Tim đập nhanh là một hiện tượng mà rất nhiều người gặp phải trong cuộc sống. Nhịp tim có thể tăng khi hoạt động mạnh, gắng sức nhưng cũng có thể thường xuyên vượt ngưỡng và không thể kiểm soát. Bệnh tim đập nhanh là gì, có nguy hiểm không và cách xử trí ra sao sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.
Bạn đang đọc: Bệnh tim đập nhanh là gì, có nguy hiểm không?
1. Thế nào là tim đập nhanh?
Thông thường, nhịp tim của người trưởng thành ở trạng thái nghỉ ngơi sẽ dao động từ 60 – 100 nhịp/phút. Nếu nhịp tim trên 100 nhịp/phút thì được gọi là nhịp tim nhanh.
Tuy nhiên, tùy thuộc vào thể trạng, giới tính, độ tuổi mà nhịp tim chuẩn ở mỗi người có thể khác nhau. Đối với người luyện tập thể thao đều đặn hoặc những vận động viên chuyên nghiệp, nhịp tim có thể chỉ khoảng 40 – 50 nhịp/phút. Trong khi đó ở những người trên 60 tuổi, nhịp tim thường trong khoảng 60 – 80 nhịp/phút. Đối với những người này, nhịp tim nhanh là khi nhịp đập trên 80 nhịp/phút và gây nên các triệu chứng hồi hộp, mệt, khó thở…
Thông thường, tim đập nhanh là hiện tượng tim đập trên 100 nhịp/phút.
2. Nhịp tim nhanh có phải tình trạng nguy hiểm không?
2.1 Nhịp tim nhanh thường vô hại
Tình trạng tim đập nhanh thường khiến nhiều người lo lắng, tuy nhiên hiện tượng này lại hầu hết vô hại. Một số nguyên nhân thông thường khiến tim đập nhanh gồm:
– Cơ thể thiếu vitamin
– Thiếu máu: Thiếu máu khiến tim phải làm việc nhiều hơn.
– Sử dụng thuốc: Một số loại thuốc chữa bệnh ho, cảm cúm, hen suyễn, kháng sinh, thuốc giảm cân, thuốc làm thông mũi,…có tác dụng phụ khiến tim đập nhanh. Một số trường hợp dùng thuốc bổ quá liều cũng có thể gây tăng nhịp tim.
– Quá căng thẳng, lo lắng, sợ hãi một vấn đề gì đó
– Nhiễm trùng, sốt cao
– Ăn quá no hoặc nhạy cảm với một số đồ ăn quá nhiều tinh bột, đường, chất béo, muối, bột ngọt
– Lạm dụng các chất kích thích như: trà, cà phê, thuốc lá…
– Tập luyện hoặc vận động gắng sức quá mức, ví dụ như leo núi, mang vác vật nặng
– Thay đổi nội tiết tố tuổi mãn kinh hoặc tiền mãn kinh
2.2 Tim đập nhanh nguy hiểm khi nào?
Trong nhiều trường hợp, tim đập nhanh có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nguy hiểm như:
– Các bệnh lý về tim mạch: rối loạn nhịp tim, hẹp hở van tim, cơ tim phì đại, bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, huyết áp thấp… hoặc biến chứng sau phẫu thuật tim mạch
– Các bệnh lý rối loạn chuyển hóa: cường giáp, suy giáp, tiểu đường…
– Bệnh phổi
– Mang thai
– Mất cân bằng điện giải do mất nước, rối loạn hoặc dị dạng kênh di truyền
2.3 Các biến chứng của bệnh
– Ngất: Tim đập nhanh kéo dài có thể làm huyết áp tụt đột ngột, khiến người bệnh ngất đi.
– Ngừng tim: Hiếm gặp nhưng nguy hiểm. Một số trường hợp tim đập nhanh có thể làm tim của bệnh nhân ngừng đập, đe dọa tính mạng.
– Đột quỵ: Thường liên quan đến các trường hợp tim đập nhanh do các bệnh tim mạch. Bệnh nhân xuất hiện cơn rung nhĩ, hình thành các cục máu đông di chuyển tới mạch máu não gây tắc mạch.
– Suy tim: Các rối loạn nhịp tim như nhanh thất, rung thất, rung nhĩ,…kéo dài gây suy giảm chức năng tim. Đặc biệt, người bệnh rung nhĩ rất dễ bị suy tim nếu không điều trị kịp thời.
Tìm hiểu thêm: Thuốc uống nhồi máu cơ tim Tại Bệnh viện Thu Cúc
Người mắc bệnh tim đập nhanh thường cảm thấy khó thở, hồi hộp, đau ngực…
3. Các dấu hiệu nhịp tim nhanh
Những biểu hiện của bệnh tim đập nhanh thường không quá rầm rộ. Nhiều trường hợp tim đập nhanh nhưng bệnh nhân hoàn toàn không nhận ra. Họ chỉ biết mình gặp vấn đề này khi đến cơ sở y tế để kiểm tra nhịp tim.
