Thoát vị bẹn là một bệnh lý phổ biến, thường được điều trị hiệu quả bằng phẫu thuật. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể gặp phải tình trạng thoát vị bẹn tái phát sau phẫu thuật, gây ra nhiều phiền toái và nguy cơ tiềm ẩn cho người bệnh. Cùng tìm hiểu bài viết sau đây để hiểu rõ nguyên nhân, dấu hiệu và cách xử trí khi bị thoát vị bẹn bị tái phát để đảm bảo sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Bạn đang đọc: Thoát vị bẹn tái phát: nguy cơ tiềm ẩn và cách xử trí
1. Nguyên nhân khiến thoát vị bẹn tái phát
Kỹ thuật phẫu thuật không chính xác: Nếu phẫu thuật lần đầu không được thực hiện đúng cách hoặc các yếu tố kỹ thuật không được đảm bảo, khả năng tái phát sẽ tăng cao. Việc không khâu đúng cách, không đặt lưới chèn phù hợp, hoặc không sửa chữa các điểm yếu trong thành bụng có thể là nguyên nhân chính.
Tăng áp lực trong ổ bụng: Sau khi phẫu thuật, nếu bệnh nhân tiếp tục thực hiện các hoạt động làm tăng áp lực trong ổ bụng như nâng vật nặng, ho kéo dài, táo bón, hoặc mang thai, nguy cơ tái phát sẽ cao hơn.
Tình trạng sức khỏe tổng quát: Các yếu tố như béo phì, ho mạn tính, bệnh phổi mạn tính, hoặc các bệnh lý khác ảnh hưởng đến cơ bụng có thể làm tăng nguy cơ tái phát.
Di truyền: Một số người có cơ địa yếu hơn bình thường, do đó dù đã được phẫu thuật thành công, nguy cơ tái phát vẫn cao hơn so với những người khác.
Trong vòng 3 tháng đầu sau khi phẫu thuật thoát vị bẹn nếu người bệnh vận động, chơi đùa mạnh có thể khiến khối thoát vị dễ tái phát trở lại.
2. Biểu hiện thoát vị bẹn tái phát
2.1 Khối u ở vùng bẹn gợi ý thoát vị bẹn tái phát
Dấu hiệu dễ nhận biết nhất của thoát vị bẹn là sự xuất hiện của một khối u ở vùng bẹn. Khối u này có thể xuất hiện rõ hơn khi đứng hoặc ho, và biến mất khi nằm xuống hoặc thư giãn.
2.2 Đau hoặc khó chịu
Bệnh nhân có thể cảm thấy đau hoặc khó chịu ở vùng bẹn, đặc biệt khi thực hiện các hoạt động như nâng vật nặng, ho, hoặc cúi xuống.
2.3 Cảm giác nặng ở vùng bẹn coi chừng thoát vị bẹn tái phát
Cảm giác nặng nề hoặc khó chịu ở vùng bẹn cũng là một trong những dấu hiệu thoát vị bẹn. Cảm giác này có thể lan tỏa xuống đùi và gây khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày.
2.4 Buồn nôn và nôn
Nếu thoát vị bẹn gây nghẹt, tức là ruột bị kẹt trong khe thoát vị và không thể trở lại vị trí bình thường, bệnh nhân có thể bị buồn nôn, nôn và khó tiêu.
2.5 Sưng tấy hoặc đỏ vùng bẹn
Khi thoát vị bẹn trở nên nghiêm trọng và không được điều trị kịp thời, vùng bẹn có thể sưng tấy, đỏ và gây đau dữ dội.
Tìm hiểu thêm: Cẩm nang khám sức khỏe kết hôn với người nước ngoài
Khi bị tái phát khối thoát vị có thể gây đau hoặc không gây đau, căng tức ở vùng bẹn bìu khiến người bệnh khó chịu.
3. Nguy cơ tiềm ẩn của thoát vị bẹn
Thoát vị bẹn có thể dẫn đến nhiều nguy cơ tiềm ẩn, bao gồm:
Thoát vị nghẹt: Đây là tình trạng nghiêm trọng nhất, xảy ra khi một phần ruột bị kẹt trong khe thoát vị và không thể trở lại vị trí bình thường. Điều này có thể gây ra tắc ruột, thiếu máu nuôi dưỡng và hoại tử ruột.
Tắc ruột: Một phần ruột bị kẹt trong khe thoát vị có thể dẫn đến tắc ruột, gây ra đau bụng dữ dội, nôn và không thể đi ngoài.
Hoại tử ruột: Nếu ruột bị kẹt và không được máu nuôi dưỡng đủ, phần ruột đó có thể bị hoại tử, dẫn đến nhiễm trùng và nguy cơ tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
4. Cách xử trí khi khối thoát vị bẹn tái phát
Điều trị thoát vị bẹn bị tái phát thường phức tạp hơn so với lần đầu do các yếu tố như mô sẹo và sự yếu kém của thành bụng sau phẫu thuật trước đó. Tuy nhiên, có một số phương pháp điều trị hiệu quả như sau:
Phẫu thuật mở: Đây là phương pháp truyền thống để điều trị thoát vị bẹn Bác sĩ sẽ tạo một vết cắt nhỏ ở vùng bẹn, đẩy phần nội tạng thoát ra trở lại vị trí bình thường và sử dụng lưới chèn để củng cố thành bụng. Lưới chèn giúp giảm nguy cơ tái phát bằng cách cung cấp sự hỗ trợ cơ học cho thành bụng yếu.
Phẫu thuật nội soi: Phẫu thuật nội soi sử dụng các công cụ nhỏ và camera qua các vết cắt nhỏ để thực hiện phẫu thuật từ bên trong. Phương pháp này giúp giảm tỷ lệ tái phát thoát vị bẹn, giảm đau và thời gian phục hồi nhanh hơn. Đây cũng là phương pháp được khuyến cáo sử dụng cho bệnh nhân bị tái phát thoát vị bẹn mà trước đó người bệnh đã từng điều trị bằng mổ mở hoặc mổ nội soi.
>>>>>Xem thêm: 5 lời khuyên về khám sức khỏe tổng quát tầm soát ung thư
Cận cảnh ca phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị bẹn tại Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc. Người bệnh được thực hiện phẫu thuật nội soi 2 lỗ bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Ngoại khoa Lê Tú Anh có nhiều năm kinh nghiệm thăm khám và điều trị bệnh lý thoát vị bẹn ở cả người lớn và trẻ em.
5. Phòng ngừa khối thoát vị tái phát
Để giảm nguy cơ tái phát thoát vị bẹn, bệnh nhân cần tuân thủ một số biện pháp phòng ngừa sau khi phẫu thuật:
– Sau phẫu thuật, hãy tuân thủ các chỉ dẫn của bác sĩ về việc nghỉ ngơi, kiêng cữ và hạn chế các hoạt động làm tăng áp lực trong ổ bụng.
– Cần tránh nâng vật nặng hay vận động mạnh trong một thời gian dài sau phẫu thuật để giảm nguy cơ thoát vị tái phát.
– Giảm cân nếu bạn thừa cân hoặc béo phì, vì điều này có thể làm giảm áp lực lên vùng bụng và nguy cơ thoát vị.
– Nếu bạn bị ho hoặc táo bón kéo dài, hãy điều trị kịp thời để tránh làm tăng áp lực trong ổ bụng.
– Tập luyện thể dục đều đặn giúp củng cố cơ bụng và tăng cường sức khỏe tổng quát, từ đó giảm nguy cơ thoát vị tái phát.
Thoát vị bẹn tái phát là một hiện tượng không hiếm gặp và có thể gây biến chứng nguy hiểm đến tính mạng (thoát vị bẹn nghẹt) và ảnh hưởng tới khả năng sinh sản sau này không như người bệnh không được điều trị kịp thời và đúng cách. Chính vì vậy, bạn nên lựa chọn địa chỉ tin cậy để tiến hành phẫu thuật và sau mổ cần kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ trên để tránh tái phát bệnh.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.