Tìm hiểu về cách chữa đau dạ dày hiệu quả, các chuyên gia khuyến cáo người bệnh cần thực hiện theo đúng phác đồ chuẩn đề cao 3 tiêu chí: Chẩn đoán đúng bệnh, thực hiện đúng đơn thuốc, tuân thủ đúng chỉ định.
Bạn đang đọc: Cách chữa đau dạ dày chuẩn phác đồ 3 đúng
1. Tìm hiểu nguyên nhân đau dạ dày
Đau dạ dày là một khái niệm chung để chỉ những cơn đau bất thường ở vùng bụng thượng vị. Đau dạ dày có thể đến từ nhiều nguyên nhân bao gồm nguyên nhân bệnh lý và nguyên nhân ngoài bệnh lý:
– Đau dạ dày do chế độ ăn không khoa học, ăn uống thất thường trong thời gian dài
– Ngộ độc thực phẩm
– Stress kéo dài
– Mắc các bệnh lý ở dạ dày như nhiễm vi khuẩn HP, viêm dạ dày, loét dạ dày hành tá tràng, ung thư dạ dày,…
Trong trường hợp bị đau dạ dày kéo dài dù đã thay đổi chế độ ăn và sinh hoạt lành mạnh, người bệnh cần chủ động thăm khám để được chẩn đoán đúng căn nguyên bệnh và từ đó thực hiện đúng phác đồ điều trị.
Đau dạ dày có thể đến từ nhiều nguyên nhân cùng mức nghiêm trọng khác nhau ở từng trường hợp cụ thể.
2. Cách chữa đau dạ dày chuẩn 3 đúng
Trên thực tế, có không ít các trường hợp đau dạ dày tái đi tái lại nhiều lần hệ quả là nhiều người bệnh phải “sống chung” với đau dạ dày 10 năm, 20 năm thậm chí là nhiều hơn thế. Việc đau dạ dày chữa mãi không khỏi phần lớn đến từ quá trình điều trị không đúng cách.
Chuyên gia chia sẻ về cách chữa đau dạ dày chuẩn 3 đúng: Chẩn đoán đúng; Dùng đúng phác đồ thuốc; Tuân thủ đúng chỉ định.
2.1. Tiến hành thăm khám và chẩn đoán đúng bệnh
Như đã nói ở trên, đau dạ dày có thể đến từ nhiều nguyên nhân, đặc biệt với các trường hợp đau dạ dày từ nguyên nhân bệnh lý cần phải tìm đúng căn nguyên bệnh.
Nội soi dạ dày được coi là phương pháp chẩn đoán tiêu chuẩn và ưu tiên được chỉ định. Ống nội soi mềm đi từ miệng tới hầu họng, thực quản và dạ dày cho phép quan sát toàn bộ tình trạng bên trong lớp niêm mạc ống tiêu hóa trên. Nhờ đó, bác sĩ có thể phát hiện mọi bất thường, bệnh lý nếu có kể cả ung thư.
Đặc biệt, một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các vấn đề ở dạ dày đó là vi khuẩn HP cũng sẽ được thực hiện kiểm tra ngay qua nội soi. Bác sĩ xác định điểm nghi ngờ nhiễm khuẩn cao để trực tiếp lấy mẫu bệnh phẩm đi làm xét nghiệm. Test HP qua nội soi cho kết quả chính xác cao, hơn nữa còn có thể kiểm tra đồng thời các bệnh lý khác do vi khuẩn hoạt động gây ra. Nhờ đó giúp bác sĩ lên đúng phác đồ điều trị toàn diện, hiệu quả.
Tìm hiểu thêm: Đau rát ngực khó thở: Nguyên nhân, triệu chứng và khắc phục
Nội soi đường tiêu hóa trên giúp chẩn đoán đúng các bệnh lý ở dạ dày.
2.2. Cách chữa đau dạ dày đúng phác đồ thuốc
Sau khi đã có chẩn đoán đúng về căn nguyên bệnh, bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa sẽ lên chi tiết phác đồ thuốc điều trị cụ thể. Thông thường các thuốc sử dụng điều trị đau dạ dày được sử dụng phổ biến bao gồm:
– Thuốc ức chế bơm proton (có tên tiếng anh viết tắt là PPI)
– Thuốc kháng sinh nhằm tiêu diệt vi khuẩn HP nếu có
– Thuốc trung hòa axit dạ dày
Những khuyến cáo quan trọng về việc sử dụng thuốc trong điều trị mà người bệnh đặc biệt cần lưu ý:
– Người bệnh dùng đúng phác đồ thuốc do bác sĩ chỉ định, không tự ý thay đổi loại thuốc hay liều dùng khi chưa được cho phép.
