Bệnh viêm ruột thừa là cấp cứu ngoại khoa thường gặp liên quan đến tiêu hóa. Đây là bệnh lý cần được chẩn đoán đúng và điều trị sớm trong 24 giờ kể từ khi bắt đầu đau, nhằm ngăn ngừa các biến chứng nặng nề. Bài viết sau sẽ cung cấp đến bạn đọc thông tin về triệu chứng, các chẩn đoán và điều trị viêm ruột thừa.
Bạn đang đọc: Bệnh viêm ruột thừa: Cách chẩn đoán và điều trị
1. Sơ lược về bệnh viêm ruột thừa
Đối với viêm ruột thừa cấp tính, tình trạng vỡ mủ thường xảy ra sau 24 giờ. Tuy nhiên một số trường hợp có thể vỡ mủ sau 12 giờ, thậm chỉ sau 6 giờ kể từ khi người bệnh khởi phát cơn đau. Thực tế lâm sàng cho thấy, không thể xác định cụ thể thời điểm ruột thừa viêm cấp sẽ vỡ mủ.
Nếu xử trí chậm, viêm ruột thừa cấp có thể diễn biến nguy hiểm, gây các biến chứng trầm trọng như: viêm phúc mạc, áp-xe ruột thừa trong ổ bụng,… Các biến chứng viêm ruột thừa có thể đe dọa tính mạng người bệnh, với tỷ lệ tử vong khoảng 0.2 – 0.8%. Tiên lượng của người bệnh viêm ruột thừa cấp phụ thuộc vào nhiều yếu tố gồm: thể lâm sàng của bệnh, tuổi tác người bệnh, các bệnh lý nội khoa kèm theo,…
Viêm ruột thừa mạn tính thường hiếm gặp, khởi phát là viêm ruột thừa cấp tính sau đó thoái lui. Căn nguyên của bệnh là do lòng ruột thừa bị tắc nghẽn rồi tự thông, lặp lại nhiều lần. Người bệnh vẫn có thể sinh hoạt và làm việc bình thường nhưng thường cảm thấy đau bụng ê ẩm, khó chịu.
Các nguyên nhân gây viêm ruột thừa thường gặp có thể kể đến như:
– Tắc nghẽn lòng ruột thừa do giun sán, sỏi, phân, khối u, các hạch bạch huyết tăng sản,…
– Loét ở niêm mạc gây thương tổn viêm, dẫn đến nhiễm khuẩn ở thành ruột thừa.
– Các vi khuẩn như: E.coli, Bacteroides Fragilis.
2. Triệu chứng viêm ruột thừa
2.1. Triệu chứng cơ năng
– Đau âm ỉ khu trú vùng hố chậu phải là triệu chứng điển hình của bệnh.
– Chán ăn cũng là biểu hiện thường gặp ở hầu hết người bệnh.
– Buồn nôn và nôn được thống kê xảy ra ở khoảng 75% người bệnh. Triệu chứng nôn không đặc hiệu.
2.2. Triệu chứng toàn thân bệnh viêm ruột thừa
– Cơ thể mệt mỏi, uể oải.
– Triệu chứng sốt, nhiệt độ có thể không cao, chỉ 37.3 – 38 độ C.
– Dấu hiệu nhiễm trùng, hơi thở hôi, môi khô, lưỡi bẩn.
Tìm hiểu thêm: Cắt trĩ laser cần lưu ý điều gì ? – Góc giải đáp
2.3. Triệu chứng thực thể
Người bệnh sẽ đau nhiều nhất khi ấn bụng ở các vị trí sau đây:
– Điểm Mcburney: Điểm đau ở 1/3 ngoài đường nối giữa rốn và gai chậu trước trên bên phải.
– Điểm Clado: Điểm đau giao cắt đường nối giữa rốn và gai chậu trước trên bên phải với bờ ngoài cơ thẳng to.
– Điểm Lanz: Điểm đau ở 1/3 ngoài bên phải của đường nối 2 gai chậu trước trên, trùng với điểm niệu quản giữa bên phải.
Đặc biệt, nếu có dấu hiệu phản ứng thành bụng gồng cơ ở vùng này khi ấn thì giá trị chẩn đoán sẽ càng cao.
