Nhiều người bệnh khi bị nhiễm HP dạ dày đều có thắc mắc chung là HP dạ dày có nguy hiểm không, có bắt buộc phải thực hiện điều trị không. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh lý này cũng như giải đáp câu hỏi ở tiêu đề.
Bạn đang đọc: Bị nhiễm HP dạ dày có bắt buộc phải thực hiện điều trị không?
1. HP dạ dày là gì?
1.1. Triệu chứng nhiễm HP dạ dày
HP dạ dày là loại vi khuẩn Helicobacter Pylori có khả năng lây truyền rồi xâm nhập vào dạ dày người. Tại đây, vi khuẩn HP bắt đầu hoạt động sinh ra các độc tố bào mòn dần lớp nhầy bảo vệ thành dạ dày. Điều này giải đáp vì sao vi khuẩn HP là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh lý thường gặp ở dạ dày như viêm dạ dày, loét dạ dày hành tá tràng thậm chí là ung thư dạ dày.
Vi khuẩn HP thường âm thầm phát triển nên ở giai đoạn đầu nhiễm khuẩn thường không bộc lộ ra triệu chứng rõ ràng. Chỉ khi vi khuẩn hoạt động mạnh ảnh hưởng tới hoạt động tiêu hóa của dạ dày, người bệnh bị nhiễm HP bắt đầu có những dấu hiệu như:
– Đau thượng vị.
– Ợ hơi.
– Đầy hơi, chướng bụng.
– Buồn nôn và nôn.
– Sốt.
– Chán ăn, ăn không ngon.
– Giảm cân bất thường.
– Cảm giác khó nuốt khi ăn.
– Nôn ra máu.
– Đi đại tiện có lẫn máu.
– Chóng mặt, ngất xỉu.
– Mặt tái nhợt.
Cảnh giác với những triệu chứng tiêu hóa bất thường nghi ngờ nhiễm khuẩn HP.
1.2. Bị nhiễm HP dạ dày qua những đường lây nào?
Như đã nói ở trên, vi khuẩn HP có khả năng lây nhiễm và mức độ lây nhiễm vi khuẩn này trong cộng đồng rất cao khi có khoảng 70% dân số Việt Nam mắc bệnh.
Cụ thể, HP dạ dày có thể lây theo 3 đường lây chính sau đây:
– Lây qua đường miệng: Vi khuẩn có ở nước bọt người mang bệnh lây cho người lành thông qua những tiếp xúc trực tiếp như ăn chung, uống chung, hôn môi,…
– Lây qua đường phân: Vi khuẩn theo phân của người mang bệnh ra ngoài môi trường và bám lên thực phẩm hoặc có ở môi trường sống ô nhiễm, từ đó tạo cơ hội lây nhiễm.
– Lây qua đường dạ dày: Vi khuẩn có thể có ở các dụng cụ y tế như dây nội soi dạ dày, nội soi tai mũi họng, thiết bị răng hàm mặt,.. khi không được vệ sinh đúng tiêu chuẩn.
2. Bị nhiễm HP dạ dày có nguy hiểm không, có bắt buộc điều trị không?
Vi khuẩn HP được biết đến với trên 200 chủng khác nhau. Trên thực tế, không phải chủng HP nào cũng gây hại tức là không phải trường hợp HP dương tính nào cũng gây ra bệnh dạ dày. Trong trường hợp, người bệnh không gặp phải bất kỳ dấu hiệu tiêu hóa bất thường nào thì không bắt buộc phải thực hiện điều trị vi khuẩn HP.
Tuy nhiên, với các trường hợp bị nhiễm HP dương tính gây triệu chứng rõ ràng như: người bệnh đau thượng vị, buồn nôn, khó tiêu, rối loạn tiêu hóa,… thì cần tiến hành thăm khám ngay để được chẩn đoán và điều trị đúng cách kịp thời.
Người bệnh không nên chủ quan với HP dạ dày. Vì những ca bệnh mắc viêm loét dạ dày hành tá tràng HP sẽ tiến triển xấu nhanh hơn và việc điều trị khó khăn hơn so với những ca bệnh viêm loét từ nguyên nhân khác.
Tìm hiểu thêm: Mách mẹ cách nhận biết bệnh viêm ruột thừa ở trẻ
Trường hợp bị nhiễm HP gây triệu chứng sẽ bắt buộc phải được điều trị.
3. Chẩn đoán và điều trị bệnh
3.1. Chẩn đoán khi bị nhiễm HP dạ dày
Hiện nay, việc chẩn đoán HP dạ dày có thể được thực hiện bằng nhiều phương pháp với những ưu điểm riêng. Người bệnh thực hiện thăm khám chuyên khoa tiêu hóa để được bác sĩ chỉ định đúng phương pháp chẩn đoán phù hợp với mục đích của từng ca bệnh cụ thể.
4 phương pháp xét nghiệm chẩn đoán HP dương tính được áp dụng phổ biến nhất bao gồm:
– Xét nghiệm máu
– Test hơi thở
– Phân tích mẫu phân
– Nội soi dạ dày.
Trong đó, thực hiện sinh thiết HP qua nội soi dạ dày là phương pháp có xâm lấn nhưng mang lại kết quả chẩn đoán có độ chính xác cao. Không chỉ dừng lại ở giá trị chẩn đoán HP, nội soi dạ dày còn đồng thời kiểm tra, phát hiện mọi tổn thương ở đường tiêu hóa trên từ hoạt động gây hại của vi khuẩn HP nếu có. Từ đó, đánh giá mức độ bệnh và hỗ trợ tốt nhất việc lên phác đồ điều trị chuyên sâu.
3.2. Điều trị HP dạ dày bằng phác đồ thuốc
Điều trị tốt vi khuẩn HP được thực hiện bằng thuốc. Sau khi có kết quả chẩn đoán HP dương tính, bác sĩ sẽ lên đúng phác đồ điều trị tương thích với từng trường hợp cụ thể. Hiện nay có 4 phác đồ điều trị HP được Bộ Y tế đưa ra bao gồm:
– Phác đồ liệu pháp 3 thuốc
– Phác đồ liệu pháp 4 thuốc
– Phác đồ điều trị nối tiếp
– Phác đồ kết hợp giữa phác đồ 3 thuốc và phác đồ có Levofloxacin
Một khuyến cáo quan trọng cho người bệnh điều trị HP dạ dày là tuyệt đối không tự ý kê đơn hay mua thuốc điều trị khi không có chỉ định của bác sĩ. Vi khuẩn HP ngày càng có đề kháng tốt với các kháng sinh hiện nay nên khi điều trị không đúng cách sẽ làm tăng tỷ lệ kháng thuốc và bệnh sẽ dễ tái đi tái lại.
Vì vậy, việc tuân thủ của người bệnh là yêu cầu quyết định để phác đồ điều trị HP mang lại hiệu quả tốt nhất. Bên cạnh việc uống thuốc, người bệnh cũng cần thực hiện chế độ ăn hợp lý, điều chỉnh thói quen sinh hoạt khoa học theo hướng dẫn của bác sĩ để nhanh chóng tiêu diệt thành công vi khuẩn HP.
>>>>>Xem thêm: Viêm dạ dày triệu chứng và các kiến thức cơ bản
Người bệnh thực hiện thăm khám chuyên khoa tiêu hóa để được chỉ định đúng phác đồ điều trị vi khuẩn HP.
4. Lưu ý khi gia đình có thành viên bị nhiễm HP dạ dày
Rất nhiều người bệnh có cùng thắc mắc rằng khi có thành viên trong gia đình nhiễm vi khuẩn HP thì cần lưu ý những gì, có cần ăn riêng, chấm riêng không?
Bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa Hệ thống Y tế Thu Cúc giải đáp câu trả lời trên như sau: Với những trường hợp nhiễm vi khuẩn HP không gây triệu chứng thì không bắt buộc phải thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm bệnh, không cần kiêng việc ăn chung chấm chung.
Trường hợp người nhà nhiễm HP kèm theo các triệu chứng như đau bụng, khó tiêu, rối loạn tiêu hóa, buồn nôn,… thì người bệnh cần thăm khám và điều trị ngay. Bên cạnh đó, các thành viên khác trong gia đình cũng nên được test HP để xem bản thân có bị lây nhiễm HP hay không để chủ động điều trị sớm. Trong suốt quá trình điều trị, gia đình thực hiện ăn riêng, uống riêng, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ.
Như vậy, các trường hợp bị nhiễm HP dạ dày có triệu chứng cụ thể sẽ bắt buộc cần được điều trị tốt để không ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của người bệnh. Khi gặp phải các dấu hiệu tiêu hóa bất thường, mỗi người nên chủ động thăm khám chuyên khoa để được chẩn đoán đúng bệnh và điều trị kịp thời.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.