quá lo lắng vì chúng sẽ hết dần theo thời gian. Sau khi phẫu thuật đôi khi sẽ xuất hiện tình trạng táo bón vì vậy bạn cần ăn nhiều chất xơ và uống đủ nước
– Trước khi xuất viện bác sĩ sẽ tư vấn về cách xử lý vết thương và những hoạt động nên tránh. Bạn cần ghi nhớ các điều này
7. Phòng ngừa viêm ruột thừa
Hiện nay vẫn chưa có giải pháp phòng ngừa bệnh viêm ruột thừa tuyệt đối. Tuy nhiên bạn vẫn có thể thực hiện một số chế độ ăn bổ dưỡng nhằm hạn chế nguy cơ mắc bệnh. Các thực phẩm nên bổ sung là:
– Hoa quả
– Rau xanh
– Các loại hạt đậu, ngũ cốc
>>>>>Xem thêm: Những điều cần biết về nội soi đại tràng
Ăn nhiều rau xanh là cách phòng bệnh hiệu quả
Mong bạn đã thu được các kiến thức cần thiết về bệnh viêm ruột thừa qua bài viết. Mọi người tuyệt đối không nên chủ quan khi mắc bệnh. Ngay khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ bị viêm ruột thừa bạn cần tới bệnh viện để thăm khám và có phương pháp xử lý kịp thời.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.