Hở van tim là một trong những bệnh lý tim mạch rất phổ biến hiện nay. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể gặp phải các biến chứng nguy hiểm như suy tim, phù phổi cấp, đột quỵ,…đe dọa tới tính mạng. Hãy cùng tìm hiểu về bệnh lý van tim này trong bài viết sau đây.
Bạn đang đọc: Hở van tim: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
1. Bệnh hở van tim là gì?
Hở van tim là hiện tượng các van tim không thể đóng được hoàn toàn, khiến máu phụt trở lại các buồng tim trước đó.
Cấu trúc tim bao gồm bốn van tim: van 2 lá, van 3 lá, van động mạch chủ và van động mạch phổi. Các van này có nhiệm vụ kiểm soát lượng máu lưu thông giữa các buồng tim và hệ tuần hoàn theo một chiều nhất định từ tĩnh mạch chạy về tim và đi ra động mạch để đi nuôi cơ thể mà không chảy theo chiều ngược lại.
Nếu một trong bốn van này bị hở, một phần dòng máu sẽ bị chảy ngược trở lại buồng tim mỗi khi co bóp.
Hở van tim là tình trạng các van tim không thể đóng hoàn toàn khi co bóp, dẫn đến máu trào ngược lại buồng tim.
2. Các loại hở van thường gặp
2.1 Phân loại hở van tim dựa theo loại van
Các dạng hở van tương ứng với các loại van tim, gồm:
– Hở van 2 lá
Van hai lá có chức năng kiểm soát dòng máu từ tâm nhĩ trái xuống tâm thất trái. Khi van hai lá không đóng hoàn toàn, một lượng máu xuống thất trái sẽ bị trào ngược trở lại nhĩ trái và được gọi là hở van 2 lá.
– Hở van 3 lá
Thông thường, máu từ tâm nhĩ phải sẽ đi qua van ba lá để xuống tâm thất phải. Sau đó máu được bơm vào động mạch phổi để phổi trao đổi oxy. Nếu van ba lá hở, một phần máu sẽ trào ngược trở lại nhĩ phải.
– Hở van động mạch chủ
Van động mạch chủ kiểm soát quá trình máu mang oxy từ thất trái đi vào động mạch chủ và mang máu đi nuôi cơ thể. Vì vậy, đây chính là loại có vai trò quan trọng nhất trong hệ thống van tim. Hở van động mạch chủ khiến cho một phần lượng máu được bơm vào động mạch chủ trào ngược trở lại thất trái trong kỳ tâm thu, dẫn tới giảm dòng máu đi nuôi cơ thể.
– Hở van động mạch phổi
Khi van động mạch phổi hở, một lượng máu cần đi vào động mạch phổi lại trào ngược lại thất phải, làm giảm lượng máu đi từ tâm thất phải lên động mạch phổi để trao đổi oxy.
2.2 Phân loại hở van tim theo mức độ hở của van
Dựa vào mức độ hở của van tim, có thể chia bệnh này thành nhiều cấp độ khác nhau:
– Cấp độ 1/4: Van hở nhẹ
– Cấp độ 2/4: Van tim hở trung bình
– Cấp độ 3/4: Van hở nặng
– Cấp độ 4/4: Van hở rất nặng
3. Nguyên nhân khiến van tim bị hở
Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây hở các van tim, trong đó có những yếu tố không thể thay đổi được và có thể thay đổi. Cụ thể:
3.1 Các yếu tố không thể thay đổi
– Di truyền: Những người có người thân bị mắc các bệnh lý tim mạch dễ có nguy cơ mắc bệnh này.
– Tuổi tác: Khi tuổi càng cao, cấu trúc van tim có thể thay đổi, sự linh hoạt của van tim cũng giảm đi. Sự vôi hóa canxi và các chất lắng đọng khiến các nắp van không thể đóng kín hoàn toàn, khiến van tim dễ bị hở.
– Bẩm sinh: Nhiều trường hợp bị van tim bị hở bẩm sinh do những khiếm khuyết từ lúc hình thành bào thai.
3.2 Các yếu tố có thể thay đổi
– Sốt thấp khớp: Người bệnh bị nhiễm khuẩn Streptococus nếu không được điều trị kịp thời có thể khiến tổn thương bị van tim.
– Mắc một số bệnh như xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, cơ tim giãn nở, viêm nội tâm mạc, phình động mạch chủ,…có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh hở van tim.
– Đứt, giãn các các dây chằng và phần cơ giữ van tim.
Ngoài ra có rất còn rất nhiều nguyên nhân khác gây ra các tổn thương ở van tim mà chỉ có thể xác định được cụ thể và chính xác bởi các bác sĩ chuyên khoa cùng những thiết bị hiện đại. Vì thế, khi có các dấu hiệu nghi ngờ, bạn nên đến ngay chuyên khoa tim mạch của các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị.
Tìm hiểu thêm: Những dấu hiệu mắc bệnh tim mạch
Khó thở là một trong những triệu chứng đầu tiên của bệnh này.
4. Triệu chứng của bệnh
Bệnh hở van tim ở giai đoạn đầu thường không xuất hiện hoặc nếu có thì các triệu chứng thường không rõ ràng. Vì vậy, người bệnh rất khó phát hiện và thường chỉ biết mình bị bệnh khi vô tình kiểm tra sức khỏe tại các cơ sở y tế.
Các dấu hiệu của bệnh rõ ràng hơn ở giai đoạn nặng, bao gồm:
– Khó thở: Đây là triệu chứng đầu tiên và khá rõ nét ở những người bệnh có van tim bị hở. Tình trạng khó thở tăng lên khi bệnh nhân nằm xuống hoặc hoạt động mạnh.
– Mệt mỏi: Van tim bị hở lâu ngày sẽ khiến lượng máu thiếu hụt nghiêm trọng, tim phải co bóp nhiều hơn. Người bệnh thường cảm thấy mệt mỏi kéo dài liên tục ngay cả khi không hoạt động.
– Tim đập nhanh, đánh trống ngực: Tim phải làm việc nhiều hơn để bơm đủ lượng máu bù lại lượng máu bị trào ngược do hở van, kéo theo rối loạn nhịp tim.
– Chóng mắt, hoa mặt: Thiếu máu nuôi dưỡng cơ thể và đặc biệt là hệ thống thần kinh khiến bạn có thể bị hoa mắt, chóng mặt.
– Sưng chân, mắt cá chân: Đây là biểu hiện điển hình của những bệnh nhân đã bị biến chứng suy tim.
– Ho khan: Triệu chứng này thường gặp ở bệnh hở van 2 lá và 3 lá. Tình trạng ho rõ rệt nhất là vào ban đêm.
4. Biến chứng thường gặp
Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể gặp những biến chứng nguy hiểm như:
– Suy tim
– Rối loạn nhịp tim
– Phù phổi cấp
– Tai biến mạch máu não
5. Phương pháp chẩn đoán bệnh tùy từng trường hợp
Hở van tim là một bệnh lý phức tạp thường biểu hiện muộn. Để chẩn đoán bệnh này, bạn cần được khám với các bác sĩ chuyên khoa Tim mạch và thực hiện các xét nghiệm, chụp chiếu hiện đại như:
– Điện tâm đồ
– X-quang ngực
– Siêu âm tim
– Chụp vi tính cắt lớp (CT)
– Chụp cộng hưởng từ (MRI)
>>>>>Xem thêm: Tăng huyết áp tâm trương là gì? Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh có thể được phát hiện sớm và điều trị hiệu quả tại chuyên khoa tim mạch của các cơ sở uy tín.
6. Các phương pháp điều trị
Tùy vào loại van tim bị hở và mức độ của bệnh, các bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị khác nhau. Thông thường, nếu bạn mới chỉ bị hở van nhẹ thì chỉ cần điều chỉnh và duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, chưa cần điều trị.
Đối với các trường hợp có biểu hiện triệu chứng, các triệu chứng gây nhiều khó chịu thì bệnh nhân có thể cần điều trị bằng các loại thuốc do bác sĩ chỉ định. Các loại thuốc mà bạn có thể tham khảo khi điều trị bệnh này gồm thuốc lợi tiểu, thuốc giãn mạch nhóm nitrate, thuốc chống đông máu, thuốc chẹn beta giao cảm… Người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ theo đơn thuốc được kê, không tự ý đổi loại thuốc, tăng liều hay ngưng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Đối với các trường hợp nặng hơn, bệnh nhân không đáp ứng thuốc hoặc bệnh đã tiến triển gây ra biến chứng, các biện pháp can thiệp khác có thể được xem xét sử dụng để ngăn chặn những nguy hiểm đe dọa đến tính mạng.
Hi vọng với những kiến thức trên đây, bạn đã hiểu hơn về bệnh hở van tim cũng như các dấu hiệu nhận biết, điều trị căn bệnh nguy hiểm này. Thay vì lo lắng, hãy thực hiện lối sống lành mạnh để phòng bệnh và sớm tìm đến các chuyên gia tim mạch khi có các triệu chứng nghi ngờ hoặc biểu hiện bất thường của cơ thể.
Nếu có nhu cầu thăm khám tim mạch, bệnh nhân vui lòng liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và đặt lịch lịch sớm.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.