Bệnh mạch vành là hiện tượng mạch vành bị tắc hay thu hẹp do nhiều nguyên nhân. Bệnh mạch vành có nguy hiểm không và mức độ nguy hiểm đến đâu? Làm sao để phòng tránh những biến chứng của bệnh này?
Bạn đang đọc: Bệnh mạch vành có nguy hiểm không, làm sao để phòng tránh?
1. Giải đáp bệnh mạch vành có nguy hiểm không?
Bệnh mạch vành là bệnh lý nguy hiểm, có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong cho người bệnh. Mỗi năm căn bệnh này gây ra cái chết cho gần 600.000 bệnh nhân ở châu Âu. Tại Việt Nam, bệnh mạch vành trở thành gánh nặng của nền y tế và đang có xu hướng trẻ hóa.
Mạch vành là hệ thống mạch máu cung cấp máu giàu oxy cho cơ tim. Ở những bệnh nhân bị mắc bệnh mạch vành (mạch vành bị tắc hay thu hẹp do nguyên nhân nào đó) thì lượng máu đi nuôi các tế bào cơ tim sẽ bị thiếu hụt, khiến các tế bào cơ tim bị hoại tử và chết dần.
Tình trạng tắc hẹp mạch vành do xơ vữa động mạch có thể gây những biến chứng nguy hiểm
Lòng mạch bị thu hẹp chủ yếu là do sự hình thành các mảng xơ vữa ở động mạch vành. Các động mạch trong cơ thể vốn mềm mại, nhưng khi các mảng xơ vừa phát triển, thành mạch trở nên xơ cứng, giảm khả năng tống máu đến cơ tim. Máu lưu thông khó khăn trong lòng mạch, không đủ cung cấp để nuôi dưỡng cơ tim.
Đau thắt ngực là triệu chứng điển hình của bệnh nhân mắc bệnh mạch vành. Cơn đau ngực do bệnh mạch vành thường được mô tả như sau:
– Đau thắt, nặng vùng ngực
– Cảm giác tim bị bóp chặt
– Cảm giác nén ép tim
– Nóng rát ngực
– Ngực đau âm ỉ
– Tê vùng ngực
– Đầy bụng
2. Các biến chứng nguy hiểm do bệnh mạch vành
Mức độ nguy hiểm của bệnh mạch vành phụ thuộc vào mức độ tắc – hẹp của động mạch vành. Tuy nhiên, dù ở mức độ nào, bệnh mạch vành cũng có thể gây ra những biến chứng sau:
2.1. Nhồi máu cơ tim
Nhồi máu cơ tim là hiện tượng xuất hiện cục máu đông gây tắc nghẽn hoàn toàn lòng mạch. Đây là kết quả của việc dòng máu lưu thông kém do bị các mảng xơ vữa cản trở. Bên cạnh đó, khi các mảng xơ vữa trên thành mạch vành bị vỡ ra sẽ kích thích sự tập trung của tiểu cầu. Đây cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.
Các cục máu đông có thể gây nghẽn mạch, khiến máu không thể đến nuôi tế bào cơ tim. Cơ tim dần bị tổn thương và hoại tử do thiếu máu. Nếu tình trạng này không được xử lý kịp thời, người bệnh có thể tử vong chỉ sau vài giờ.
2.2. Suy tim do bệnh mạch vành có nguy hiểm không?
Thiếu máu cơ tim liên tục trong thời gian dài có thể làm giảm khả năng co bóp của tim. Tim không đủ sức bơm máu cung cấp cho các cơ quan trong cơ thể gây ra những hệ lụy nghiêm trọng. Người bệnh thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, khó thở, ho, phù chân tay… Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
2.3. Rối loạn nhịp tim
Hoạt động co bóp của tim bất thường có thể khiến nhịp tim trở nên không ổn định. Điển hình là tim đập quá nhanh hoặc quá chận. Đôi khi, nhịp nhanh chậm thất thường. Người bệnh thường cảm thấy hồi hộp, đánh trống ngực liên tục. Nếu tình trạng này diễn ra liên tục hoặc đột ngột, có thể khiến tim ngừng đập, đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân.
Tìm hiểu thêm: Bệnh tim và mang thai có những liên quan mật thiết
Nhồi máu cơ tim là một trong những biến chứng nguy hiểm của bệnh mạch vành
2.4. Phình động mạch vành
Phình mạch vành xảy ra khi thành do sự suy yếu và mất tính đàn hồi của thành mạch. Đoạn mạch bị phình rất dễ vỡ ra, gây nguy hiểm tới tính mạng người bệnh.
2.5. Đột quỵ não do bệnh mạch vành có nguy hiểm không?
