Các dạng rối loạn nhịp tim chậm và cách điều trị

Rối loạn nhịp tim chậm có thể khiến các cơ quan quan trọng như tim, não, thận bị thiếu máu nuôi dưỡng. Do đó bệnh nhân có các triệu chứng như mệt mỏi, giảm khả năng gắng sức, hoa mắt, chóng mặt, trường hợp nặng có thể gây ngất, ngưng tim, đột tử. Cùng tìm hiểu rối loạn nhịp chậm là gì, có các dạng thường gặp nào và cách điều trị ra sao?

Bạn đang đọc: Các dạng rối loạn nhịp tim chậm và cách điều trị

1. Rối loạn nhịp tim chậm là gì?

Nhịp tim bình thường của một người thường dao động từ 60 – 100 nhịp/phút. Nếu nhịp tim dưới 60 nhịp/phút thì có thể bạn đã mắc bệnh rối loạn nhịp tim chậm. Theo các nghiên cứu, tỷ lệ mắc bệnh này ở nam giới là 70%, ở nữ giới là 30%.

Ở những vận động viên, những người tập luyện thể thao thường xuyên, nhịp tim chậm có thể chỉ là hiện tượng sinh lý nếu không gây triệu chứng bất thường và không đáng lo ngại. 

Khi bị bệnh rối loạn nhịp chậm, tim đập chậm dưới 50 lần/phút hoặc có khi bệnh nhân bị ngưng tim kéo dài. Lúc này, các cơ quan quan trọng như tim, não, thận sẽ bị thiếu máu nuôi, khiến bệnh nhân có các triệu chứng như mệt mỏi, giảm khả năng gắng sức, hoa mắt, chóng mặt, ngất, ngưng tim, đột tử.

Các dạng rối loạn nhịp tim chậm và cách điều trị

Tình trạng tim đậm chậm hơn 60 lần/phút có thể gây ảnh hưởng đến nhiều hoạt động trong cơ thể, dẫn đến choáng váng, ngưng tim, đột tử.

2. Các loại rối loạn nhịp chậm

Các loại rối loạn nhịp chậm thường gặp gồm:

2.1 Hội chứng suy nút xoang – Rối loạn nhịp tim chậm ít biểu hiện trên lâm sàng

Các nút xoang là nơi tạo ra nhịp tim bình thường. Khi các nút xoang suy yếu đồng nghĩa với việc khả năng tạo nhịp không còn như trước và gây ra nhịp tim chậm. Các vấn đề ở nút xoang có thể bao gồm: nút xoang mất hoặc kém thích ứng với các thay đổi sinh lý hay các hoạt động trong ngày. Một số trường hợp được phát hiện khi bệnh nhân trong cơn rung nhĩ, biểu hiện bằng việc sau khi cơn nhịp nhanh xảy ra, nhịp lại rất chậm hoặc có khoảng ngưng tim dài đến 5 giây.

Hội chứng suy nút xoang thường diễn tiến chậm với các triệu chứng không rõ trên lâm sàng. Nếu các triệu chứng nếu có xuất hiện thì thường là: 

– Hồi hộp, tim đập từng nhịp mạnh và chậm hơn bình thường

– Mệt mỏi thường xuyên

– Chóng mặt từng lúc, lâng lâng

– Khó thở

– Dọa ngất hoặc ngất

– Nặng tức ngực

Người cao tuổi, người mắc các bệnh lý mạch vành hoặc cơ tim, viêm, nhiễm trùng tim, thường xuyên sử dụng thuốc điều trị tim mạch, Alzheimer, tổn thương nút xoang khi phẫu thuật hoặc mắc các bệnh về rối loạn/nhược thần kinh cơ… là những người có nguy cơ cao bị suy nút xoang.

2.2 Block dẫn truyền nhĩ thất – Rối loạn nhịp tim chậm có thể gây ngất, ngưng tim

Khi tim đập bình thường, các xung động tạo ra từ nút xoang sẽ truyền theo các đường dẫn từ tâm nhĩ đến tâm thất (gọi là dẫn truyền nhĩ thất). Khi đường dẫn truyền này bị hỏng ở những vị trí quan trọng, quá trình truyền xung động sẽ gặp bất thường, gọi là nghẽn dẫn truyền. Nếu dẫn truyền nhĩ thất bị nghẽn hoàn toàn có thể gây ngưng tim.

Tùy vào mức độ tắc nghẽn, bệnh này được chia thành 3 mức độ từ độ I đến độ III. Ở trường hợp block nhĩ thất độ III, đường dẫn truyền từ nhĩ xuống thất bị nghẽn hoàn toàn, nhĩ sẽ đập theo nhịp của nút xoang kích thích còn thất sẽ đập theo nhịp riêng của nó.