Tuy nhiên, thường khi tim đập nhanh, cơ thể sẽ có một số dấu hiệu bất thường để cảnh báo như:
– Mệt mỏi: Người bệnh thường cảm thấy chóng mặt và mệt mỏi.
– Khó thở: Tim đập nhanh khiến người bệnh cảm thấy khó thở, thở hụt hơi, nhiều người phải rướn người lên để thở dễ dàng hơn.
– Hồi hộp: Người bệnh luôn có cảm giác hồi hộp và lo lắng dù không không gặp phải kích thích gì.
– Đánh trống ngực: Bệnh nhân có thể cảm nhận rõ tiếng tim đập thình thịch, lồng ngực rung lên và đôi khi bị mất nhịp.
– Đau thắt ngực: Thường xuất hiện trong các trường hợp mắc bệnh tim mạch. Cơn đau có thể xuất phát từ giữa ngực hoặc vùng ngực bên trái, lan lên cổ hàm, vai, cánh tay…
– Đau đầu: Có thể thoáng qua hoặc dữ dội tùy theo nguyên nhân gây tăng nhịp tim.
– Choáng, ngất: Những trường hợp này rất nguy hiểm vì có thể cảnh báo cơn ngừng tim, nhồi máu cơ tim, đột quỵ,… Cần đưa bệnh nhân đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời.
4.Xử trí như thế nào khi nhịp tim nhanh bất thường
4.1 Đi khám để xác định nguyên nhân gây bệnh tim đập nhanh
Để xử trí đúng cách tình trạng nhịp tim nhanh, bạn cần xác định rõ nguyên nhân gây bệnh. Khi có dấu hiệu mệt mỏi, hồi hộp, đánh trống ngực, đau ngực,…bạn nên đi khám để làm các chẩn đoán lâm sàng và cận lâm sàng giúp xác định bệnh. Các chẩn đoán này thường bao gồm:
– Điện tâm đồ: Là phương pháp chủ yếu giúp phát hiện nhịp tim đều hoặc không đều, các bệnh lý liên quan đến rối loạn nhịp, gồm điện tâm đồ nghỉ tĩnh hoặc điện tâm đồ gắng sức.
– Holter điện tâm đồ: Thiết bị theo dõi nhịp tim đeo trên người trong vòng 24 – 72 giờ, giúp phát hiện các cơn nhịp tim nhanh.
– Siêu âm tim: Cung cấp chi tiết về hình ảnh học và chức năng co bóp của tim, hình ảnh van tim và các tổ chức khác.
Ngoài ra, có những xét nghiệm, chẩn đoán được chỉ định bổ sung tùy vào tình trạng của bệnh nhân.
>>>>>Xem thêm: Nhịp tim cao hơn bình thường: Vì sao?
Điện tâm đồ là một trong những phương pháp chẩn đoán các vấn đề liên quan đến nhịp tim.
4.2 Bệnh tim đập nhanh khi nào cần điều trị?
Nếu tim đập nhanh không phải do bệnh lý hay các vấn đề bất thường ở tim thì rất hiếm khi điều trị. Trong trường hợp này, các bác sĩ sẽ đưa ra những lời khuyên giúp bạn tránh các yếu tố nguy cơ và kiểm soát nhịp tim tốt hơn.
Trường hợp nhịp tim nhanh là dấu hiệu của các bệnh lý nguy hiểm, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị dựa trên tình trạng của từng bệnh nhân.
Với các rối loạn nhịp tim nghiêm trọng, điều trị nội khoa không đáp ứng thì một số phương pháp can thiệp có thể được áp dụng.
5. Các biện pháp kiểm soát nhịp tim hiệu quả
Để ổn định nhịp tim, bạn cần làm một số việc sau:
– Xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học:
+ Bổ sung các nhóm thực phẩm như các loại rau xanh, trái cây, các loại hạt, cá giàu omega-3,… vì chúng rất tốt cho hệ tim mạch
+ Không nên ăn thức ăn nhiều chất béo, có thành phần mỡ động vật, sữa béo, các sản phẩm chế biến sẵn, đồ ăn đóng hộp,…
– Cố gắng vận động và nên tập thể dục nhẹ nhàng, thường xuyên khoảng 30 phút mỗi ngày, các bài tập như chạy bộ, yoga,…
– Cung cấp đủ nước cho cơ thể, khoảng 2 – 2,5l/ngày
– Thư giãn, tránh bị stress, căng thẳng kéo dài
– Từ bỏ những thói quen xấu như hút thuốc lá, uống rượu bia, sử dụng chất kích thích khác
Qua những thông tin trên đây, hi vọng bạn đã hiểu về bệnh tim đập nhanh và cách để kiểm soát nhịp tim tốt hơn. Lưu ý, những thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo, có thể biểu hiện hoặc áp dụng khác nhau tùy vào tình trạng của từng người bệnh. Hãy luôn theo dõi những dấu hiệu nhỏ nhất để phát hiện kịp thời, tránh các diễn tiến nguy hiểm của bệnh và thường xuyên đi khám tim mạch để được bác sĩ khám và tư vấn điều trị hiệu quả nhất nhé.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.