Triệu chứng động mạch vành rất đa dạng, xảy ra khác nhau ở mỗi người bệnh và hay bị nhầm lẫn sang những bệnh khác. Đôi khi bệnh nhân không có dấu hiệu điển hình nào nên không biết mình bị bệnh. Chỉ đến khi xảy ra cơn đau ngực, nhồi máu cơ tim hoặc ngừng tim đột ngột thì đã quá muộn. Vì vậy, nắm được các dấu hiệu quan trọng của bệnh giúp phần biệt bệnh mạch vành với những bệnh khác để phòng và điều trị hiệu quả.
Bạn đang đọc: Phân biệt triệu chứng động mạch vành với bệnh khác
1. Bệnh động mạch vành là bệnh gì?
Cơ tim cũng như các cơ quan khác của cơ thể, đều cần dòng máu giàu oxy cung cấp năng lượng cho mọi hoạt động bình thường. Hệ thống động mạch vành xuất phát từ động mạch chủ làm nhiệm vụ cung cấp máu cho cơ tim. Hệ thống động mạch vành gồm động mạch vành trái và phải. Chúng chia thành các nhánh nhỏ dẫn máu tới từng vùng cơ tim.
Bệnh động mạch vành xảy ra khi một hoặc nhiều nhánh động mạch vành bị hẹp hay tắc nghẽn. Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng này, chủ yếu nhất là do mảng vữa xơ động mạch vành như cholesterol. Khi đó mạch vành sẽ không cung cấp đủ oxy cho cơ tim nữa do hoạt động lưu thông máu qua động mạch trở nên khó khăn hơn. Hậu quả dẫn đến tình trạng nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực, suy tim hoặc đột quỵ.
Đây đều là những biến chứng vô cùng nguy hiểm của bệnh mạch vành. Vì vậy, nắm đầy đủ thông tin về triệu chứng sớm và điển hình của bệnh sẽ giúp cho việc phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh mạch vành hiệu quả hơn.
Nắm được các dấu hiệu quan trọng của bệnh mạch vành giúp chúng ta phần biệt bệnh với những bệnh khác để phòng và điều trị hiệu quả.
2. Phân biệt bệnh bằng các triệu chứng động mạch vành phổ biến
2.1. Đau thắt ngực là triệu chứng động mạch vành quan trọng nhất
Theo các bác sĩ, đau thắt ngực là triệu chứng cơ bản và quan trọng nhất để nhận biết bệnh mạch vành. Có hai loại đau thắt ngực: Cơn đau thắt ngực ổn định và không ổn định. Đau thắt ngực ổn định do mảng xơ vữa làm hẹp lòng động mạch, xuất hiện và lặp đi lặp lại khi gắng sức. Đau thắt ngực không ổn định nguy hiểm hơn, có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, kể cả khi bệnh nhân nghỉ ngơi hoặc gắng sức. Nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời bệnh có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim hoặc đột tử. Dấu hiệu chính phân biệt giữa đau thắt ngực ổn định và không ổn là cơn đau xảy ra khi gắng sức hay khi nghỉ ngơi.
Cơn đau thắt ngực do bệnh mạch vành thường có dấu hiệu như sau:
– Vùng ngực có cảm giác như có một thứ gì đó khó chịu trong lồng ngực. Hoặc đau thắt nghẹt, bó chặt, đè ép vùng ngực.
– Vị trí đau thường xảy ra ở vùng tim, giữa ngực hoặc sau xương ức.
– Cơn đau có thể lan xuống vai, cánh tay bên trái hoặc lan lên trên vùng cổ, hàm. Rất ít trường hợp đau lan ra vùng sau lưng, vùng cột sống.
– Cơn đau thường rất ngắn, chỉ thoáng qua hoặc một vài phút. Nếu đau ngực dài hơn 15 phút có thể do nhồi máu cơ tim.
2.2. Khó thở là triệu chứng động mạch vành hay gặp nhất
Nếu cơ tim không nhận đủ nguồn máu giàu oxy đáp ứng nhu cầu hoạt động, người bệnh có thể gặp triệu chứng: Khó thở, không thể thở được hoặc cực kỳ mệt mỏi khi hoạt động. Dấu hiệu có thể trầm trọng hơn khi bệnh nhân gắng sức hoặc căng thẳng về cảm xúc.
2.3. Đau tim
Động mạch vành khi bị tắc nghẽn hoàn toàn sẽ gây ra các cơn nhồi máu cơ tim. Các triệu chứng điển hình của cơn đau tim bao gồm:
– Lồng ngực như có áp lực đè nén
– Đau ở vai hoặc cánh tay
– Khó thở, mệt mỏi, buồn nôn và đổ mồ hôi. Đây là một dấu hiệu đáng lo ngại nếu chúng là triệu chứng duy nhất, vì rất dễ nhầm lẫn với bệnh khác
Đôi khi cơn đau tim xảy ra nhưng không đi kèm bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng rõ ràng nào.
2.4. Chóng mặt
Người bệnh có triệu chứng động mạch vành có thể bị hoa mắt hoặc chóng mặt không liên tục nếu mắc bệnh mạch vành. Dấu hiệu này hay đi kèm với hoạt động gắng sức, hoặc xảy ra bất cứ lúc nào.
2.5. Đánh trống ngực
Nhịp tim không đều có thể giống như cảm giác tim đập mạnh, đánh trống ngực hoặc run rẩy. Hiện tượng hay xảy ra cùng với hoa mắt, chóng mặt, choáng váng.
Tìm hiểu thêm: Tác động của thuốc lá với tim mạch có hại rất nhiều
Đau thắt ngực là triệu chứng cơ bản và quan trọng nhất để nhận biết bệnh mạch vành.
3. Đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh động mạch vành
Một số yếu tố rủi ro dưới đây có thể đẩy nhanh quá trình mắc bệnh mạch vành:
– Nam giới trên 45 tuổi và nữ giới trên 55 tuổi
– Tiền sử gia đình bị suy tim
– Hút thuốc lá
– Mức cholesterol LDL xấu cao và mức cholesterol HDL tốt thấp
– Một số bệnh, chẳng hạn như bệnh tiểu đường, thừa cân hoặc béo phì, huyết áp cao
– Ít tập thể dục
– Hay căng thẳng, stress
– Nữ giới ít có nguy cơ mắc bệnh mạch vành hơn nam giới. Ở phụ nữ, rủi ro tăng lên sau khi mãn kinh.
4. Chẩn đoán bệnh mạch vành
Để chẩn đoán, bác sĩ sẽ hỏi người bệnh về các triệu chứng, tiền sử bệnh và các yếu tố nguy cơ. Dựa trên thông tin này, bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh cần thiết để đánh giá tình trạng động mạch:
– Điện tâm đồ (ECG)
– Siêu âm tim Doppler tim
– Kiểm tra căng thẳng
– Chụp mạch kỹ thuật số
– Chụp cắt lớp vi tính (CT)
– Chụp cộng hưởng từ (MRI)
– Xét nghiệm máu
>>>>>Xem thêm: Bệnh tim đập chậm: Nguyên nhân, biểu hiện, điều trị
Đẩy lùi yếu tố rủi ro về lối sống có thể giúp chúng ta phòng bệnh mạch vành
5. Phòng tránh mắc bệnh mạch vành
Dưới đây là một số mẹo tốt cho tim sẽ giúp bạn ngăn ngừa bệnh mạch vành:
5.1 Bỏ hút thuốc
Bỏ thuốc lá là bước quan trọng nhất mà một người hút thuốc có thể làm để giảm nhanh và đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành
5.2 Chế độ ăn uống lành mạnh
Đó là chế độ ăn phải ít muối và chất béo (ít hơn 30% lượng calo hàng ngày) và chứa nhiều chất xơ, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, các loại hạt và ngũ cốc. Tránh chất béo bão hòa, dầu thực vật hydro hóa một phần (chất béo chuyển hóa), thực phẩm chiên xào và đường tinh luyện.
5.3 Giảm cân
Thông qua một chế độ ăn uống lành mạnh cũng có thể làm giảm các nguy cơ liên quan đến bệnh mạch vành
5.4 Sử dụng rượu bia điều độ
Không uống hơn 2 ly mỗi ngày, 10 ly mỗi tuần đối với phụ nữ; 3 ly mỗi ngày, 15 ly mỗi tuần đối với nam giới.
5.5 Giữ lượng đường trong máu trong tầm kiểm soát
Bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành, đặc biệt nếu lượng đường trong máu không được kiểm soát tốt.
5.6 Kiểm tra mức cholesterol định kỳ
Bác sĩ sẽ cho bạn biết khi nào nên kiểm tra và tần suất phù hợp. Những người không có yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim và mạch máu thường bắt đầu ở tuổi 40. Tùy thuộc vào các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim, mức cholesterol mục tiêu của bạn sẽ khác nhau.
5.7 Luyện tập thể dục đều đặn
Ngoài việc giảm nguy cơ đau tim, hoạt động thể chất thường xuyên làm chậm nhịp tim, cải thiện mức cholesterol và giúp kiểm soát huyết áp. Trước khi bắt tay vào một chương trình tập thể dục, điều cần thiết là phải hỏi ý kiến bác sĩ môn thể thao phù hợp, đặc biệt là đối với những người bị các vấn đề y tế khác.
5.8 Học cách quản lý mức độ căng thẳng của bạn
Ngoài việc giảm mức độ một số hormone có thể làm tăng nguy cơ đau tim, biện pháp này cũng có lợi cho những người bị huyết áp cao.
Tóm lại, bệnh mạch vành là một căn bệnh nguy hiểm, là nguyên nhân tử vong hàng đầu tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Căn bệnh nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng vô cùng nguy hiểm đe dọa tính mạng người bệnh. Chúng ta cần hiểu biết triệu chứng động mạch vành để phân biệt chúng với dấu hiệu những bệnh khác để không bỏ qua những “tín hiệu” cảnh báo, từ đó chủ động thăm khám tim mạch và điều trị hiệu quả.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.