Hở van động mạch chủ là một bệnh lý tim mạch rất nguy hiểm. Ngay cả khi ở giai đoạn đầu, bệnh nhân mắc bệnh này cũng cần được được điều trị tích cực để ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm. Vậy nên đi khám tim mạch hở van động mạch chủ khi nào, ở đâu và quy trình ra sao? Hãy cùng tìm hiểu những thông tin về căn bệnh này qua bài viết dưới đây.
Bạn đang đọc: Khám tim mạch hở van động mạch chủ khi nào, ở đâu?
1. Những điều cần biết về bệnh hở van động mạch chủ
1.1 Hở van động mạch chủ là gì?
Hở van động mạch chủ là một bất thường của van động mạch chủ. Van nằm giữa tâm thất trái và động mạch chủ, có chức năng kiểm soát lượng máu đi từ thất trái đến động mạch chủ để đi nuôi toàn bộ cơ thể. Đặc trưng của bệnh này là van động mạch chủ không thể đóng hoàn toàn, khiến một phần máu bị phụt ngược trở lại tâm thất trái.
Hở van động mạch chủ là bệnh tim mạch cần được khám và điều trị sớm.
1.2 Nguyên nhân gây bệnh
Hở van động mạch chủ có thể do bẩm sinh nhưng cũng có thể do nhiều nguyên nhân khác gây ra như:
– Do viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn
– Do lóc tách động mạch chủ
– Do chấn thương làm tổn thương các lá van
– Do biến chứng sau khi thực hiện can thiệp như thay van động mạch chủ qua da
– Do tổn thương van hậu thấp (thấp tim)
– Do giãn gốc động mạch chủ, bệnh van động mạch chủ hai lá van, vôi hóa van
– Do các bệnh lý di truyền như hội chứng Marfan, hội chứng Ehler-Danlos,..
1.3 Hở van động mạch chủ nguy hiểm như thế nào?
Bệnh hở van động mạch chủ mạn tính thường không gây triệu chứng trong một thời gian dài. Bệnh nhân thường chỉ đi khám khi tim đã có dấu hiệu suy yếu như:
– Khó thở vào ban đêm, khó thở khi gắng sức
– Đau tức ngực do lượng máu cung cấp cho cơ thể thiếu hụt nghiêm trọng
– Phù chân, tay do tích nước
Tìm hiểu thêm: Nguyên nhân và tác hại của bệnh xơ vữa động mạch
Khi xuất hiện các triệu chứng bất thường như khó thở, đau ngực dữ dội, cần đi khám ngay vì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo cơn nhồi máu cơ tim, đột tử, đột quỵ đang đến gần.
Người bệnh thường phát hiện bệnh muộn, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động và chức năng của tim. Tim phải co bóp nhiều hơn để đảm bảo lượng máu cung cấp cho động mạch chủ, dẫn đến quá tải cả về thể tích và áp lực. Điều này khiến tâm thất trái giãn và phì đại, gây hiện tượng tim to.
Ngược lại, đối với hở van động mạch chủ cấp tính, người bệnh thường biểu hiện các triệu chứng rất rầm rộ như:
– Khó thở nhiều
– Phù phổi cấp có thể sốc tim
– Đau ngực dữ dội
Tình trạng cấp tính thường gây nguy hiểm tới tính mạng nếu không được xử trí kịp thời.
2. Khám tim mạch hở van động mạch chủ như thế nào?
2.1 Hở van động mạch chủ khám chuyên khoa nào?
Do bệnh thường không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu nên đi khám tại các chuyên khoa tim mạch để có thể dự phòng các nguy cơ, khám và phát hiện ra bệnh sớm. Như vậy sẽ rất có lợi cho quá trình điều trị.
2.2 Khi nào cần khám tim mạch hở van động mạch chủ?
Nếu đã được chẩn đoán mắc bệnh này, bạn nên bắt tay vào điều trị ngay dù bệnh ở bất cứ giai đoạn nào. Việc này giúp tránh bệnh tăng nặng dễ dẫn tới các biến cố tim mạch nguy hiểm.
Đối với các bệnh nhân bị hở van động mạch chủ đang trong quá trình điều trị, chu kỳ thăm khám sẽ phụ thuộc vào chỉ định của bác sĩ.
Ngoài việc thăm khám định kỳ, bạn cũng nên đi khám ngay nếu có những dấu hiệu bất thường như khó thở nhiều, đau ngực dữ dội… để xử lý kịp thời những tình huống khẩn cấp.
>>>>>Xem thêm: Chữa huyết áp thấp bằng những cách đơn giản
Các chẩn đoán lâm sàng và cận lâm sàng giúp đưa ra các kết luận chính xác về bệnh hở van động mạch chủ. Từ đó các bác sĩ có thể đưa ra những phương án điều trị và chăm sóc phù hợp cho bệnh nhân.
2.3 Khám tim mạch hở van động mạch chủ gồm những bước nào?
Cũng như khám các chuyên khoa khác, các bệnh lý tim mạch khác, quy trình khám tim mạch đối với bệnh lý hở van động mạch chủ cũng bao gồm các bước: khám lâm sàng, khám cận lâm sàng, đọc kết quả.
Khám lâm sàng
Đối với chẩn đoán bệnh lý hở van tim, người bệnh sẽ được bác sĩ hỏi về các triệu chứng đang gặp phải, tiền sử bệnh, chế độ ăn uống, sinh hoạt, dùng thuốc,…
Sau đó, các bác sĩ sẽ tiến hành quan sát các triệu chứng lâm sàng như màu sắc của da, biểu hiện phù chân tay,… Ngoài ra, sờ tim và nghe tim cũng là thao tác giúp chẩn đoán các bệnh lý van tim hiệu quả.
Đối với bệnh nhân bị hở van động mạch chủ, khi khám có thể thấy tiếng thổi tâm trương ở ổ van động mạch chủ, ổ Ert- Botkin, mạch nảy mạnh chìm sâu, có sự chênh lệch lớn giữa huyết áp tâm thu và tâm trương…
Khám cận lâm sàng
Các thăm khám lâm sàng kể trên là những cơ sở quan trọng để các bác sĩ đưa ra các chỉ định cận lâm sàng tiếp theo. Các chẩn đoán cận lâm sàng thường được chỉ định khi nghi ngờ hở van động mạch chủ gồm:
– Siêu âm tim: Đây là biện pháp đơn giản, không xâm lấn nhưng rất hiệu quả trong việc chẩn đoán các bệnh lý van tim. Kết quả siêu âm tim có thể xác định được nguyên nhân gây hở van động mạch chủ, mức độ hở van, chức năng tim.
– Điện tâm đồ: Kỹ thuật này ít có giá trị chẩn đoán bệnh hở van động mạch chủ nhưng có thể phát hiện được các rối loạn nhịp tim.
– X-quang ngực: Giúp hỗ trợ chẩn đoán trong trường hợp lóc tách động mạch chủ, bóng tim to ở những người bệnh suy tim.
Ngoài ra, chụp cắt lớp vi tính và cộng hưởng từ có thể được chỉ định trong những trường hợp cần thiết.
Đọc kết quả và tư vấn điều trị
Dựa vào kết quả chụp chiếu, các bác sĩ sẽ đưa ra những kết luận chính xác và tư vấn điều trị hợp lý.
Như vậy, có thể thấy khám tim mạch hở van động mạch chủ là một tổ hợp rất nhiều các thao tác và cần đến nhiều máy móc hỗ trợ. Bạn cần thực hiện việc thăm khám này tại chuyên khoa tim mạch của các cơ sở y tế uy tín. Điều này giúp đảm bảo các kết quả chẩn đoán chính xác, là tiền đề cho quá trình điều trị hiệu quả.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.