Bệnh lý mạch vành: Chủ quan dễ nhận “trái đắng”

Bệnh lý mạch vành ngày càng phổ biến với triệu chứng thường gặp nhất là đau thắt ngực. Bệnh mach vành không được điều trị có thể dẫn đến biến cố nhồi máu cơ tim, đột quỵ, suy tim rất nguy hiểm. Cùng tìm hiểu về bệnh mạch vành qua bài viết sau đây.

Bạn đang đọc: Bệnh lý mạch vành: Chủ quan dễ nhận “trái đắng”

1. Bệnh mạch vành – Bệnh lý tim mạch ngày càng phổ biến

Bệnh mạch vành là nhóm các bệnh lý liên quan đến tình trạng một hoặc nhiều nhánh của động mạch vành bị hẹp hay bị cản trở, dẫn tới thiếu máu nuôi dưỡng cơ tim. 

Tại Mỹ, số lượng bệnh nhân mắc bệnh mạch vành hằng năm được ước tính khoảng 13 200 000 người. Tỷ lệ mắc mới bệnh mạch vành ở châu Âu ước tính chiếm khoảng 3,5 – 4,1% dân số. Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh mạch vành tăng dần qua các năm, cụ thể năm 1991 là 3%, năm 1996 là 6,05%, năm 1999 là 9,5%. Trong đó, tỷ lệ tử vong của các bệnh nhân này chiếm từ 11 – 36%.

Bệnh mạch vành gây thiếu máu cơ tim, không chỉ khiến hoạt động của tim bị ảnh hưởng mà còn có thể làm giảm cung cấp máu cho các cơ quan trong cơ thể, dẫn tới các biến cố như nhồi máu cơ tim, suy tim, đột quỵ. 

Bệnh lý mạch vành: Chủ quan dễ nhận “trái đắng”

Bệnh mạch vành là bệnh lý liên quan đến tình trạng thu hẹp một hoặc nhiều nhánh của động mạch vành, dẫn tới thiếu máu nuôi dưỡng cơ tim.

2. Cơn đau thắt ngực trong bệnh lý mạch vành gồm những loại nào?

Đau thắt ngực là biểu hiện thường gặp ở những bệnh nhân mắc bệnh mạch vành, được chia thành 2 dạng chính là: cơn đau thắt ngực ổn định và cơn đau thắt ngực không ổn định. 

2.1 Cơn đau thắt ngực ổn định trong bệnh lý mạch vành có đặc điểm gì?

Đau thắt ngực ổn định là một triệu chứng thường thấy ở bệnh mạch vành mạn. Cơn đau này được gọi là “ổn định” do tính chất tương tự nhau trong mỗi lần xuất hiện. Cụ thể:

– Đau thường chỉ xảy ra khi người bệnh đang thực hiện các hoạt động gắng sức như chơi thể thao, leo cầu thang, mang vác nặng,… Nhiều trường hợp đau thắt ngực cũng xảy ra khi căng thẳng tâm lý, thậm chí khi nhiệt độ môi trường thay đổi, nhất là xuống thấp đột ngột. 

– Cơn đau này được mô tả là cảm giác đau hay khó chịu ở ngực, ngay sau xương ức, giống như trái tim bị bóp chặt hay đè nặng. Từ ngực, cơn đau có thể lan lên cổ, vai, hàm, ra sau lưng, xuống cánh tay. 

– Các triệu chứng đi kèm đau ngực có thể gồm: khó thở, buồn nôn, mệt mỏi, toát mồ hôi hay lo lắng, căng thẳng.

– Cơn đau thường sẽ giảm dần khi người bệnh nghỉ ngơi hay dùng thuốc giãn mạch.

Cơn đau thắt ngực ổn định có thể xảy ra vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Tuy nhiên, buổi sáng là thời điểm cơn đau này dễ xuất hiện nhất.

Nếu không được điều trị tốt, đau thắt ngực ổn định có thể tiến triển thành cơn đau thắt ngực không ổn định kèm theo nguy cơ nhồi máu cơ tim rất cao. 

2.2 Cơn đau thắt ngực không ổn định trong bệnh lý mạch vành

Cơn đau thắt ngực ổn định thường xảy ra do mảng xơ vữa gây hẹp động mạch vành, làm giảm lưu lượng máu đến nuôi tim. Trong khi đó đau thắt ngực không ổn định thường gắn liền với hội chứng mạch vành cấp, khi mảng xơ vữa bị nứt vỡ đột ngột làm hình thành các cục máu đông hoặc mảnh vỡ gây tắc nghẽn dòng máu đến nuôi tim. Lúc này cơ tim chưa bị tổn thương. Nhưng đây có thể là tiền đề cho một cơn nhồi máu cơ tim.

Các triệu chứng điển hình của cơn đau thắt ngực không ổn định gồm:

– Cơn đau không liên quan đến gắng sức, xuất hiện ngay cả lúc nghỉ ngơi, khi bị stress, thời tiết thay đổi, thường xảy ra vào nửa đêm về sáng.

– Cơn đau kéo dài trên 15 phút, không giảm khi nghỉ ngơi, không đáp ứng với thuốc giãn mạch.

– Người bệnh có cảm giác đau nhói tim bên trái, có thể lan ra cánh tay trái, ra phía sau xương ức hoặc lan lên cổ hoặc hàm. 

– Các triệu chứng đi kèm: khó tiêu, đầy trướng bụng, buồn nôn, đánh trống ngực, khó thở, choáng váng, ra mồ hôi nhiều…. 

– Cơn đau thắt ngực không ổn định thường nặng hơn, đột ngột nhưng dai dẳng hơn đau thắt ngực ổn định.

Tìm hiểu thêm: Bệnh nhân parkinson dễ bị giảm ham muốn tình dục

Bệnh lý mạch vành: Chủ quan dễ nhận “trái đắng”

Cơn đau thắt ngực trong bệnh lý động mạch vành gồm cơn đau ổn định và không ổn định.

3. Bệnh mạch vành và mối liên hệ với cơn nhồi máu cơ tim

Nhồi máu cơ tim là một biến chứng nguy hiểm của bệnh mạch vành, là tình trạng động mạch vành bị tắc hoàn toàn, đột ngột gây hoại tử vùng cơ tim được nuôi dưỡng bởi đoạn động mạch bị tắc. Một cơn nhồi máu cơ tim do sự nứt vỡ của mảng xơ vữa, gây huyết khối làm bít tắc hoàn toàn động mạch vành.

Đau thắt ngực là triệu chứng điển hình nhất của cơn nhồi máu cơ tim. Người bệnh có cảm giác như trái tim bị một bàn tay vô hình bóp chặt, cùng cảm giác đè nén lồng ngực, lan xuống hàm, vai, cổ, cánh tay trái… lặp lại nhiều lần trong 1 vài phút. 

Cũng có những trường hợp nhồi máu cơ tim không hề biểu hiện triệu chứng đau ngực, mà xuất hiện với những dấu hiệu dễ bị nhầm lẫn khiến người bệnh thường bỏ qua. Những trường hợp này còn được các chuyên gia Tim mạch gọi là nhồi máu cơ tim thầm lặng. Tình trạng này thường gặp ở phụ nữ, người già, người mắc bệnh tiểu đường… 

4. Những đối tượng dễ mắc bệnh mạch vành

Bệnh mạch vành có thể xảy ra ở mọi đối tượng nhưng phổ biến nhất là ở:

– Người cao tuổi, nhất ở gian đoạn sau 65 tuổi

– Người bị tăng huyết áp

– Bệnh nhân rối loạn lipid máu

– Người bệnh tiểu đường

– Người hút thường xuyên thuốc lá chủ động và thụ động

– Gia đình có người từng mắc bệnh tim sớm

Bệnh lý mạch vành: Chủ quan dễ nhận “trái đắng”

>>>>>Xem thêm: Các thông tin quan trọng về đột quỵ gây tử vong

Người hút thuốc lá nhiều có nguy cơ cao mắc bệnh mạch vành

5. Cách phòng tránh bệnh lý mạch vành

Để phòng tránh bệnh mạch vành xảy ra, bạn cần duy trì lối sống tích cực, lành mạnh:

– Chế độ ăn uống hợp lý: Hạn chế ăn các loại mỡ động vật, thịt đỏ; tạng động vật; thực phẩm chứa hàm lượng cholesterol cao (tôm, trứng); nên sử dụng các loại dầu thực vật (trừ dầu dừa), thức ăn có nguồn gốc từ đậu nành, rau xanh, hoa quả, thịt như heo nạc, thịt gà ít da; ăn nhiều cá… Người cao tuổi có thể bổ sung các chất như vitamin K2, vitamin D3, omega – 3…

– Vận động thể chất thường xuyên và đều đặn để tăng cường cơ tim, cải thiện lưu lượng máu giúp phòng tránh các bệnh về tim mạch. Nên tăng dần cường độ, lựa chọn các bài tập được khuyến nghị là dưỡng sinh, đi bộ,… 

Những người có nguy cơ mắc bệnh mạch vành nên chú ý quan tâm đến sức khỏe, chủ động theo dõi và kiểm tra tim mạch để kiểm soát và phòng tránh bệnh tốt.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh lý mạch vành. Nếu có các triệu chứng nghi ngờ hoặc các yếu tố nguy cơ, nên chủ động đi khám chuyên khoa Tim mạch. Khi được chẩn đoán mắc bệnh mạch vành, nên điều trị sớm với các bác sĩ chuyên khoa để tránh biến chứng.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *