Sa trực tràng kiểu túi là bệnh lý xảy ra phổ biến ở phụ nữ trong độ tuổi trung niên do bị ảnh hưởng bởi quá trình sinh đẻ hoặc lão hóa. Bệnh tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống thường ngày.
Bạn đang đọc: Sa trực tràng kiểu túi: nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
1. Sa trực tràng kiểu túi là gì?
Ở nữ giới, âm đạo và trực tràng ngăn cách nhau bởi một bức tường vững chắc của mô xơ được gọi là màng cơ. Khi bức tường này bị suy yếu sẽ tạo một túi phình về phía âm đạo. Hiện tượng này gọi là sa trực tràng kiểu túi hay thoát vị thành trực tràng (tên tiếng anh là Rectocele).
Đối tượng chủ yếu của bệnh là nữ giới, đặc biệt phụ nữ trung niên đã trải qua nhiều lần sinh nở, những người bị ho mạn tính, táo bón mạn tính và thường xuyên làm việc nặng nhọc.
Bệnh không nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây cảm giác khó chịu và ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
2. Nguyên nhân gây bệnh sa trực tràng kiểu túi
Theo các chuyên gia, bệnh sa trực tràng kiểu túi được xem là kết quả của sự suy yếu sàn chậu. Các cấu trúc vùng chậu bị suy yếu xảy ra do hậu quả của việc cắt bỏ tầng sinh môn trong những lần sinh qua ngã âm đạo hoặc do tuổi cao.
Trong quá trình sinh nở, phần đầu của thai nhi khi đi qua âm đạo có thể khiến dây chằng và mạc nâng đỡ nằm ở vách ngăn giữa trực tràng và âm đạo bị tổn thương, giãn căng và bị phình về phía âm đạo.
Ngoài ra, tình trạng táo bón kéo dài, ho mãn tính hay công việc lao động nặng cũng có thể là nguyên nhân gây suy yếu sàn chậu, tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển.
Một số yếu tố nguy cơ:
– Di truyền: Một số người sinh ra đã có các mô liên kết yếu ở vùng xương chậu. Đây là nguy cơ khiến họ phát triển bệnh sau sinh.
– Lão hóa: Tuổi càng cao, các cơ quan trong cơ thể càng lão hóa. Các cơ ở thành trực tràng cũng bị suy yếu và phình giãn.
– Béo phì: Trọng lượng cơ thể lớn sẽ gây áp lực lớn lên các mô sàn chậu. Điều này có thể khiến chúng bị yếu dần đi, kiến nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
3. Các triệu chứng của bệnh sa trực tràng kiểu túi
Ở giai đoạn đầu của bệnh, kích thước khối thoát vị thành trực tràng khá nhỏ bên có thể không gây các dấu hiệu và triệu chứng đặc biệt. Tuy nhiên, khi tình trạng bệnh kéo dài và tiến triển nặng hơn thường gây ra các triệu chứng sau:
– Xuất hiện khối trong âm đạo, nhìn thấy rõ nhất khi đi đại tiện.
– Vùng trực tràng luôn cảm thấy căng tức.
– Táo bón, đi cầu gặp nhiều khó khăn. Người bệnh phải rặn mạnh và dùng tay đè ép vào âm đạo hoặc vùng tầng sinh môn để trợ giúp khi đi cầu.
– Cảm giác đi cầu không hết phân mà bị sót lại trong trực tràng.
– Đau đớn và khó chịu khi quan hệ tình dục
– Trong trường hợp bệnh nặng có thể gây chảy máu âm đạo, són phân hoặc thậm chí là trực tràng bị sa ra khỏi cửa âm đạo.
Ngoài ra, nhiều nữ giới khi bị sa âm đạo sau cũng có thể gặp phải tình trạng sa các cơ quan vùng chậu khác như sa bàng quang hoặc sa tử cung…
Tìm hiểu thêm: Trĩ nội độ 4: Cảnh báo nguy hiểm nếu không phẫu thuật sớm
4. Điều trị bệnh sa trực tràng kiểu túi
Căn cứ vào triệu chứng và mức độ nặng – nhẹ của bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định điều trị nội khoa hay phẫu thuật.
4.1. Điều trị sa trực tràng kiểu túi bằng nội khoa
Điều trị nội khoa thường chỉ định trong cách trường hợp khối sa có kích thước nhỏ hơn 2cm. Người bệnh cần điều chỉnh lại chế độ ăn uống, sinh hoạt hoặc có thể kết hợp sử dụng với một số loại thuốc để kiểm soát và khắc phục các triệu chứng của bệnh. Cụ thể:
Chế độ ăn uống:
– Bổ sung đủ nước cho cơ thể, khoảng 2-2,5l nước mỗi ngày.
– Tăng cường bổ sung lượng chất xơ trong khẩu phần ăn hàng ngày để làm mềm phân, chống táo bón và hỗ trợ việc đi cầu được thuận lợi. Các thực phẩm giàu chất xơ bao gồm rau xanh, các loại đậu và ngũ cốc nguyên hạt…
– Không ăn uống vội vàng hoặc ăn quá no, thực hiện ăn chậm – nhai khi để thức ăn tiêu hóa được nhanh hơn.
Chế độ sinh hoạt và lối sống:
– Duy trì thực hiện các bài tập giúp củng cố sức mạnh của cơ sàn chậu. Đồng thời giúp ngăn chặn bệnh tiến triển nặng hơn.
– Hạn chế ngồi xổm hoặc đứng quá lâu, nâng vác vật nặng quá sức, rặn mạnh khi đại tiện…để tránh gây áp lực lên khung sàn chậu.
– Kiểm soát tốt cân nặng ở mức độ cho phép bằng cách tăng cường luyện tập thể dục thể thao và duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học.
– Tích cực điều trị khi bị ho mãn tính, tránh để bệnh kéo dài hoặc tái phát liên tục.
Ngoài việc thay đổi chế độ ăn uống và lối sống, một số người bệnh có thể được bác sĩ chỉ định dùng kết hợp thêm thuốc nhuận tràng để điều trị táo bón, cải thiện vấn đề đại tiện. Tuy nhiên, loại thuốc này chỉ được sử dụng trong một khoảng thời gian ngắn hạn. Bởi nếu sử dụng lâu dài, người bệnh có thể bị lệ thuộc vào thuốc và gây nhiều tác dụng phụ không tốt cho sức khỏe.
Lưu ý: thông tin về thuốc điều trị nêu trên chỉ mang tính tham khảo. Người bệnh cần thăm khám với bác sĩ để được tư vấn cụ thể. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc khi không có chỉ định.
>>>>>Xem thêm: Chụp X quang đại tràng có cản quang tóm gọn nhiều bệnh lý
4.2. Điều trị sa trực tràng kiểu túi bằng phẫu thuật
Phẫu thuật được thực hiện trong những trường hợp bệnh nặng hoặc người bệnh không đáp ứng với điều trị nội khoa. Mục đích của phẫu thuật nhằm sửa chữa các thương tổn ở âm đạo, cắt bỏ đoạn trực tràng dài, củng cố vách ngăn của trực tràng hoặc đặt một mảnh ghép sau âm đạo.
4.3. Lưu ý sau phẫu thuật sa trực tràng kiểu túi.
Sau phẫu thuật, người bệnh có nguy cơ gặp một số biến chứng như:
– Chảy máu sau mổ và nhiễm trùng vết mổ.
– Đau kéo dài.
– Dính âm đạo.
– Hẹp trực tràng.
Để hạn chế các rủi ro và tăng nhanh khả năng phục hồi, người bệnh cần nghỉ ngơi nhiều, vệ sinh vết mổ đúng cách và thay băng hàng ngày, ăn uống và luyện tập theo đúng hướng dẫn của bác sĩ điều trị.
Sa trực tràng kiểu túi là bệnh thường gặp ở phụ nữ do bị ảnh hưởng bởi quá trình sinh nở và lão hóa. Mặc dù bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng những triệu chứng của bệnh gây cảm giác khó chịu và làm ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống. Do đó, nếu xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ, người bệnh nên đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và hướng dẫn phương pháp điều trị hiệu quả.