Bệnh cơ tim hạn chế là một trong 3 bệnh lý cơ tim phổ biến nhất hiện nay, liên quan đến sự hạn chế co bóp của thành tim. Ở các bệnh nhân mắc bệnh này, máu khó được bơm đủ đến các cơ quan trong cơ thể, tim dễ trở nên suy yếu nếu không được điều trị kịp thời.
Bạn đang đọc: Bệnh cơ tim hạn chế: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán
1. Bệnh cơ tim hạn chế là gì?
Bệnh cơ tim hạn chế là tình trạng bất thường ở cơ tim khiến cho buồng tâm thất không thể giãn ra tối đa để máu có thể đổ đầy trong thì tâm trương. Tình trạng này không kèm theo phì đại tâm thất, rối loạn chức năng tâm thu hoặc bệnh màng ngoài tim.
Tâm thất gồm tâm thất phải (chịu trách nhiệm chính bơm máu lên phổi để trao đổi oxy) và tâm thất trái (bơm máu giàu oxy từ tim đi nuôi cơ thể). Khi tâm thất không được đổ đầy máu, lượng máu giàu oxy đến nuôi dưỡng các cơ quan giảm, gây tổn thương chức năng tâm trương. Ban đầu, tổn thương chức năng tâm trương là hậu quả của việc tâm thất bị hạn chế khả năng giãn, sau đó là tình trạng tắc buồng tâm thất. Ở giai đoạn muộn có suy tim, có thể xuất hiện tràn dịch màng tim.
Tình trạng tâm thất không giãn được tối đa khiến máu không thể đổ đầy trong thì tâm trương.
2. Các triệu chứng của bệnh
Do tâm thất không được đổ đầy, máu nuôi dưỡng các cơ quan giảm nên người bệnh gặp nhiều bất thường, biểu hiện thành các triệu chứng như:
– Mệt mỏi
– Khó thở khi gắng sức, khi nằm, về đêm
– Phù các chi, bụng, tăng cân do ứ dịch, tích nước
– Rối loạn nhịp nhĩ và nhịp thất, trong đó block nhĩ thất là phổ biến
– Ngất
– Buồn nôn và chán ăn
– Tĩnh mạch ở cổ nổi
– Gan to
Các triệu chứng của bệnh này gần giống với các triệu chứng viêm màng ngoài tim co thắt. Tuy nhiên có 1 số điểm khác biệt, bệnh nhân cần thăm khám tại các cơ sở chuyên khoa để có những chẩn đoán phân biệt chính xác.
3. Nguyên nhân gây hạn chế cơ tim
3.1 Nguyên nhân di truyền
Thường gồm các bệnh Fabry, bệnh Gaucher, bệnh quá tải sắt…
3.2 Rối loạn mô liên kết
Chứng xơ hóa sợi đàn hồi nội tâm mạc, tình trạng xơ cứng hệ thống lan tỏa, Amyloidosis… là các hiện tượng rối loạn mô liên kết có thể gây hạn chế cơ tim.
3.3 Nguyên nhân khác
Các nguyên nhân khác có thể ảnh hưởng đến khả năng giãn của tâm thất gồm:
– Khối u Carcinoid
– Xơ hóa nội tâm mạc
– Hội chứng tăng bạch cầu ái toan
– Bức xạ
– Sarcoidosis
Tìm hiểu thêm: Nên làm gì sau khi thoát khỏi nhồi máu cơ tim?
Mệt mỏi, khó thở…là những biểu hiện thường gặp ở người có cơ tim hạn chế.
4. Chẩn đoán tình trạng cơ tim hạn chế
4.1 Chẩn đoán lâm sàng bệnh cơ tim hạn chế
Khi đi khám tại chuyên khoa tim mạch, bệnh nhân sẽ được hỏi các triệu chứng, tiền sử gia đình, bệnh sử,… Như đã nói ở trên, các triệu chứng lâm sàng của chứng cơ tim hạn chế gần giống với các triệu chứng viêm màng ngoài tim co thắt, tuy nhiên có 1 số điểm khác biệt.
Cụ thể bệnh cơ tim giãn có dấu hiệu đau ngực giống cơn đau thắt ngực, tiếng thổi T3, âm thổi hở van 2 lá và van 3 lá, dấu hiệu bệnh hệ thống. Viêm màng ngoài tim co thắt không có các triệu chứng này mà đặc trưng bởi tiền sử viêm và vôi hóa màng ngoài tim.
4.2 Chẩn đoán cận lâm sàng
Các xét nghiệm, chụp chiếu cận lâm sàng trong chẩn đoán bệnh này bao gồm:
– Điện tâm đồ (ECG): Các bệnh nhân bị có cơ tim hạn chế thường có bất thường điện tâm đồ, thường gặp nhất là block nhánh trái và dày nhĩ.
– Chụp X-quang tim phổi: Ở các bệnh nhân này, bóng tim thường không to trừ khi có giãn rộng hai nhĩ, thường xuất hiện tình trạng ứ huyết phổi nặng.
– Siêu âm tim: Phương pháp này giúp phát hiện xơ hóa nội mạc cơ tim, đánh giá tình trạng tâm thất, chức năng tim, van tim và màng tim, phát hiện hở 2 lá và các van khác, rối loạn chức năng tâm trương như bất thường khác của tâm thất.
– Xét nghiệm máu: Giúp tìm một số nguyên nhân gây bệnh, đặc biệt các trường hợp có bạch cầu ái toan tăng trong xơ hóa nội mạc cơ tim. Định lượng sắt huyết thanh nhằm đánh giá tình trạng dư sắt, bilan miễn dịch để chẩn đoán xơ cứng bì.
– Chụp cắt lớp vi tính (CT) và cộng hưởng từ (MRI): Hình ảnh tái hiện giúp phân biệt với bệnh viêm màng ngoài tim co thắt nhờ dấu hiệu dày màng ngoài tim.
5. Điều trị cho bệnh nhân bị cơ tim hạn chế
5.1 Điều trị nội khoa
Tùy vào mức độ hạn chế của cơ tim mà bệnh nhân có thể được điều trị bằng các biện pháp khác nhau.
Một số loại thuốc thường được sử dụng trong điều trị nội khoa gồm:
– Thuốc lợi tiểu: Thông thường các bệnh nhân có cơ tim hạn chế sẽ được sử dụng thuốc lợi tiểu để giảm triệu chứng ứ dịch tuần hoàn, phù nề do ứ trệ tuần hoàn ngoại vi và tuần hoàn phổi. Tuy nhiên cần chú ý vì thuốc lợi tiểu có thể làm tăng áp lực đổ đầy tâm thất khiến bệnh trở nặng hơn ban đầu.
– Thuốc kháng đông: Thường được sử dụng để đề phòng biến chứng thuyên tắc mạch.
– Thuốc chống loạn nhịp tim: Nếu nhịp tim tăng cao, người bệnh có thể được chỉ định các thuốc chẹn beta giao cảm hoặc các thuốc chẹn kênh canxi. Chúng có tác dụng giảm biến chứng rối loạn nhịp.
Nếu điều trị nội khoa không hiệu quả, các bác sĩ có thể cân nhắc chỉ định các phương pháp can thiệp, phẫu thuật hoặc sử dụng các thiết bị hỗ trợ để cải thiện các hoạt động của cơ tim và khắc phục các biến chứng.
>>>>>Xem thêm: Bệnh tim thiếu máu cục bộ chúng ta cần chú ý đề phòng
Thăm khám và điều trị với các chuyên gia tim mạch giúp bệnh cơ tim sớm cải thiện.
5.2 Thay đổi lối sống hỗ trợ điều trị bệnh cơ tim hạn chế
Bên cạnh tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, để kiểm soát được những triệu chứng của bệnh, những người mắc bệnh này cần phải thay đổi lối sống theo những hướng sau:
– Xây dựng khẩu phần ăn hợp lý, bổ sung những thực phẩm lành mạnh như trái cây, rau củ quả, ngũ cốc nguyên hạt, sữa, sữa chua lên men, thịt nạc, cá… Giảm muối và đường khi chế biến các món ăn.
– Duy trì luyện tập thể dục thể thao hợp lý, đều đặn, tránh luyện tập quá sức sẽ gây ảnh hưởng xấu đến tim.
– Không sử dụng thuốc lá, rượu bia và những chất kích thích khác có hại cho cơ thể.
– Tránh tối đa stress, căng thẳng, cố gắng ngủ đủ giấc.
– Kiểm tra cân nặng hàng ngày, đặc biệt nếu bệnh nhân có suy tim vì ở những bệnh nhân này, hiện tượng trữ nước trong cơ thể có thể khiến cân nặng của bạn thay đổi.
– Uống nước với lượng vừa phải vì uống quá nhiều nước sẽ làm tăng lượng dịch dư thừa trong cơ thể, gây phù nề cũng như gánh nặng cho tim. Theo chỉ dẫn thì mỗi ngày không nên uống nhiều hơn 1,5 lít nước để tránh tích nước.
Hi vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu thêm về bệnh cơ tim hạn chế để có thể nhận diện sớm, phòng ngừa những rủi ro do bệnh gây ra. Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính tham khảo, không thay thế các chẩn đoán và điều trị y khoa. Bạn nên chủ động thăm khám tim mạch thường xuyên hoặc ngay khi có triệu chứng để được xác định nguyên nhân, mức độ bệnh và có hướng điều trị kịp thời.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.