Ung thư đường tiêu hóa (gồm ung thư thực quản – dạ dày – tá tràng – đại trực tràng) là nhóm bệnh lý ung thư rất phổ biến hiện nay. Sàng lọc ung thư từ giai đoạn sớm chính là chìa khóa giúp tăng hiệu quả điều trị và ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm. Hãy tham khảo bài viết sau để tìm hiểu về vai trò của nội soi tiêu hóa (hay nội soi dạ dày – đại tràng) đối với việc sàng lọc phát hiện sớm ung thư đường tiêu hóa.
Bạn đang đọc: Vai trò của nội soi tiêu hóa trong phát hiện sớm ung thư
1. Khái niệm “nội soi tiêu hóa”
Đây là tên gọi chung của thăm dò chức năng nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng – đại tràng và trực tràng. Đây là một trong những kỹ thuật hiện đại nhất hiện nay được ứng dụng phổ biến trong chẩn đoán các bệnh lý tại đường tiêu hóa. Đặc biệt nội soi giúp phát hiện chính xác các bệnh lý nguy hiểm từ giai đoạn sớm như ung thư thực quản, ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng,…
Quá trình nội soi thông thường diễn ra trong khoảng 15 phút. Thời gian thực hiện có thể kéo dài hơn trong một số trường hợp đặc biệt. Chẳng hạn như các trường hợp bác sĩ can thiệp lấy dị vật, nong hẹp, cắt polyp, cầm máu,…
Để tiến hành nội soi dạ dày – đại tràng, bác sĩ sẽ sử dụng một ống nội soi mềm được gắn camera và nguồn sáng. Với nội soi dạ dày, ống nội soi sẽ được đưa vào từ mũi hoặc miệng để quan sát thực quản, dạ dày và tá tràng. Trong khi đó, với nội soi đại tràng, ống nội soi lại đi từ hậu môn lên quan sát đại tràng và trực tràng.
Nhờ camera và nguồn sáng đầu ống nội soi, bác sĩ có thể quan sát trực tiếp lớp niêm mạc ống tiêu hóa. Công nghệ nội soi hiện đại hiện nay giúp bác sĩ phát hiện các tổn thương rất nhỏ. Trong quá trình nội soi, bác sĩ có thể sinh thiết tổn thương nghi ngờ để làm xét nghiệm chẩn đoán vi khuẩn HP hoặc tế bào ung thư.
2. Các phương pháp nội soi phổ biến hiện nay
Có thể chia nội soi dạ dày – đại tràng thành 2 phương pháp chính như sau:
2.1. Nội soi tiêu hóa tiêu chuẩn
Kỹ thuật nội soi tiêu chuẩn được thực hiện khi người bệnh hoàn toàn tỉnh táo, không thực hiện gây mê. Ống nội soi sẽ được đưa từ đường mũi/ miệng hoặc qua đường hậu môn để thăm khám. Quá trình ống nội soi di chuyển có thể khiến người bệnh cảm thấy buồn nôn, khó chịu. Tuy nhiên cảm giác khó chịu sẽ được hạn chế đáng kể nhờ thao tác nhẹ nhàng của bác sĩ và sự hợp tác, tâm lý thoải mái của người bệnh.
Tìm hiểu thêm: Ngộ độc thực phẩm bị tiêu chảy
2.2. Nội soi tiêu hóa không đau
Lúc này, ống nội soi sẽ được đưa vào dạ dày – đại tràng sau khi người bệnh đã ngủ an thần. Kỹ thuật gây mê trong nội soi là gây mê tĩnh mạch với lượng thuốc mê ít và thời gian gây mê ngắn. Người bệnh ngủ ngon trong suốt quá trình thực hiện và có thể tỉnh táo ngay khi hoàn thành nội soi.
Nội soi không đau mang đến cho người bệnh trải nghiệm êm ái, nhẹ nhàng, không hề đau hay khó chịu. Đồng thời, phương pháp này còn đảm bảo an toàn cho người bệnh, hạn chế các tai biến, đặc biệt là trong trường hợp thực hiện các thủ thuật can thiệp.
