Đau dạ dày ban đêm có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, chủ yếu liên quan đến các bệnh tiêu hóa. Biết được nguyên nhân gây bệnh sẽ giúp bạn có biện pháp cải thiện sao cho phù hợp.
Bạn đang đọc: Nguyên nhân đau dạ dày ban đêm và cách giảm đau
1. Nguyên nhân gây đau dạ dày ban đêm
1.1 Đau dạ dày ban đêm do thói quen ăn uống
Nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng đau dạ dày vào ban đêm là do thói quen ăn uống không khoa học, cụ thể như sau:
– Ăn phải thực phẩm ôi thiu, mốc: Các loại nấm và vi khuẩn sinh sôi nảy nở trong thức ăn thiu, mốc, gây ra ngộ độc thực phẩm. Điều này gây ra những cơn đau bụng dữ dội kèm thêm các triệu chứng tiêu chảy, buồn nôn, nôn.
– Ăn phải thức ăn khó tiêu hóa: Buổi tối ăn các món ăn chiên rán có chứa nhiều dầu mỡ, chất béo và đồ cay nóng sẽ làm cho quá trình tiêu hóa nặng nề hơn. Dạ dày phải tiết ra lượng acid nhiều để tiêu hóa những thức ăn này. Gây tình trạng chướng bụng, đau bụng âm ỉ.
– Do ăn tối quá no: Buổi tối nghỉ ngơi và ít vận động khiến thức ăn tồn đọng trong dạ dày nhiều, không tiêu hóa được hết. Thức ăn ở lâu trong dạ dày sẽ xảy ra phản ứng lên men, làm acid tăng cao và hình thành vết loét, tạo ra những cơn đau khó chịu.
Đau dạ dày vào ban đêm có thể do nghiều nguyên nhân khác nhau
1.2 Đau dạ dày ban đêm do mắc bệnh dạ dày
Đau dạ dày vào ban đêm có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý về dạ dày:
– Bệnh viêm loét dạ dày: Các vết loét dạ dày sẽ gây ra cảm giác đau và nóng rát ở vùng dạ dày. Khi dạ dày rỗng hoặc sau khi ăn thức ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn chế biến sẵn thì cơn đau có thể dữ dội hơn. Cơn đau dạ dày ban đêm cũng dai dẳng hơn.
– Hội chứng ruột kích thích (IBS): Triệu chứng đầy hơi, chướng bụng là điển hình của IBS. Ăn nhiều vào buổi tối có thể khiến triệu chứng này trầm trọng hơn, gây đau dạ dày.
– Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD): Việc ăn uống quá nhiều, nằm ngay sau ăn bữa ăn hoặc ăn nhiều các thức ăn khó tiêu có thể gây trào ngược. Gây ợ hơi, ợ chua, đau bụng, bỏng rát sau ức. Để lâu không điều trị có thể gây ra viêm và loét thực quản.
– Bệnh Crohn: Bệnh Crohn là tình trạng viêm niêm mạc đường tiêu hóa gây nên các cơn đau bụng, đặc biệt là ban đêm. Đau bụng nhiều dẫn tới sụt cân, cơ thể mệt mỏi.
– Viêm ruột thừa: Cơn đau của viêm ruột thừa rất đa dạng, thường bắt đầu xung quanh rốn và di chuyển xuống phía dưới bên phải, đau nhiều khi cử động. Khi có biểu hiện đau tăng dần nghi do viêm ruột thừa, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất. Nếu để quá lâu ruột thừa vỡ ra sẽ gây biến chứng nguy hiểm như viêm phúc mạc, đe dọa đến tính mạng.
1.3 Đau dạ dày do mắc bệnh lý khác
Một số bệnh lý có thể là nguyên nhân đau dạ dày về đêm:
– Sỏi mật: Sỏi mật gây tắc ống mật gây ra những cơn đau ở phía dạ dày. Đau do sỏi mật có thể dữ dội về đêm, thường kèm buồn nôn, nôn, sốt cao, phân có màu trắng, vàng mắt vàng da.
