Mổ nội soi thoát vị bẹn thường kéo dài trung bình khoảng 45 – 60 phút. Đây là phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn nên người bệnh ít đau, hầu như không để lại sẹo sau mổ. Thoát vị bẹn là bệnh lý thường gặp ở nam giới, đe dọa gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe. Phẫu thuật là giải pháp triệt để duy nhất điều trị căn bệnh này.
Bạn đang đọc: Mổ nội soi thoát vị bẹn được thực hiện thế nào, có đau không?
Thoát vị bẹn là tình trạng các tạng bên trong ổ bụng sa xuống vùng bẹn bìu thông qua một chỗ yếu ở thành bụng.
1. Tìm hiểu về mổ nội soi thoát vị bẹn
1.1. Mổ nội soi thoát vị bẹn là gì?
Phẫu thuật điều trị thoát vị bẹn bao gồm 2 phương pháp: mổ nội soi và mổ mở. Hiện tại mổ nội soi đang được ưa chuộng do có nhiều ưu điểm như ít đau sau mổ, ít để lại sẹo, phục hồi nhanh.
Tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng có thể thực hiện mổ nội soi. Bệnh nhân cần thăm khám cụ thể với bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn cách điều trị phù hợp nhất.
Mục tiêu của mổ nội soi là đẩy tạng trong ổ bụng sa xuống vùng bẹn về vị trí ban đầu, đóng lại túi thoát vị và củng cố vững chắc thành bụng.
1.2. Quy trình mổ nội soi thoát vị bẹn
Với phẫu thuật nội soi thoát vị bẹn người bệnh sẽ được gây mê toàn thân nên không có cảm giác, không đau trong quá trình mổ.
Đầu tiên bác sĩ sẽ tạo 3 vết rạch nhỏ ở vùng bụng gần vị trí khối thoát vị thay vì rạch một đường dài như trong mổ mở. Sau đó đưa ống nội soi cũng như các dụng cụ cần thiết cho ca mổ vào bên trong. Ống nội soi có gắn camera và nguồn sáng sẽ đưa hình ảnh chi tiết ở khu vực thoát vị ra màn hình phía bên ngoài. Nhờ vậy bác sĩ có thể dễ dàng quan sát và thực hiện các thao tác: đẩy tạng sa về vị trí cũ, đóng khối thoát vị. Cuối cùng là đặt lưới nhân tạo ở vùng thành bụng yếu.
Khi đã hoàn tất các thao tác, bác sĩ sẽ rút ống nội soi và các dụng cụ ra khỏi vùng bụng. Tiếp đến là đóng lại vết rạch bằng chỉ khâu. Bệnh nhân sẽ được chuyển về khu vực hồi sức để theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe cho đến khi hồi tỉnh.
Tìm hiểu thêm: Khám tiền hôn nhân – Yếu tố quyết định hạnh phúc gia đình
Mổ nội soi thoát vị bẹn ít xâm lấn, ít đau, hầu như không để lại sẹo.
2. Mổ nội soi thoát vị bẹn có đau không?
Như đã đề cập ở phần đầu, phẫu thuật nội soi thoát vị bẹn ít xâm lấn nên ít gây tổn thương. Vết mổ cũng rất nhỏ (chỉ vài mm) nên người bệnh ít đau sau mổ. Thời gian nằm viện cũng được rút ngắn, bệnh nhân có thể sớm quay trở lại sinh hoạt bình thường. Đặc biệt mổ nội soi thoát vị bẹn còn đảm bảo tính thẩm mỹ vì sẹo nhỏ, không đáng kể.
Phương pháp này cũng được đánh giá là an toàn, tỷ lệ biến chứng thấp, không ảnh hưởng đến các cơ quan lân cận.
3. Cách chăm sóc sau mổ nội soi thoát vị bẹn để nhanh phục hồi
Thông thường người bệnh sau mổ nội soi thoát vị bẹn có thể ra viện sau 1 – 2 ngày khi sức khỏe đã ổn định. Chế độ chăm sóc tại nhà cần tuân thủ chặt chẽ các hướng dẫn của bác sĩ để nhanh phục hồi cơ thể.
3.1. Ăn uống sau mổ nội soi thoát vị bẹn
Nhìn chung người bệnh không cần phải kiêng khem quá nhiều sau mổ. Lưu ý tránh đồ uống có chất kích thích như rượu bia, cà phê… Nên ăn thức ăn dạng mềm, dễ tiêu hóa, giàu chất xơ. Tránh đồ ăn nhiều dầu mỡ, chiên rán, giàu chất béo.
Một số trường hợp có thể cảm thấy chán ăn trong 1 hoặc 2 tuần đầu sau mổ. Đây là tình trạng bình thường do ảnh hưởng của tâm lý căng thẳng, lo lắng. Tình trạng này sẽ thuyên giảm dần và bệnh nhân dần dần sẽ có cảm giác thèm ăn trở lại. Nếu liên tục cảm thấy buồn nôn hoặc khó nuốt, hãy thông báo ngay cho bác sĩ.
>>>>>Xem thêm: Bố chồng quốc dân khám sức khỏe ở Thu Cúc
Chăm sóc sau mổ nội soi thoát vị bẹn khá đơn giản, không cần kiêng khem nhiều.
3.2. Chăm sóc vết mổ
Không tắm bồn, tắm bể bơi, xông hơi để tránh ảnh hưởng đến vết mổ. Giữ vệ sinh vết mổ luôn khô ráo, sạch sẽ theo hướng dẫn của bác sĩ.
Không bôi bất cứ loại thuốc nào (thuốc mỡ, thuốc liền sẹo…) để làm lành vết thương nhanh hơn nếu không có chỉ định của bác sĩ.
3.3. Hoạt động thể chất
Nên dành thời gian nghỉ ngơi, tránh vận động nặng: chạy, nhảy, mang vác… sau khi mổ. Tuy nhiên cũng không nên nằm một chỗ quá lâu, cố gắng đứng lên, đi lại nhẹ nhàng, thực hiện một số hoạt động thể chất đơn giản như đi bộ chậm… Những hoạt động vừa phải với sức lực, không gây đau vết mổ sẽ tăng cường khả năng phục hồi cho bệnh nhân.
3.4. Công việc
Thời điểm sức khỏe hồi phục hoàn toàn để trở lại với công việc tùy thuộc vào tình trạng của từng người. Theo hướng dẫn sơ bộ, hầu hết mọi người nghỉ ngơi ít nhất là 1 tuần trước khi quay lại làm việc.
3.5. Vấn đề đại tiện
Khoảng 3 – 5 ngày sau mổ, người bệnh có thể bắt đầu đại tiện bình thường trở lại. Một số trường hợp có thể bị tiêu chảy trong lần đi vệ sinh đầu tiên sau mổ thoát vị bẹn. Tuy nhiên đừng quá lo lắng, đây là hiện tượng bình thường và hệ tiêu hóa sẽ trở lại bình thường. Táo bón cũng là rối loạn tiêu hóa phổ biến do tác dụng phụ của thuốc giảm đau.
3.6. Đau ở vết mổ
Với bệnh nhân nam, vùng bẹn bìu có thể hơi sưng đau. Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc để giảm bớt tình trạng khó chịu này. Bên cạnh đó người bệnh cũng có thể tự chườm lạnh để giảm sưng đau.
Hy vọng những thông tin trong bài đã giúp bạn hiểu hơn về mổ nội soi thoát vị bẹn và cách chăm sóc sau mổ để nhanh hồi phục. Nên nhớ thoát vị bẹn không thể tự khỏi. Điều trị sớm là giải pháp đúng đắn để nhanh chóng khỏi bệnh, thoát khỏi các biến chứng nguy hại.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.