Nội soi đại tràng gây mê đang được rất nhiều người bệnh lựa chọn vì êm ái, an toàn, không để lại ám ảnh tâm lý. Cùng tìm hiểu chi tiết xem có mấy phương pháp nội soi gây mê. Cũng như bạn cần lưu ý gì để quá trình nội soi diễn ra thuận lợi, chính xác nhất?
Bạn đang đọc: Nội soi đại tràng gây mê là gì và lưu ý khi thực hiện
1. Nội soi đại tràng gây mê là gì?
Nội soi đại tràng là phương pháp giúp kiểm tra tình trạng bên trong niêm mạc đại tràng. Bác sĩ sử dụng một ống soi mềm có gắn camera ở trên đầu để đưa vào đại tràng người bệnh và hình ảnh sẽ được truyền phát lên màn hình. Bác sĩ theo dõi và chẩn đoán các tổn thương bệnh lý bên trong cơ quan này như: viêm loét, HP, polyp, ung thư,…
Nội soi gây mê là phương pháp mà người bệnh sẽ được sử dụng thuốc mê trước khi tiến hành nội soi. Trước đây với nội soi truyền thống không sử dụng thuốc mê, người bệnh sẽ tỉnh táo và phải trải qua cảm giác đau đớn khó chịu trong suốt quá trình nội soi.
Điều này khiến nhiều người có định kiến, sợ hãi và e dè khi nhắc đến nội soi. Đặc biệt đại tràng là cơ quan có nhiều đoạn gập góc nên nếu nội soi thường, người bệnh sẽ rất khó chịu. Vì thế nội soi đại tràng gây mê chính là giải pháp giúp bệnh nhân chìm vào giấc ngủ êm ái, không hề thấy đau đớn buồn nôn khi nội soi.
2. Ưu điểm nội soi gây mê
Nội soi đại tràng gây mê là phương pháp được nhiều người tin chọn vì những ưu điểm sau:
– Giúp người bệnh trải nghiệm nội soi không đau, không khó chịu, không buồn nôn.
– Không để lại bóng đen tâm lý, người bệnh không lo lắng run sợ khi nội soi.
– Quá trình gây mê khi nội soi ngắn, liều lượng thấp nên không gây suy giảm trí nhớ và không ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.
– Bệnh nhân đi vào giấc ngủ êm ái, nằm im không cử động trong khi nội soi. Nhờ vậy hình ảnh truyền phát rõ nét không mờ nhòe. Việc thực hiện các thủ thuật bao gồm sinh thiết, cắt polyp,.. cũng dễ dàng nhanh chóng hơn.
– Việc người bệnh nằm im cũng giúp tránh xây xước tổn thương niêm mạc đại tràng khi nội soi.
– Nội soi gây mê không làm sai lệch kết quả chẩn đoán bệnh lý đại tràng.
3. Các phương pháp nội soi gây mê
Tìm hiểu thêm: Viêm đại tràng có nên ăn chuối không?
3.1. Nội soi gây mê thủ công
Đây là phương pháp gây mê phổ biến khi thực hiện nội soi đại tràng nói riêng, nội soi tiêu hóa nói chung tại các cơ sở y tế. Trước khi tiến hành gây mê, bệnh nhân sẽ được thăm khám với bác sĩ. Bác sĩ sẽ chỉ định lại thuốc mê và liều lượng phù hợp. Đặc biệt với những người có tiền sử huyết áp, hô hấp, tim mạch thì bác sĩ sẽ cần khám và tư vấn kỹ càng. Tiếp đến, bác sĩ sẽ trực tiếp thực hiện thao tác truyền thuốc gây mê qua đường tĩnh mạch người bệnh. Sau khoảng 5 – 7 phút, thuốc sẽ phát huy tác dụng, người bệnh chìm vào giấc ngủ. Đây cũng là thời điểm quá trình nội soi chính thức diễn ra.
Một nhược điểm nhỏ của nội soi gây mê thủ công đó là có trường hợp thuốc mê liều lượng chưa đủ, quá trình gây mê gián đoạn. Người bệnh tỉnh dậy bất chợt khi quá trình nội soi chưa kết thúc. Lúc này bác sĩ sẽ phải tiến hành gây mê thêm.
3.2. Nội soi gây mê bằng máy bơm tiêm điện tự động
Đây là phương pháp gây mê hiện đại, an toàn hơn, đảm bảo quá trình gây mê diễn ra liên tục trơn tru. Trước khi tiến hành, người bệnh cũng sẽ thăm khám để được bác sĩ chỉ định loại thuốc mê thích hợp. Tiếp đó bác sĩ sẽ tiến hành nhập giới tính, chiều cao, cân nặng, tuổi của bệnh nhân vào máy bơm tiêm điện tự động. Máy sẽ phân tích những thông tin trên và tính toán lượng thuốc mê chính xác với từng người. Thuốc mê được truyền qua đường tĩnh mạch và bạn sẽ tỉnh mê ngay khi quá trình nội soi khép lại.
>>>>>Xem thêm: Mổ ruột thừa có nguy hiểm không?
4. Lưu ý trước khi tiến hành nội soi đại tràng gây mê
Vì đảm bảo an toàn cao nhất cho người bệnh khi gây mê, bác sĩ sẽ đưa ra những yêu cầu nghiêm ngặt và bạn cần tuân thủ theo:
Người bệnh bắt buộc phải thăm khám với bác sĩ để được chỉ định thuốc mê liều lượng phù hợp. Với người có tiền sử bệnh tật huyết áp tim mạch hoặc đang dùng các loại thuốc đặc biệt, bác sĩ sẽ điều chỉnh lượng thuốc mê.
Trước khi đến nội soi, người bệnh cần nhịn ăn ít nhất từ 6 tiếng và thực hiện làm sạch đại tràng tại nhà. Việc này giúp bác sĩ có thể quan sát chính xác tình trạng niêm mạc đại tràng. Ngày hôm trước, người bệnh nên ăn các món ăn lỏng như cháo, súp, tránh các thực phẩm và nước uống có màu.
Sau khi thực hiện nội soi đại tràng gây mê xong, điều dưỡng sẽ tiến hành đo lại huyết áp để đảm bảo sức khỏe của bạn đã ổn định trở lại.
1 số đối tượng không nên tiến hành nội soi gây mê bao gồm:
– Người huyết áp cao, thiếu máu não và mắc bệnh động mạch vành.
– Người bệnh trĩ giai đoạn nặng
– Người có dấu hiệu xuất huyết tiêu hóa cấp tính, đường tiêu hóa bị tụ huyết
– Bệnh nhân mới trải qua phẫu thuật đường ruột trong thời gian gần đây
– Trường hợp viêm nhiễm do phẫu thuật ruột
Trên đây là các thông tin xoay quanh phương pháp nội soi đại tràng gây mê. Hy vọng bài viết hữu ích, giúp bạn chọn được phương pháp nội soi kiểm tra đại tràng phù hợp.