Những điều cần biết về nhồi máu cơ tim cấp ST chênh lên

Nhồi máu cơ tim cấp ST chênh lên là một dạng của hội chứng mạch vành cấp dựa trên sự thay đổi của điện tâm đồ. Hiện tượng này là gì, biểu hiện ra sao, làm thế nào để chẩn đoán và điều trị? Những thắc mắc này sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây. 

Bạn đang đọc: Những điều cần biết về nhồi máu cơ tim cấp ST chênh lên

1. Nhồi máu cơ tim cấp ST chênh lên là gì?

Nhồi máu cơ tim ST chênh lên (STEMI) hay nhồi máu cơ tim xuyên thành (MI xuyên thành) là tình trạng hoại tử cơ tim có đoạn ST chênh lên trên điện tâm đồ. 

Cũng như các loại nhồi máu cơ tim nói chung, STEMI có nguyên nhân chủ yếu từ sự hình thành và nứt vỡ của các mảng xơ vữa. Sự nứt vỡ lớn và việc hình thành cục máu đông ồ ạt khiến lòng mạch bị tắc nghẽn toàn bộ. Hậu quả là nhồi máu cơ tim cấp có đoạn ST chênh lên hay nhồi máu cơ tim xuyên thành. 

Nhồi máu cơ tim ST chênh lên cùng với hội chứng mạch vành không ST chênh lên (gồm nhồi máu cơ tim không ST chênh lên và đau thắt ngực không ổn định) tạo nên hội chứng mạch vành cấp. 

Những điều cần biết về nhồi máu cơ tim cấp ST chênh lên

Hiện tượng tắc mạch toàn bộ khiến cho đoạn ST chênh lên trên điện tâm đồ.

2. Các yếu tố nguy cơ

Bệnh thường xuất hiện ở nam trên 45 tuổi và nữ trên 55 tuổi, tần suất xuất hiện cao vào buổi sáng, khoảng từ 6 giờ đến 11 giờ, đặc biệt là trong vòng 3 giờ đầu tiên khi ngủ dậy.

Những người có nguy cơ cao bị nhồi máu cơ tim cấp có đoạn ST chênh lên gồm:

– Những bệnh nhân thường xuyên bị đau thắt ngực không ổn định

– Người thừa cân, béo phì

– Người hút thuốc lá thường xuyên

– Người ít vận động thể lực

– Thường xuyên gặp căng thẳng, stress do công việc, cuộc sống

– Người mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu.

Khoảng 50% các trường hợp, người bệnh có một yếu tố khởi phát như stress, vận động gắng sức, bệnh lý nội khoa nặng, phẫu thuật.

3. Triệu chứng của bệnh 

3.1. Triệu chứng cơ năng của bệnh nhồi máu cơ tim cấp ST chênh lên

Bênh nhân có các biểu hiện như:

– Đau ngực: Đau ngực là triệu chứng thường gặp nhất, thường kéo dài trên 20 phút. Đau kiểu đè nặng, siết chặt, bóp nghẹt, đau sau xương ức hoặc đau ngực trái. Cơn đau có thể lan lên cổ, hàm dưới, vai trái xuống cánh tay trái. Cơn đau thường kèm theo các triệu chứng như vã mồ hôi, khó thở.

– Các triệu chứng khác như mệt mỏi, hồi hộp, khó thở, buồn nôn, nôn, đau thượng vị, rối loạn tri giác,…

3.2. Triệu chứng qua khám lâm sàng

Khám lâm sàng đối với các bệnh nhân này thường không phát hiện bất thường. Một số trường hợp bác sĩ có thể nghe thấy tiếng T1 mờ cùng tiếng T3, T4.

4. Chẩn đoán cận lâm sàng

3 xét nghiệm thường sử dụng nhất trong chẩn đoán nhồi máu cơ tim có ST chênh lên là điện tâm đồ, men tim và siêu âm tim.

4.1. Điện tâm đồ chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp ST chênh lên

Chẩn đoán này luôn được thực hiện ngay tại phòng cấp cứu, không quá 10 phút kể từ khi phát bệnh.

Hình ảnh trên điện tâm đồ trong của các bệnh nhân này có đặc điểm:

– Có ST chênh lên 

– Thường xuất hiện sóng Q bệnh lý

– Chuyển đạo xuyên tâm đối của vùng nhồi máu sẽ có ST chênh xuống

Dựa vào chuyển đạo ST chênh lên và chuyển đạo có sóng Q giúp xác định vùng nhồi máu cơ tim. 

Cùng với đó là các thay đổi động học của điện tâm đồ cho phép chẩn đoán các loại STEMI là đơn độc hay  STEMI có block nhánh trái, STEMI có tạo nhịp thất trái; nhồi máu cơ tim cấp thành dưới hay thành sau, có kèm nhồi máu thất phải không.

