Bệnh van tim hậu thấp là một trong những biến chứng của bệnh thấp tim với tỉ lệ mắc bệnh khoảng 3%. Rất khó để chữa khỏi hoàn toàn bệnh này nhưng có thể điều trị cải thiện nếu phát hiện bệnh sớm. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn hiểu nguyên nhân, triệu chứng, cách chẩn đoán và điều trị bệnh hiệu quả.
Bạn đang đọc: Bệnh van tim hậu thấp: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị
1. Bệnh van tim hậu thấp là gì?
Bệnh van tim hậu thấp là tình trạng van tim bị tổn thương, dày lên do hậu quả của bệnh thấp tim – của một bệnh tự miễn gây ra bởi liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A.
Bệnh thường khởi phát với tình trạng viêm họng hoặc các viêm nhiễm đường hầu họng khác như viêm amidan, viêm xoang,…trong khoảng 2 – 3 tuần. Trong thời gian này, cơ thể sản sinh kháng thể chống lại vi khuẩn gây bệnh. Tuy nhiên, chất cấu tạo nên cơ tim và van tim có cấu tạo gần giống với tế bào vi khuẩn, cụ thể:
– Thành phần hyaluronat trong glycoprotein của van tim giống với màng liên cầu khuẩn.
– Màng sợi cơ tim tương tự kháng nguyên trên màng liên cầu khuẩn.
– Myosin của cơ tim giống với protein M – độc tố chính của vi khuẩn liên cầu tan huyết nhóm A.
Do đó hệ miễn dịch có thể nhận diện và tấn công nhầm cấu trúc van tim, cơ tim. Hậu quả là các lá van tim dày lên, dính lại với nhau. Cùng với đó là hiện tượng lắng đọng canxi khiến các lá van trở nên cứng hơn, giảm khả năng đóng – mở linh hoạt, gây ra tình trạng hẹp, hở van tim.
Có thể nói đây là một trong những biến chứng của bệnh thấp tim. Tỉ lệ mắc bệnh tương đối thấp, chỉ khoảng 3%. Điều này chứng tỏ chỉ một số người có kháng nguyên tương tự với liên cầu khuẩn.
Bệnh van tim hậu thấp là biến chứng của bệnh thấp tim do liên cầu khuẩn gây ra, thường xảy ra ở van 2 lá.
2. Bệnh van tim do thấp tim thường xảy ra ở van tim nào?
Theo các chuyên gia, van hai lá và van động mạch chủ là 2 van tim dễ bị tổn thương nhất bởi thấp tim. Trong đó chủ yếu và nguy hiểm nhất là hẹp/hở van hai lá dẫn đến những rối loạn nghiêm trọng về huyết động.
Nếu không được điều trị kịp thời, người bị bệnh van tim do thấp tim có thể gặp phải nhiều biến chứng nguy hiểm như phù phổi cấp, suy tim, tắc mạch, rối loạn nhịp,…Đối với các sản phụ, bệnh van tim đe doạ đến tính mạng của cả mẹ và thai nhi trong suốt quá trình mang thai, thậm chí cả khi sau sinh nở nếu không được điều trị và kiểm soát tốt.
3. Triệu chứng
Các dấu hiệu của bệnh van tim do thấp tim bao gồm:
– Đau ngực, khó thở: Người bệnh thường gặp tình trạng này khi làm việc nặng hay gắng sức. Bệnh càng nặng, mức độ đau ngực, khó thở càng nhiều. Thậm chí, các triệu chứng này có thể xuất hiện ngay cả khi bệnh nhân chỉ hoạt động nhẹ nhàng hoặc khi nghỉ ngơi.
– Ho có lẫn một chút máu: Những dấu hiệu này có thể khiến bệnh nhân cũng như bác sĩ nhầm lẫn với các bệnh lý đường hô hấp. Vì thế đa số các vấn đề tại tim thường được phát hiện muộn khi bệnh đã ở giai đoạn nặng, dẫn tới nhiều hậu quả nặng nề.
– Còi cọc, chậm phát triển: Nếu hẹp van hai lá xảy ra ở trẻ nhỏ thì trẻ có thể có biểu hiện còi cọc, chậm lớn, mắc những rối loạn về thần kinh, vận động. Cần đặc biệt chú ý các dấu hiệu này ở trẻ nhỏ để phát hiện bệnh sớm.
4. Chẩn đoán bệnh van tim hậu thấp
Việc chẩn đoán bệnh van tim không khó khăn nếu như bạn sớm thăm khám tại các chuyên khoa tim mạch. Tại đây, các bác sĩ sẽ khám lâm sàng, nghe tim để tìm kiếm tiếng thổi bất thường – dấu hiệu của bệnh hẹp hay hở van.
