Tìm hiểu về đường lây bệnh lao phổi và cách phòng tránh

Lao phổi là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra. Vi khuẩn này có thể xâm nhập vào cơ thể qua nhiều con đường, đặc biệt đường hô hấp. Vi khuẩn còn lan truyền từ phổi đến các cơ quan khác như hạch bạch huyết, gan, thận, xương. Lao phổi không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người mắc mà còn có nguy cơ lây lan nhanh chóng ra cộng đồng. Vì vậy, hiểu rõ các đường lây bệnh lao phổi là điều quan trọng để bảo vệ bản thân và những người xung quanh khỏi căn bệnh này.

1. Tổng quan về bệnh lao phổi

1.1 Bệnh lao phổi và các yếu tố nguy cơ

Lao phổi là bệnh truyền nhiễm phổ biến nhất do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra. Vi khuẩn này tấn công phổi, gây viêm nhiễm và làm hư hại các mô phổi. Từ phổi, vi khuẩn có thể lan sang các bộ phận khác trong cơ thể và gây bệnh tại đó, ví dụ như màng phổi, hạch bạch huyết, xương khớp, màng bụng, màng não… Tuy nhiên, lao phổi vẫn là bệnh lý phổ biến nhất, chiếm khoảng 85% các trường hợp mắc lao.

Bất cứ ai cũng có nguy cơ mắc bệnh lao phổi, nhưng một số nhóm người có nguy cơ cao hơn, bao gồm:

Người có hệ miễn dịch suy yếu, chẳng hạn như bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, ung thư, hoặc những người đang điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch.

Những người thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh lao.

Bệnh nhân mắc các bệnh lý mạn tính như suy thận, đái tháo đường, loét dạ dày tá tràng.

Người nghiện thuốc lá, ma túy, rượu bia.

Người sống trong môi trường ô nhiễm, điều kiện sống không đảm bảo vệ sinh.

đường lây bệnh lao phổi

Sốt, khó thở, đổ mồ hôi nhiều không rõ nguyên nhân có thể là dấu hiệu bệnh lao phổi

1.2 Triệu chứng và khả năng điều trị lao phổi

Bệnh lao phổi thường biểu hiện qua những triệu chứng sau:

Ho khạc kéo dài trên 2 tuần, kèm theo sốt nhẹ về chiều, ra mồ hôi ” trộm”, gầy sút cân, kém ăn, mệt mỏi.

Người nhiễm lao phổi cũng có thể ho khạc ra máu số lượng ít hoặc nhiều, đau ngực.

Có tới hơn 90% những người xuất hiện các triệu chứng trên là người bị mắc bệnh lao phổi.

Về khả năng điều trị bệnh lao phổi, hiện nay, bệnh hoàn toàn có thể điều trị dứt điểm nếu được phát hiện sớm và tuân thủ đúng phác đồ điều trị. Việc điều trị bao gồm sử dụng kháng sinh trong một thời gian dài (thường từ 6 đến 9 tháng) kết hợp với chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý. Điều quan trọng, bệnh nhân phải tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của bác sĩ, tránh tình trạng bỏ thuốc giữa chừng. Điều này có thể dẫn đến lao kháng thuốc – một dạng lao rất khó điều trị.

2. Các đường lây bệnh lao phổi

Lao phổi là bệnh truyền nhiễm qua đường không khí, tức là vi khuẩn có thể lan truyền từ người bệnh sang người khỏe mạnh thông qua hô hấp. Để ngăn chặn sự lây lan của bệnh, chúng ta cần hiểu rõ các con đường chính mà bệnh lao phổi có thể lây truyền.

2.1 Lây qua đường hô hấp

Đây là con đường lây nhiễm phổ biến và nhanh nhất của bệnh lao phổi. Khi người bệnh ho, khạc, hắt hơi, hoặc thậm chí là nói chuyện, vi khuẩn lao sẽ thoát ra ngoài dưới dạng các hạt nhỏ li ti. Những hạt này có thể lơ lửng trong không khí và nếu người khỏe mạnh vô tình hít phải, vi khuẩn sẽ xâm nhập vào phổi và bắt đầu gây bệnh. Đặc biệt, trong các môi trường kín, đông người hoặc không gian ít thông thoáng, vi khuẩn có thể tồn tại trong không khí lâu hơn, làm tăng nguy cơ lây nhiễm.

Một người mắc bệnh lao phổi không được điều trị có thể lây nhiễm cho 10-15 người khác trong một năm. Điều này cho thấy mức độ lây lan nhanh chóng của bệnh nếu không được kiểm soát kịp thời.

những con đường lây bệnh lao phổi điển hình

Bệnh lao phổi có thể lây truyền qua nhiều đường khác nhau

2.2 Lây qua tiếp xúc vết thương hở

Mặc dù ít phổ biến hơn, nhưng bệnh lao cũng có thể lây truyền qua đường máu, đặc biệt là khi tiếp xúc với các vết thương hở. Nếu một người có vết thương trên da tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ người bệnh, vi khuẩn lao có thể xâm nhập vào cơ thể thông qua máu và gây bệnh.

2.3 Lây qua sinh hoạt chung

Sinh hoạt chung với người bệnh lao phổi cũng là một con đường lây nhiễm khá phổ biến. Việc dùng chung các dụng cụ cá nhân như bát đũa, khăn mặt, hay thậm chí là quần áo với người bệnh có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn lây lan. Do đó, khi sống chung với người mắc bệnh lao, cần phải có biện pháp vệ sinh kỹ lưỡng và tránh dùng chung các vật dụng cá nhân.

2.4 Lây từ mẹ sang con

Lao phổi cũng có thể lây truyền từ mẹ sang con trong quá trình mang thai hoặc khi sinh (gọi là lao bẩm sinh). Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp mẹ mắc bệnh lao đều truyền bệnh cho con. Việc lây nhiễm có thể xảy ra nếu vi khuẩn lao từ máu mẹ xâm nhập vào thai nhi qua nhau thai hoặc trong quá trình sinh, khi em bé tiếp xúc với các dịch tiết của mẹ. Để giảm nguy cơ này, phụ nữ mang thai bị lao phổi cần tuân thủ điều trị và theo dõi sức khỏe cẩn thận theo chỉ định của bác sĩ.

2.5 Hôn, trao đổi nước bọt

Việc hôn sâu hoặc hành động khiến truyền nước bọt sang nhau cũng khiến cho bệnh lao bị lây nhiễm.

ngăn chặn những con đường lây bệnh lao phổi

Thăm khám sớm khi có dấu hiệu bất thường về hô hấp để ngăn chặn kịp thời các bệnh truyền nhiễm như lao phổi.

3. Phòng ngừa bệnh lao phổi và các biện pháp ngăn chặn lây nhiễm

Để ngăn ngừa lây nhiễm bệnh lao phổi, mỗi người cần thực hiện các biện pháp phòng tránh, đặc biệt trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao. Dưới đây là một số biện pháp hiệu quả:

Tăng cường sức khỏe: Chế độ dinh dưỡng hợp lý, rèn luyện thể lực đều đặn, và ngủ đủ giấc giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể, giảm nguy cơ mắc bệnh.

Vệ sinh cá nhân và môi trường: Thường xuyên vệ sinh nơi ở, đảm bảo không gian sống thông thoáng, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh hoặc khi ra ngoài nơi công cộng.

Tiêm phòng: Vắc xin BCG (Bacillus Calmette-Guérin) được khuyến cáo tiêm cho trẻ sơ sinh để phòng ngừa bệnh lao. Việc tiêm phòng giúp giảm nguy cơ mắc lao, đặc biệt ở trẻ nhỏ.

Cách ly người bệnh: Người mắc bệnh lao cần tuân thủ phác đồ điều trị, đồng thời tránh tiếp xúc gần với người khác trong quá trình điều trị để giảm nguy cơ lây nhiễm.

Giữ vệ sinh trong sinh hoạt chung: Khi sống chung với người bệnh, cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, không dùng chung đồ dùng, và thường xuyên khử trùng các bề mặt trong nhà.

Việc hiểu rõ các đường lây bệnh lao phổi và tuân thủ biện pháp phòng ngừa sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm, bảo vệ sức khỏe của bản thân cũng như cộng đồng. Lao phổi là một căn bệnh có thể điều trị và kiểm soát được nếu chúng ta nhận thức đúng đắn và có các biện pháp phòng ngừa kịp thời.

Nguồn bài viết: Benhvienthucuc.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *