Trĩ ngoại là bệnh lý lành tính nhưng nếu không được can thiệp kịp thời và đúng cách, bệnh có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng đối với đường tiêu hóa. Phát hiện bệnh càng muộn thì việc điều trị càng trở nên khó khăn và tốn kém. Bài viết sau sẽ cung cấp đến bạn đọc thông tin về cách chẩn đoán, cách điều trị trĩ ngoại cũng như giải pháp phòng ngừa bệnh lý khó chịu này.
Bạn đang đọc: Cách điều trị trĩ ngoại và cách phòng bệnh hiệu quả
1. Chẩn đoán trĩ ngoại
Bệnh trĩ xuất phát từ tĩnh mạch dưới đường lược được gọi là trĩ ngoại. Bệnh có thể đi kèm với trĩ nội và tạo thành trĩ hỗn hợp. Trĩ ngoại gồm trĩ ngoại búi hoặc kết vòng hậu môn. Người bệnh có thể gặp phải nhiều triệu chứng khó chịu như đau, ngứa, chảy máu,…
1.1. Chẩn đoán lâm sàng
Trĩ ngoại được phát hiện bằng cách quan sát vùng hậu môn. Bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán bệnh trĩ ngoại khi phát hiện một số triệu chứng:
– Các búi phồng to màu đỏ sẫm xuất hiện ở hậu môn, bên trong có cục máu đông với nhiều mạch máu chồng chéo, có lớp da che phủ.
– Hậu môn ngứa ngáy, đau, nóng rát khi người bệnh đại tiện hoặc âm ỉ cả ngày, đặc biệt là khi ngồi.
– Đi ngoài ra máu đỏ tươi hoặc thấy búi trĩ sa ra ngoài hậu môn.
1.2. Chẩn đoán cận lâm sàng
Các triệu chứng của trĩ ngoại tương tự với nhiều bệnh lý khác như: nứt hậu môn, ung thư hậu môn, áp-xe quanh hậu môn, mụn thịt, ung thư đại trực tràng, bệnh viêm ruột (IBD),… Do đó, để có thể chẩn đoán bệnh chính xác, bác sĩ cần thăm khám chuyên sâu và kiểm tra bằng các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh.
Nội soi đại tràng và đại tràng sigma là phương pháp chẩn đoán trĩ ngoại được ứng dụng phổ biến. Kỹ thuật nội soi có giá trị loại trừ các nguyên nhân khác như: viêm ống hậu môn, nứt ống hậu môn, khối u hoặc polyp hậu môn – trực tràng, ung thư đại trực tràng,…
2. Điều trị trĩ ngoại
2.1. Cách điều trị trĩ ngoại – Phương pháp nội khoa
– Người bệnh xây dựng thực đơn giàu chất xơ, ăn nhiều trái cây, rau củ và ngũ cốc nguyên hạt.
– Dùng thuốc bôi hoặc thuốc cải thiện tuần hoàn máu theo tư vấn của bác sĩ (như hydrocortisone hoặc kem có chứa thành phần cây phỉ) giúp giảm tình trạng ngứa, rát.
– Ngâm hậu môn trong nước ấm từ 2 – 3 lần/ngày, mỗi lần từ 10 – 15 phút. Làm sạch hậu môn sau khi đại tiền bằng khăn ướt hoặc miếng bông. Chườm hậu môn bằng đá lạnh cũng là 1 cách giúp giảm sưng đau.
– Tránh ngồi quá lâu, nên ngồi gối khoét lỗ khi làm việc trong thời gian dài. Cần tăng cường vận động nhưng tránh vận động nặng.
– Dùng các thuốc giảm đau không kê đơn khi có sự đồng ý của bác sĩ (như ibuprofen hoặc acetaminophen, aspirin) để giảm triệu chứng đau và khó chịu.
– Bổ sung thực phẩm giàu collagen như: cá hồi, cá ngừ, rong biển,…
– Người bệnh có thể được chỉ định dùng một số loại thuốc làm tăng độ bền thành mạch để cải thiện bệnh. Tuy nhiên hiệu quả của loại thuốc này không thấy rõ như trĩ nội.
Tìm hiểu thêm: Tại sao trào ngược dạ dày ù tai? Cách điều trị
2.2. Cách điều trị trĩ ngoại – Phương pháp ngoại khoa
Phương pháp này được áp dụng trong điều trị trĩ ngoại giai đoạn nặng, búi trĩ đã sa hoàn toàn ra ngoài. Búi trĩ ngoại không thể tự co lên gây đau đớn và có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như: sa nghẹt búi trĩ, trĩ hoại tử, ảnh hưởng chức năng vùng hậu môn,… Do đó búi trĩ cần phải được cắt bỏ càng sớm càng tốt.
Phẫu thuật cắt trĩ được ứng dụng phổ biến hiện nay là cắt trĩ Milimorn Morgan và cắt trĩ Longo.
– Milimorn Morgan là phương pháp truyền thống tác động trực tiếp lên búi trĩ, được thực hiện nhanh chóng và đơn giản. Từng búi trĩ được cắt riêng rẽ, sau đó bác sĩ sẽ khâu các mảnh da còn lại. Việc cắt trực tiếp có thể khiến người bệnh bị đau sau mổ. Thời gian hồi phục thường kéo dài hơn so với các phương pháp khác.
– Cắt trĩ Longo không tác động trực tiếp vào búi trĩ. Thay vào đó, bác sĩ sẽ cắt một khoanh dài trên đường lược bằng súng tự động. Lúc này, các búi trĩ không thể phát triển do không còn nguồn cung cấp máu, chúng sẽ co dần lại. Bác sĩ sẽ khâu treo phần niêm mạc để ổn định lại vùng hậu môn. Phương pháp Longo ít gây đau do tác động tại vùng vô cảm. Người bệnh cũng có thể sớm xuất viện sau cắt và phục hồi nhanh chóng.
>>>>>Xem thêm: 5 vị trí đau bụng không nên chủ quan
3. Giải pháp phòng tránh bệnh trĩ ngoại
Bạn có thể tham khảo các phương pháp sau đây để phòng ngừa bệnh trĩ nói chung:
– Chế độ ăn giàu chất xơ, bao gồm chất xơ tan và không tan; bổ sung các loại rau củ quả, thực phẩm giàu collagen (cá hồi, ngừ, rong biển…).
– Uống đủ nước mỗi ngày, trung bình 2 lít/ngày.
– Hạn chế đồ ăn cay nóng.
– Không nên ngồi quá lâu, mỗi 30 phút nên đứng dậy đi lại 1 lần.
– Tập thể dục 30 phút mỗi ngày để kích thích nhu động ruột, nhưng tránh vận động nặng gây áp lực lên vùng trực tràng – hậu môn.
– Khi đại tiện tránh ngồi quá lâu, tránh rặn mạnh.
– Tránh uống rượu bia.
– Tránh mặc quần chật khiến vùng hậu môn bị cọ xát gây tổn thương.
– Phụ nữ mang thai là đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh trĩ, cần đặc biệt chú ý trong việc ăn uống và sinh hoạt để phòng bệnh.
– Thăm khám sức khỏe định kỳ để kiểm soát hiệu quả các bệnh lý. Người bệnh cần gặp bác sĩ ngay khi gặp các vấn đề bất thường tại vùng hậu môn.
Cách điều trị trĩ ngoại phụ thuộc và tình trạng cụ thể của từng người bệnh. Hãy chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh để ngăn ngừa bệnh lý khó chịu này. Người mắc bệnh trĩ ngoại cần thăm khám và điều trị tại cơ sở y tế uy tín để đẩy lùi bệnh nhanh chóng và hiệu quả.