Viêm đại tràng là một trong những bệnh lý tiêu hóa thường gặp. Nếu không được điều trị kịp thời và dứt điểm, bệnh dễ chuyển thành mạn tính và dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Hãy cùng Thu Cúc TCI tìm hiểu triệu chứng viêm đại tràng, các nguyên nhân gây bệnh và mức độ nguy hiểm của bệnh lý tiêu hóa này.
Bạn đang đọc: Triệu chứng viêm đại tràng và các nguyên nhân gây bệnh
1. Khái niệm bệnh viêm đại tràng
Đại tràng là phần cuối cùng của ống tiêu hóa, là nơi chứa thức ăn đã được tiêu hóa và hấp thụ ở ruột non. Đại tràng hấp thụ nốt một phần nước và muối khoáng từ thức ăn trước khi phân hủy thành phân và thải ra ngoài. Do đại tràng là bộ phận hình thành và đào thải phân nên rất thuận lợi cho các vi sinh vật phát triển và gây bệnh, dẫn đến tình trạng viêm nhiễm.
Viêm đại tràng là tình trạng tổn thương niêm mạc đại tràng do quá trình viêm nhiễm. Tình trạng viêm nhiễm diễn ra với các mức độ khác nhau. Tình trạng nhẹ thì niêm mạc dễ chảy máu do kém bền vững, trong khi tình trạng nặng sẽ xuất hiện các vết loét, xung huyết và xuất huyết, thậm chí có thể có những ổ áp-xe nhỏ.
Tình trạng viêm cấp nếu không được được điều trị sớm có thể biến chứng thành mãn tính, ác tính, biến chứng thủng đại tràng và nhiều bệnh nguy hiểm khác, trong đó có ung thư đại tràng.
2. Các triệu chứng điển hình của viêm đại tràng
Bệnh lý đại tràng này thường có các triệu chứng điển hình như sau:
2..1. Đau bụng
Người bệnh thường bị đau thắt bụng dưới, đau từng đoạn hoặc đau dọc theo khung đại tràng sau khi sử dụng các thực phẩm nhiều dầu mỡ, đồ uống có cồn, đồ ăn không đảm bảo vệ sinh. Kèm theo đó là cảm giác buồn đi đại tiện, tiêu chảy xảy ra đột ngột, đi ngoài xong sẽ bớt đau hơn.
2.2. Rối loạn tiêu hóa kéo dài – Triệu chứng viêm đại tràng thường gặp
Triệu chứng đại tiện trên 2 lần/ ngày, phân nát, phân sống, phân lúc lỏng, lúc táo, buồn đại tiện liên tục cũng là dấu hiệu cảnh báo tổn thương niêm mạc đại tràng.
2.3. Đầy bụng
Người bệnh thường xuyên đầy hơi, căng tức, ăn khó tiêu khi đại tràng có dấu hiệu viêm nhiễm.
2.4. Triệu chứng viêm đại tràng làm thay đổi thói quen đi ngoài
Người bệnh khi đi ngoài phân ít thành khuôn, khi táo bón khi lỏng. Trong trường hợp viêm nghiêm trọng, trong phân sẽ có lẫn máu (như máu cá) hoặc trong phân có dịch nhầy.
Một số trường hợp bị rối loạn đại tiện kèm theo triệu chứng sốt, nôn, đi ngoài ra máu. Đây cũng có thể là dấu hiệu của tổn thương đại tràng và các bệnh lý cấp tính khác như xuất huyết dạ dày, polyp đại tràng, tiêu chảy cấp,…
2.5. Chán ăn, sụt cân nhanh
Triệu chứng chán ăn, mệt mỏi đi kèm với chướng bụng, khó tiêu và sụt cân nhanh cũng là dấu hiệu cảnh báo bệnh.
3. Nguyên nhân chính gây viêm đại tràng là gì?
Bệnh viêm đại tràng được chia thành viêm đại tràng cấp tính và mạn tính.
3.1. Viêm đại tràng cấp tính
– Do người bệnh dị ứng thức ăn, ngộ độc thức ăn.
– Không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ăn hoặc uống phải thực phẩm bị nhiễm mầm bệnh như: ký sinh trùng (lỵ amip, giun đũa, giun tóc, giun kim,…); vi khuẩn (vi khuẩn tả, vi khuẩn thương hàn, vi khuẩn lao,…); siêu vi (thường gặp nhất là Rotavirus chủ yếu xuất hiện ở trẻ em); nấm (đặc biệt là nấm Candida);…
– Bệnh tự miễn cũng là một trong những nguyên nhân gây bệnh.
– Ảnh hưởng của thói quen sinh hoạt hàng ngày như: căng thẳng, khó tiêu, táo bón kéo dài, lạm dụng thuốc kháng sinh gây loạn khuẩn ruột,…
– Ngoài ra, bệnh viêm đại tràng có thể gây ra bởi một số nguyên nhân khác như do thay đổi nội tiết tố, tăng nồng độ serotonin, động mạch cung cấp máu cho đại tràng bị hẹp,…
3.2. Viêm đại tràng mạn tính
Bệnh viêm đại tràng mãn tính xuất hiện sau viêm đại tràng cấp tính do nhiễm trùng, nhiễm ký sinh trùng, nhiễm độc và nhiễm nấm nhưng không được điều trị dứt điểm.
Bên cạnh đó, cũng có bệnh viêm đại tràng mãn tính không rõ nguyên nhân, thường là viêm đại tràng mãn tính không đặc hiệu.
4. Ai có nguy cơ viêm đại tràng?
Các đối tượng sau có nguy cơ cao bị viêm đại tràng:
– Người trưởng thành là đối tượng thường gặp các bệnh lý về đại tràng, đặc biệt là người cao tuổi.
– Người có chế độ ăn uống không lành mạnh: Lớp niêm mạc sẽ có nguy cơ cao bị phá hủy ở những người ăn nhiều thực phẩm chứa chất bảo quản, chất bảo vệ thực vật, uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá,…
– Người lạm dụng thuốc kháng sinh: Tự ý sử dụng thuốc kháng sinh trong thời gian dài mà không theo chỉ định của bác sĩ sẽ gây loạn khuẩn ruột, tiêu diệt lợi khuẩn, làm suy giảm hệ miễn dịch, gây viêm tại đại tràng.
– Người có tâm lý lo âu, căng thẳng kéo dài.
Tìm hiểu thêm: Các phương pháp xét nghiệm vi khuẩn Hp bao nhiêu tiền?
5. Biến chứng nguy hiểm của viêm đại tràng
Sau khi đã nắm rõ triệu chứng viêm đại tràng, hãy cùng tìm hiểu về mức độ nguy hiểm của bệnh lý này. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, viêm đại tràng có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như:
5.1. Xuất huyết đại tràng
Khi đại tràng bị viêm nhiễm nghiêm trọng, lớp lông nhung trong đại tràng bị tổn thương bởi người bệnh sử dụng nhiều kháng sinh hoặc sản phẩm chứa chất kích thích. Tình trạng tổn thương trở nên trầm trọng sẽ dẫn đến xuất huyết ồ ạt.
>>>>>Xem thêm: Thoát vị cơ hoành có nguy hiểm không?
5.2. Thủng đại tràng
Khi các vết loét bào mỏng và ăn sâu thành đại tràng có thể gây thủng đại tràng. Đây là biến chứng đe dọa tới tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.
5.3. Giãn đại tràng cấp tính
Đại tràng bị giãn sẽ làm suy giảm nghiêm trọng chức năng tiêu hóa, đồng thời khiến người bệnh bị đau bụng dữ dội, có thể hôn mê và thậm chí tử vong.
5.4. Ung thư đại tràng
Biến chứng nguy hiểm nhất của viêm đại tràng chính là ung thư đại tràng. Khi niêm mạc đại tràng bị viêm loét trong thời gian dài và tái phát liên tục, các tế bào biểu mô có nguy cơ bị loạn sản, chuyển thành ác tính và phát triển thành ung thư.
Trên đây là triệu chứng viêm đại tràng, nguyên nhân gây bệnh và các biến chứng của bệnh. Viêm đại tràng có thể được chữa khỏi hoàn toàn nếu phát hiện sớm và có hướng điều trị kịp thời. Để phát hiện sớm các bệnh lý về đại tràng nói chung, mỗi người cần chủ động thực hiện nội soi định kỳ tại các cơ sở y tế uy tín.