Thiếu máu cơ tim là tình trạng nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến nhồi máu cơ tim, đột quỵ, tử vong. Thiếu máu cơ tim nên ăn gì để cải thiện các triệu chứng của bệnh và ngăn ngừa biến chứng là thắc mắc của nhiều bệnh nhân.
Bạn đang đọc: Bệnh nhân thiếu máu cơ tim nên ăn gì, kiêng gì?
1. Người bệnh mắc chứng thiếu máu cơ tim nên ăn gì?
Dinh dưỡng luôn đóng vai trò quan trọng, đặc biệt trong việc kiểm soát và ngăn ngừa sự tiến triển của tình trạng cơ tim bị thiếu máu. Dưới đây là những thực phẩm mà người bệnh bị thiếu máu cơ tim nên bổ sung:
1.1 Thực phẩm giàu chất xơ
Các thực phẩm giàu chất xơ sẽ giúp bạn no lâu hơn, giảm cảm giác thèm ăn. Đồng thời việc ăn nhiều thực phẩm chứa chất xơ như rau củ, trái cây cũng giúp hạn chế nạp thịt đỏ, đồ ăn nhiều dầu mỡ và thức ăn nhanh – các thực phẩm có lượng calo cao. Nhờ vậy có thể giúp làm giảm lượng cholesterol trong máu. Rau và trái cây còn giàu chất chống oxy hóa, giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch. Ngoài ra, đây cũng là nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất vô cùng cần thiết cho cơ thể như kali, canxi…
Theo các chuyên gia, lượng rau củ và trái cây mỗi ngày bạn cần bổ sung là khoảng 500g.
Các loại rau củ giúp bổ sung chất xơ, là thực phẩm tốt cho người bị thiếu máu cơ tim.
1.2 Thiếu máu cơ tim nên ăn gì? – Thực phẩm giàu omega-3
Các thực phẩm giàu omega-3 gồm các loại cá béo như cá hồi, cá ngừ, cá thu… Các axit béo này có tác dụng tốt trong việc hạ huyết áp, giảm sự hình thành của các mảng xơ vữa động mạch, giảm nguy cơ đột tử do tim…
Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo bạn nên ăn cá ít nhất 2 lần/tuần. Bên cạnh đó có thể bổ sung omega-3 qua các thực phẩm khác như dầu cá, viên uống omega-3… Trước khi sử dụng các thực phẩm này, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để bổ sung lượng omega-3 phù hợp với thể trạng.
1.3 Ngũ cốc nguyên hạt
Ngũ cốc nguyên hạt là thực phẩm giàu chất xơ, có tác dụng tốt trong việc giảm LDL- cholesterol (cholesterol xấu) nhờ đó giảm nguy cơ bệnh tim. Các loại ngũ cốc có hàm lượng chất xơ hòa tan cao có thể kể đến như yến mạch, các loại đậu và lúa mạch. Bên cạnh đó, các loại đậu và hạt cũng là một nguồn cung cấp protein thực vật, chất béo lành mạnh và vi chất dinh dưỡng tốt cho người mắc bệnh tim.
1.4 Trà xanh
Hàm lượng cao chất chống oxy hóa trong trà xanh có thể giúp ngăn ngừa sự tích tụ của chất béo trong động mạch, chống đông máu, đồng thời cải thiện sự giãn nở của mạch máu, tăng cường lưu thông máu.
1.5 Rượu vang
Một số nghiên cứu cho thấy nếu uống một lượng vang đỏ vừa phải mỗi ngày có thể cải thiện sức khỏe tim mạch. Bởi trong vang đỏ có các hoạt chất giúp chống oxy hóa, giúp loại bỏ được nguồn cholesterol xấu và tăng cường tổng hợp cholesterol tốt. Các chuyên gia khuyến cáo chỉ nên uống không quá 150 ml rượu vang mỗi ngày. Uống quá nhiều loại rượu này sẽ gây phản tác dụng.
1.6 Thực phẩm giàu vitamin E
Vitamin E hoạt động giống như một chất chống oxy hóa, giúp giảm nguy cơ tim mạch. Nguồn cung cấp vitamin E có thể tìm thấy trong các loại thực phẩm thông dụng như: bơ, rau màu xanh đậm, dầu thực vật, ngũ cốc nguyên hạt…
Tìm hiểu thêm: Nhồi máu cơ tim type 2 là gì? Nguyên nhân và cách điều trị
Tỏi là một loại gia vị thông dụng giàu chất chống oxy hóa, tốt cho tim mạch.
1.7 Người bị thiếu máu cơ tim nên ăn gì? – Tỏi
Allicin – một hợp chất có trong tỏi tươi – được phát hiện có tác dụng giảm cholesterol toàn phần và LDL-cholesterol trong máu, nhờ vậy giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
1.8 Nghệ
Nghệ được biết đến là một loại thực phẩm có nhiều lợi ích cho tim mạch. Củ nghệ chứa curcumin, có khả năng chống oxy hóa, chống viêm và đặc biệt ngăn ngừa các cục máu đông. Curcumin cũng làm giảm chỉ số cholesterol xấu và ngăn sự hình thành các mảng xơ vữa trong lòng mạch.
1.9 Hạt tiêu
Thành phần capsaicin trong hạt tiêu có khả năng chống viêm, chống oxy hóa và ngăn ngừa việc hình thành cholesterol xấu trong cơ thể. Loại gia vị này có thể giúp giảm nguy cơ mắc một số bệnh mạn tính như: ung thư, bệnh tự miễn, bệnh tim mạch, giúp cải thiện lưu thông máu, giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ.
1.10 Thực phẩm giàu vitamin C
Các nghiên cứu cho thấy tình trạng thiếu hụt vitamin C có thể làm tăng nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch. Trong khi đó bổ sung vitamin C giúp giảm độ cứng của động mạch do xơ vữa, giữ cho động mạch trở nên thông thoáng và dẻo dai. Các thực phẩm giàu vitamin C cũng giúp giảm lượng cholesterol xấu trong máu, vì vậy tốt cho người bệnh mạch vành, thiếu máu cơ tim. Vitamin C thường có nhiều trong các loại quả như chanh, cam, bưởi…
1.11 Gừng
Gừng có chứa các hợp chất có lợi cho tim mạch như gingerols và shogaols. Gừng giúp ngăn ngừa sự hình thành mảng bám, giảm cholesterol toàn phần và ngăn chặn quá trình oxy hóa các chất béo có hại.
1.12 Ngũ cốc nguyên cám
Gạo lứt, yến mạch, bánh mì đen… là những loại ngũ cốc nguyên cám giàu chất xơ, giúp kiểm soát tốt lượng đường và cholesterol trong máu.
>>>>>Xem thêm: Những thực phẩm tốt nhất cho hệ tim mạch
Người bị thiếu máu cơ tim không nên ăn muối, thịt đỏ,… bởi các thực phẩm này có thể làm tăng cholesterol xấu và tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
2. Người bệnh thiếu máu cơ tim nên chú ý kiêng gì?
Bên cạnh những thực phẩm nên ăn người bệnh thiếu máu cơ tim cũng cần ghi nhớ các thực phẩm nên tránh, bao gồm:
– Thịt đỏ: Thịt đỏ chứa nhiều chất béo bão hòa, không tốt cho tim mạch. Thay vì ăn các loại thịt này, bạn nên ăn cá, thịt gia cầm không da, protein từ đậu. Đặc biệt người mắc bệnh thiếu máu cơ tim nên cân nhắc việc ăn một bữa không có thịt mỗi ngày.
– Muối: Muối có thể gây ứ nước và làm tăng huyết áp. Để giảm muối nạp vào cơ thể, hãy ăn nhiều thực phẩm tươi, ưu tiên cách chế biến luộc, hấp, ăn ít sản phẩm chế biến sẵn như thức ăn nhanh.
– Đồ ngọt: Khi bạn đưa một lượng đường lớn vào cơ thể, hormone insulin sẽ chuyển hóa đường thành chất béo để cân bằng. Điều này làm tăng nguy cơ bệnh lý tim mạch và béo phì. Vì vậy, hạn chế đồ ngọt trong khẩu phần ăn là cách hữu hiệu bảo vệ hệ tim mạch.
Như vậy chúng ta vừa tìm hiểu thiếu máu cơ tim thì nên ăn gì và kiêng gì. Bên cạnh quan tâm đến yếu tố dinh dưỡng, người bệnh thiếu máu cơ tim cần tập luyện thường xuyên và thăm khám theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa Tim mạch để kiểm soát bệnh hiệu quả.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.