– Sỏi thận: Cơn đau nhói đột ngột ở lưng xuất hiện khi viên sỏi bắt đầu di chuyển và đi vào niệu quản. Cơn đau lan nhanh đến dạ dày và vùng bụng. Cường độ đau sẽ thay đổi tùy vào đường đi của sỏi thận trong đường tiết niệu.
– Các tình trạng về tim: Một số người bị thiếu máu cơ tim có thể bị đau dạ dày. Tuy nhiên tình trạng này hiếm xảy ra.
Tìm hiểu thêm: Bệnh đường ruột là gì?
Chườm ấm có tác dụng giảm đau dạ dày hiệu quả
1.4 Lối sống không hợp lý gây đau dạ dày
Thức khuya rất không tốt cho sức khỏe, đặc biệt là hệ tiêu hóa. Do khi thức khuya, các cơ quan trong cơ thể phải làm việc nhiều hơn ngay cả sau một ngày dài mệt mỏi. Thức đêm lâu ngày khiến dạ dày bị quá tải do phải hoạt động quá mức gây đau.
Tác nhân khác gây đau dạ dày về đêm còn do tâm trạng lo âu, căng thẳng. Việc thường xuyên bị áp lực khiến acid dạ dày tiết ra nhiều hơn mà không được trung hòa. Lâu dần acid ăn mòn lớp niêm mạc, gây viêm loét dạ dày và dẫn tới các cơn đau bụng về đêm.
2. Đặc điểm của các cơn đau dạ dày ban đêm
– Đau bụng quặn thắt: Cơn đau lặp lại có tính chu kỳ, diễn ra gay gắt. Có lúc đau đột ngột và cường độ ngày càng tăng, sau đó lại giảm xuống. Lặp lại các chu kỳ đau sau mỗi khoảng lặng. Tần suất, thời gian và mức độ đau dạ dày cũng thay đổi sau các lần. Điều này xảy ra chủ yếu do sức căng của ruột.
– Đau bụng liên tục: Các cơn đau không có tính chu kỳ mà lặp lại liên tục. Cường độ đau có thể tăng hoặc giảm nhưng không có giai đoạn nghỉ. Bệnh nhân luôn cảm thấy khó chịu, nhức nhối, bỏng rát, nhói hoặc buốt.
3. Cách điều trị đau dạ dày ban đêm
Đau dạ dày ban đêm gây ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ và sức khỏe. Để giảm đau tạm thời, bạn có thể chườm ấm để tăng lưu thông máu, giảm thiểu khó chịu, đau đớn. Biện pháp này có thể đem lại hiệu quả sau 15-20 phút, giúp cảm giác đau nhức giảm bớt. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể áp dụng một vài cách hỗ trợ khác như: Uống nước ấm, uống trà gừng ấm,… Tuy nhiên, đây chỉ là cách tạm thời mà không phải phương pháp điều trị dứt điểm. Để biết được nguyên nhân cụ thể và giảm đau dạ dày về đêm, bạn nên đi khám để điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
>>>>>Xem thêm: Nhận biết triệu chứng của viêm túi mật và chẩn đoán, điều trị bệnh
Kết hợp các biện pháp giảm đau cùng lối sống lành mạnh
4. Phòng ngừa đau dạ dày ban đêm
Tình trạng có thể phòng ngừa được bằng cách thay đổi chế độ ăn uống và lối sống:
– Hạn chế tình trạng căng thẳng, xây dựng đời sống tinh thần thoải mái.
– Tránh ăn quá no và quá gần thời gian đi ngủ.
– Tránh ăn các thức ăn có quá nhiều dầu mỡ, uống cà phê hay rượu vào ban đêm
– Nên nằm ngủ trong tư thế kê đầu cao hoặc nằm nghiêng sang trái.
Đau dạ dày ban đêm là dấu hiệu của bệnh tiêu hóa, thậm chí là cảnh báo nhiều bệnh nguy hiểm. Trong trường hợp bụng đau về đêm thường xuyên, liên tục không thuyên giảm, người bệnh nên đi thăm khám ở các cơ sở uy tín.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.