Viêm ruột thừa cấp là cấp cứu ngoại khoa hay gặp nhất. Viêm ruột thừa nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí gây tử vong.
Bạn đang đọc: Viêm ruột thừa cấp: Nguyên nhân, triệu chứng
1. Thế nào là viêm ruột thừa cấp?
Viêm ruột cấp là tình trạng viêm nhiễm cấp tính ở ruột thừa. Đây là một tron những cấp cứu ngoại khoa thường gặp nhất. Theo thống kê, cứ 1000 người thì có đến 4-5 người bị viêm ruột thừa trong suốt cuộc đời mình. Bệnh thường gặp nhất ở người trẻ tuổi (cao nhất trong khoảng từ 20-40 tuổi) và tỷ lệ nam cao hơn ở nữ.
Nếu được điều trị kịp thời, viêm ruột thừa cấp sẽ không có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài, ruột thừa bị viêm có thể bị vỡ. Khi ấy, phân sẽ lan tràn vào trong ổ bụng gây ra viêm phúc mạc, vô cùng nguy hiểm và có thể tử vong.
2. Nguyên nhân gây viêm ruột thừa cấp
Một số nguyên nhân chủ yếu gây ra viêm ruột thừa cấp bao gồm:
- Nhiễm khuẩn ruột thừa.
- Do sỏi phân, phân, muối canxi hoặc khối u (hiếm) làm ruột thừa bị tắc nghẽn, dẫn đến viêm và nhiễm trùng.
- Do tăng sản mô lympho có liên quan đến các bệnh như viêm ruột, nhiễm amip, Crohn, sởi, viêm đường hô hấp và bệnh tăng bạch cầu đơn nhân.
- Ngoài ra, bệnh còn có nguyên nhân do thức ăn vướng lại ở ruột thừa hoặc do giun đũa, do phì đại mô bạch huyết.
3. Viêm ruột thừa cấp có những triệu chứng nào?
Triệu chứng của viêm ruột thừa cấp bao gồm:
- Đau bụng: Đây là dấu hiệu phổ biến đầu tiên và luôn có. Cơn đau bụng bắt đầu lan toả ở vùng thượng vị và vùng rốn, mức độ đau vừa phải đan xen với những cơn đau trồi lên. Sau đó, cơn đau sẽ khu trú ở vùng hố chậu phải sau khoảng từ 4-6 giờ. Đau tăng khi bệnh nhân ho hoặc đi lại.
- Rối loạn tiêu hóa: bao gồm chán ăn, buồn nôn và nôn. Khoảng 75% bệnh nhân gặp tình trạng này.
- Sốt: Sốt thường đi kèm (khoảng 38 độ C) do tình trạng viêm nhiễm ở ruột thừa. Sốt cao do nhiễm trùng nặng nếu xảy ra biến chứng viêm phúc mạc.
- Ngoài ra, bệnh nhân còn có một số triệu chứng khác như: khó xì hơi, táo bón, đôi khi có thể lại bị tiêu chảy, bụng chướng, đi tiểu đau hoặc đi tiểu thường xuyên, tiểu ra máu…
Tìm hiểu thêm: Điều trị loét dạ dày: Đúng căn nguyên – Chuẩn phác đồ
4. Các biến chứng nguy hiểm của viêm ruột thừa
Nếu viêm ruột thừa cấp không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến các biến chứng sau:
- Viêm phúc mạc ruột thừa: Do ruột thừa bị vỡ chảy vào ổ bụng. Bệnh nhân có biểu hiện của nhiễm trùng nặng: sốt cao, môi khô, lưỡi bẩn. Xét nghiệm bạch cầu tăng cao. Chụp X-quang có dấu hiệu của tắc ruột cơ năng, thành ruột dày do có dịch. Siêu âm thấy dịch tự do trong ổ bụng, đặc biệt là ở hố chậu phải.
- Áp – xe ruột thừa: Ruột thừa bị vỡ nhưng dịch mủ được mạc nối và các quai ruột bao xung quanh làm hàng rào khu trú vùng viêm không lan ra ổ bụng. Khám thấy có một khối ở vùng hố chậu phải, bệnh nhân sốt cao 38 độ C hoặc hơn.
