Triệu chứng và cách điều trị bệnh mạch vành mạn

Bệnh mạch vành mạn diễn tiến âm thầm và có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, đột quỵ, suy tim nếu không được điều trị kịp thời. Cùng tìm hiểu về căn bệnh này qua bài viết sau đây.

Bạn đang đọc: Triệu chứng và cách điều trị bệnh mạch vành mạn

1. Bệnh mạch vành mạn và những triệu chứng nhận biết

Bệnh mạch vành mạn là tình trạng không đủ máu cung cấp cho cơ tim do động mạch vành bị hẹp hoặc bị tắc nghẽn. Tình trạng này còn được gọi là thiếu máu cơ tim cục bộ hay suy vành.

1.1 Những triệu chứng bệnh mạch vành mạn điển hình

Bệnh mạch vành thể mạn tính thường là thiếu máu cơ tim cục bộ ổn định, gắn với các cơn đau thắt ngực ổn định gồm các tiêu chuẩn:

– Cảm giác đau thường như có ai đó bóp nghẹt, đè nặng, ép chặt, bỏng rát ở ngực trái hoặc vùng sau xương ức. Cơn đau có thể lan lên vai, cằm hoặc xuống mặt trong cánh tay trái, vùng thượng vị, lan ra sau lưng. Thường gặp nhất là cơn đau lan lên vai trái rồi xuống mặt trong tay trái, xuống tận các ngón tay.

– Cơn đau xuất hiện khi người bệnh gắng sức, gặp xúc cảm mạnh, bị lạnh, sau bữa ăn nhiều, hút nhiều thuốc… Cơn đau này thường kéo dài 3 -15 phút nhưng cũng có thể kéo dài hơn.

– Giảm, đỡ đau sau khi ngừng gắng sức hoặc khi dùng nitroglycerin.

Khi bệnh nhân chỉ có 2/3 tiêu chuẩn kể trên thì được gọi là đau thắt ngực điển hình. Nếu chỉ có 1 hoặc không có yếu tố nào thì không phải là một cơn đau thắt ngực do bệnh mạch vành.

Triệu chứng và cách điều trị bệnh mạch vành mạn

Cơn đau thắt ngực ổn định là triệu chứng điển hình của bệnh mạch vành.

1.2 Triệu chứng khác của bệnh mạch vành mạn

Ngoài đau thắt ngực, người mắc bệnh mạch vành có thể gặp phải một số triệu chứng khác như: 

– Khó thở: Một trong các chỉ số đánh giá khả năng mắc bệnh động mạch vành được Hội tim mạch Châu Âu năm 2019 đưa ra.

– Tim đập nhanh, chậm bất thường hoặc không đều.

– Tức nặng ngực hoặc đau tức vùng thượng vị, dễ bị nhầm lẫn với hội chứng dạ dày.

2. Nguyên nhân gây ra bệnh mạch vành dạng mạn tính

Có nhiều cơ chế sinh ra lý bệnh mạch vành nhưng phổ biến nhất là xơ vữa động mạch. Các mảng xơ vữa được hình thành từ sự tích tụ cholesterol, canxi và các chất dễ lắng đọng khác bám trên thành động mạch, khiến mạch máu bị hẹp đi. 

Điều này khiến cho mạch vành bị tắc nghẽn và tăng nguy cơ hình thành cục máu đông. Khi cục máu đông gặp đoạn mạch hẹp do xơ vữa sẽ dễ gây nhồi máu cơ tim rất nguy hiểm. Khoảng 1/3 số bệnh nhân mắc bệnh mạch vành có tiền sử mắc bệnh mạch máu nhỏ.

Tìm hiểu thêm: Bệnh rối loạn nhịp tim có nguy hiểm không?

Triệu chứng và cách điều trị bệnh mạch vành mạn

Xơ vữa mạch vành là nguyên nhân gây bệnh chủ yếu.

3. Chẩn đoán và điều trị bệnh mạch vành giai đoạn mạn

3.1 Chẩn đoán bệnh mạch vành 

Các dấu hiệu của bệnh mạch vành thường chỉ rõ ràng khi bệnh đã tiến triển nặng. Vì vậy, bạn không nên bỏ qua bất cứ dấu hiệu bất thường nào. Khi thấy dấu hiệu của bệnh mạch vành, bạn nên đi khám tim mạch ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. 

Thông thường, sau khi hỏi triệu chứng, tiền sử bệnh, lịch sử dùng thuốc, các bác sĩ sẽ chỉ định một số phương pháp thăm dò cận lâm sàng gồm:

– Xét nghiệm máu

Gồm tổng phân tích tế bào máu, đánh giá chức năng thận, gan, tuyến giáp, điện giải đồ, sàng lọc mỡ máu, đái tháo đường, thậm chí Troponin T/I để loại trừ hội chứng động mạch vành cấp.