Nếu nghi ngờ mắc bệnh van tim, bạn có thể được yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm, chụp chiếu như chụp X-quang, điện tâm đồ, siêu âm tim. Đặc biệt, siêu âm tim là phương pháp chẩn đoán các bệnh van tim hiệu quả nhất hiện nay, cho phép đánh giá chính xác mức độ hẹp hay hở van, tổn thương của van, mức độ dày, vôi hóa, tình trạng dây chằng của van tim.
Tìm hiểu thêm: 5 nguyên tắc phòng bệnh thấp tim nên biết
Bạn cần được khám với bác sĩ chuyên khoa tim mạch và thực hiện nhiều kỹ thuật hiện đại để chẩn đoán được bệnh lý tim mạch này.
5. Điều trị bệnh van tim
Các nghiên cứu và thực tế điều trị đều cho thấy rất khó để có thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh hẹp, hở van do thấp tim. Ngay cả các trường hợp đã phẫu thuật thay van tim thì sau đó bệnh nhân vẫn phải sử dụng thuốc để dự phòng huyết khối và các rủi ro biến chứng. Việc điều trị đối với người mắc bệnh van tim hậu thấp hầu hết có mục tiêu là cải thiện các triệu chứng, ngăn bệnh tiến triển và phòng tránh suy tim. Các biện pháp điều trị gồm:
5.1 Điều trị bệnh van tim hậu thấp bằng phương pháp nội khoa
Tùy theo mức độ hẹp, hở van tim và các triệu chứng biểu hiện trên từng người bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định đơn thuốc phù hợp, trong đó sử dụng một hoặc nhiều các loại thuốc sau:
– Thuốc lợi tiểu: hạn chế tình trạng tích nước, làm giảm các triệu chứng ho, phù, khó thở
– Thuốc chống loạn nhịp: giúp kiểm soát nhịp tim, giảm tình trạng hồi hộp, đánh trống ngực.
– Thuốc ức chế men chuyển: giúp giãn mạch máu, hạ huyết áp, giảm áp lực của máu lên van tim.
– Thuốc chẹn beta: chủ yếu dùng trong các trường hợp cần điều trị huyết áp cao, giúp ổn định nhịp tim.
– Thuốc chống đông máu: ngăn ngừa tập kết tiểu cầu, từ đó hạn chế tình trạng rách van hoặc tắc mạch do hình thành cục máu đông trên van tim.
5.2 Can thiệp, phẫu thuật điều trị bệnh van tim hậu thấp
Trong trường hợp, van tim bị tổn thương nặng nề, việc điều trị nội khoa không đáp ứng, bác sĩ có thể chỉ định các biện pháp can thiệp, phẫu thuật van tim.
Trong đó, các biện pháp sửa van được ưu tiên trong các trường hợp:
– Van tim chỉ bị hẹp hoặc hở đơn thuần
– Lá van còn mềm mại
– Dây chằng van tim chưa thương tổn nặng
Trong các biện pháp sửa van, nong van tim qua da là hình thức can thiệp được ưa chuộng bởi chi phí thấp và độ an toàn cao hơn phương pháp mổ hở truyền thống.
Nếu lá van dày, vôi hóa van tim nhiều, dây chằng lá van co rút nặng thì bệnh nhân cần phải thay van tim nhân tạo. Tùy vào tình trạng của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ tư vấn loại van thay thế phù hợp.
>>>>>Xem thêm: Gợi ý các cách để không mất ngủ
Điều trị nội khoa tuy không thể điều trị khỏi bệnh van tim nhưng có thể cải thiện triệu chứng, ngăn bệnh diễn tiến xấu và biến chứng nguy hiểm.
5.3 Điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt
Trong điều trị các bệnh tim mạch nói chung, lối sống khoa học có tác dụng rất lớn trong việc giảm thiểu các yếu tố nguy cơ khiến bệnh van tim tiến triển nặng thêm, nâng cao sức khỏe cho người bệnh. Để cải thiện bệnh này, bạn nên:
– Tăng cường ăn các loại trái cây tươi, rau xanh, các loại hạt, các loại thịt trắng…
– Giảm chất béo bằng cách hạn chế ăn thịt mỡ, đồ ăn nhanh, đồ chiên xào…
– Hạn chế ăn mặn, chỉ ăn lượng muối trong mức khuyến nghị tùy tình trạng bệnh
– Thường xuyên luyện tập thể dục mỗi ngày, ưu tiên các hoạt động vừa sức, phù hợp theo tình trạng sức khỏe như đi bộ, đạp xe, bơi lội, yoga…
– Phát hiện sớm và điều trị triệt để các viêm nhiễm đường hầu họng
Hi vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn thêm hiểu về bệnh van tim hậu thấp và cách nhận biết sớm. Hãy luôn chủ động theo dõi sức khỏe của mình để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời, hiệu quả nhé.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.