3. Chẩn đoán bệnh viêm ruột thừa
Để chẩn đoán xác định viêm ruột thừa, bác sĩ thường dựa vào các triệu chứng cơ năng và thực thể như:
– Đau bụng âm ỉ khu trú vùng hố chậu phải, dấu hiệu nhiễm trùng, sốt.
– Đau vùng hố chậu phải khi ấn, có phản ứng thành bụng.
Các phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng được ứng dụng phổ biến gồm:
– Xét nghiệm công thức máu: Phát hiện số lượng bạch cầu đặc biệt là bạch cầu đa nhân trung tính) tăng.
– Siêu âm bụng: Hình ảnh siêu âm cho thấy ruột thừa tăng kích thước hoặc có hiện tượng thâm nhiễm mỡ – dịch quanh ruột thừa. Phương pháp này có độ nhạy từ 78 – 85% và độ đặc hiệu 80 – 95% trong chẩn đoán viêm ruột thừa.
– Chụp X-quang bụng: Đây là chẩn đoán hình ảnh ít có giá trị trong chẩn đoán viêm ruột thừa. Tuy nhiên, chụp X-quang rất có giá trị trong phát hiện các bệnh lý phối hợp như thủng dạ dày, tắc ruột.
– Chụp cắt lớp vi tính ổ bụng: Thường chỉ áp dụng với những trường hợp quá khó, ít sử dụng đại trà do giá thành cao. Đây là công cụ hữu hiệu để chẩn đoán xác định viêm ruột thừa, phân biệt với các viêm nhiễm vùng tiểu khung và hố chậu.
– Nội soi ổ bụng: Phương pháp này không chỉ giúp chẩn đoán và còn có khả năng điều trị viêm ruột thừa.
4. Điều trị viêm ruột thừa
Viêm ruột thừa có thể được điều trị bằng phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa hoặc phương pháp không phẫu thuật.
4.1. Phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa
Bác sĩ có thể thực hiện cuộc phẫu thuật hở (phẫu thuật mở bụng) bằng cách rạch từ 5 – 10cm da vùng bụng. Ngoài ra, ruột thừa còn có thể được cắt bỏ thông qua một vài vết rạch da nhỏ ở bụng (phẫu thuật nội soi bụng). Với phương pháp phẫu thuật nội soi, bác sĩ phẫu thuật sẽ đưa một ống quang video ghi hình và những thiết bị chuyên dụng vào ổ bụng của người bệnh để cắt bỏ ruột thừa.
Phẫu thuật nội soi thường giúp đẩy nhanh quá trình hồi phục, vết thương ít đau và hạn chế để lại sẹo. Phương pháp này được ưu tiên áp dụng đối với người bệnh cao tuổi hoặc người béo phì.
Tuy nhiên phẫu thuật nội soi không thích hợp cho mọi trường hợp. Nếu ruột thừa đã bị vỡ, nhiễm trùng đã lan ra ngoài hoặc đã có áp-xe hình thành quanh ruột thừa, người bệnh sẽ được chỉ định phẫu thuật mở bụng để cắt bỏ ruột thừa và làm sạch khoang bụng. Ở trường hợp này, bác sĩ sẽ đặt ống dẫn lưu thông qua thành bụng đến ổ áp-xe để dẫn mủ ra ngoài. Vài tuần sau khi đã kiểm soát ổn định nhiễm trùng, phẫu thuật cắt ruột thừa có thể được thực hiện.
>>>>>Xem thêm: Viêm loét trào ngược dạ dày có liên quan gì không?
4.2. Điều trị bệnh viêm ruột thừa không bằng phẫu thuật
Nếu người bệnh chỉ có một vài triệu chứng viêm ruột thừa và được đánh giá không cần phẫu thuật ngay lập tức, người bệnh có thể được điều trị bằng kháng sinh để theo dõi diễn tiến cải thiện. Điều trị bằng thuốc kháng sinh có thể có hiệu quả trong trường hợp viêm ruột thừa không phức tạp, nhưng bệnh lại có khả năng tái phát.
Bệnh viêm ruột thừa thường gặp nhất ở độ tuổi từ 15 – 40 tuổi. Trên đây là các triệu chứng, cách chẩn đoán và điều trị của bệnh. Hãy thăm khám tại cơ sở y tế uy tín ngay khi có các dấu hiệu cảnh báo viêm ruột thừa để được điều trị kịp thời, đảm bảo an toàn.