– Điện tâm đồ

Điện tâm đồ lúc nghỉ cần được thực hiện ở tất cả bệnh nhân mắc bệnh mạch vành mạn. Thông thường sẽ thấy bất thường ở  sóng Q-T cùng các dấu hiệu như tăng gánh thất phải, thất trái, tăng gánh nhĩ phải, nhĩ trái, block nhánh, rối loạn nhịp,… Tuy nhiên không loại trừ được hội chứng mạch vành mạn ở bệnh nhân có điện tâm đồ bình thường.

– X-quang tim phổi

Chụp X-quang thường được chỉ định ở bệnh nhân có cơn đau ngực không điển hình. Ngoài ra cũng cần chụp X-quang để chẩn đoán, đánh giá biến chứng trong một số bệnh tim mạch như suy tim, tăng huyết áp…

– Siêu âm tim qua thành ngực

Giúp đánh giá cấu trúc và chức năng tim, màng tim, khoang màng tim, tình trạng các van tim, phân biệt với các bệnh lý hẹp van động mạch chủ, bệnh cơ tim phì đại, viêm màng ngoài tim,… đồng thời dự đoán vùng thiếu máu cơ tim và nhánh mạch vành tổn thương. Một số trường hợp bệnh nhân được thực hiện siêu âm tim gắng sức.

– Chụp cắt lớp vi tính (CT) động mạch vành

Phương pháp có độ chính xác và đặc hiệu cao trong lọai trừ hoặc xác định tổn thương động mạch vành. Ngoài ra CT động mạch vành còn rất có ý nghĩa trong việc phát hiện các bất thường về giải phẫu của động mạch vành hoặc đánh giá các cầu nối ở động mạch chủ – vành. Thường phương pháp này được chỉ định ở bệnh nhân có khả năng mắc bệnh động mạch vành thấp và trung bình, không áp dụng chụp ở bệnh nhân có hội chứng mạch vành cấp.

Ngoài ra, các phương pháp Holter điện tim 24h, điện tâm đồ gắng sức, xạ hình tưới máu cơ tim, cộng hưởng từ tim,… có thể được chỉ định trong những trường hợp cần thiết.

Triệu chứng và cách điều trị bệnh mạch vành mạn

>>>>>Xem thêm: Mối liên hệ giữa mất ngủ và đột quỵ cần biết

Chụp CT động mạch vành là một trong những phương pháp quan trọng giúp chẩn đoán bệnh.

3.2 Điều trị bệnh mạch vành

Tùy từng trường hợp bệnh nhân mà các bác sĩ có thể chỉ định những phương pháp điều trị khác nhau. Đa số trường hợp bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp nội khoa với các loại thuốc:

– Thuốc chẹn beta: Được ưu tiên sử dụng để điều trị ban đầu và phòng ngừa triệu chứng đau thắt ngực. 

– Thuốc chẹn kênh canxi và nitrat: Các loại thuốc này là lựa chọn thay thế nếu bệnh nhân có chống chỉ định với thuốc chẹn beta hoặc thuốc này gây ra tác dụng phụ. Nitrat tác dụng ngắn có thể giúp giảm đau thắt ngực ngay lập tức.

– Thuốc chống kết tập tiểu cầu, hạ lipid máu: Giúp giảm tỷ lệ mắc các biến cố tim mạch như tử vong và nhồi máu cơ tim.

Khi sử dụng các loại thuốc, bệnh nhân cần tuân thủ tuyệt đối đơn thuốc của bác sĩ. Ngoài ra các phương pháp thay đổi lối sống như cai thuốc lá, kiểm soát huyết áp và giảm cân, kiểm soát bệnh đái tháo đường, tập thể dục thường xuyên, giảm căng thẳng cũng được khuyến cáo cho bệnh nhân bị bệnh động mạch vành mạn.

Nếu bệnh nhân có các triệu chứng đau thắt ngực nhiều thì dù điều trị nội khoa đáp ứng cũng nên tiến hành chụp mạch vành và can thiệp sớm nếu cần thiết.

Như vậy, chúng ta vừa tìm hiểu về bệnh mạch vành mạn. Những thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế chẩn đoán và điều trị chuyên môn. Nếu có các triệu chứng của bệnh hoặc đã được chẩn đoán mắc bệnh này, người bệnh nên đi khám để được bác sĩ chuyên khoa Tim mạch tư vấn điều trị phù hợp.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *