Viêm loét dạ dày chảy máu – “báo động đỏ” không thể chủ quan

Viêm loét dạ dày chảy máu (hay còn gọi là xuất huyết dạ dày) là một trong những biến chứng nguy hiểm cảnh báo về tình trạng nghiêm trọng của bệnh. Nhận biết sớm các dấu hiệu chảy máu để kịp thời được xử lý và điều trị đúng cách, tránh những hệ quả khôn lường có thể gặp phải.

Bạn đang đọc: Viêm loét dạ dày chảy máu – “báo động đỏ” không thể chủ quan

1. Viêm loét dạ dày chảy máu nguy hiểm như thế nào?

Khi lớp viêm và loét ở niêm mạc dạ dày – tá tràng ngày một nghiêm trọng, ăn sâu sẽ làm vỡ mạch máu dưới và gây ra xuất huyết. Đa số các trường hợp thường chỉ ảnh hưởng đến các mao mạch nhỏ nên chỉ gây chảy máu ở mức độ nhẹ và sẽ tự ngừng. Tuy nhiên nếu người bệnh không được phát hiện sớm và điều trị bệnh tốt, vết loét nặng có thể gây chảy máu ồ ạt. Đây là tính trạng nguy hiểm cần được can thiệp cấp cứu ngay lập tức để cầm máu tổn thương nếu không có thể nguy hiểm tới tính mạng.

Biến chứng xuất huyết viêm loét dạ dày, tá tràng thường gặp nhiều nhất ở người cao tuổi, đặc biệt các trường hợp xuất huyết nặng thường liên quan đến việc người bệnh sử dụng các loại thuốc giảm đau, thuốc khớp như aspirin, clopidogrel hay thuốc kháng viêm không steroid trong thời gian dài.

Viêm loét dạ dày chảy máu – “báo động đỏ” không thể chủ quan

Viêm loét dạ dày xuất huyết là một trong những biến chứng nguy hiểm không được chủ quan.

2. Triệu chứng cảnh báo xuất huyết dạ dày

Xuất huyết dạ dày ngoài những triệu chứng chung của viêm loét dạ dày như đau vùng thượng vị, ợ hơi, ợ chua, khó tiêu, buồn nôn, nôn mửa,… thì người bệnh còn gặp phải những triệu chứng cơ năng cụ thể:

2.1. Nôn ra máu

Người bệnh có thể nôn ra máu đỏ tươi hoặc máu có màu đen, máu cục lẫn với thức ăn và dịch nhầy dạ dày. Tùy vào nguyên nhân và mức độ viêm loét mà lượng máu nôn ra có thể nhiều hay ít. Trường hợp người bệnh nôn ra máu nhiều và liên tục là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm cần được can thiệp cầm máu ngay.

Cần phân biệt rõ ràng về biến chứng nôn ra máu do viêm loét dạ dày với nôn ra máu do chảy máu cam, ho ra máu hay nôn do ăn tiết canh vì những trường hợp này đều có dấu hiệu tương tự nhưng mức độ nguy hiểm thì hoàn toàn khác nhau.

2.2. Đi ngoài phân đen

Xuất huyết tiêu hóa trên do viêm loét dạ dày có thể không gây nôn ra máu trực tiếp mà máu sẽ theo thức ăn ra ngoài cùng phân. Phân sẽ có màu đen như bã cà phê, mùi khó chịu. Nếu trường hợp chảy máu nhiều, phân thường loãng hơn và có màu đỏ rõ hơn do máu tươi xen lẫn nhiều. Còn nếu máu chảy ít, phân thường vẫn sẽ rắn, thành khuôn nhưng có màu đen như nhựa đường, phân dính và mùi khắm.

Triệu chứng này có thể dễ nhầm lẫn với việc đi ngoài phân đen do dùng thuốc Bismuth hay uống sắt.

2.3. Mất máu, thiếu máu, người mệt

Triệu chứng này thường chỉ gặp phải nếu tình trạng xuất huyết viêm loét dạ dày nặng, mất nhiều máu trong thời gian dài. Hệ quả của việc mất máu khiến người bệnh bị thiếu máu và kèm theo các triệu chứng như: chóng mặt, hoa mắt, tụt huyết áp, niêm mạc nhợt nhạt, mạch nhanh khó bắt, da xanh tái,…

Đặc biệt cần cẩn thận nếu người bệnh có các triệu chứng nặng như li bì, mất ý thức, người kiệt sức, vật vã, hôn mê. Dấu hiệu này cảnh báo về tình trạng xuất huyết nghiêm trọng và cần được cấp cứu ngay nếu không sẽ nguy hiểm tới tính mạng.