- Đám quánh ruột thừa: khi ruột thừa bị viêm, các quai ruột và mạc nối lớn bao bọc ruột thừa lại, không cho lan tràn vào ổ bụng. Bệnh nhân có biểu hiện đau hố chậu phải, sờ thấy một mảng cứng, không rõ ranh giới, ấn vào thấy đau.
5. Điều trị viêm ruột thừa cấp thế nào?
Hầu hết các bệnh nhân được chẩn đoán viêm ruột thừa đều cần phải được phẫu thuật càng sớm càng tốt. Trước khi mổ, bệnh nhân có thể được điều trị dự phòng bằng kháng sinh để phòng tránh nguy cơ gây nhiễm trùng vết mổ và áp – xe tồn lưu sau mổ.
5.1 Phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa
Có 2 phương pháp phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa: mổ mở cổ điển và mổ nội soi.
Phẫu thuật nội soi có nhiều ưu điểm như: giảm tỷ lệ nhiễm trùng vết mổ, ít đau sau mổ, thời gian nằm viện ngắn hơn so với mổ mở cổ điển. Ngoài ra, phẫu thuật mổ nội soi thích hợp trong trường hợp chẩn đoán viêm ruột thừa không chắc chắn (nội soi ổ bụng chẩn đoán), giúp bác sĩ quan sát trực tiếp tổn thương của các cơ quan khác trong ổ bụng nếu có. Tuy nhiên tùy từng trường hợp mà bác sĩ cân nhắc mổ nội soi hay không.
>>>>>Xem thêm: Bệnh viêm đại tràng chữa như thế nào?
Phẫu thuật mở cổ điển được thực hiện bằng cách rạch da vùng bụng dài từ 5 đến 10 cm. Phương pháp thường được áp dụng với các trường hợp ruột thừa bị vỡ và nhiễm trùng đã lan ra ngoài ruột thừa hoặc đã có áp xe. Khi đó, bệnh nhân có thể cần được phẫu thuật mở ổ bụng để cắt bỏ ruột thừa và làm sạch khoang bụng.
5.2 Điều trị viêm ruột thừa cấp không phẫu thuật
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, với những trường hợp viêm ruột thừa cấp không có biến chứng có thể được điều trị bằng kháng sinh với tỷ lệ thành công từ 80-90%. Tuy nhiên, những trường hợp này lại có tỷ lệ tái phát sau điều trị bảo tồn 1 năm không mổ lại khá cao, tới 30%. Do đó, đến nay, phẫu thuật ngoại khoa cắt ruột thừa vẫn là phương pháp được ưu tiên khi điều trị viêm ruột thừa cấp.
5.3 Biến chứng sau phẫu thuật viêm ruột thừa cấp
Viêm ruột thừa nếu được chẩn đoán và phẫu thuật sớm thì tỷ lệ tử vong và biến chứng thấp. Khi viêm ruột thừa đã vỡ thì biến chứng sau mổ tăng lên.
Các biến chứng sớm có thể xảy ra, bao gồm:
- Chảy máu: nguyên nhân là do bỏ sót hay tụt chỉ thắt động mạch ruột thừa.
- Viêm phúc mạc: do dịch mủ không được lấy hết sau phẫu thuật
- Áp-xe tồn lưu: do trong khi mổ lau rửa bụng không tốt.
- Rò manh tràng: do bục vết khâu gốc ruột thừa
- Nhiễm trùng vết mổ: là biến chứng gặp nhiều nhất, nhất là khi khoang bụng đã có mủ.
- Biến chứng muộn đáng ngại nhất là tắc ruột. Mà nguyên nhân là các quai ruột non dính vào nhau làm gập ruột hay do các dây chằng chẹn lấy một quai ruột. Biến chứng này có thể xảy ra trong trường hợp bệnh nhân được mổ khi đã có ổ áp xe hay viêm phúc mạc.
Trên đây là những thông tin cần thiết nhất về bệnh viêm ruột thừa cấp. Khi cơ thể có các dấu hiệu của ruột thừa bị viêm, bệnh nhân nên đi thăm khám ngay trước khi xảy ra các biến chứng nguy hiểm khác.