>>>>>Xem thêm: Ăn uống cho người ung thư dạ dày
3. Một số điều cần lưu ý khi thực hiện nội soi
Nội soi dạ dày – đại tràng là thăm dò chức năng được đánh giá có độ an toàn cao. Do đó, người bệnh có thể yên tâm khi được bác sĩ chỉ định thực hiện kỹ thuật này. Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý thực hiện tại cơ sở y tế uy tín, có đội ngũ bác sĩ giỏi, đầu tư trang thiết bị nội soi, đảm bảo kết quả chính xác và an toàn.
Ngoài ra, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề sau để quá trình nội soi diễn ra thuận lợi nhất:
– Vài ngày trước khi nội soi đại tràng, người bệnh nên tránh sử dụng những thực phẩm khó tiêu hoặc nhiều chất xơ. 1 ngày trước ngày nội soi dạ dày – đại tràng, người bệnh không nên sử dụng các loại thức ăn hoặc đồ uống có màu đỏ, vì có thể gây nhầm lẫn với tình trạng xuất huyết tiêu hóa.
– Người bệnh cần nhịn ăn từ 6 giờ đến 8 giờ, nhịn uống ít nhất 2 giờ trước khi nội soi.
– Hãy thông báo với bác sĩ tiền sử dị ứng thuốc, tiền sử bệnh lý của bản thân và các loại thuốc đang sử dụng.
– Giữ tinh thần thoải mái, thư giãn, thực hiện đúng theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
– Uống thuốc tan bọt dạ dày trước khi nội soi dạ dày, uống thuốc nhuận tràng mạnh (hoặc thực hiện thụt tháo đại tràng) trước khi nội soi đại tràng. Những việc này nhằm giúp làm sạch niêm mạc đường tiêu hóa, thuận tiện cho bác sĩ quan sát phát hiện các bất thường, tổn thương.
– Sau khi nội soi, người bệnh không nên khạc nhổ, không nên ăn uống các thực phẩm nóng, khó tiêu.
4. Vai trò của nội soi tiêu hóa trong phát hiện ung thư sớm
Nội soi được coi là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán các bệnh lý tại đường tiêu hóa trên (thực quản, dạ dày tá tràng) và đường tiêu hóa dưới (đại trực tràng, hậu môn). Đặc biệt, nội soi giúp phát hiện sớm và rất sớm ung thư tại các cơ quan này, tăng hiệu quả điều trị.
Cụ thể, ý nghĩa của nội soi trong chẩn đoán sớm ung thư đường tiêu hóa gồm:
– Phát hiện các tổn thương nghi ngờ, tiến hành sinh thiết để xác định sự có mặt của tế bào ung thư.
– Công nghệ nội soi hiện đại (như nội soi dải tần ánh sáng hẹp NBI, nội soi nhuộm màu, nội soi siêu âm) giúp phát hiện ung thư từ khi mới khu trú ở hệ thống mao mạch nuôi dưỡng lớp niêm mạc.
– Tăng hiệu quả điều trị ung thư đường tiêu hóa, kéo dài thời gian sống sau khi điều trị.
– Thực hiện đơn giản, nhanh chóng, bác sĩ có thể can thiệp để loại bỏ tổ chức ung thư ngay trong quá trình nội soi. Điều này giúp người bệnh tránh được các biến chứng nguy hiểm, rút ngắn thời gian hồi phục.
– Nội soi phát hiện sớm ung thư giúp tiết kiệm thời gian và chi phí điều trị bệnh.
5. Kết luận
Như vậy, nội soi tiêu hóa là thăm dò chức năng có vai trò quan trọng trong chẩn đoán các bệnh lý đường tiêu hóa, bao gồm cả ung thư. Mỗi người cần chủ động nội soi ngay khi có triệu chứng bất thường. Bên cạnh đó, bạn cũng nên nội soi định kỳ ngay cả khi không có triệu chứng cảnh báo. Thói quen này giúp kiểm soát hiệu quả sức khỏe dạ dày – đại tràng, phát hiện sớm các bệnh lý, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.