Tìm hiểu thêm: Viêm túi mật nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa

Viêm loét dạ dày chảy máu – “báo động đỏ” không thể chủ quan

Người bệnh mệt mỏi, sắc mặt kém do thiếu máu vì xuất huyết tiêu hóa nặng.

3. Chẩn đoán và điều trị bệnh

3.1. Chẩn đoán viêm loét dạ dày chảy máu

Xuất huyết tiêu hóa do viêm loét dạ dày – tá tràng thường được chẩn đoán qua nội soi đường tiêu hóa trên. Hình ảnh nội soi cho phép bác sĩ quan sát chi tiết tình trạng chảy máu như: vị trí xuất huyết, mức độ chảy máu, máu chảy thành tia hay máu chảy âm ỉ, máu cục hay có máu ở ổ loét,… để từ đó có phương án xử lý đúng cách kịp thời. Với các trường hợp khẩn cấp, bác sĩ có thể trực tiếp cầm máu tổn thương thông qua nội soi.

3.2. Điều trị viêm loét dạ dày chảy máu

Điều trị xuất huyết tiêu hóa trên do viêm loét dạ dày sẽ được xử lý đúng cách dựa theo mức độ nghiêm trọng của xuất huyết, cụ thể:

– Nếu xuất huyết tiêu hóa nặng, việc ưu tiên đầu tiên là cần thực hiện cầm máu đồng thời phục hồi thể tích máu kịp thời và hồi sức cho người bệnh. Đây là tình trạng cấp cứu khẩn cấp để không gây nguy hiểm tới tính mạng người bệnh. Sau khi cầm máu thành công và tình trạng người bệnh dần ổn định mới đến điều trị nguyên nhân bệnh để tránh xuất huyết tái phát.

– Nếu xuất huyết ở mức vừa và nặng, cần được chẩn đoán nhanh và dùng thuốc cầm máu kết hợp truyền dịch truyền máu để hồi sức cho người bệnh. Người bệnh được lưu viện theo dõi để kịp thời xử trí nhanh các biến chứng có thể xảy ra như: thở oxy nếu khó thở, đặt ống thông dạ dày nhằm theo dõi tình trạng chảy máu, hồi sức và chống sốc nếu mất máu quá nhiều,…

– Nếu người bệnh chỉ bị xuất huyết nhẹ, bác sĩ sẽ khám lâm sàng và theo dõi bằng các xét nghiệm cần thiết. Bên cạnh đó, người bệnh được yêu cầu nghỉ ngơi nhiều hơn, ăn uống nhẹ và thực hiện thêm các chẩn đoán tìm nguyên nhân bệnh để xử lý đúng căn nguyên.

Viêm loét dạ dày chảy máu – “báo động đỏ” không thể chủ quan

>>>>>Xem thêm: Viêm dạ dày ruột có nguy hiểm? Biểu hiện bệnh

Thông qua nội soi dạ dày, bác sĩ có thể kết hợp thực hiện cầm máu tổn thương tức thì.

4. Những lưu ý quan trọng cho người bệnh viêm loét dạ dày mạn tính

Người bệnh viêm loét dạ dày mạn tính nếu không có kế hoạch điều trị bệnh và chăm sóc tốt sẽ có nguy cơ cao gặp phải các biến chứng nghiêm trọng, thường gặp nhất là xuất huyết tiêu hóa. Chính vì vậy, người bệnh cần lưu ý những điều dưới đây để kiểm soát tốt tình trạng bệnh và hạn chế nguy cơ biến chứng:

– Thực hiện đúng phác đồ điều trị được bác sĩ chỉ định nếu đang trong quá trình điều trị viêm loét dạ dày.

– Duy trì chế độ ăn đủ chất, cân đối dinh dưỡng. Tìm hiểu những thực phẩm nên ăn và nên kiêng để xây dựng thực đơn phù hợp.

– Điều chỉnh lối sống lành mạnh, nghỉ ngơi đủ, không thức khuya và tránh căng thẳng quá độ.

– Thận trọng khi phải sử dụng các loại thuốc kháng sinh, kháng viêm. Tốt nhất, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ về lựa chọn đúng loại thuốc, liều dùng và hướng dẫn sử dụng.

– Theo dõi và kịp thời nhận biết những dấu hiệu, triệu chứng bất thường. Thăm khám ngay khi cần thiết để được bác sĩ chuyên khoa điều trị đúng cách.

– Thăm khám sức khỏe định kỳ, nội soi tiêu hóa định kỳ theo chỉ định của bác sĩ.

Viêm loét dạ dày chảy máu là biến chứng nguy hiểm tuyệt đối không thể chủ quan. Nhận biết đúng các triệu chứng bệnh để chủ động hơn trong việc điều trị và phòng bệnh đúng cách.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *