Tắc mạch vành tim có thể là tình trạng cấp tính với những triệu chứng rầm rộ như đau ngực dữ dội, khó thở, choáng ngất, nhưng cũng có thể là hậu quả của bệnh mạch vành mạn tính với những biểu hiện âm thầm, diễn tiến trong thời gian dài. Cùng tìm hiểu tắc mạch vành là gì, có nguy hiểm không và cách phòng tránh trong bài viết dưới đây.
Bạn đang đọc: Tắc mạch vành tim là gì, có nguy hiểm không?
1. Tắc mạch vành tim là gì?
Mạch vành tim hay động mạch vành là hệ thống động mạch vận chuyển máu đến nuôi dưỡng cơ tim. Nhưng vì một hoặc nhiều lý do mà lòng mạch bị thu hẹp đến mức máu khó hoặc không thể lưu chuyển qua mạch vành. Hiện tượng đó gọi là tắc mạch vành tim.
2. Nguyên nhân tắc mạch vành
Nguyên nhân chủ yếu gây tắc mạch vành là do sự phát triển của bệnh mạch vành, đặc biệt là quá trình xơ vữa động mạch vành. Sự hình thành các mảng bám trên thành mạch có bản chất là cholesterol, canxi và các chất lắng đọng khiến lòng mạch ngày càng bị thu hẹp, gây khó khăn cho việc lưu thông máu đến mạch vành.
Khi các mảng bám này phát triển quá lớn, chiếm trên 70% thiết diện mạch vành sẽ chặn gần như hoàn toàn hoặc hoàn toàn con đường vận chuyển của máu, khiến cơ tim không được cung cấp máu, dưỡng chất và hoại tử.
Trong quá trình phát triển, các mảng xơ vữa mềm có nguy cơ vỡ ra, cùng với cơ chế tập kết tiểu cầu kích thích sự hình thành các cục máu đông. Các cục máu đông có các kích thước khác nhau di chuyển trong máu, khi gặp các vị trí hẹp của lòng mạch có thể bị chặn lại, gây bít tắc mạch máu.
Một số trường hợp khác, tắc mạch vành có thể là biến chứng sau đặt stent mạch vành.
Xơ vữa động mạch và sự hình thành cục máu đông là những nguyên nhân chủ yếu gây tắc mạch vành.
3. Tắc mạch vành có nguy hiểm không?
Tắc mạch vành có nhiều cấp độ. Nếu hiện tượng tắc nghẽn xảy ra ở các động mạch vành nhánh thì mức độ nguy hiểm thường ít hơn trường hợp tắc các động mạch chính. Tuy nhiên, không thể chủ quan vì nếu tắc nghẽn các mạch máu nhỏ trong một thời gian dài cũng sẽ khiến tim trở nên suy yếu. Nếu nhiều mạch máu nhỏ cùng tắc nghẽn một lúc thì nguy cơ hoại tử cơ tim trên diện rộng, gây ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của tim là rất cao.
Các trường hợp tắc mạch vành có sự xuất hiện của cục máu đông thường là tình trạng cấp tính, gây nguy hiểm đến tính mạng, cần được xử lý ngay. Trong khi đó các trường hợp tắc mạch vành do sự xâm lấn của các mảng xơ vữa thường không gây nguy hiểm ngay nhưng cũng khiến hoạt động của tim cũng như toàn bộ cơ thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng do thiếu máu cơ tim kéo dài.
4. Cần làm gì khi bị tắc động mạch vành tim?
4.1 Các biểu hiện cảnh báo nguy hiểm
Bệnh nhân bị tắc mạch vành tim thường có các biểu hiện sau:
– Đau thắt ngực do không đủ máu nuôi cơ tim. Triệu chứng đau thắt ngực thường xảy ra đột ngột, kéo dài liên tục trên 15 phút, dùng thuốc giãn mạch không thuyên giảm.
– Khó thở hệ tuần hoàn bị ảnh hưởng, khiến máu lên phổi không đủ để trao đổi oxy
– Choáng ngất do nguồn máu cung cấp bị giảm đột ngột hoặc không cung cấp đủ trong thời gian dài
– Vã mồ hôi do hệ thần kinh giao cảm phản ứng với cảm giác đau
– Nôn hoặc buồn nôn
– Rối loạn tiêu hóa
Đây là trường hợp cấp tính, cần đưa người bệnh đến bệnh viện ngay để được xử trí kịp thời.
Tìm hiểu thêm: Bệnh xơ vữa mạch vành: Triệu chứng và cách điều trị hiệu quả
Choáng ngất có thể là dấu hiệu của tình trạng tắc mạch vành.
4.2 Cách xử trí trong trường hợp tắc mạch vành tim cấp tính
Tại cơ sở y tế uy tín, bệnh nhân sẽ được khám bởi đội ngũ bác sĩ chuyên khoa và thực hiện các xét nghiệm, chụp chiếu cận lâm sàng để xác định nguyên nhân và mức độ tắc hẹp của mạch vành.
Với những bệnh nhân bị tắc mạch do cục máu đông, thuốc tiêu sợi huyết là một trong những biện pháp cấp cứu phổ biến. Ngoài ra, các loại thuốc giãn mạch như Nitroglycerin có thể giúp mở rộng đường lưu thông của máu, tái tưới máu đến cơ tim, giúp người bệnh vượt qua nguy kịch. Trong một số trường hợp nguy cấp, bệnh nhân có thể được thực hiện một số phương pháp nhằm khai thông mạch vành, phục hồi khả năng tưới máu cơ tim.
Sau khi bệnh nhân đã ổn định hơn, có thể kết hợp việc điều trị nội khoa và thay đổi lối sống để cải thiện tình trạng bệnh. Các loại thuốc được sử dụng cho quá trình điều trị hay các phương pháp điều trị khác đều không có giá trị chung cho tất cả các trường hợp bệnh nhân và cần được chỉ định bởi các bác sĩ chuyên khoa dựa trên tình hình thực tế.
5. Các biện pháp phòng tránh
5.1 Điều trị tích cực bệnh mạch vành
Tắc mạch vành là hậu quả của bệnh mạch vành tiến triển. Vì thế cách tốt nhất để phòng ngừa tắc mạch là phát hiện và điều trị sớm bệnh mạch vành.
Tùy theo thời điểm phát hiện bệnh và tình trạng từng bệnh nhân cụ thể mà các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ phù hợp.
>>>>>Xem thêm: Đau tim ở người trẻ
Thay đổi lối sống và điều trị đúng phác đồ là “chìa khóa” giúp ngăn ngừa tình trạng tắc mạch vành. Quá trình này cần được thực hiện với sự tư vấn và giám sát của bác sĩ chuyên khoa tim mạch để cho hiệu quả cao nhất.
5.2 Thay đổi lối sống giúp ngăn ngừa tắc mạch vành tim
Thói quen ăn uống, sinh hoạt thiếu lành mạnh như ăn nhiều dầu mỡ, hút thuốc lá, uống rượu bia, lười vận động… là những yếu tố nguy cơ có ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch, trong đó có động mạch vành.
Thực hiện lối sống tích cực là phương pháp đơn giản mà hữu hiệu để bảo vệ sức khỏe mạch vành, ngăn ngừa tình trạng hẹp tắc mạch vành. Các biện pháp bao gồm:
– Ăn nhạt
– Hạn chế ăn đồ chiên rán, nhiều chất béo bão hòa
– Tăng cường rau xanh và các loại trái cây
– Thường xuyên luyện tập thể dục giúp hạn chế tích tụ mỡ thừa, ngăn tình trạng hình thành mảng xơ vữa
Như vậy, tắc mạch vành tim là bệnh lý nguy hiểm nhưng có thể phòng ngừa và ngăn chặn bằng sự chủ động của bạn. Hãy duy trì thói quen lành mạnh và thường xuyên đi khám chuyên khoa tim mạch để chăm sóc hệ mạch vành thật tốt.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.