Nếu nhịp thất chỉ chậm ít, bệnh nhân thậm chí có thể không có triệu chứng gì. Nếu nhịp tim chậm nhiều, bệnh nhân có thể thấy choáng váng, mất thăng bằng, ngất kèm theo các biểu hiện mất ý thức, tay chân co quắp, sùi bọt mép… Khi nghe tim các bác sĩ sẽ thấy nhịp tim chậm đều 30 – 40 nhịp/phút.

Các yếu tố nguy cơ của block nhĩ thất gồm: nhồi máu cơ tim cấp, bệnh mạch vành, bệnh cơ tim, tim bẩm sinh, sau phẫu thuật tim, can thiệp tim qua da, thoái hóa đường dẫn truyền, hóa trị điều trị ung thư.

Tìm hiểu thêm: Bệnh tim mạch ở người cao tuổi

Các dạng rối loạn nhịp tim chậm và cách điều trị

Block nhĩ thất có thể là một dạng rối loạn nhịp chậm.

3. Chẩn đoán rối loạn nhịp chậm

Khi nghi ngờ bệnh nhân có dấu hiệu của rối loạn nhịp chậm, các bác sĩ sẽ hỏi thăm bệnh sử, triệu chứng và tiến hành kiểm tra mạch, nghe nhịp tim của bệnh nhân.

Các phương pháp chẩn đoán rối loạn nhịp chậm gồm:

– Đo điện tâm đồ (ECG): Ghi hoạt động điện tim trong thời gian ngắn. 

– Holter ECG: Thiết bị theo dõi nhịp tim của bệnh nhân trong thời gian dài hơn 24 – 48h. Khi đeo Holter, bệnh nhân vẫn có thể sinh hoạt như bình thường.

Sau khi chắc chắn rằng bệnh nhân đã mắc chứng rối loạn nhịp chậm, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh làm thêm các cận lâm sàng như:

– Xét nghiệm máu

– Siêu âm tim

– Đo nồng độ thuốc nếu nghi ngờ đây là yếu tố làm ảnh hưởng đến nhịp tim

– Khảo sát điện sinh lý, qua đó đánh giá chức năng của nút xoang, đường dẫn truyền…

Các dạng rối loạn nhịp tim chậm và cách điều trị

>>>>>Xem thêm: Đột quỵ triệu chứng cần lưu ý nhận biết sớm

Để xác định một người có phải bị rối loạn nhịp chậm không, cần thăm khám với chuyên gia tim mạch và thực hiện các chẩn đoán cần thiết.

4. Phương pháp điều trị rối loạn nhịp tim

Việc điều trị rối loạn nhịp chậm sẽ tùy thuộc vào các triệu chứng và loại rối loạn nhịp.

– Thông thường tình trạng nhịp chậm nhưng xuất phát từ thay đổi sinh lý bất thường như vận động thường xuyên, nhịp chậm khi ngủ… thì không cần điều trị và can thiệp.

– Nếu nhịp chậm xuất phát từ ảnh hưởng của các loại thuốc điều trị bệnh khác, bác sĩ có thể điều chỉnh lại liều lượng hoặc thay đổi loại thuốc.

– Nếu bệnh nhân bị rối loạn nhịp chậm có triệu chứng, nhịp chậm suy nút xoang nặng thì thường sẽ cần được điều trị bằng cách cấy “máy tạo nhịp tim”. Máy này sẽ phát xung động, giúp nhịp tim bình thường trở lại.

– Đối với các trường hợp bị block nhĩ thất, việc điều trị tập trung vào việc tìm nguyên nhân nền có thể có. Trường hợp block nhĩ thất vô căn có thể điều trị hồi phục được. Trường hợp nặng, block nhĩ thất cao độ hoặc có triệu chứng thì phương pháp đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn thường được lựa chọn. 

5. Các biện pháp hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân trong quá trình điều trị

Bên cạnh việc thăm khám định kỳ, tuân thủ đúng phác đồ điều trị, bệnh nhân rối loạn nhịp chậm cần chú ý:

– Từ bỏ những thói quen xấu như uống rượu bia, hút thuốc lá thường xuyên…

– Xây dựng và duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học, hạn chế mỡ động vật và các nguồn nhiều cholesterol như trứng, sữa béo; bổ sung các loại thực phẩm tốt cho tim mạch, đặc biệt là rau xanh, cá hồi…

– Tăng cường hoạt động nâng cao thể chất, thể dục thể thao phù hợp

– Cân bằng giữa công việc và cuộc sống, tránh áp lực, căng thẳng

Để phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ bệnh lý và phòng tránh các biến chứng nặng nề, cần thăm khám tầm soát sớm các bệnh lý tim mạch tại cơ sở y tế uy tín. 

Hi vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu thêm về tình trạng rối loạn nhịp tim chậm và cách chẩn đoán, điều trị hiệu quả. Để biết Thu Cúc TCI thực hiện các phương pháp chẩn đoán, điều trị nào, vui lòng liên hệ để được tư vấn và đặt lịch.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *