Các bệnh lý tim mạch là nhóm bệnh lý nguy hiểm nhưng lại thường biểu hiện muộn. Bởi vậy, để phát hiện sớm các tổn thương tim mạch và điều trị bênh kịp thời, bệnh nhân cần được thăm khám với bác sĩ và thực hiện các phương pháp cận lâm sàng hiện đại. Trong đó, các chẩn đoán hình ảnh có ý nghĩa hỗ trợ đắc lực giúp tìm ra và đánh giá của các bất thường ở tim và hệ thống mạch máu. Cùng tìm hiểu các phương pháp chẩn đoán hình ảnh hệ tim mạch trong bài viết sau đây.
Bạn đang đọc: Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh hệ tim mạch
1. Các bệnh tim mạch thường gặp
Bệnh lý tim mạch là cụm từ để chỉ chung những bất thường xảy ra ở hệ tim mạch. Thông thường, tim và hệ thống mạch máu có nhiệm vụ tạo máu giàu oxy, đưa máu đi nuôi cơ thể, tạo thành một vòng tuần hoàn khép kín.
Khi hệ thống này có sự bất thường về cấu trúc hay khả năng thực hiện chức năng, nhiệm vụ thì có thể gây ra các bệnh lý như:
– Bệnh mạch vành: xơ vữa mạch vành, co thắt mạch vành, bóc tách mạch vành, phình mạch,…
– Bệnh van tim: hở van tim, hẹp van tim, suy van,…
– Rối loạn nhịp tim: rung nhĩ, nhịp nhanh trên thất, nhịp tim chậm,…
– Bệnh cơ tim: thiếu máu cơ tim cục bộ, cơ tim giãn, cơ tim phì đại, cơ tim hạn chế, viêm cơ tim…
– Bệnh mạch máu: viêm mạch máu, suy giãn tĩnh mạch chi, tắc động mạch ngoại biên
– Bệnh tim bẩm sinh: tứ chứng Fallot, thông liên nhĩ, thông liên thất,…
Có rất nhiều phương pháp chẩn đoán các bệnh lý tim mạch.
2. Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh hệ tim mạch thường dùng
Để chẩn đoán các bệnh lý tim mạch, các bác sĩ chuyên khoa thực hiện các phương pháp khám lâm sàng và cận lâm sàng. Trong đó, các phương pháp chẩn đoán hình ảnh có một vai trò quan trọng trong việc phát hiện các bất thường ở cấu trúc và chức năng của hệ tim mạch. Các phương pháp chẩn đoán tim mạch thường được chỉ định gồm:
2.1 Chẩn đoán hình ảnh hệ tim mạch bằng phương pháp chụp X-quang ngực
Chụp X-quang ngực là một trong những kỹ thuật thường được chỉ định đầu tiên trong chẩn đoán bệnh tim mạch. Phương pháp sử dụng chùm tia X chiếu qua vùng ngực để ghi lại hình ảnh về cấu trúc của khu vực này. Do có bức xạ cao, tia X có thể dễ dàng đi qua các mô mềm và thành phần dịch, đồng thời bị cản lại bởi các mô đặc như xương. Các mô càng đậm đặc cao thì càng ít tia X xuyên qua.
Phim chụp X-quang lồng ngực sẽ cho ra hình ảnh cấu trúc tim, phổi hay các mạch máu, khớp, xương, cột sống rõ ràng nhất sau lồng ngực. Kỹ thuật chụp tư thế sau – trước và tư thế nghiêng có thể giúp bác sĩ có cái nhìn đa chiều về hình dạng và kích thước tâm nhĩ, tâm thất, đánh giá hệ mạch phổi, tình trạng dịch trong phổi, hay không gian xung quanh phổi, cấu trúc tim, căn cứ xác định viêm phổi, hoặc ung thư…
2.2 Chụp cắt lớp vi tính
Chụp cắt lớp vi tính tim hay CT tim là kỹ thuật sử dụng tia X-quang, quét theo mặt cắt ngang quả tim. Các tín hiệu tia X sẽ được hệ thống máy tính thu nhận, giải mã và tái hiện để cho ra hình ảnh 2 – 3 chiều của các cấu trúc tim: màng tim, mạch vành tim, cơ tim và van tim. Đây là cơ sở để chẩn đoán các bệnh lý tim mạch liên quan.
Đặc biệt, chụp CT mạch vành là phương pháp được đánh giá rất cao trong chẩn đoán bệnh mạch vành, với độ chính xác lên tới 97%.
Ngoài ra, chụp CT tim vi tính cũng được chỉ định cho các một số trường hợp nghi ngờ bệnh lý van tim, bệnh tim bẩm sinh, các khối u ở tim, cơ tim phì đại…
Tìm hiểu thêm: Van động mạch chủ: Cấu trúc, chức năng và bệnh lý
Chụp CT tim là một trong những phương pháp chẩn đoán hình ảnh tim mạch phổ biến.
2.3 Chẩn đoán hình ảnh hệ tim mạch bằng chụp cộng hưởng từ
Cộng hưởng từ (MRI) tim mạch là phương pháp sử dụng từ trường và sóng radio để tái hiện lại hình ảnh của tim và mạch máu. Nhờ độ phân giải cao, hình ảnh rõ nét và khả năng tái tạo 2 – 3 chiều, MRI tim có thể phản ánh chính xác độ dày thành tim và vận động cơ tim, thể tích buồng tim, u khối trong tim hoặc cục máu đông và mặt cắt van tim.
Phương pháp này thường sử dụng để đánh giá vùng xung quanh tim, có giá trị trong chẩn đoán các bệnh phình động mạch, tách thành động mạch và hẹp động mạch; dị tật tim bẩm sinh, bệnh viêm cơ tim, cơ tim giãn, cơ tim phì đại, cơ tim có bị lắng đọng sắt, cơ tim không kết bè; bệnh lý màng ngoài tim; bệnh van tim; u tim nguyên phát hoặc thứ phát…
Đặc biệt, cộng hưởng từ tim được đánh giá cao trong chẩn đoán nhồi máu cơ tim với việc kiểm tra khả năng vận động của thất trái, đánh giá tính sống còn cơ tim. Đây là điều mà các phương pháp khác còn hạn chế khảo sát.
Chụp cộng hưởng từ mạch máu (MRA) được sử dụng để đánh giá thể tích máu ở các mạch máu lớn ở ngực hoặc bụng, được sử dụng để phát hiện các trường hợp phình mạch, tắc hẹp động mạch cảnh, động mạch vành, thận hoặc động mạch ngoại biên. Bên cạnh đó, phương pháp này còn giúp phát hiện huyết khối tĩnh mạch sâu.
2.4 Siêu âm tim
Siêu âm tim là một phương pháp chẩn đoán ử dụng sóng siêu âm tần số cao để ghi lại những hình ảnh động về tim và những cấu trúc liên quan đến tim. Nhờ đó, các bác sĩ có thể quan sát được cấu trúc tim; cách tim hoạt động, co bóp; hình dạng, kích thước tim; kích thước và sự chuyển động của các thành tim; hoạt động của van tim,…
Phương pháp này giúp phát hiện và chẩn đoán các vấn đề gặp phải ở tim mạch như bệnh lý về van tim, tổn thương cơ tim, dị tật ở tim, tràn dịch màng tim,… Cùng với đó là sự thay đổi kích thước tim, khả năng tống máu. Đồng thời, siêu âm tim còn giúp theo dõi quá trình điều trị bệnh tim, cụ thể là mức độ đáp ứng của tim đối với các phương pháp điều trị tim mạch khác nhau như thuốc điều trị suy tim, van nhân tạo và máy tạo nhịp…
Đây là một kỹ thuật không xâm lấn, cũng không sử dụng bức xạ. Do vậy không gây đau đớn và cũng hiếm xảy ra tác dụng phụ.
>>>>>Xem thêm: Điện tâm đồ ECG trong chẩn đoán bệnh tim mạch
Siêu âm tim là một phương pháp thường dùng trong chẩn đoán và kiểm tra hệ tim mạch.
Trên đây là một số phương pháp chẩn đoán hình ảnh tim mạch phổ biến. Tùy từng trường hợp mà các bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp phù hợp để đưa ra những kết luận chính xác nhất. Khi có các dấu hiệu tim mạch bất thường, hãy đi khám tim mạch tại cơ sở uy tín để được thăm khám và chẩn đoán bằng những phương pháp tối ưu.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.