Tìm hiểu thêm: Bệnh tim và cách phòng ngừa hiệu quả tốt nhất

Những điều cần biết về nhồi máu cơ tim cấp ST chênh lên

Kết quả điện tâm đồ là cơ sở quan trọng để chẩn đoán nhồi máu cơ tim.

4.2 Men tim

Xét nghiệm men tim là chẩn đoán cận lâm sàng quan trọng cần được thực hiện cho tất cả bệnh nhân trong giai đoạn cấp. Các giá trị men tim thường sử dụng là:

– Xét nghiệm men Troponin-I và Troponin-T

Nếu ít nhất một mẫu men tim tăng cao trên bách phân vị thứ 99 của giới hạn tham chiếu trên thì có thể xác định là nhồi máu cơ tim. Nếu âm tính 2 lần thì có thể loại trừ. 

Trong những trường hợp bệnh nhân có đau ngực hoặc điện tâm đồ chưa rõ ràng, có thể sử dụng Troponin độ nhạy cao. 

– Xét nghiệm CK-MB

Men tim CK-MB thường tăng 4-8 giờ sau nhồi máu và trở về bình thường sau 48-72 giờ. Chỉ số men tim này được dùng để chẩn đoán nhồi máu cơ tim tái phát trong giai đoạn bán cấp của nhồi máu cơ tim.

4.3. Siêu âm tim

Siêu âm tim là phương pháp hỗ trợ chẩn đoán nhồi máu cơ tim với cơ chế sau:

– Tìm kiếm hình ảnh rối loạn vận động vùng: ở nhồi máu cơ tim cấp có ST chênh lên, các bác sĩ thường tìm thấy hình ảnh rối loạn vận động vùng trên siêu âm tim. Các mức độ biểu hiện rối loạn vận động vùng trên siêu âm tim gồm giảm động, vô động, nghịch động. 

– Đánh giá chức năng của tim trong thì tâm trương và thì tâm thu thất trái

– Đánh giá các biến chứng cơ học có thể xảy ra do nhồi máu cơ tim

– Phát hiện huyết khối (nếu có) bám thành trên vùng nhồi máu

– Đánh giá chức năng thất phải trong trường hợp nghi ngờ có nhồi máu thất phải

Ngoài đo 3 xét nghiệm phổ biến, tùy trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm khác trong vòng 24 giờ kể từ khi bệnh nhân nhập viện như:

– Chức năng thận

– Điện giải đồ

– Lipid máu

– Các xét nghiệm công thức máu, đông máu toàn bộ,…

Việc này nhằm đánh giá toàn diện tình trạng người bệnh, là cơ sở cho các chỉ định điều trị.

Những điều cần biết về nhồi máu cơ tim cấp ST chênh lên

>>>>>Xem thêm: Cách điều trị bệnh tim to điều trị bệnh tim to

Các loại thuốc được sử dụng cho bệnh nhân nhồi máu cơ tim có đoạn ST chênh lên tùy thuộc từng trường hợp.

5. Các phương pháp điều trị nhồi máu cơ tim ST chênh lên

Khi nhận thấy các dấu hiệu nhồi máu cơ tim, cần:

– Dừng ngay những việc đang làm, khai thông đường thở

– Ngậm dưới lưỡi hoặc xịt Nitroglycerin hoặc sử dụng aspirin, nitrat hoặc opioid nếu đang có sẵn bên người. Lưu ý, các loại thuốc này đều phải là thuốc đã được bác sĩ đưa vào đơn thuốc điều trị.

– Nếu bệnh nhân bất tỉnh, cần ép tim hoặc hô hấp nhân tạo

– Gọi cấp cứu hoặc đến ngay trung tâm y tế để được xử trí

Đối với nhồi máu cơ tim ST chênh lên cấp, phải thực hiện ngay chiến lược tái tưới máu. Trong đó, tiêu sợi huyết là phương pháp ưu tiên thực hiện ngay trong những giờ đầu sau khi bệnh tái phát. Nếu không hiệu quả, các bác sĩ sẽ cân nhắc các phương pháp khác.

Sau khi xuất viện, người bệnh cần được điều trị và phục hồi chức năng bằng các biện pháp:

– Tái khám định kỳ để đánh giá chức năng của tim

– Thay đổi lối sống như tập thể dục thường xuyên, thay đổi chế độ ăn kiêng, giảm cân, ngừng hút thuốc

– Sử dụng các loại thuốc kháng ngưng tập tiểu cầu, thuốc chẹn beta, thuốc ức chế ACE và statin tùy trường hợp.

Hi vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu hơn về bệnh nhồi máu cơ tim cấp ST chênh lên. Đây là dạng bệnh nguy hiểm xảy ra do những nứt vỡ lớn ở các mảng xơ vữa nên việc cấp cứu càng trở nên cấp thiết. Khi thấy các biểu hiện của bệnh, đừng chần chừ mà hãy đưa bệnh nhân đi cấp cứu ngay để được xử trí kịp thời.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *