Viêm phế quản là tình trạng niêm mạc của các phế quản trong phổi bị viêm. Bệnh diễn tiến theo 2 dạng: cấp tính và mạn tính. Trong khi viêm phế quản cấp tính thường không ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe, có thể phục hồi sau một vài ngày thì viêm phế quản mạn tính lại diễn tiến nặng và kéo dài, cần điều trị đều đặn. Chẩn đoán viêm phế quản chủ yếu dựa vào các dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng của người bệnh.
Bạn đang đọc: Chẩn đoán viêm phế quản diễn tiến nặng và kéo dài
Các dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng là cơ sở để chẩn đoán viêm phế quản. Cả người bệnh viêm phế quản cấp tính và mạn tính đều có thể gặp phải các triệu chứng sau:
– Ho
– Có đờm màu vàng, trắng, vàng xám hoặc đôi khi là màu xanh lục, có thể lẫn máu.
– Mệt mỏi
– Khó thở
– Sốt nhẹ và ớn lạnh
– Khó chịu ở ngực
Với các trường hợp bị viêm phế quản cấp tính, người bệnh có thể vẫn bị ho dai dẳng trong vài tuần sau khi tình trạng viêm nhiễm đã được điều trị. Người bị viêm phế quản mạn tính bị ho có đờm kéo dài liên tục khoảng 3 tháng và tái phát xảy ra ít nhất trong 2 năm liên tiếp.
Tìm hiểu thêm: Bệnh hen suyễn là gì?Dấu hiệu cảnh báo bệnh hen suyễn
Trong quá trình chẩn đoán viêm phế quản, bác sĩ sẽ hỏi người bệnh một số câu hỏi về tình trạng ho của người bệnh, chẳng hạn như đã bị ho lâu chưa, ho có đờm hay không và hàng ngày ho có nhiều không.
Ngoài ra bác sĩ cũng tìm hiểu về:
– Tiền sử bệnh cá nhân.
– Người bệnh có bị cảm lạnh hay cảm cúm trong thời gian gần đây hay không.
– Người bệnh có tiếp xúc với bụi, khói, hơi nước hay không khí ô nhiễm không.
Trong giai đoạn đầu, việc chẩn đoán bệnh viêm phế quản gặp nhiều khó khăn khi phân biệt các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh với các triệu chứng của bệnh cảm lạnh thông thường. Thông thường bác sĩ sẽ dùng ống nghe để nghe tiếng thở khò khè hay những âm thanh bất thường khác trong phổi của bệnh nhân.
>>>>>Xem thêm: Chăm sóc trẻ phòng viêm phế quản
Ngoài ra bác sĩ cũng có thể yêu cầu thực hiện thêm các xét nghiệm sau:
– Xét nghiệm đờm để xem liệu người bệnh có bị nhiễm khuẩn hay không.
– Kiểm tra nồng độ oxy trong máu bằng cách sử dụng một cảm biến gắn vào ngón tay hoặc ngón chân của người bệnh.
– Chụp X quang, xét nghiệm chức năng phổi hoặc xét nghiệm máu.
Viêm phế quản cấp tính có thể gặp ở cả người lớn và trẻ em. Bệnh này có thể được điều trị hiệu quả mà không đòi hỏi chăm sóc y tế đặc biệt. Tuy nhiên nên đến bệnh viện để kiểm tra ngay nếu các triệu chứng nặng nề, kéo dài hoặc bệnh nhân bị ho ra máu.
Người mắc viêm phế quản mạn tính có nguy cơ cao khởi phát các bệnh lý tim mạch cũng như bệnh lý nghiêm trọng về hô hấp và nhiễm trùng. Do đó cần được điều trị kịp thời và theo dõi chặt chẽ.
Những phương pháp chẩn đoán viêm phế quản trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Để biết chính xác Bệnh viện Thu Cúc áp dụng phương pháp nào vui lòng liên hệ 1900 55 88 92 hoặc 0936 388 288 để được tư vấn cụ thể.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.