Bệnh viêm loét dạ dày tá tràng (Tên tiếng Anh: Peptic ulcer) là một bệnh lý thường gặp. Bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, từ trẻ em, người trưởng thành đến người già. Phát hiện bệnh càng sớm thì cơ hội chữa khỏi bệnh càng cao. Nếu để viêm loét tiến triển sang giai đoạn nặng thì việc điều trị sẽ vô cùng khó khăn.
Bạn đang đọc: Bệnh viêm loét dạ dày tá tràng và những điều bạn cần biết
1. Khái niệm về bệnh viêm loét dạ dày tá tràng
Bệnh xảy ra khi lớp niêm mạc (màng lót bên trong cùng) của dạ dày tá tràng bị những tổn thương. Các lớp bên dưới thành dạ dày hay thành ruột sẽ bị lộ ra.
Tỷ lệ vết loét ở dạ dày chiếm 60%, tỷ lệ vết loét ở tá tràng chiếm 95%, trong đó vết loét ở bờ cong nhỏ dạ dày chiếm 25% trong các trường hợp.
2. Các nguyên nhân chủ yếu gây viêm loét dạ dày tá tràng
Viêm dạ dày, tá tràng có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Một trong số đó có thể là nguyên nhân khách quan hoặc có những nguyên nhân chủ quan.
2.1. Vi khuẩn Helicobacter pylori (Tên viết tắt là HP)
Vi khuẩn HP là một loại vi khuẩn sinh sống và phát triển trong môi trường dạ dày của con người. Chúng tồn tại bằng cách tiết ra một loại enzyme (vốn là Urease). Loại enzyme này sẽ giúp vi khuẩn trung hòa độ acid trong dạ dày đồng thời làm suy giảm chức năng bảo vệ niêm mạc.
Vi khuẩn HP chính là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh viêm loét dạ dày-tá tràng. Vi khuẩn Helicobacter pylori xâm nhập vào cơ thể qua nhiều con đường như: Đường miệng (qua tiếp xúc nước bọt), vi khuẩn đào thải qua phân, dùng chung thiết bị y tế,…
2.2. Tác dụng phụ của thuốc
Thuốc kháng viêm, giảm đau là những loại thuốc có khả năng ức chế hệ miễn dịch của cơ thể. Thuốc kháng viêm gồm có 2 loại phổ biến đó là thuốc kháng viêm không có Steroid và Glucocorticoid (có steroid).
Thuốc kháng viêm không có Steroid không có tác dụng gây nghiện. Chúng huộc nhóm kháng viêm ngoại vi và ít tác dụng phụ. Thuốc kháng viêm có Glucocorticoid có hiệu quả trong điều trị các bệnh lý, tuy nhiên loại thuốc này mang lại nhiều tác dụng phụ tới cơ thể.
Việc sử dụng lâu dài thuốc kháng viêm, giảm đau ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe con người. Đối với dạ dày, sử dụng thuốc kháng viêm, giảm đau lâu dài gây ức chế quá trình tổng hợp prostaglandin. Prostaglandin là chất bảo vệ dạ dày bị sụt giảm gây ra bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng.
2.3 Thường xuyên hút thuốc lá và uống bia rượu
Trong thuốc lá có chứa hơn 6000 chất độc hại, trong đó rất nhiều chất gây bệnh ung thư. Hút thuốc không chỉ gây bệnh cho phổi mà còn gây ra rất nhiều bệnh lý khác trong đó có dạ dày. Chất nicotine trong thuốc lá kích thích cơ thể sản sinh ra cortisol gây viêm loét dạ dày.
Rượu bia và các đồ uống có cồn làm tăng lượng acid trong dạ dày một cách nhanh chóng. Acid trong dạ dày kích ứng niêm mạc gây ra viêm loét khiến người bệnh đau quặn bụng âm ỉ hoặc dữ dội.
2.4. Stress gây ra bệnh viêm loét dạ dày tá tràng
Hệ thống tiêu hóa của con người được điều khiển bởi hệ thống thần kinh ruột – giao tiếp với hệ thống thần kinh trung ương. Khi chúng ta bị stress, dịch vị dạ dày sẽ tăng tiết acid HCl. Nếu stress xảy ra thường xuyên sẽ gây tổn thương niêm mạc dạ dày.
2.5 Thói quen ăn uống, sinh hoạt không điều độ
– Ăn uống các chất nhiều dầu mỡ, sử dụng các đồ uống có cồn,… ảnh hưởng không tốt tới dạ dạy. Ngoài ra việc sinh hoạt cá nhân không điều độ là một trong các yếu tố dẫn đến bệnh viêm loét dạ dày-tá tràng.
– Nằm ngay sau khi ăn khiến dạ dày chưa kịp tiêu hóa hết, gây đầy bụng.
– Ăn nhanh khiến nước bọt chưa kịp trung hòa thức ăn sẽ khiến dạ dày tăng gánh nặng cho việc co bóp thức ăn
– Bỏ bữa, ăn không đúng giờ khiến đồng hồ sinh học cơ thể bị đảo lộn. Từ đó dạ dày sẽ hoạt động không theo quy luật, dần dần gây mệt mỏi cho cơ thể.
– Thức quá khuya cũng ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe nói chung và dạ dày nói riêng
3. Các dấu hiệu thường gặp
Bệnh viêm loét dạ dày tá tràng có nhiều triệu chứng khác nhau. Đôi khi các biểu hiện không rõ ràng khiến người bệnh nhầm lẫn sang đau bụng thông thường.
3.1 Đau vùng thường vị
Đau thượng vị là một trong các dấu hiệu chính của bệnh viêm loét dạ dày tá tràng. Cơn đau thường sẽ xuất hiện vào lúc đói hoặc sau khi ăn xong từ 2 – 3 tiếng. Đau bụng thường đau âm ỉ hoặc đau dữ dội hoặc có thể từng cơn một. Đau bụng có thể đau vào lúc nửa đêm về sáng và đau lan ra sau lưng.
3.2 Chướng bụng, buồn nôn
Khi dạ dày bị tổn thương hoặc dạ dày không kịp tiêu hóa thức ăn sẽ gây đầy bụng. Từ đó xuất hiện các triệu chứng khó tiêu, buồn nôn
3.3 Mất ngủ, ngủ không ngon giấc
Khi bị viêm loét dạ dày tá tràng, hệ tiêu hóa bị ảnh hưởng dẫn tới các triệu chứng đau bụng, đầy hơi. Các dấu hiệu này kéo dài sẽ gây ngủ không ngon giấc, mất ngủ thường xuyên, gây suy nhược cơ thể.
3.4 Nóng rát vùng thượng vị đi kèm ợ hơi
Ợ hơi, hoặc ợ chua, nóng rát thượng vị là những dấu hiệu đặc trưng của bênh viêm loét dạ dày tá tràng.
Dạ dày bị trào ngược, thức ăn thừa cùng acid trào ngược lên khiến cơ thể bị ợ hơi, ợ chua và rất buồn nôn. .
3.5 Rối loạn tiêu hóa
Một dấu hiệu của viêm loét dạ dày-tá tràng nữa đó là rối loạn tiêu hóa. Dạ dày bị tổn thương khiến việc hấp thụ các chất bị ảnh hưởng. Quá trình đào thải bị rối loạn: Người bệnh bị táo bón, đi ngoài xen kẽ.
Các triệu chứng kể trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Bạn không nên tự chuẩn đoán bệnh mà hãy nên tới bệnh viện để được các bác sĩ chuyên khoa xét nghiệm, kiểm tra, tiến hành nội soi. Việc sử dụng máy móc, các xét nghiệm phân tích sẽ đưa lại kết quả chính xác về tình trạng của người bệnh.
Tìm hiểu thêm: Bệnh viêm dạ dày trào ngược là gì?
4. Hướng điều trị bệnh viêm loét dạ dày tá tràng
Đối với tất cả các bệnh, việc phát hiện kịp thời và điều trị sớm chính là phương pháp chữa bệnh tốt nhất đối với người bệnh. Trước khi lựa chọn phương pháp điều trị bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng và hỏi về tiền sử bệnh. Tùy theo từng nguyên nhân bác sĩ sẽ đưa ra cách điều trị phù hợp.
– Thông thường bác sĩ sẽ kê đơn sử dụng các thuốc: Kháng sinh diệt vi khuẩn, thuốc kháng acid giúp trung hòa acid dịch vị, thuốc tăng khả năng bảo vệ niêm mạc,…
– Cần có một chế độ sinh hoạt, ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý. Ăn uống đúng bữa, bổ sung các chất cần thiết cho cơ thể. Ăn chậm nhai kỹ và nghỉ ngơi , không vận động sau khi ăn.
– Nên hạn chế hoặc tránh xa thuốc lá và các chất kích thích
– Rèn luyện cơ thể với các môn thể thao và bài tập nhẹ nhàng
– Tâm trạng thoải mái, tránh stress
5. Các biến chứng có thể xảy ra
Bệnh viêm loét dạ dày-tá tràng nếu phát hiện kịp thời sẽ không gây ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe. Tuy nhiên nếu không được điều trị sớm sẽ trở thành mạn tính và gây khó khăn trong việc chữa trị dứt điểm. Viêm loét dạ dày, tá tràng có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm có ảnh hưởng đến sức khỏe cơ thể như:
– Thủng dạ dày tá tràng: Lỗ thủng thường xuất hiện ở các vết loét và cần được can thiệp điều trị sớm
– Xuất huyết dạy dày: Viêm loét dạ dày nếu tình trạng nặng có thể dẫn đến xuất huyết dạ dày, mất nhiều máu và rất nguy hiểm. Vết loét chảy máu sẽ có các triệu chứng như chóng mặt, nôn ra máu đỏ, đi ngoài phân có màu đen.
– Hẹp môn vị: Mô viêm xơ phát triển trên ổ loét ở môn vị-tá tràng gây hẹp lòng ruột khiến thức ăn khó tiêu hóa. Dấu hiệu nhận biết: Nôn mửa, bụng óc ách thức ăn cũ và sụt cân nhanh.
– Ngoài ra nếu tình trạng quá nặng sẽ gây ra ung thư dạ dày, điều mà không ai muốn xảy ra.
6. Dinh dưỡng dành cho người bệnh viêm loét dạ dày tá tràng có gì đặc biệt?
Viêm loét dạ dày-tá tràng rất cần chế độ ăn uống phù hợp. Có những thực phẩm nên bổ sung và cần ăn kiêng một số loại.
6.1 Những thức ăn người bị bệnh viêm loét dạ dày tá tràng nên ăn
– Sữa và trứng giúp trung hòa lượng acid có trong dạ dày. Sữa nên uống nóng; trứng nên ăn hấp hoặc cho vào nấu cùng cháo. Chỉ nên sử dụng 2-3 lần mỗi tuần. Mỗi lần nên dùng từ 1-2 quả, không nên sử dụng nhiều hơn.
– Rau xanh và hoa quả: Không những giúp trung hòa acid, giảm viêm, nhuận tràng mà còn bổ sung các chất rất tốt cho cơ thể. Các loại quả tốt cho sức khỏe: Táo, cam, kiwi,…Đặc biệt nên ăn nhiều các loại rau thuộc họ nhà cải: Bắp cải, cải ngọt, cải thìa,…
– Thực phẩm chứa nhiều đạm dễ tiêu: Cá nạc, thịt lợn,…
– Sử dụng dầu thực vật như: Dầu từ hạt hướng dương, dầu vừng, hay là dầu hạt cải, dầu đậu nành…trong chế biến các món ăn
– Mật ong và nghệ: Bài thuốc dân gian giúp kháng viêm, giảm tiết dịch vị, kiềm hoá độ acid của dịch vị.
– Bánh mì: 1 lựa chọn tốt từ nhóm đường bột, ít béo, dễ tiêu hoá. Tuy nhiên không nên ăn quá nhiều để tránh đầy bụng
6.2 Những thức ăn, đồ uống nên hạn chế
– Các loại thực phẩm chế biến sẵn: Dăm bông, lạp sườn, xúc xích. Các loại thực phẩm này gây đầy hơi và tăng khí thải ở đường ruột.
– Những loại thức ăn cứng, dai như: Thịt nhiều gân, sụn, rau có nhiều xơ (rau già, rau cần…) quả xanh sống…
– Gia vị: Ớt, tiêu, dấm tỏi hoặc các loại dưa hành, cà muối
– Các loại quả có vị chua như chanh, cóc, xoài xanh, sấu ….
– Các loại nước có gas, các chất kích thích, rượu bia gây tổn thương đến niêm mạc dạ dày
– Chè, cà phê đậm đặc gây mất ngủ, ảnh hưởng tới sinh hoạt hàng ngày, từ đó gây đau dạ dày
Lưu ý
– Nên chế biến thực phẩm bằng cách thái nhỏ, nấu nhừ
– Thức ăn cần được ăn ngay sau khi nấu, hạn chế việc để lâu sẽ không còn chất dinh dưỡng
– Lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, ăn đồ đã được nấu chín để tiêu diệt hết vi khuẩn
>>>>>Xem thêm: Nuốt vướng như hóc xương do đâu và cách chẩn đoán
Bệnh viêm loét dạ dày tá tràng sẽ không gây nguy hiểm nếu được phát hiện và điều trị sớm. Sau khi khỏi bệnh bạn cũng nên duy trì các thói quen tốt để viêm loét không có cơ hội quay lại.