Chức năng của thực quản là đưa thức ăn từ họng xuống dạ dày để tiêu hóa. Cơ quan này dễ bị tổn thương vì thói quen ăn uống không lành mạnh, gây ra các vấn đề như: viêm thực quản, trào ngược thực quản,… Nội soi thực quản là phương pháp tốt nhất để chẩn đoán và theo dõi các bệnh lý tại đây. Ý nghĩa cụ thể của nội soi và các bước thực hiện sẽ được nêu rõ trong bài viết này.
Bạn đang đọc: Nội soi thực quản có vai trò gì và thực hiện như thế nào?
1. Nội soi thực quản và các thông tin cơ bản
1.1. Nội soi thực quản là gì?
Đây là kỹ thuật sử dụng một dây soi có gắn camera và đèn đi qua họng xuống thực quản để quan sát. Ống nội soi mềm và có đường kính nhỏ, có thể dễ dàng di chuyển thăm dò bên trong đường tiêu hóa. Phương pháp này giúp bác sĩ phát hiện những bất thường rất nhỏ tại thực quản và có thể can thiệp điều trị ngay trong trường hợp cần thiết.
Các phương pháp nội soi chính hiện nay là nội soi tiêu chuẩn – hay nội soi qua đường miệng không gây mê, nội soi không đau – hay nội soi gây mê, và nội soi qua đường mũi.
- Nội soi giúp phát hiện các bệnh lý thực quản
1.2. Nội soi thực quản có khó chịu không?
Trước đây, rất nhiều người sợ hãi nội soi tiêu hóa vì ám ảnh cảm giác đau đớn, buồn nôn, khó chịu. Đây là những trải nghiệm có thể gặp ở phương pháp nội soi tiêu chuẩn. Ống nội soi được đưa vào miệng xuống thực quản khi người bệnh đang tỉnh táo, gây kích thích do dây soi chạm vào vòm họng, đáy lưỡi.
Tuy nhiên với sự phát triển của y học hiện đại, người bệnh sẽ có trải nghiệm êm ái và dễ chịu với nội soi qua đường mũi và nội soi không đau. Ống nội soi đi qua đường mũi không chạm vào vòm khẩu cái, dù người bệnh tỉnh táo nhưng không hề cảm thấy khó chịu.
Trong khi đó, nội soi không đau lại gây mê tĩnh mạch giúp người bệnh ngủ ngon. Khi dây soi qua đường miệng xuống thực quản sẽ không gây ra bất kỳ cảm giác khó chịu nào cho người bệnh.
2. Trường hợp cần nội soi thực quản
Khi phát hiện các dấu hiệu sau, bạn hãy nội soi ngay để kịp thời phát hiện và chữa trị các bất thường, bệnh lý:
– Thường xuyên đau vùng thượng vị, ăn uống giảm sút.
– Buồn nôn, ợ hơi, ợ chua.
– Nuốt vướng, nuốt nghẹn, cảm giác có dị vật ở thực quản.
– Nóng rát thực quản, khó thở.
Bên cạnh đó, bạn vẫn có thể thực hiện nội soi để tầm soát sức khỏe tiêu hóa kể cả khi không có triệu chứng bất thường. Việc kiểm tra định kỳ giúp sàng lọc và kiểm soát hiệu quả các bệnh lý thực quản, tránh biến chứng nguy hiểm.
Tìm hiểu thêm: Ợ chua sau ăn có phải hiện tượng bình thường
3. Ý nghĩa của nội soi thực quản
Phương pháp thăm dò chức năng này có giá trị quan trọng đối với phát hiện các bất thường ở thực quản. Thông qua nội soi, bác sĩ có thể phát hiện các tổn thương, bệnh lý như sau:
– Tình trạng viêm, loét tại thực quản; barrett thực quản.
– Xuất huyết tại ống thực quản.
– Trào ngược dạ dày – thực quản: Là tình trạng acid hoặc thực ăn từ dạ dày bị rò rỉ ngược lại thực quản.
– Bệnh co thắt thực quản bắt nguồn từ sự co giãn không hiệu quả của cơ trơn thực quản, làm cản trở thức ăn di chuyển xuống dạ dày.
– Các mô phát triển không bình thường, các khối u bên trong thực quản.
Thêm vào đó, trong quá trình quan sát niêm mạc, bác sĩ có thể thực hiện các thủ thuật can thiệp như: nong thực quản, cầm máu, lấy dị vật, sinh thiết,…
4. Quy trình thực hiện nội soi
Trước khi tiến hành nội soi, người bệnh sẽ được bác sĩ tư vấn không ăn uống bất cứ thứ gì trong vòng 6 – 8 giờ. Thông thường quá trình nội soi sẽ gồm các bước như sau:
– Bước 1: Người bệnh thăm khám, kiểm tra lâm sàng thực quản với bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa. Sau đó, người bệnh có thể thực hiện thêm một số xét nghiệm cận lâm sàng được bác sĩ yêu cầu.
– Bước 2: Người bệnh hoàn thành hồ sơ nội soi, cung cấp các thông tin về bệnh sử, dị ứng và các thông tin liên quan khác.
– Bước 3: Tiến hành nội soi. Với phương pháp không đau, người bệnh sẽ được gây mê tĩnh mạch. Trong khi đó, người bệnh nội soi tiêu chuẩn hoặc nội soi đường mũi có thể được phun thuốc gây tê cục bộ vào miệng hoặc mũi.
– Bước 4: Nhận kết quả nội soi thực quản và quay lại phòng khám ban đầu để được đọc kết quả cùng bác sĩ.
– Bước 5: Bác sĩ đưa ra chẩn đoán chính xác về tình trạng thực quản của người bệnh. Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị cho từng trường hợp bệnh.
>>>>>Xem thêm: Viêm tá tràng triệu chứng và những điều cần biết
5. Những rủi ro có thể xảy ra khi nội soi
Nội soi đường tiêu hóa nói chung là kỹ thuật thăm khám hiện đại, an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên, một số rủi ro vẫn có thể xảy ra nhưng với khả năng rất thấp.
– Một số trường hợp người bệnh có thể bị chảy máu khi bác sĩ thực hiện sinh thiết tế bào.
– Người bệnh có thể cảm thấy chướng bụng, đau họng, đầy hơi, nhưng chúng sẽ biến mất rất nhanh. Để giảm cảm giác khó chịu, người bệnh nên ăn các thực phẩm mềm lỏng, dễ tiêu hóa.
– Các triệu chứng nặng cần liên hệ ngay với bác sĩ gồm: Nuốt khó sau 24 giờ kể từ khi kết thúc nội soi, không thể ăn uống được; nôn; chóng mặt, ngất xỉu; đau nhói vùng bụng; có máu trong phân;…
– Dị ứng thuốc tê, thuốc gây mê khi thực hiện nội soi với biểu hiện: Tụt huyết áp, khó thở, tim đập chậm, ra nhiều mồ hôi,… Trường hợp này người bệnh cần lập tức đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí.
Như vậy, nội soi thực quản có vai trò quan trọng trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý, bất thường tại thực quản. Người bệnh cần cân nhắc thực hiện nội soi ở các cơ sở y tế uy tín, có đội ngũ bác sĩ giỏi nhiều năm kinh nghiệm và thiết bị hiện đại. Đây chính là yếu tố quyết định hiệu quả của quá trình thăm khám, chẩn đoán và chữa trị các bệnh lý thực quản.