Ung thư đại tràng là gì? Triệu chứng của bệnh như thế nào? Làm sao để phát hiện sớm bệnh? Bài viết dưới đây sẽ giúp độc giả hiểu rõ hơn về căn bệnh nguy hiểm này.
Bạn đang đọc: Ung thư đại tràng là gì?
Ung thư đại tràng là gì?
Ung thư đại tràng là bệnh ung thư nguy hiểm thường gặp ở đường tiêu hóa và có tỷ lệ tử vong cao. Ung thư đại tràng hình thành ở ruột già, phần cuối của ống tiêu hóa. Đa phần khối u đều hình thành từ các u nhỏ sau đó mới tiến triển nặng hơn thành khối u ác tính bên trong đại tràng.
Hiện nay, nguyên nhân chính xác gây ung thư đại tràng vẫn chưa được kết luận cụ thể. Tuy nhiên có một vài yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh như:
- Tuổi tác: Ung thư đại tràng thường gặp ở người trên 40 tuổi
- Di truyền: Bệnh cũng hay gặp ở những người có người thân trong gia đình mắc ung thư đại tràng
- Tiền sử mắc các bệnh ở đại tràng như bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng.
- Do chế độ ăn uống: Nếu áp dụng chế độ ăn không khoa học, thường xuyên ăn những đồ ăn sẵn, nhiều dầu mỡ, chất bảo quản, thực phẩm không được chế biến sạch sẽ… sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư đại tràng.
- Thừa cân – béo phì: Đây cũng là nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư đại tràng
- Hút thuốc lá, rượu bia
Triệu chứng của bệnh như thế nào?
Ung thư đại tràng thường không có biểu hiện rõ ràng ở giai đoạn đầu. Khi bệnh tiến triển nặng hơn người bệnh sẽ thấy xuất hiện các triệu chứng như:
- Đau bụng: Cơn đau khi bị ung thư đại tràng thường không rõ ràng và dữ dội, người bệnh thường đau âm ỉ giống cơn đau khi viêm ruột thừa hoặc viêm đại tràng.
Tìm hiểu thêm: Ngứa hậu môn khi mang bầu
- Chảy máu đại tràng: Thường có biểu hiện là đi ngoài ra máu kèm theo căng tức, đau nhức, sưng và ngứa vùng xung quanh hậu môn. Những triệu chứng này rất giống với các bệnh lý ở đường tiêu hóa khác nên nhiều người còn chủ quan. Đây cũng là triệu chứng cảnh báo ung thư đại tràng.
- Thay đổi thói quen đại tiện: Ung thư đại tràng thường gây thay đổi trong thói quen đại tiện như tiêu chảy hoặc táo bón kéo dài, đại tiện nhiều lần, phân lỏng hoặc phân có kèm theo chất nhầy…
- Mệt mỏi, chóng mặt và khó thở không rõ nguyên nhân: Khi khối u được hình thành tại đại tràng, khối u phát triển to ra khiến máu trong đại tràng khó lưu thông nên khiến người bệnh thường xuyên mệt mỏi, khó thở.
- Giảm cân nhanh chóng và liên tục: Khi mắc ung thư đại tràng, hệ tiêu hóa của bệnh nhân cũng bị ảnh hưởng dẫn tới hấp thụ chất dinh dưỡng kém đi, lâu dần dẫn đến sút cân nhanh chóng.
Làm sao để phát hiện sớm ung thư đại tràng?
Ung thư đại tràng là bệnh nguy hiểm nên người bệnh cần đi khám ngay khi có các dấu hiệu vừa nêu trên. Tới bệnh viện bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám, kiểm tra và tư vấn phương pháp chữa trị phù hợp.
- Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ sờ nắn vùng bụng để tìm khối u, xác định vị trí đau và mức độ đau của người bệnh. Bên cạnh đó bác sĩ sẽ hỏi tiền sử bản thân và gia đình để chẩn đoán tình trạng sức khỏe.
>>>>>Xem thêm: Viêm phúc mạc: nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị
- Xét nghiệm máu: Để xác định chất chỉ điểm ung thư CEA
- Xét nghiệm tìm máu trong phân: Là bước chẩn đoán ban đầu nhằm xác định có bị ung thư đại tràng hay không. Tuy nhiên phương pháp này không thể khẳng định chính xác bệnh nên người bệnh cần làm các xét nghiệm chuyên sâu khác.
- Nội soi đại tràng: giúp quan sát toàn bộ đại tràng nhằm phát hiện sớm ung thư.
- Chụp X-quang: Giúp quan sát toàn diện đại tràng xem có sự hiện diện của các khối u và các tế bào ung thư không.
- Siêu âm, chụp CT/MRI/PET: Giúp xác định vị trí, kích thước và các tổ chức xung quanh khối u, xác định khối u có di căn không để đưa ra phương pháp chữa trị phù hợp
- Sinh thiết: Sinh thiết có thể được thực hiện trong quá trình nội soi đại tràng hoặc trong quá trình phẫu thuật.
Người bệnh cần tìm đến các bệnh viện uy tín để bác sĩ thăm khám, tư vấn và điều trị sớm bệnh (nếu có).
Để tìm hiểu thêm về bệnh ung thư đại tràng là gì, mời độc giả liên hệ theo số điện thoại 1900 558892 hoặc hotline 0936 388 288 để được hỗ trợ tốt nhất.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.