– Người bệnh tuyệt đối không được tự ý mua thuốc theo đơn tham khảo của người khác.
– Đặc biệt lưu ý với các trường hợp dùng kháng sinh điều trị vi khuẩn HP vì HP rất dễ kháng thuốc nên cần thực hiện đúng phác đồ thuốc được chỉ định.
– Các loại thực phẩm hỗ trợ giảm đau không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Chỉ có dùng đúng thuốc điều trị đúng căn nguyên bệnh mới có thể giải quyết tốt đau dạ dày.
2.3. Chữa đau dạ dày đúng cách khi tuân thủ đúng chỉ định
Khi đã được chẩn đoán đúng bệnh, bác sĩ lên đúng phác đồ thì việc còn lại sẽ nằm ở tuân thủ đúng các chỉ định của người bệnh. Tính tuân thủ sẽ quyết định đến kết quả điều trị vì vậy có không ít các trường hợp đau dạ dày tái lại dù đã tiến hành thăm khám và được kê đúng đơn thuốc.
Tính tuân thủ của người bệnh được thể hiện cụ thể ở 3 yêu cầu:
– Tuân thủ đúng theo các hướng dẫn khi sử dụng thuốc
– Tuân thủ đúng chế độ ăn và lối sống khoa học
– Tuân thủ đúng lịch tái khám như đã hẹn theo hướng dẫn của bác sĩ
Người bệnh tuyệt đối không nên chủ quan mà bỏ qua bất kỳ yêu cầu nào kể trên vì sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị. Tuân thủ đầy đủ các chỉ định để giải quyết đau dạ dày toàn diện, ngăn chặn việc tái đi tái lại nhiều lần.
3. Đau dạ dày nên chú ý ăn gì và kiêng ăn gì?
Chế độ ăn đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện triệu chứng, hỗ trợ điều trị cơn đau dạ dày. Người bệnh đau dạ dày cần ưu tiên những nhóm đồ ăn giàu chất xơ, dễ tiêu hóa và hạn chế những đồ ăn khó tiêu gây áp lực lớn lên dạ dày. Cụ thể:
>>>>>Xem thêm: Đại tràng là gì? Cấu tạo và chức năng đại tràng
Chế độ ăn khoa học đóng vai trò quan trọng trong điều trị bệnh đau dạ dày.
3.1. Đau dạ dày nên ăn gì?
– Các loại đồ ăn mềm, phổ biến nhất là cháo, súp, canh,… các loại.
– Ăn đủ chất, vitamin từ các loại hoa quả tươi như táo, chuối, lê, đu đủ, thanh long,…
– Bổ sung tinh bột từ cơm trắng, bánh mì, khoai tây, khoai lang, yến mạch,…
– Ăn sữa chua, uống thêm sữa hạt các loại như sữa óc chó, sữa mè, sữa đậu, sữa gạo lứt,…
– Sử dụng các thực phẩm có tác dụng tốt trong hỗ trợ điều trị bệnh dạ dày như nghệ, gừng, mật ong, nha đam,…
3.2. Đau dạ dày nên kiêng gì?
– Đồ ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn chiên rán, đồ ăn nhanh, các loại thực phẩm chế biến sẵn,…
– Các loại đồ ăn chua cay hoặc nêm nếm nhiều gia vị.
– Đồ ăn cứng, khó tiêu như rau củ nhiều xơ, thịt dai có gân, các loại đồ khô,…
– Không uống rượu bia hay các loại đồ uống có thành phần chứa chất kích thích. Hạn chế các loại đồ uống đóng chai, đồ uống có gas,…
Bên cạnh thực đơn khoa học, người bệnh đau dạ dày cũng cần chú ý xây dựng thói quen ăn uống đúng cách như: ăn đúng bữa, đúng giờ, ăn chậm nhai kỹ, không ăn quá no và cũng không để bụng quá đói để hoạt động tiêu hóa được diễn ra tốt hơn, cải thiện nhanh các triệu chứng đau dạ dày.
Thực hiện tốt cách chữa đau dạ dày chuẩn phác đồ 3 đúng sẽ giúp người bệnh giải quyết bệnh hiệu quả. Mỗi người khi có dấu hiệu đau dạ dày hãy chủ động thăm khám chuyên khoa tiêu hóa để được chỉ định điều trị bệnh đúng phác đồ.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.