Sán lá gan ở người là bệnh lý nguy hiểm với hai dạng: sán lá gan nhỏ và sán lá gan lớn. Căn bệnh này không ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng người bệnh nhưng có thể dẫn tới nhiều tác hại lớn cho sức khỏe. Vậy mức độ nguy hiểm của sán lá gan như thế nào, phương pháp ngăn bệnh là gì?
Bạn đang đọc: Mức độ nguy hiểm của sán lá gan và hướng điều trị hiệu quả
1. Khái quát về bệnh sán lá gan ở người
Sán lá gan là những ký sinh trùng có chu kỳ sống tương đối phức tạp và có thể ký sinh lên nhiều vật chủ, trong đó có cơ thể người hoặc động vật. Sau khi ký sinh, chúng sinh sản thông qua đẻ trứng và theo ống mật xuống ruột sau đó ra ngoài theo phân.
Nếu gặp phải môi trường nước, trứng có thể nở ra thành ấu trùng và ký sinh vào ốc cùng những loại rau dưới nước. Nếu ăn phải những loại rau này hoặc uống nước chứa loại sán này có thể mắc bệnh.
Sán lá gan lớn và nhỏ đều có hình lá, thân dẹt và kích thước khác nhau tùy loài; loài sán lá gan lớn kích thước lớn hơn rất nhiều so với sán lá gan nhỏ. Cơ thể sán đều là lưỡng giới, vừa có tinh hoàn và buồng trứng trên một cơ thể sán.
Khả năng tồn tại trong môi trường bên ngoài: Sán lá gan trưởng thành có khả năng tồn tại ở môi trường bên ngoài rất kém. Với trứng sán, chúng có vỏ mỏng nên tồn tại ở môi trường bên ngoài cũng rất kém. Nếu nhiệt độ trên 70 độ C, trứng sẽ hỏng. Trứng sán muốn phát triển thành ấu trùng phải có môi trường nước, nếu ở trên cạn trứng bị hỏng và không phát triển được.
Sán lá gan có thể lây truyền qua vật chủ trung gian khi con người ăn phải vật trung gian có dính ấu trùng sán. Ngoài ra, bệnh không lây trực tiếp từ người sang người.
Một trong những nguyên nhân gây sán lá gan là không may uống phải nước chứa ấu trùng sán lá
2. Những tác hại nghiêm trọng của bệnh sán lá gan
2.1 Đánh giá mức độ nguy hiểm của bệnh sán lá gan lớn
Nếu mắc sán lá gan lớn, chúng có thể xâm nhập vào dạ dày, tá tràng sau đó giải phóng ấu trùng. Dần dần, chúng di chuyển đến ổ bụng và kí sinh ở gan, tiết ra nhiều chất độc có thể phá hủy nhu mô gan dẫn tới áp xe gan. Sau một thời gian, sán sẽ tấn công đến đường mật và đẻ trứng.
Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn tới ung thư đường mật và một số trường hợp có thể gây bệnh về da, khớp, cơ, vú, đại tràng, dạ dày…
Bệnh sán lá gan lớn thường gây đau vùng hạ sườn phải lan về phía sau hoặc đau vùng thượng vị và mũi ức. Tính chất đau không đặc hiệu, có thể âm ỉ, đôi khi đau dữ dội, cũng có trường hợp không đau bụng. Bệnh nhân mệt mỏi, có cảm giác đầy bụng khó tiêu, rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, có thể sốt hoặc đau khớp, đau cơ và mẩn ngứa…
2.2 Đánh giá mức độ nguy hiểm của bệnh sán lá gan nhỏ
Sán lá gan nhỏ khi xâm nhập vào nhu mô gan có thể trưởng thành và đẻ trứng ở ống dẫn mật. Sán sẽ lấy chất dinh dưỡng của gan dẫn tới: tắc mật, xơ cứng ống mật, xơ gan… Nghiêm trọng hơn là dẫn tới xơ gan cổ trướng, áp xe gan thoái hóa… Nếu không chữa trị sớm thậm chí có thể dẫn tới tử vong.
Nếu không may ăn phải cá có nang sán, trong khoảng một tháng chúng có thể đẻ trứng và sinh sôi trong cơ thể người bệnh. Mỗi con sán nhỏ sẽ có 2 mồm hít bám chặt lấy gan để hút thức ăn và gây tổn thương gan.