Sự tồn tại của các mảng xơ vữa hay sự hình thành các cục máu đông đều là nguyên nhân gây tắc nghẽn mạch máu, giảm lượng máu giàu oxy nuôi dưỡng não. Bệnh nhân có thể bị đột quỵ do thiếu máu não hoặc xuất huyết não.
Đến đây, hẳn các bạn đã có thể trả lời được câu hỏi bệnh mạch vành có nguy hiểm hay không. Đôi khi nguy hiểm do bệnh mạch vành không chỉ đến từ quá trình phát triển của bệnh mà còn có thể xảy ra do những biến chứng khi sử dụng các biện pháp can thiệp để sửa chữa mạch vành. Vì thế bạn nên khám, điều trị theo phác đồ và tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa tim mạch khi muốn sử dụng bất cứ phương pháp nào để tránh những rủi ro không mong muốn.
3. Điều trị và phòng ngừa bệnh mạch vành
3.1. Điều trị
Chính bởi những biến chứng có thể xảy ra trong quá trình phẫu thuật nên các bác sĩ thường ưu tiên phương pháp điều trị nội khoa trong xử lý các bệnh mạch vành.
Tùy vào tình trạng người bệnh và nguyên nhân gây bệnh, một số loại thuốc có thể được sử dụng để điều trị bệnh này bao gồm:
– Thuốc giãn mạch vành như ISDN, Risordan, Nitromint…thường nên sử dụng khi có cơn đau ngực hoặc trước khi vận động.
– Thuốc kháng tiểu cầu như aspirin, ticlodipine (Ticlide), clopidogrel( Plavix) là những thuốc điều trị thường xuyên giúp giảm sự tập kết tiểu cầu, ngăn sự hình thành cục máu đông. Thuốc chỉ dùng cho các bệnh nhân không bị loét dạ dày tá tràng hoặc xuất huyết tiêu hoá.
– Thuốc chẹn bêta, canxi như như atenolol, bisoprolol, metoprolol… giúp ổn định nhịp tim, giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên cần tránh sử dụng ở những người có nhịp tim chậm
Để sử dụng các loại thuốc một cách an toàn và hiệu quả nhất, bạn cần được thăm khám với bác sĩ chuyên khoa tim mạch và nhận kết quả chẩn đoán cũng như tư vấn điều trị một cách chính xác.
>>>>>Xem thêm: Tăng huyết áp trẻ em là bệnh gì? Có nguy hiểm không?
Bệnh mạch vành có nguy hiểm hay không đôi khi còn do cách bạn kiểm soát và ngăn ngừa bệnh như thế nào
3.2. Thay đổi lối sống giúp phòng ngừa biến chứng bệnh mạch vành
Việc thay đổi lối sống có tác dụng rất lớn trong việc cải thiện tình trạng xơ vữa và ngăn ngừa biến chứng của bệnh mạch vành.
Các biện pháp được các chuyên gia khuyên dùng là:
– Dừng ngay việc hút thuốc lá và tránh tiếp xúc thụ động với khói thuốc
– Hạn chế, thậm chí ngưng sử dụng rượu bia;
– Có chế độ ăn uống hợp lý: tránh ăn mặn, hạn chế đồ dầu mỡ, thực phẩm chế biến sẵn, nên ăn các loại trái cây ít đường, các loại ngũ cốc thô, rau quả xanh, trái cây, các loại đậu, các loại hạt,…;
– Tập thể dục thường xuyên, đều đặn: Việc này giúp tăng sức đề kháng, tăng tuần hoàn máu, giảm lượng cholesterol xấu. Tuy nhiên, đặc biệt đối với các bệnh tim mạch, cần lựa chọn hình thức và cường độ tập luyện phù hợp để đảm bảo sức khỏe.
– Kiểm soát tốt các bệnh lý nền: Nếu mắc các bệnh lý nền như đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp,…bạn cần thường xuyên kiểm tra để chắc rằng các chỉ số này đều ở mức cho phép. Những bất thường được phát hiện và điều trị càng sớm thì càng làm giảm nguy cơ biến chứng của bệnh mạch vành.
– Giữ cho tinh thần luôn vui vẻ, tránh làm việc căng thẳng quá mức…
Như vậy, bệnh mạch vành có nguy hiểm không còn tùy thuộc vào cách mà bạn “ứng phó” với nó. Trong mọi trường hợp, hãy chủ động theo dõi và tìm gặp ngay chuyên gia khi có những dấu hiệu bất thường, nhằm xử trí kịp thời, tránh nguy cơ bệnh mạch vành diễn tiến xấu hơn. Mọi thắc mắc về bệnh này cũng như các bệnh tim mạch, bệnh nhân vui lòng liên hệ để được giải đáp và tư vấn chi tiết.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.