Bệnh sán lá gan nhỏ thường gây đau tức vùng gan, rối loạn tiêu hóa (kém ăn, bụng ậm ạch khó tiêu). Đôi khi bệnh nhân bị sạm da, vàng da và có dấu hiệu gan to hay xơ gan tùy theo mức độ bệnh.
Tìm hiểu thêm: Viêm đại tràng có di truyền không?
Đặc điểm nổi bật của sán lá gan lớn và sán lá gan nhỏ
2.3 Những biến chứng của bệnh sán lá gan
Những triệu chứng của bệnh sán lá gan dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh lý khác như viêm gan, viêm túi mật, rối loạn tiêu hóa… Điều này khiến việc chẩn đoán bệnh thường chậm trễ, làm tăng nguy cơ tổn thương nghiêm trọng hơn cho gan.
Đây là một căn bệnh rất nguy hiểm với những biến chứng gây hại sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng của người bệnh.
Một số biến chứng có thể gặp phải như:
– Tổn thương gan và đường mật: Viêm và sưng đường mật, hình thành các ổ áp xe trong gan, suy giảm chức năng gan…
– Ảnh hưởng lớn đến hệ tiêu hóa: Rối loạn tiêu hóa, mất cân bằng dinh dưỡng…
– Những bệnh lý nguy hiểm: Xơ gan, tăng áp lực tĩnh mạch cửa, nhiễm trùng lan rộng, xơ cứng ống mật, tắc mật, áp xe gan thoái hóa, xơ gan cổ trướng, thậm chí gây nguy cơ ung thư gan hoặc ung thư đường mật với nguy cơ tử vong cao.
3. Điều trị và ngăn nguy cơ bệnh sán lá gan ở người
3.1 Phát hiện và điều trị sớm bệnh sán lá gan
Khi thấy những dấu hiệu lạ nghi ngờ bệnh sán lá gan như: rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, gầy yếu, chán ăn… hoặc những biểu hiện nặng hơn như: vàng da, sạm da, toàn thân phù nề, đôi khi sốt cao…, người bệnh cần thăm khám sớm với bác sĩ chuyên khoa.
Càng để tình trạng bệnh kéo dài, những tổn thương do căn bệnh này gây ra càng nguy hiểm hơn cho sức khỏe.
3.2 Ngăn chặn nguy cơ ấu trùng sán lá gan xâm nhập vào cơ thể người
Cần ngăn chặn nguy cơ ấu trùng sán lá gan xâm nhập vào cơ thể thông qua thói quen ăn uống – một trong những nguyên nhân chính gây nhiễm bệnh. Đặc biệt lưu ý những điều sau:
– Ăn chín uống sôi, không ăn đồ chưa chế biến kỹ hoặc còn sống, đặc biệt là cá và rau thủy sinh
– Những loại rau thủy sinh – rau mọc dưới nước (rau cần, rau xà lách, cải xoong, rau muống, ngó sen… ) cần làm chín trước khi ăn bởi ấu trùng sán lá gan có thể bám chặt vào rau nên dù có rửa kỹ cũng không thể loại bỏ hoàn toàn nang sán.
Đồng thời, mọi người cần lưu ý những triệu chứng tiêu hóa bất thường để có biện pháp xử lý sớm, hạn chế kéo dài khiến sán lá gan sinh sôi.
>>>>>Xem thêm: Nội soi dạ dày không đau ở đâu?
Bệnh nhân thăm khám gan mật tại bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc TCI
Bên cạnh việc bảo vệ cơ thể thông qua ăn uống, sinh hoạt và điều trị; người bệnh cũng cần nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn nơi sinh sống
Sán lá gan là một loại ký sinh trùng rất nguy hiểm có thể gây ra nhiều tổn thương nghiêm trọng đến gan và các cơ quan khác. Mức độ nguy hiểm của sán lá gan có thể thấy qua những biến chứng như: viêm gan, áp xe gan, suy gan và nhiễm trùng lan rộng… Những biến chứng này có thể đe dọa tính mạng con người nếu không được chẩn đoán và chữa trị kịp thời.
Nâng cao nhận thức về bệnh, thực hiện những biện pháp phòng ngừa hiệu quả có ý nghĩa quan trọng giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.